Vị tướng "ba Tây"

Thứ Năm, 04/02/2016, 08:00
Bước ra từ chiến tranh, hơn ai hết, Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Huỳnh Huề (Ba Hoàng) hiểu được giá trị của độc lập tự do. Ngày hòa bình, ông "ngang dọc" khắp dải đất hình chữ S, thực hiện sứ mệnh của người chiến sĩ An ninh, mang mùa xuân bình yên đến với những bản làng nơi rẻo cao. Người ta gọi ông là vị tướng "ba Tây". Từ Tây Bắc, Tây Nguyên đến Tây Nam Bộ, nơi nào cũng in dấu chân của ông.


Phút sinh tử ngày cận Tết

Nửa cuộc đời bôn ba, dấn thân và cống hiến cho sự nghiệp giải phóng xây dựng đất nước, ông không có nhiều thời gian để nghĩ về bản thân. Những ngày này, khi đã "hạ cánh" an toàn, ông mới thảnh thơi cho những chuyến đi về nguồn, cho những cuộc gặp mặt đồng đội đồng chí một thời vào sinh ra tử của Sài Gòn hơn 40 năm về trước. 

Đó là những người hùng trong Cụm điệp báo A10 (An ninh T4), những nhân vật làm nên chiến công lẫy lừng ngay trong lòng địch, đây là một tổ chức hoạt động điệp báo không giống với bất cứ một tổ chức nào trên thế giới. Nhiệm vụ của họ đi song hành với cuộc mưu sinh, tự bươn chải, tự ngụy trang và tự đối phó với tất cả những tình huống bất trắc gặp phải trong quá trình hoạt động, thậm chí cả trường hợp bị bắt (điệp báo đơn tuyến) cũng phải lặng lẽ.

Từ quê hương bên dòng sông Hàn (Đà Nẵng) thơ mộng, Ba Hoàng bước chân vào Sài Gòn học đại học, nhưng chiến tranh đã làm cho biết bao màu áo trắng học trò vẩy máu, biết bao mơ ước tương lai trên ghế nhà trường phải khép lại. Ngay từ những ngày đầu giác ngộ cách mạng, Ba Hoàng đã ý thức rất rõ trách nhiệm của người thanh niên yêu nước, không chịu sống đời nô lệ, áp bức. Trong lớp vỏ bọc sinh viên đại học khoa học Sài Gòn, Ba Hoàng chọn một nơi để ẩn mình hoạt động, đó là cư xá Bắc Hải, nơi ở của sĩ quan cấp tướng, tá trong quân đội Sài Gòn. Ba Hoàng nhận định: "Nơi nguy hiểm nhất là nơi an toàn nhất".

Những năm tháng công tác biền biệt, người vợ luôn là hậu phương vững chắc của ông.

Tháng 9 năm 1972, Trung ương Cục miền Nam quyết định tăng cường hoạt động điệp báo ở Sài Gòn - Gia Định đã thành lập Cụm điệp báo A10. Ba Hoàng được giao nhiệm vụ Cụm phó trực tiếp chỉ đạo các hoạt động điệp báo lực lượng ở nội đô Sài Gòn. Trong suốt thời gian dài, với danh nghĩa là sinh viên, Ba Hoàng kiếm được một chân gia sư cho con em sĩ quan chế độ Việt Nam cộng hòa để dễ bề nắm bắt tình hình, xây dựng cơ sở giao liên rộng khắp, cài cắm người vào bộ máy cấp cao trong chính quyền Sài Gòn.

Với nhiệm vụ tuyệt mật, đơn lẻ, mỗi cá nhân là một mắt xích, sống và hy sinh ủy thác vào sự may mắn. May mắn đã cứu Ba Hoàng nhiều lần thoát khỏi họng súng của địch. Những lần ông băng mình từ Sài Gòn ra chiến khu gặp lãnh đạo là mỗi lần, sự nguy hiểm đã được báo trước, không loại trừ phải hy sinh.

