Thành phố đầu tàu kinh tế cả nước và giấc mơ xóa… nhà “ổ chuột” (!)

Thứ Tư, 18/04/2018, 07:45
Theo thống kê chưa đầy đủ, TP Hồ Chí Minh đang có khoảng 20.000 nhà lụp sụp (nhà “ổ chuột”) ven và trên kênh rạch. Trong nhiệm kỳ 2016-2020, địa phương được xem là đầu tàu kinh tế của cả nước xác định việc di dời nhà “ổ chuột” là một trong 7 chương trình đột phá, tập trung thực hiện.

Kỳ 1: Khát vọng... lên bờ

Để chương trình này thành hiện thực, thành phố đã, đang tích cực nỗ lực tìm phương thức, cơ chế và nguồn lực mới nhằm lo cho người dân đang sống trên, ven kênh rạch sớm có được chỗ ở, việc làm tốt hơn, thành phố cũng có đất thêm để làm giao thông, thêm nhà ở, công trình phục vụ người dân.

Đấy là mực tiêu rất nhân văn dù không hề đơn giản. Lãnh đạo thành phố cho rằng khó không phải là không làm được bởi chủ trương, giải pháp đã có, vấn đề còn lại chỉ là quyết tâm...

Cái nắng muốn cháy da giữa trưa ngày trung tuần tháng tư càng làm cho mùi hôi từ mặt kênh Đôi (quận 8) đen ngòm hắt lên khiến chúng tôi hoa cả mắt và cảm thấy khó thở. Tự động viên “bà con chịu được thì cớ gì mình lại không”, chúng tôi tự thử sức chịu đựng của mình bằng cách xuống xuồng máy sau khi cuốc bộ một đoạn theo đường Bến Nguyễn Duy (bờ Nam kênh Đôi).

Nhà ổ chuột tại quận 8 nhìn từ mặt kênh Đôi.

Tận mắt thấy, tận tai nghe về cuộc sống của hàng vạn người dân đang sống nhiều thập kỷ qua trong các căn nhà “ổ chuột” lụp xụp, chúng tôi thật sự chạnh lòng. Ghé căn nhà được làm bằng đủ thứ gỗ tạp nham, là chỗ ở, sinh hoạt và buôn bán của hơn 10 nhân khẩu, chúng tôi gặp chủ nhà là người đàn ông sắp bước vào tuổi 70, đang cởi trần phơi tấm lưng đen trùng trục.

Đút mồi cho cho mấy con chim bồ câu mới ra ràng ăn, ông Vọng – tên người chủ nhà, cho biết ông làm nghề lái xe tải thuê nhưng “không phải ngày nào cũng có hàng để chở”. Vợ con ông trông tủ thuốc lá nhỏ trước nhà.

Thấy tôi chú ý tới khung sàn nhà cạnh đó với dấu vết bị cháy còn khá mới, giọng ông Vọng buồn so: “Đó là nhà của thằng cháu cùng xóm. Đã nghèo mà mắc cái eo. Hồi Tết rồi, tụi nó nấu nướng kiểu gì đó mà lửa phực cháy. May mà kịp tát nước lên chữa chứ thôi cả khu ổ chuột này rụi luôn rồi”. Nghe tôi nói muốn gặp chủ căn nhà này, ông Vọng cho biết: “Không có tiền sửa nên cả tháng rồi nó bỏ đi đâu mất. Mà chắc là về quê luôn rồi”.

Trong lúc trò chuyện với chúng tôi, ông Vọng hay nói nhà này, nhà nọ cất lấn mặt kênh nhưng thực ra căn nhà ông Vọng cũng chỉ có chưa tới 1/3 nằm trên bờ. Rồi ông chỉ tay về dãy nhà “ổ chuột” nằm hẳn trên mặt kênh cạnh đó, kể thêm: “Nhà nào có được cái số nhà là ngon rồi đó”.

Nhưng rồi như chợt nhớ ra điều gì, ông lại kể: “Mà nói thật cho chú em mày biết, thực ra cũng chỉ là cái số tạm thôi, hình như cái số chung của cả xóm. Như nhà tôi là số 43 nhưng cả khu này có cả chục căn cùng mang số này. Nhà nào cũng lấy tạm số nhà của người đến trước để đăng ký”.

