Chi hơn 55 tỷ đồng chấm dứt “Du lịch cưỡi voi”

Thứ Ba, 15/11/2022, 10:57

Đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng đàn voi nhà ở Đắk Lắk bởi phục vụ du lịch quá sức, già cỗi và không còn khả năng sinh sản, Tổ chức Động vật châu Á (AAF) đã tài trợ hơn 55 tỷ đồng để thực hiện dự án chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Ngày 15/11, thông tin từ UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án hỗ trợ việc thực hiện chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi trên địa bàn tỉnh.

Dự án hướng tới thay thế hoàn toàn hình thức du lịch cưỡi voi, đồng thời hỗ trợ chủ, nài voi và các trung tâm chăm sóc voi nhằm đảm bảo voi được bảo tồn, chăm sóc, kéo dài tuổi thọ từ nguồn kinh phí hơn 55 tỷ đồng do AAF tài trợ. Thời gian thực hiện từ tháng 11/2022 đến 12/2026, tại huyện Buôn Đôn (Vườn Quốc gia Yok Đôn, Trung tâm bảo tồn voi, cứu hộ động vật; các công ty du lịch trên địa bàn) và huyện Lắk.

Chi hơn 55 tỷ đồng chấm dứt “Du lịch cưỡi voi” -0
Trong những năm qua, mô hình du lịch cưỡi voi ở Đắk Lắk đã làm voi kiệt sức, không còn khả năng sinh sản.

Tổ chức AFF hỗ trợ kinh phí theo cam kết, trực tiếp quản lý và giám sát nguồn viện trợ, thực hiện tài trợ dự án thông qua các hoạt độn cung cấp chuyên gia, hỗ trợ kĩ thuật, tài chính... cho Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và quản lý bảo vệ rừng tỉnh Đắk Lắk, các tổ chức, cá nhân tham gia dự án.

Trước đó vào tháng 12/2021, tỉnh Đắk Lắk đã ký kết thoả thuận với AAF về việc tỉnh không tổ chức du lịch cưỡi voi, hội thi voi bơi, đá bóng, diễu hành trên đường... Kinh phí AAF hỗ trợ được tỉnh chi cho chủ và nài voi để bù đắp thu nhập giảm sút do dừng khai thác voi.

Chi hơn 55 tỷ đồng chấm dứt “Du lịch cưỡi voi” -0
Việc tổ chức đua voi trong ngày hội cũng nhiều ý kiến trái chiều.

Vào tháng 7/2018, Tổ chức Animals Asia cũng tài trợ cho dự án chuyển đổi mô hình du lịch thân thiện với voi tại Vườn Quốc gia Yok Đôn trị giá 65.000USD để chấm dứt du lịch cưỡi voi.

Theo đó, các chú voi nhà sẽ được thả tự do về rừng để tìm kiếm thức ăn, được tự do di chuyển trong môi trường tự nhiên, không còn cảnh xiềng xích, đeo bành chở khách băng rừng vượt thác như trước đây. Ngoài việc chuyển đổi mô hình, Tổ chức Động vật Châu Á còn hợp tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức bảo vệ và bảo tồn voi cho cộng đồng dân cư xung quanh khu vực bảo tồn và trên cả nước; Tư vấn thiết kế khu vực chăm sóc voi: đảm bảo phù hợp với mục đích và an toàn cho cả voi và khách tham quan...

Chi hơn 55 tỷ đồng chấm dứt “Du lịch cưỡi voi” -0
Mô hình du lịch voi thân thiện đang nhận được nhiều sự ủng hộ của du khách cũng như các cơ quan chức năng.

Đến nay, đã có tổng cộng 5 chú voi được thả tự do về rừng. Trong đó, có 3 chú voi của Vườn Quốc gia Yok Đôn và 2 chú voi của một công ty du lịch tư nhân trên địa bàn huyện Buôn Đôn. Mỗi chú voi được thả về rừng sẽ được một quản trượng theo dõi sát sao trong quá trình di chuyển kiếm ăn trong rừng. “Việc có quản trượng đi theo là để tránh việc voi nhà có thể tấn công người đi rừng hoặc voi nhà bị voi rừng tấn công. Sau mỗi ngày, voi lại được quản trượng dẫn về lại bãi cố định được bảo vệ nghiêm ngặt”, một lãnh đạo Vườn Quốc gia Yok Đôn thông tin.

Mô hình này là hình thức vào rừng tham quan, tìm hiểu các hoạt động, sinh hoạt hằng ngày của voi. Du khách được ngắm voi từ xa, theo dõi voi ăn, tắm, ngủ, đi dạo cùng voi trong rừng... Bên cạnh đó, các hoạt động du lịch truyền thống, trực tiếp tác động đến voi như cưỡi, tiếp xúc trực tiếp với voi sẽ bị cấm, để tránh ảnh hưởng đến voi.

Chi hơn 55 tỷ đồng chấm dứt “Du lịch cưỡi voi” -0
Một chú voi khoẻ mạnh sau khi được thả về rừng trong mô hình voi du lịch thân thiện.

Cũng theo vị lãnh đạo Vườn Quốc gia Yok Đôn, mô hình “du lịch voi thân thiện” bước đầu đã mang lại nhiều dấu hiệu tích cực. Những con voi ở Vườn quốc gia Yok Đôn khỏe mạnh và sung mãn hơn so với trước. Voi ở vườn không còn đau ốm vặt và không còn trơ xương như những con voi đang phục vụ chở khách ở các khu du lịch.

Hiện nay, Đắk Lắk còn khoảng 140 con voi, giảm 90% số lượng so với năm 1980, hiện tượng đáng lo ngại tại địa phương và trên cả nước. Từ năm 2004 tới nay, Animals Asia đã hợp tác cùng Trung tâm Bảo tồn Voi Đắk Lắk cử các chuyên gia chăm sóc voi quốc tế khám sức khỏe, tư vấn kỹ thuật chăm sóc và quản lý voi.

Văn Thành
.
.