Để lọt qua được hàng rào kiểm soát, tầm soát gắt gao của địch ra đến căn cứ là cả một nghệ thuật chiến đấu tâm lý, sự bình tĩnh và một bản lĩnh rắn rỏi, vững vàng. Trong một lần qua sông Vàm Cỏ Đông để sang vùng đất giải phóng thực hiện nhiệm vụ, giữa những ngày Tết cổ truyền của dân tộc đang cận kề, chỉ một tích tắc là Ba Hoàng đã không thể trở về.

Khi mọi người đang quây quần bên mâm cơm giữa rừng, chưa ai kịp ăn miếng nào thì có tin báo cách 500m, địch tổ chức càn quét đen đồng tại khu vực Phước Chỉ (Gò Dầu Hạ, Tây Ninh). Các anh em vũ trang, lực lượng tại chỗ đưa ra đề xuất để ba cán bộ điệp báo trong đó có Ba Hoàng lui về phía sau. Không ai bảo ai, ba cán bộ điệp báo nhanh chóng băng rừng, nhằm hướng căn cứ mà chạy. 

Nhưng rừng sâu bạt ngàn, đâu là hướng đi, đâu là ngã rẽ? Những chiến sĩ điệp báo nội thành như Ba Hoàng không sống trong rừng, không quen với địa bàn nên cứ như "mò kim đáy biển". Phía sau là tiếng đạn nổ, bom gầm, phía trước là rừng và những bãi sình lầy, phía bên kia là căn cứ của địch, Ba Hoàng chạy một lúc thì không còn thấy ai nữa, cả âm thanh cũng vắng lặng.

Bây giờ chỉ có thể chạy theo quán tính và linh cảm, đó là phía cánh đồng bưng kênh rạch chằng chịt ở Tây Ninh về phía Trung ương Cục. Ba Hoàng lội bộ chừng 8 cây số trong bờ kênh, dầm mình xuống nước nhiều tiếng đồng hồ. Đêm tối bủa vây, người mệt lả, chân tay rã rời, Ba Hoàng tìm được một cái gò mối ngả mình nằm lọt vào cái lỗ hổng bên trong, mặc cho côn trùng, kiến lửa bu bám vào người. 

Dắt theo bộ quần áo sinh viên, Ba Hoàng lấy ra thay để dễ bề đối phó khi có tình huống xấu xảy ra. Nằm một mình giữa rừng, trong đầu Ba Hoàng tập trung nghe ngóng tình hình, không còn tiếng súng nữa, ông đoán chắc bọn địch đã rút lui. Nhưng bây giờ giữa rừng sâu kênh rạch, biết đi hướng nào để về căn cứ? Bỗng có tiếng hú từ xa vọng mỗi lúc một gần, gần hơn lại nghe rõ tiếng gọi Ba Hoàng. Chỉ đồng đội mới biết biệt danh này và chỉ có đồng đội mới đi tìm mình, trong đầu Ba Hoàng chấp chới niềm hạnh phúc. 

Trong cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và trong việc chọn con bài Dương Văn Minh lên làm tổng thống để sớm kết thúc chiến tranh, hạn chế đổ máu và điều quan trọng hơn là giữ nguyên vẹn được thành phố Sài Gòn khỏi đổ nát có công lao to lớn của anh em cụm điệp báo A10. Đã có nhiều sách báo, phim ảnh, tài liệu thể hiện những chiến công hào hùng mà thầm lặng của những chiến sĩ điệp báo trong lòng địch. Ba Hoàng cùng đồng đội của ông đã đi vào lịch sử như một huyền thoại.

Vì bình yên nơi phên giậu Tổ quốc

Từ kinh nghiệm tình báo trong chiến tranh, người lính ấy tiếp tục thực nhiệm vụ an ninh trong thời bình. Đất nước sau ngày giải phóng còn ngổn ngang trăm công nghìn việc, trăm nỗi lo, Ba Hoàng được phân công vào Ban an ninh nội chính (tiền thân của Công an Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay). Giặc ngoại xâm đẩy lùi nhưng giặc trong vẫn không ngừng chống phá cách mạng, Ba Hoàng đã nhanh chóng  bắt tay vào giải quyết những vấn đề còn tồn đọng của chế độ cũ để lại.

