Nghiện thuốc lá hàng chục năm, nhiều người phải đối mặt với bệnh ung thư phổi

Chủ Nhật, 10/12/2023, 15:25

Nhiều người nghiện thuốc lá 30-40 năm, mỗi ngày hút từ 1 đến 2 bao thuốc lá và đang phải giành giật sự sống bởi căn bệnh ung thư phổi. Theo thống kê của ngành y tế, thuốc lá là nguyên nhân chính, chiếm tới trên 90% các ca ung thư phổi, trên 30% các loại ung thư khác.

Cắt cả lá phổi vì hút thuốc trên 40 năm

Nam bệnh nhân N.V.K (SN 1957, quận Long Biên, Hà Nội) làm nghề xây dựng, hút thuốc lá, thuốc lào trên 40 năm. Ba tuần trước khi vào viện, bệnh nhân xuất hiện ho khạc đờm trắng có lẫn nâu, có cảm giác sốt, không đau ngực, không khó thở, sau tự mua thuốc uống nhưng không đỡ. Bệnh nhân đi khám phát hiện u phổi trái và được nhập viện điều trị tại Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.

Các bác sĩ cho biết, khối u chiếm gần hết nhu mô phổi bên trái của người bệnh, vì vậy, sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã thống nhất phẫu thuật cắt toàn bộ phổi trái kèm nạo vét hạch cho bệnh nhân. Bệnh nhân được chẩn đoán ung thư biểu mô tế bào vảy không biệt hóa. Sau mổ 5 ngày, bệnh nhân tự ngồi dậy, tự thở không cần oxy hỗ trợ. 

Theo BS Nguyễn Văn Lâm, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, mổ cắt cả phổi điều trị ung thư là một phẫu thuật lớn, nặng nề cả về mặt ngoại khoa và gây mê hồi sức. Đây cũng là ca cắt cả phổi đầu tiên được tiến hành tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.

Tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân bị ung thư phổi vào điều trị, trong đó phần lớn có tiền sử hút thuốc lá lâu năm. Có tiền sử hút thuốc lá nhiều năm, tuy đã cai được 5 năm nay, song gần đây, ông T.N.C.H (66 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội) xuất hiện khó thở khi gắng sức nhẹ kèm ho có đờm từng cơn, không sốt, không buồn nôn, không nuốt khó, không gầy sút cân. Sau đó, ông xuất hiện khó thở tăng dần kèm ho đờm lẫn máu đỏ, các triệu chứng ngày một tăng lên. Ông đến khám tại Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai và được chẩn đoán “theo dõi ung thư phổi phải”. Bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu để chẩn đoán và điều trị. Kết quả, ông H được chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn 3B.

Một trường hợp khác là bệnh nhân nam 51 tuổi (Hà Nội) có tiền sử hút thuốc lá nhiều năm, vào Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bưới khám sàng lọc vì đau tức ngực phải. Bệnh diễn biến khoảng 2 tuần trước khi vào viện. Sau khi thăm khám bác sĩ nghi ngờ có tổn thương tại phổi và chỉ định chụp cắt lớp vi tính ngực độ phân giải cao, phát hiện có khối u thùy trên phổi phải 26x37 mm. Người bệnh đã được hướng dẫn nhập viện nội trú để đánh giá và điều trị tiếp.

a.jpg -0
Phẫu thuật cắt lá phổi cho bệnh nhân ung thư phổi do hút thuốc lá.

Hãy bỏ thuốc lá để bảo vệ lá phổi

Ung thư phổi là một trong những bệnh lý có tỷ lệ tử vong hàng đầu trên thế giới và nguyên nhân chủ yếu do hút thuốc lá. Tại Việt Nam, ung thư phổi là một trong những bệnh lý ác tính có số lượng người mắc và tỷ lệ tử vong hàng đầu trong các bệnh ung thư thường gặp ở hai giới.

Theo thống kê ung thư toàn cầu Globocan, năm 2020, tại Việt Nam, tỉ lệ mắc ung thư phổi xếp thứ 2 với 26.262 ca mắc mới, chiếm 14.4%, và 23.797 ca tử vong vì căn bệnh này.

Theo thống kê của ngành y tế, thuốc lá là nguyên nhân chính chiếm tới trên 90% gây ra ung thư phổi, trên 30% gây ra các loại ung thư khác. Mỗi năm, nước ta ghi nhận hơn 182.000 ca mắc mới ung thư, trên 122.000 trường hợp tử vong. Hiện có khoảng 354.000 người đang sống chung với ung thư.

Ung thư phổi được chia làm 2 loại là ung thư phổi tế bào nhỏ chiếm khoảng 15% và ung thư phổi không tế bào nhỏ chiếm khoảng 85%. Mặc dù hiện nay đã có nhiều phương pháp điều trị tiên tiến, tuy nhiên hiệu quả điều trị còn phụ thuộc nhiều vào tình trạng người bệnh cũng như giai đoạn bệnh. Hiện nay, đa số các bệnh nhân khi đến viện thường bệnh đã ở giai đoạn muộn, giai đoạn 3 - 4 chiếm đa số.

Bệnh sẽ được điều trị tốt nếu được phát hiện sớm, phẫu thuật sớm. Vì vậy, để phòng chống ung thư phổi, bác sĩ khuyến cáo người dân không nên sử dụng và tiếp xúc với thuốc lá; người đã hút thuốc lá hãy cai thuốc lá để bảo vệ sức khoẻ cho chính mình, người thân và cộng đồng. Bác sĩ cũng khuyến cáo người dân khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện các bệnh lý nói chung và ung thư phổi nói riêng.

Trần Hằng
.
.