Cần cân nhắc "bài toán học phí" khi chọn ngành, chọn trường

Thứ Ba, 11/04/2023, 05:41

Trong bối cảnh học phí các cấp nói chung, học phí đại học nói riêng đang được điều chỉnh tăng theo lộ trình, việc chọn trường, chọn ngành có mức học phí phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình đã và đang trở thành mối quan tâm của nhiều học sinh, phụ huynh, nhất là thời điểm thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học năm 2023 đang đến rất gần.

Nhiều trường đại học dự kiến tăng học phí trong năm học 2023-2024

Sau 2 năm không tăng học phí do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều trường đại học, học viện dự kiến tăng 10-20% học phí từ năm học 2023-2024. Việc các trường đại học điều chỉnh tăng học phí được thực hiện theo Nghị định 81 của Chính phủ về quản lý học phí.

Theo đó, từ ngày 15/10/2021, thời điểm Nghị định 81 có hiệu lực, mức trần học phí đại học chưa tự chủ dao động từ 13,5-27,6 triệu đồng/năm học. Các trường đại học tự chủ có mức học phí cao hơn từ 2-2,5 lần so với các trường chưa tự chủ.

333976461_2474682832691885_4486170681411450722_n.jpeg -0
Học sinh cần tìm hiểu thông tin về học phí từ các nguồn khác nhau trước khi quyết định chọn ngành, chọn trường. Ảnh minh hoạ

Trong đề án tuyển sinh đại học năm 2023-2024, Học viện Tài chính dự kiến mức học phí 22-24 triệu đồng/năm với các ngành đào tạo chương trình chuẩn (tăng 10- 20% so với hiện tại). Học phí với chương trình chất lượng cao tăng nhẹ lên 40- 50 triệu/năm. Trường Đại học Điện lực cũng đưa ra mức học phí năm tới 16-18 triệu đồng/năm học, tức tăng khoảng 14% so với năm học trước.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền dự kiến nâng mức thu hệ đại trà từ hơn 440.000 đồng lên thành hơn 500.000 đồng một tín chỉ với khóa tuyển mới năm học 2023-2024. Với hệ chất lượng cao, mỗi sinh viên phải nộp gần 1,5 triệu đồng mỗi tín chỉ, so với mức cũ 1,3 triệu đồng.

Trường Đại học FPT tăng học phí chính khóa là 28,7 triệu đồng/học kỳ, tương đương cả năm 57,4 triệu đồng/năm học. Mức học phí này tăng khoảng 10% so với năm học 2022-2023 là 27,3 triệu đồng/kỳ…

Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội cũng dự kiến tăng học phí chương trình đại trà không quá 10%/năm. Năm học 2022- 2023, học phí chương trình đại trà của trường dao động từ 500.000-1.900.000 đồng/tín chỉ, tức khoảng 16 triệu-24 triệu đồng/năm học tuỳ theo từng ngành.

Học phí chương trình chất lượng cao cao hơn khoảng 2 lần so với chương trình đại trà và dao động từ 40-60 triệu đồng/năm; học phí chương trình tiên tiến dao động từ 40-80 triệu đồng/năm tuỳ từng ngành. Mức học phí này có thể thay qua mỗi năm tuy nhiên sự thay đổi sẽ không vượt quá 10% so với năm trước.

Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cũng dự kiến tăng học phí khoảng 10% so với năm học 2022-2023. Trong đó, học phí ngành Răng hàm mặt của trường này có mức thu cao nhất là 7,2 triệu đồng/tháng; từ năm học 2023-2024 sẽ điều chỉnh tăng lên 8 triệu đồng, tức tăng từ 36 triệu đồng/kỳ lên 40 triệu đồng/kỳ.

Học viện Ngoại giao dù chưa công bố mức học phí năm học 2023-2024 tuy nhiên, theo mức học phí năm học 2022-2023 của trường này, cả 6 chương trình chất lượng cao gồm các ngành Quan hệ quốc tế, Ngôn ngữ Anh, Kinh tế quốc tế, Luật quốc tế, Truyền thông quốc tế, Kinh doanh quốc tế đều có mức học phí 4,15 triệu đồng/tháng.

Hiện chỉ có 2 chương trình đào tạo ngành Luật thương mại quốc tế và Châu Á- Thái Bình Dương có mức học phí 1,9 triệu đồng/tháng… Tương tự, học phí của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng được chia theo từng chương trình đào tạo.