Cả tuổi trẻ miệt mài chiến đấu, không có chỗ cho tình yêu và những nhu cầu riêng, sau này về công tác tại Công an thành phố, Ba Hoàng mới gặp được người bạn đời của mình. Điều đặc biệt là ngày xưa, họ cùng nằm trong mạng lưới điệp báo A10, cùng một tổ chức chiến đấu. Tình đồng đội đồng chí, sự đồng cảm, đồng lòng đã kéo họ gần nhau hơn. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, công tác trong cơ quan an ninh của Công an thành phố.

Thiếu tướng Huỳnh Huề.

Vì yêu cầu nhiệm vụ, tổ chức phân công ông giữ những trọng trách quan trọng ở địa bàn Tây Bắc. Ba năm bám làng bám bản, lăn lộn giữa núi rừng Tây Bắc, hòa cùng cuộc sống của dân bản, hơn ai hết, người cán bộ an ninh như ông hiểu được giá trị về sự cống hiến thầm lặng của mình. Trên núi rừng Tây Bắc, với những mùa đông cắt da cắt thịt, những cung đường gập ghềnh trắc trở, Thiếu tướng Huỳnh Huề bảo rằng, đó là những ngày tháng đầy ý nghĩa. Cuộc đời ông đã gắn với những chuyến đi, những chuyên án và mỗi chuyến đi ấy, ông lại hiểu thêm về tấm lòng của nhân dân đối với lực lượng Công an nói chung và những chiến sĩ An ninh cắm bản nói riêng.

Trên mặt trận không có tiếng súng, Thiếu tướng Huỳnh Huề chia sẻ: "Khó hay dễ là việc có giữ được lòng dân hay không. Gần gũi với nhân dân không chỉ là việc mình xuống với buôn làng, mà còn phải đem tiếng nói, lời ca, mang hơi ấm, tình cảm đến với đồng bào". Để có được một núi rừng Tây Bắc ngập tràn trong màu trắng hoa ban, những thửa ruộng bậc thang vàng ươm chạy tới đỉnh đồi, những bản làng người Mông, người Thái, bình yên, no ấm đã có sự đóng góp to lớn của lực lượng An ninh.

Năm 2007, Thiếu tướng Huỳnh Huề nhận quyết định về làm giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk. Từ Tây Bắc về Tây Nguyên, những công việc, những nhiệm vụ cứ cuốn ông đi miệt mài, xa nhà thường xuyên. Ở mảnh đất mới, con người mới, những chàng trai cô gái Ê Đê, M'Nông, các bà, các chị trong buôn làng yêu thương người cán bộ công an, hết lòng giúp đỡ. Trên cao nguyên, vị tướng tha thẩn với những đồi cà phê, những cánh rừng cao su xanh ngút tầm mắt, ông đã cảm tác được một số bài thơ, bài hát mang đậm tình yêu với xứ sở, như: Tình yêu Tây Nguyên, hát với mùa xuân Đắk Lắk, ngợi ca anh hùng Y Thuyên... Đó là những rung cảm từ tận đáy lòng của ông với mảnh đất và con người Tây Nguyên.

Nhờ kinh nghiệm điệp báo an ninh năm xưa, đã giúp ông vận dụng quần chúng nơi những địa bàn chiến lược quốc gia đạt hiệu quả. Có thời điểm, ông được cấp trên tăng cường về Tây Nam Bộ và ở nơi nào cũng vậy, ông luôn hoàn thành xuất sắc xứ mệnh được giao. 

Năm 2010, Đảng, Nhà nước đã trao tặng cho ông danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ông bảo rằng, cả cuộc đời ông đã chiến đấu và dấn thân vì cuộc sống của nhân dân. Ông bay cùng trời cuối đất, nơi nào khó khăn, gian khổ, hiểm nguy ông đều có mặt và ông đã "hạ cánh" an toàn mà không có gì phải hối tiếc, ân hận vì những gì mình đã tận hiến cho đất nước, cho dân tộc.

Ngọc Thiện
.
.