Để bạo lực không còn là nỗi ám ảnh trong trường học

Thứ Năm, 23/11/2023, 05:16

Từ đầu năm đến nay, tại Hà Nội liên tục xảy ra những “lùm xùm” liên quan đến ngành giáo dục, đặc biệt là về vấn đề bạo lực. Những vụ việc mâu thuẫn, xô xát giữa giáo viên và học sinh, giữa học sinh với nhau có chiều hướng gia tăng. UBND Hà Nội gần đây đã ban hành văn bản để tăng cường thực hiện văn hóa, chấn chỉnh vi phạm đạo đức trong trường học.

Ám ảnh bạo lực học đường

Năm học mới mới chỉ bắt đầu được gần 2 tháng nhưng ngành giáo dục đã xảy ra nhiều câu chuyện đau lòng. Chỉ riêng ở Hà Nội, vào ngày 29/8, đoạn clip ghi lại cảnh một giáo viên mầm non tại huyện Đông Anh và 4 người khác đánh tới tấp một em học sinh cấp 2 đã khiến dư luận phẫn nộ. Ngay 1 tháng sau đó, ngày 29/9, mạng xã hội lại xôn xao đoạn clip ở trường THPT Đa Phúc, Sóc Sơn, Hà Nội, một nữ sinh quỳ khóc trước cửa lớp đến kiệt sức và bị cô giáo túm áo, kéo lê vào lớp học. Cũng vẫn ngày hôm ấy, một đoạn clip khác được lan truyền về thầy giáo Trường THPT Phan Huy Chú, Thạch Thất, Hà Nội, đứng trên bục giảng, chỉ tay vào mặt, túm cằm và mắng té tát, xưng "mày - tao" với học sinh.

z4905401329608_609496d8de776d95d3f9629fb8860626.jpg -0
Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) tuyên truyền pháp luật tại Trường THCS Chu Văn An.

Chiều 25/10, đoạn clip một nam sinh trường THCS Đại Đồng, Thạch Thất, Hà Nội ngồi thụp tại một góc hành lang, ôm đầu để tránh những cú đánh túi bụi của các bạn cùng lớp lại một lần nữa khiến cộng đồng dậy sóng. Đi kèm với đoạn clip là hình ảnh nạn nhân đang trong thời gian điều trị trong bệnh viện với biểu hiện hoảng loạn, hành vi không kiểm soát, co giật, không nhớ được họ tên, địa chỉ của mình ở đâu. Gần đây nhất, vào ngày 12/11, một nữ sinh lớp 6 của Trường THCS Tân Minh, huyện Thường Tín, Hà Nội, bị hành hung thô bạo ngay tại trường. Trong khi em đau đớn kêu khóc gọi mẹ, thì những bạn cùng trang lứa của em lại dửng dưng đứng nhìn, thậm chí còn cười nhạo, nhại lại lời kêu cứu tuyệt vọng của em. Điều đáng buồn là theo lời chia sẻ của mẹ em, đây không phải là lần đầu tiên em bị đánh ở trường.

Bạo lực học đường không phải là một hiện tượng mới, song thời gian gần đây nó lại xảy ra dưới nhiều dạng khác nhau, với tính chất nguy hiểm, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng hơn. Khi nhắc đến bạo lực, chúng ta thường quen với những dạng bạo lực hành động thể hiện qua hành vi, lời nói (bạo lực nóng). Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, còn một dạng bạo lực khó nhận diện hơn, có thể gọi là bạo lực lạnh, là không hành động khi cần thiết, không đáp ứng các nhu cầu cơ bản, thể hiện thiếu trách nhiệm và bỏ mặc. Nhưng cho dù là bạo lực nóng, hay bạo lực lạnh thì ảnh hưởng của nó để lại đối với sức khoẻ thể chất, tinh thần và cả thành tích học tập của các em học sinh là rất lớn.

Các nạn nhân của bạo lực học đường ngoài tổn thương về thể chất, các em thường mắc các bệnh tâm lý như trầm cảm, rối loạn ý thức, ảnh hưởng đến điểm số và mức độ tập trung của các em trong học tập. Đau lòng hơn, có những trường hợp các em sau thời gian dài bị bạo lực đã không suy nghĩ thông suốt mà lựa chọn tự kết thúc cuộc đời ngắn ngủi của mình. Những con số thống kê cho thấy tình hình bạo lực học đường đang giảm, nhưng đó chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Theo ông Nam, thực tế hiện nay, bắt nạt thể chất giảm nhưng bắt nạt tinh thần tăng lên. Bạo lực trực tiếp có xu hướng giảm nhưng bạo lực trực tuyến có xu hướng tăng.

Bạo lực học đường đã trở thành một nỗi nhức nhối mà khó có thể giải quyết tận gốc. Trả lời chất vấn tại phiên họp Quốc hội vào ngày 7/11 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, bạo lực học đường vẫn tiếp tục gia tăng do nhiều nguyên nhân. Diễn biến của bạo lực học đường hiện nay khá phức tạp, nhiều vụ có nhiều học sinh, nhất là học sinh nữ tham gia, xảy ra cả trong và ngoài trường học nên có sự khó khăn trong xử lý.

