Chuyện giải bản tàu, thuyền ở Thanh Hóa

Thứ Bảy, 04/11/2023, 08:31

Theo Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 10/10/2003 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa “Về đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo chưa có nhà ở, đang ở nhà tạm bợ, dột nát và ổn định đồng bào sinh sống trên sông”, các hộ dân sau khi được chính quyền các địa phương cấp đất, hỗ trợ làm nhà ở kiên cố thì phải thực hiện việc giải bản tàu, thuyền (thoát khỏi tàu, thuyền - PV)… cam kết không quay lại mưu sinh trên sông nước.

Theo báo cáo của UBND huyện Thọ Xuân, toàn huyện có 64 hộ đồng bào sinh sống trên sông, trong đó có 36 hộ đủ điều kiện được cấp đất, hỗ trợ làm nhà. Trong giai đoạn 2022-2023, bám sát thực hiện các chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Thường vụ Huyện ủy Thọ Xuân đã ban hành kế hoạch cấp đất và hỗ trợ đồng bào nghèo sinh sống trên sông, đồng thời hỗ trợ xây dựng nhà ở, góp phần ổn định đời sống nhân dân.

dji_0208.jpg -0
Huyện Thiệu Hoá cấp đất, hỗ trợ làm nhà ở cho 28 hộ dân sinh sống lâu năm trên sông tại xã Thiệu Vũ.

Để thực hiện hiệu quả kế hoạch, huyện Thọ Xuân đã thành lập Ban chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và rà soát các hộ đủ điều kiện giao đất ở, hỗ trợ làm nhà. Mục tiêu của kế hoạch phấn đấu trong năm 2023, hoàn thành việc giao đất ở và hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo sinh sống trên sông có đủ điều kiện để lên bờ định cư, ổn định cuộc sống. Đến thời điểm hiện tại, toàn huyện đã và đang thực hiện hỗ trợ làm nhà cho 36/36 hộ. Trong đó, thị trấn Thọ Xuân có 10 hộ; các xã: Phú Xuân 2 hộ; Xuân Hồng 4 hộ; Xuân Thiên 3 hộ và Xuân Tín 17 hộ.

Đến nay, toàn huyện Thọ Xuân đã có có 34 hộ đã giải bản tàu, thuyền. Với quyết tâm trong năm 2023 sẽ hoàn thành việc đưa tất cả các hộ dân sinh sống trên sông lên bờ ổn định cuộc sống, huyện đã và đang tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động các hộ đang sinh sống trên sông không đủ điều kiện cấp đất lên bờ, ổn định cuộc sống, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, Nguyễn Xuân Hải cho hay.

Tại huyện Thiệu Hoá, có 28 hộ gia đình sinh sống lâu năm trên dòng sông Chu vừa được Nhà nước cấp đất ở và các tổ chức, ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà riêng tại thôn Lam Đạt, xã Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hóa. Cụ thể, thực hiện Chỉ thị 08/2003 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa, Ban Thường vụ Huyện ủy Thiệu Hóa, lãnh đạo HĐND huyện ban hành Nghị quyết số 148/NQ-HĐND lựa chọn khu đất có quy mô hơn 1ha tại thôn Lam Đạt, xã Thiệu Vũ đầu tư gần 6,3 tỷ xây dựng hệ thống hạ tầng đường giao thông, cấp thoát nước, điện chiếu sáng, cây xanh và các hạng mục hỗ trợ khác... để đưa 28 hộ dân làng chài lên bờ. Sau hơn 2 tháng thi công, hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư đã hoàn thành, được đầu tư đồng bộ, đáp ứng được tiêu chí nông thôn mới nâng cao và tiêu chí hạ tầng quy hoạch đô thị. Theo đó, mỗi hộ được giao diện tích đất từ 100,8m2 đến 153,2m2 tùy theo số khẩu của từng hộ, tổng diện tích đất giao cho 28 hộ là 3.791m2.

Cùng với việc cấp đất ở cho các hộ dân, Ban Thường vụ Huyện ủy Thiệu Hóa đã chỉ đạo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện phối hợp với UBND huyện vận động các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm tài trợ kinh phí mỗi hộ 150 triệu đồng sông xây dựng nhà ở. Cụ thể, Công ty TNHH Xi măng Long Sơn thông qua Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ 1,4 tỷ đồng; huyện Thiệu Hóa hỗ trợ 1,4 tỷ đồng thông qua vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và nhân dân trong và ngoài huyện; tổ chức Caritas Thanh Hóa hỗ trợ trên 1,52 tỷ đồng. Sau khi được cấp đất, hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà, các gia đình có điều kiện kinh tế khá hơn có thể bỏ thêm tiền xây nhà to đẹp hơn, các gia đình khác xây nhà trên cơ sở số tiền đã được hỗ trợ...

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Vũ - Phó Chủ tịch UBND xã Thiệu Vũ, cho biết: Để đưa được 28 hộ dân lên bờ, chính quyền địa phương đã phải nỗ lực, căng mình vì nhiều việc, nhiều nội dung cần giải quyết, từ thu hồi đất nông nghiệp làm khu dân cư, xây dựng hệ thống hạ tầng đến việc vận động người dân lên bờ. Theo ông Vũ, khi vận động các hộ dân lên bờ, chỉ những gia đình có điều kiện kinh tế khá hơn họ hưởng ứng ngay, những hộ khó khăn họ không muốn lên vì lo lắng tương lai không biết làm gì để kiếm sống. Tuy nhiên, thông qua công tác tuyên truyền, vận động, định hướng nghề nghiệp tương lai, các hộ dân đã đồng ý lên bờ. Sau khi ổn định cuộc sống trên bờ, các hộ dân sẽ phải thực hiện giải bản tàu thuyền, không dựa vào sông nước để mưu sinh như trước nữa.

Trước đây, người dân sinh sống trên sông dựa vào sông nước để mưu sinh, khi lên bờ, buộc phải giải bản tàu, thuyền thì việc đảm bảo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động “an cư, lạc nghiệp” là vấn đề cốt lõi. Do vậy, các địa phương đang xây dựng phương đang thực hiện giải pháp hỗ trợ chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho các hộ dân làng chài; thực hiện rà soát, thống kê phân loại các đối tượng lao động trong độ tuổi có nhu cầu học nghề, chuyển đổi nghề giới thiệu làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn; kết nối cho số lao động cao tuổi nhận việc của cơ sở sản xuất nghề tiểu thủ công nghiệp về làm tại nhà…

Đến nay, sau hơn 20 năm kể từ khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa khóa XV ban hành Chỉ thị số 08-CT/TU, ngày 10/10/2003 "Về đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo chưa có nhà ở, đang ở nhà tạm bợ, dột nát và ổn định đồng bào sinh sống trên sông”. Với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, toàn tỉnh đã xây dựng được 48.007 ngôi nhà “Đại đoàn kết” (trong đó, thực hiện theo Chỉ thị 08 là 17.249 nhà; theo Chương trình 135 là 30.758 nhà). Riêng đối tượng là hộ nghèo sinh sống trên sông, đã cấp đất, hỗ trợ làm được hơn 840 ngôi nhà, nhiều huyện đã hoàn thành bố trí đất ở cho đồng bào trước năm 2010, gồm Hà Trung, Thường Xuân, Triệu Sơn và Hoằng Hóa.

Trần Thắng
.
.