Lo ngại khủng hoảng kép từ xung đột Israel-Hamas

Thứ Sáu, 13/10/2023, 08:15

Tác động của tình trạng leo thang căng thẳng ở Trung Đông đối với nền kinh tế toàn cầu sẽ xuất hiện trên bàn nghị sự của một loạt các hội nghị do IMF, WB hay G7 tổ chức, trong bối cảnh xung đột giữa Israel và Hamas đang gián tiếp manh nha một cuộc khủng hoảng kép cả về nhân đạo lẫn kinh tế.

Reuters đưa tin, Thứ trưởng Tài chính Nhật Bản phụ trách các vấn đề quốc tế Masato Kanda nhận định, mặc dù không được đưa vào chương trình nghị sự chính thức của cuộc họp các Bộ trưởng Tài chính Nhóm các nước Công nghiệp phát triển (G7) ngày 12/10, song hậu quả từ cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine nhiều khả năng vẫn sẽ được đưa ra thảo luận. Quan chức Nhật Bản đánh giá cuộc xung đột đang ảnh hưởng đến các thị trường dưới dạng phản ứng bán tháo sản phẩm tài chính, bắt nguồn từ tình trạng bất ổn gia tăng, đòi hỏi các bên phải theo dõi chặt chẽ và có các phản ứng cần thiết.

ảnh 1.jpg -0
Xung đột giữa Israel và phong trào Hamas có thể gây nhiều rủi ro với nền kinh tế toàn cầu. Ảnh: Reuters.

Trên thực tế, thị trường dầu mỏ và chứng khoán đã chịu tác động ngay lập tức từ xung đột tại Trung Đông. Mặc dù giá dầu thế giới đã giảm nhẹ trong phiên giao dịch gần nhất, nhưng ngày 9/10, giá loại hàng hóa này đã tăng tới 4%. Tuy cả Israel và Palestine đều không phải là những nhà cung cấp lớn trên thị trường dầu mỏ, nhưng xung đột xảy ra tại khu vực sản xuất dầu mỏ lớn của thế giới, do vậy phản ứng của các nước như Iran, Arab Saudi sẽ được theo dõi chặt chẽ vì nó có thể gây ra đợt tăng giá mới.

"Thị trường lo ngại tình hình Trung Đông sẽ như một quả bom nổ chậm. Trong trường hợp căng thẳng leo thang, có thể eo biển Hormuz sẽ bị đóng cửa, khiến việc vận chuyển dầu khó khăn. Giá dầu tăng vọt thì giá các loại hàng hóa khác sẽ tăng theo. Chúng ta sẽ lại đối mặt với nguy cơ lạm phát", chuyên gia phân tích Robert Halver của ngân hàng Baader Bank cho biết.

Xung đột đang diễn ra tại Trung Đông có thể còn có tác động tới quyết định tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) xem có nên tăng lãi suất hay không, với dự đoán rằng giá năng lượng tăng cao là rủi ro cho triển vọng lạm phát. Giao dịch cổ phiếu và trái phiếu vài ngày tới cũng sẽ cho thấy các thị trường dự báo kết quả như thế nào.

"Xung đột này có thể kéo giá dầu tăng, lạm phát tăng, đe dọa triển vọng tăng trưởng", Karim Basta, chuyên gia kinh tế tại III Capital Management cho biết. FED sẽ phải cân nhắc liệu giá cả cao hay tăng trưởng chậm mới là điều đáng lo ngại hơn. Trước đó, giới chuyên gia nhận định việc xung đột bùng phát giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas có thể khiến các ngân hàng trung ương đối mặt với những xu hướng lạm phát mới, cũng như "giáng đòn mạnh" vào triển vọng kinh tế ở thời điểm có nhiều hy vọng về khả năng kiềm chế đà tăng giá vốn do đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột Nga-Ukraine gây ra.

Dự kiến, bất ổn tái diễn ở Trung Đông và các vấn đề liên quan có thể trở thành nội dung thảo luận chính trong chương trình nghị sự của các nhà lãnh đạo tài chính toàn cầu tham dự Hội nghị thường niên mùa Thu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Marrakesh (Morroco) trong tuần này.

Trong khi một kịch bản lạm phát đang được nhắc tới, một cuộc khủng hoảng nhân đạo đang trở nên trầm trọng hơn. Xung đột bùng phát và leo thang từ cuối tuần qua đã khiến tổng cộng hơn 2.000 người tại Israel và Dải Gaza thiệt mạng trong khi hàng nghìn người nước ngoài mắc kẹt ở cả hai bên. Nhiều nước đã mở các chiến dịch hồi hương công dân, vào thời điểm hầu hết các hãng hàng không quốc tế đã hoãn hoặc tạm dừng dịch vụ.

Trong khi đó, ngày 11/10 (giờ địa phương) nhà chức trách Dải Gaza thông báo điện lưới khu vực đã sập hoàn toàn sau khi nhà máy điện duy nhất dừng hoạt động vì thiếu nhiên liệu trong bối cảnh Israel phong tỏa toàn bộ vùng đất này, đẩy người dân trong khu vực vào hoàn cảnh đáng lo ngại. Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres ngày 12/10 đã lập tức cảnh báo nguy cơ xung đột Israel-Hamas lan rộng, đồng thời kêu gọi tất cả các bên tránh làm căng thẳng leo thang hơn nữa.

Tổng Thư ký LHQ nhấn mạnh dân thường cần được bảo vệ mọi lúc, luật nhân đạo quốc tế cần phải được tôn trọng và tuân thủ. Theo LHQ, cho đến nay, hơn 260.000 người đã phải rời khởi nơi ở để đến tạm trú ở những khu vực khác trong phạm vi Dải Gaza, chủ yếu là tạm trú tại các trường học do LHQ xây dựng tại đó. Cho đến nay, đây là con số cao nhất kể từ khi xảy ra cuộc xung đột kéo dài 50 ngày giữa Israel - Hamas vào năm 2014. Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cho biết con số này sẽ gia tăng trong những ngày tới. Tổng Thư ký Guterres cũng nêu bật tầm quan trọng của việc đảm bảo nguồn cung nhu yếu phẩm vào Dải Gaza thông qua việc tiếp cận nhân đạo nhanh chóng và không bị cản trở.

Trong nỗ lực nhằm tìm ra giải pháp cho tình hình hiện nay, Hội đồng Bảo an LHQ sẽ nhóm họp vào chiều 13/10 để thảo luận về xung đột giữa Israel và phong trào Hamas. Hiện các cuộc đàm phán hòa giải trong khu vực (do Ai Cập, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ dẫn dắt, với sự ủng hộ từ Arab Saudi và Mỹ) đang tập trung vào các vấn đề mở hành lang an toàn để sơ tán người nước ngoài từ Dải Gaza, đưa cứu trợ nhân đạo khẩn cấp tới vùng này thông qua cửa khẩu trên biên giới Rafah của Ai Cập và tìm kiếm một lệnh ngừng bắn nhân đạo trên Dải Gaza cũng như các vùng xung quanh. Theo các nguồn thạo tin, phong trào Hamas và các cơ quan đại diện người Palestine nhất trí phối hợp với các nỗ lực hòa giải trong khi Chính phủ Mỹ và các nước Arab đang hối thúc Israel tích cực tham gia để sớm triển khai kế hoạch.

An Nhiên
.
.