Ông cho rằng trường học có trách nhiệm nhận diện những tình huống bạo lực, nhưng giáo viên, hiệu trưởng khi phát hiện vụ việc còn lúng túng về kỹ năng xử lý. Thêm đó, dịch bệnh COVID-19 kéo dài khiến các em bị ảnh hưởng nặng nề đến tâm sinh lý tuổi trưởng thành. Bộ trưởng cũng nhận định rằng bạo lực gia đình, sự thiếu quan tâm của cha mẹ, mạng xã hội và những nội dung xấu độc cũng là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường như hiện nay. Qua đó, có thể thấy vẫn còn ở nơi này, nơi khác trường học, nơi thường được ví von như ngôi nhà thứ hai để các em học sinh có thể thoải mái học tập, vui chơi, sinh hoạt và trưởng thành, đã không còn là mái nhà an toàn nữa.

Xây dụng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn

Sau mỗi vụ bạo lực học đường, các nhà trường, địa phương đều đã có những biện pháp để chấn chỉnh. Tại Hà Nội, nhiều trường học đã triển khai phòng tham vấn tâm lý học đường với các chuyên gia tâm lý, giáo viên phụ trách luôn sẵn sàng túc trực để kịp thời hỗ trợ các em học sinh. Bên cạnh đó, nhà trường cũng tăng cường bồi dưỡng cho các giáo viên để trang bị cho thầy cô kỹ năng nhận diện, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện bạo lực, mâu thuẫn ngay khi vừa mới nảy sinh.

Cô Lưu Tú Oanh, giáo viên lâu năm của trường THCS Trưng Vương, Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết bên cạnh việc tăng cường kỹ năng cho các giáo viên, hiện nay các trường cũng triển khai nhiều kênh thông tin để tăng cường tương tác với cả phụ huynh và học sinh. Cô chia sẻ: “Giáo viên chủ nhiệm có thể dự phòng bạo lực qua nhiều kênh khác nhau. Bên cạnh kênh thông tin với cha mẹ học sinh, mỗi lớp còn có nhóm lớp riêng với giáo viên chủ nhiệm. Thầy cô sẽ không chỉ nắm bắt tình hình lớp qua các buổi sinh hoạt lớp mỗi tuần mà các bạn cán bộ lớp, trực tiếp các em học sinh có thể báo tin kịp thời ngay cho các thầy cô”.

Phòng, chống bạo lực học đường không chỉ là trách nhiệm của riêng nhà trường mà còn phải có sự chung tay từ nhiều phía, trong đó có các lực lượng chức năng. Trong vụ việc xảy ra ngày 12/11 ở huyện Thường Tín vừa qua, theo như ông Nguyễn Xuân Pôn, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Minh chia sẻ, nhà trường đã phải báo lực lượng Công an xuống giải quyết. Mong muốn của gia đình nạn nhân trong vụ việc này chính là các cấp chính quyền và nhà trường cần phải có những biện pháp xử lý rốt ráo, triệt để, để con em họ cũng như những em học sinh khác được đến trường trong an toàn, tự do chứ không phải trong lo lắng, sợ hãi.

Để có thể làm được điều đó thì vai trò của lực lượng chức năng không chỉ là phối hợp với nhà trường để xử lý, giải quyết khi sự việc đã xảy ra mà còn phải làm thế nào cùng với nhà trường đề phòng, ngăn ngừa bạo lực từ khi nó chưa xuất hiện. Nhận thấy tầm quan trọng của việc dự phòng bạo lực học đường, một số đơn vị như Trung đoàn Cảnh sát cơ động - Công an TP Hà Nội, Công an quận Nam Từ Liêm, Công an quận Tây Hồ,... đã phối hợp với các trường THCS, THPT trên địa bàn tổ chức những buổi tìm hiểu pháp luật cho các em học sinh, trong đó đặc biệt chú trọng đến vấn đề bạo lực học đường. Đây không chỉ là hoạt động cung cấp kiến thức pháp luật cơ bản, nâng cao ý thức chủ động tìm hiểu pháp luật mà những buổi tuyên truyền trên còn trang bị, hướng dẫn cho các em cách xử lý tình huống khi gặp phải hoặc chứng kiến hành vi bạo lực. Những buổi tuyên truyền đều được hưởng ứng và đón nhận nồng nhiệt từ thầy cô và các em học sinh.

Vừa qua, UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo và UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường thực hiện văn hóa, chấn chỉnh hành vi thiếu chuẩn mực trong trường học. Trong văn bản, UBND TP Hà Nội yêu cầu các địa phương nghiêm túc phòng, chống bạo lực học đường, hướng dẫn các kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống cho giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục và kỹ năng biết tự ứng phó, xử lý tình huống cho học sinh khi gặp các tình huống có liên quan đến bạo lực học đường. Song song với đó, cần thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về văn hóa học đường, về đạo đức nhà giáo, xử lý nghiêm khắc, kịp thời các vi phạm trong nhà trường, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn.

Để trường học thực sự là một nơi an toàn cho học sinh tự do phát triển, trưởng thành, cần sự chung sức và phối hợp nhịp nhàng, liên tục giữa nhà trường, gia đình và xã hội, trong đó lấy “phòng” là chính, chứ không phải để khi nhìn thấy hậu quả đau lòng rồi mới đi “chống”.

Thanh Trúc
.
.