“Tăng lương tối thiểu vùng”: Một miếng khi đói bằng một gói khi no!

Thứ Ba, 26/04/2022, 07:30

Đề xuất tăng 6% lương tối thiểu vùng của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khiến hàng triệu công nhân phấn khởi và hi vọng. Tuy nhiên, niềm vui vẫn chưa thể trọn vẹn khi tồn tại hai luồng ý kiến về thời điểm áp dụng.

Người lao động nóng lòng được thụ hưởng lương mới ngay tháng 7 năm nay, người sử dụng lao động thì muốn “hoãn binh”, lùi lại 6 tháng. Ai cũng có lý do và khó khăn riêng, rất cần được chia sẻ. Nhưng với những người mưu sinh xa quê mức tăng dù chỉ 1% lúc này cũng chứa đựng ý nghĩa thật lớn, như “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

Công nhân còn độc thân dẫu sao cũng dễ xoay xở, song với những đôi vợ chồng đã có con quả thật rất khó để giải bài toán nhiều “ẩn số”. Chưa bao giờ hàng loạt phương án thắt lưng buộc bụng được thi triển nghiêm ngặt như lúc này. Ai cũng phải “liệu cơm gắp mắm”, dè sẻn chi tiêu, cắt giảm tối đa các khoản chưa “thiết yếu”.

“Tăng lương tối thiểu vùng”: Một miếng khi đói bằng một gói khi no! -0
Ảnh minh họa.

Hậu COVID-19,  một số người lao động phải chia tay phòng trọ khang trang, gắn bó cả chục năm trời để tìm thuê phòng rẻ hơn để tiết kiệm. Tạm bợ một chút cũng được, miễn sao giảm được vài trăm ngàn đồng - khoản tiền có thể đủ cho một gia đình tự nấu “điểm tâm” cả tháng.

Trong làn sóng người “hồi hương” năm ngoái, còn khá đông đang lưỡng lự trước quyết định quay lại nơi làm việc hay ở lại quê hương. Hoàn cảnh buộc họ phải “cân đo đong đếm”. Đồng lương trở thành nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến chuyện đi hay ở.

Các doanh nghiệp cũng rất “đuối” sau đại dịch. Những đơn vị còn “trụ” được đến bây giờ đã cố gắng “gồng” hết khả năng. Doanh nghiệp gặp khó nên công nhân cũng ảnh hưởng theo, dẫu vậy vẫn có thể linh hoạt trong cách giải quyết. Kiến nghị của 8 hiệp hội ngành hàng dĩ nhiên đáng để tham khảo, còn niềm mong mỏi của người lao động cũng rất cần được đáp ứng. Bởi lẽ một năm rưỡi phải tạm hoãn đã quá lâu, kéo dài sáu tháng nữa e rằng ít người đủ sức chờ đợi và trụ lại. Nhiều công nhân, người lao động nhập cư khó tránh khỏi lựa chọn “ta về ta tắm ao ta”.

Một phương án khả thi là có thể tăng lương theo “lộ trình”. Đầu tháng 7 vẫn nâng lương tối thiểu với mức 3%, phần còn lại sẽ bổ sung vào tháng 1 năm tới. Hài hòa lợi ích cho cả doanh nghiệp và công nhân, giúp đơn vị sản xuất đảm đương được phần chi trả lương tháng, người lao động cũng ít nhiều có khoản tiền tăng thêm, yên tâm và tiếp tục cống hiến. Lương tăng dẫn đến tiền đóng bảo hiểm xã hội cũng tăng theo, thêm một lợi ích lâu dài cho công nhân sau này hưởng lương hưu.

Nguyễn Thanh Bình
.
.