Đô thị Trung Quốc thích ứng thần tốc với lộ trình chống COVID-19 mới

Thứ Ba, 20/12/2022, 14:02

Chính quyền Tô Châu, tỉnh Giang Tô gần đây được cộng đồng mạng Trung Quốc ca ngợi là thành phố đầu tiên biến các trạm lấy mẫu xét nghiệm thành phòng khám triệu chứng COVID-19, trong bối cảnh nước này đang thay đổi triệt để chính sách chống dịch, China Daily ngày 20/12 đưa tin.

Một trạm lưu động - hai chức năng

So với việc xếp hàng hàng giờ tại các bệnh viện, người có triệu chứng COVID-19 tại thành phố Tô Châu, Trung Quốc khi đến các phòng khám di động - vốn là các trạm lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 trước đây - có thể hoàn thành toàn bộ quy trình khám trong 10 phút và chỉ cần bảo hiểm y tế để mua thuốc hạ sốt và giảm đau. 

Cao Qiaolu, Phó giám đốc Trung tâm quản lý sức khỏe cộng đồng dân cư của quận Gusu, Tô Châu, cho biết các phòng khám di động giúp người dân có thể nhận trợ giúp trong khoảng cách 15 phút đi bộ. “Các phòng khám được trang bị bác sĩ và dược sĩ. Máy oxy và thiết bị bảo hiểm y tế cũng được cung cấp", cô nói.a

Loạt đô thị Trung Quốc thích ứng thần tốc với lộ trình nới lỏng chống dịch -0
Người dân Tô Châu có thể khám và lấy thuốc tại các phòng khám di động. Ảnh: China Daily

Tính đến ngày 19/12, Tô Châu đã thành lập 1035 phòng khám di động trên đường phố. Thành phố lân cận Vô Tích cũng đã thành lập 1519 phòng khám tương tự, theo China Daily.

Trong khi đó, tại Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, chính quyền địa phương đã nâng cấp hệ thống xe buýt thành trạm khám bệnh di động để điều trị ca sốt tại các khu dân cư. Mỗi bệnh nhân khi đến phòng khám xe buýt sẽ nhận được đơn thuốc dùng trong 3 ngày, thay vì phải đến bệnh viện chờ lấy phiếu khám.

Cơ chế mở với người mắc COVID-19 thể nhẹ

Chiết Giang và Trùng Khánh là những tỉnh, thành đầu tiên tại Trung Quốc đưa ra các thông báo cho phép những người mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc thậm chí có triệu chứng nhưng nhẹ có thể đến nơi làm việc.

“Các trường hợp không có triệu chứng có thể tùy tình hình mà áp dụng các biện pháp như cách ly tại nhà, nếu thực sự cần thiết có thể tiếp tục làm việc với điều kiện là tự bảo vệ cá nhân và thăm khám kịp thời khi bệnh tình trở nặng", ông Trần Trọng, Phó Tổng thư ký chính quyền tỉnh Chiết Giang thông báo.

Loạt đô thị Trung Quốc thích ứng thần tốc với lộ trình nới lỏng chống dịch -0
Nhiều địa phương đã áp dụng cơ chế mở với các trường hợp mắc COVID-19 không triệu chứng. Ảnh: TC

Thành phố Trùng Khánh ngày 19/12 cũng ban hành thông báo về việc tiếp tục tối ưu hóa các biện pháp phòng chống COVID-19, nêu rõ “cán bộ công chức các cơ quan đảng, chính quyền các cấp, doanh nghiệp và đơn vị hành chính sự nghiệp trên địa bàn thành phố không có triệu chứng và triệu chứng nhẹ có thể đi làm bình thường khi làm tốt phòng hộ cá nhân căn cứ vào thể trạng và nhu cầu công việc".

Cùng ngày, thành phố Vu Hồ, tỉnh An Huy cũng ra thông báo tương tự và tuyên bố từ ngày này “cán bộ công chức các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp, doanh nghiệp và đơn vị hành chính sự nghiệp trên địa bàn thành phố không có triệu chứng và triệu chứng nhẹ có thể đi làm bình thường.”

Dồn lực sản xuất dược phẩm

Với việc ngày càng có nhiều người bị nhiễm COVID-19 chủng Omicron, nhu cầu về thuốc như ibuprofen đã tăng lên, khiến nó trở thành một trong những loại dược phẩm khó mua nhất, nhưng tình hình đang được xoa dịu khi nhiều thành phố của Trung Quốc tăng cường cung ứng, theo Global Times.

Loạt đô thị Trung Quốc thích ứng thần tốc với lộ trình nới lỏng chống dịch -0
Các hãng dược Trung Quốc tăng cường nhân lực làm việc xuyên đêm để đảm bảo nguồn thuốc cho các địa phương. Ảnh: Xinhua

Chính quyền Nam Kinh thuộc tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc ngày 19/12 cho biết sẽ phân phối ra thị trường hai triệu viên thuốc ibuprofen mỗi ngày, giúp hạ nhiệt thị trường thuốc và khiến người dân yên tâm điều trị tại nhà.

Công ty dược CR Hubei Pharmaceutical cũng tuyên bố sẽ cung cấp ba triệu viên ibuprofen hàng ngày cho Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc miền Trung Trung Quốc, trong vòng một tuần. Trong số đó, 80% sẽ được chuyển đến các tổ chức y tế, trong khi 20% sẽ được phân phối cho các hiệu thuốc bán lẻ.

Tại cuộc họp hôm 18/12, tỉnh Chiết Giang khẳng định sẽ tập trung vào việc tăng cường sản xuất, lưu trữ và cung cấp vật liệu chống dịch bệnh như thuốc chống virus, thanh nhiệt và giải độc, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp liên quan hoạt động hết công suất và tăng sản lượng. Sản lượng hàng ngày của ibuprofen đã tăng lên 40.000 hộp và năng lực sản xuất của các loại thuốc chính có liên quan dự kiến ​​sẽ tăng thêm vào cuối tháng.

An Nhiên
.
.