Đối với chương trình chuẩn, học phí năm học 2022-2023 là 1,2 triệu đồng/tháng; đối với chương trình được kiểm định có mức thu là 2 triệu đồng/tháng và đối với chương trình chất lượng cao ở một số ngành như Báo chí, Quốc tế học có mức thu học phí là 3,5 triệu đồng/tháng. Nhà trường cũng lưu ý, đối với chương trình chuẩn, mức thu học phí được điều chỉnh theo từng năm học theo quy định tại Nghị định số 81 của Chính phủ nhưng không quá 10%/năm, còn đối với chương trình chất lượng cao, học phí sẽ cố định trong toàn khoá học…

Thí sinh cần tìm hiểu kỹ để tránh "nhầm lẫn" về học phí

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), mức học phí dự kiến của các trường đại học đều phải được công khai trong đề án tuyển sinh đăng trên website trường ít nhất 30 ngày trước khi nhận hồ sơ xét tuyển.

Tuy nhiên đề án tuyển sinh của hầu hết các trường đại học nhìn chung thường khá dài, thông tin về học phí lại không được đặt ở một cột cố định, dễ nhìn và cách tính học phí của các trường hiện nay cũng không giống nhau nên thí sinh không dễ dàng để có cách hiểu đúng về học phí.

Trong khi đó, đây lại đang là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định chọn ngành, chọn trường của thí sinh, nhất là những em có điều kiện kinh tế bình thường hoặc khó khăn.

Theo tìm hiểu của phóng viên, mặc dù hiện nay, học phí của nhiều trường đều có ghi mức tăng từng năm theo quy định, không quá 10%. Nhưng những con số về mức học phí trong các đề án tuyển sinh đều chỉ là ước tính, là dự kiến chứ không phải là con số thực tế chính xác.

Trong thực tế, học phí của sinh viên đại học được tính căn cứ vào số lượng tín chỉ mà sinh viên học trong một học kỳ/năm học. Cùng một lớp học nhưng số tiền học phí mà mỗi sinh viên cần đóng trong một học kỳ có thể sẽ không giống nhau vì tùy thuộc vào kết quả học của sinh viên. Nếu sinh viên bị nợ môn, bị học lại càng nhiều môn thì tiền học phí cũng tăng tương ứng.

Bên cạnh đó, cách tính học phí của các trường hiện không giống nhau, có trường tính theo tháng, theo kỳ, có trường tính theo tín chỉ. Chính điều này có thể dẫn đến những "hiểu lầm" đối với học sinh và phụ huynh trong việc xác định mức học phí.

Trên thực tế đã có hiện tượng có trường chỉ công bố mức học phí theo tín chỉ mà "cố tình quên" nêu tổng số tín chỉ một khoá để phụ huynh, học sinh theo dõi. Trong học kỳ đầu khi gửi giấy báo trúng tuyển cho thí sinh, nhà trường chỉ sắp xếp rất ít tín chỉ học khiến nhiều người lầm tưởng học phí thấp.

Tuy nhiên, học phí sẽ tăng dần vào các kỳ sau do số lượng tín chỉ tăng. Một cách thức khác là trường chia nhỏ kỳ học trong năm. Thay vì chia thành 2 kỳ/năm thì trường có thể chia thành 3 kỳ hoặc 4 kỳ/năm. Nhìn vào số học phí từng kỳ, học sinh tưởng là học phí thấp nhưng tính cả năm học lại thành cao.

Ngoài ra, có một số trường đại học chia mức học phí theo chương trình đào tạo. Đối với chương trình đào tạo chuẩn, đại trà, mức học phí thường thấp hơn nhiều so với chương trình chất lượng cao hoặc chương trình tiên tiến.

Tuy vậy, học sinh, phụ huynh cần lưu ý, đối với chương trình đại trà, chương trình chuẩn, học phí sẽ được điều chỉnh theo từng năm theo quy định tại Nghị định 81 của Chính phủ, tức là tăng theo từng năm, theo lộ trình nên càng những năm sau thì học phí sẽ càng tăng.

Còn đối với chương trình chất lượng cao của một số trường, tuy học phí ban đầu có thể cao hơn nhiều so học phí đại trà nhưng trường có thể sẽ cam kết giữ ổn định trong suốt thời gian học. Do đó, học sinh và phụ huynh cần tìm hiểu kỹ và nắm rõ các quy định này để lựa chọn ngành học, chọn trường phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình, tránh tình trạng phải "đứt gánh giữa đường" do "hiểu nhầm" về học phí.

TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, để minh bạch và tạo thuận lợi hơn cho người học, Bộ GD&ĐT cần có những quy định chặt chẽ hơn trong việc yêu cầu các trường đại học công khai học phí, chương trình đào tạo cũng như quy định rõ thời gian công bố, vị trí đăng thông tin công bố và số lần công bố.

Huyền Thanh
.
.