Giải thích thêm thắc mắc của tôi về chuyện “người đến trước”, ông Ba nhà gần ông Vọng kể, trước năm 1975, đã có người cắm cọc dựng nhà sống ven theo kênh này rồi nhưng vất vả quá họ bỏ về xứ hoặc đi nơi khác. “Còn lại sau này là những người dân lao động, không thể có nhà đàng hoàng mới tới đây sang lại vị trí, cất lại nhà mà ở”.

Còn thắc mắc của tôi về dòng kênh giờ so với trước có khác gì với trước kia, người đàn ông này vò trán: “Là nước dưới kênh. Tui nhớ hồi trước, nước dưới kênh cũng còn kha khá, dân tụi tui còn dám tắm giặt, chẳng bệnh tật gì. Giờ thì chỉ cái mùi bốc lên thôi, yếu yếu đã không chịu nổi rồi chứ đừng nói xuống dưới”, ông Ba chép miệng nhưng rồi lại thở dài: “Nói vậy chứ nhiều người ở đây vẫn hay ngâm mình dưới kênh kiếm cá chứ lấy đâu ra tiền mà đi chợ”.

Chúng tôi tìm đến vị trí gần mép nước đen để chụp tấm ảnh mà không khỏi xốn xang khi trước mắt mình là hàng cọc cừ (nhiều nhất là bằng cây tràm) yếu ớt chống đỡ những mái lá, mái tôn tạm bợ bên trên. Cũng ngồi từ vị trí này, khi nước rút dần xuống, tôi hiểu thêm vì sao mùi hôi luôn thường trực kinh khủng đến như vậy.

Tất cả rác rưởi, nước thải sinh hoạt, đều được tuôn thẳng xuống ngay phía dưới sàn. Mỗi khi từ hướng lòng kênh có phương tiện thủy đi ngang qua, sóng dạt vào làm bầy ruồi nhặng tung cánh khỏi lớp rác dày đặc phía dưới sàn.

Ông Biên, 77 tuổi, sống tại khu vực kênh Đôi này tứ lúc 10 tuổi lôi chúng tôi lại căn nhà mà “mỗi khi ghe xuồng chạy qua là lo sập” cho biết thêm, “ổ chuột” như vậy nhưng có cả chục người nương thân. “Sàn nhà thấp trệt nên mấy hôm nước lên, mực nước thiếu điều tràn lên sàn nhà.

Đang ngủ mà nghe có ghe xuồng sắp đi ngang qua là ngồi bật dậy để khỏi ướt lưng. Phải vậy thôi đâu, nhiều đêm, cả nhà tôi mất ngủ vì bầy chuột lũ lượt tràn lên rượt, cắn lộn nhau chí chóe; gián bị động ổ bò ngổn ngang”, ông Biên kể.

Nghe ông Biên kể mà chúng tôi chợt nhớ lời của bà Lành, 71 tuổi, thuộc khu nhà “ổ chuột” dọc theo kênh Tẻ - nơi cách quận 1 và quận 5 chỉ vài chục mét nhưng bên kia là những tòa nhà cao lớn, lộng lẫy, còn bên đây kênh là lúp xúp dãy nhà “ổ chuột”.

Bà Lành kể: “Rác nỗi lềnh bềnh trên mặt kênh nhưng khi nước lên, rác tấp vào sàn nhà. Nhiều đêm đang ngủ, rắn chui vào cả trong mùng”.

Theo lời bà Lành, để có đủ tiền nuôi cả gia đình gần chục miệng ăn, chồng bà và các con hằng ngày nổ máy ghe ra các những khúc sông ít ô nhiễm dầm mình mò tìm trùng chỉ bán cho những nơi buôn bán cá cảnh; còn bà và con dâu, con gái chăm chút nồi bánh canh mỗi sáng bán cho những người trong xóm.

Hỏi chuyện điện, nước sinh hoạt, bà Lành ngao ngán: “Điện phải câu mắc nhờ. Nước thì phải mua lại với giá 25-30 ngàn/m3”. Cạnh nhà bà Lành, hàng trăm phận người cũng chui rúc vào các nhà “ổ chuột” hàng chục năm nay, mưu sinh bằng đủ thứ nghề, nhưng phổ biến nhất là lượm ve chai, thu mua sắt vụn, bán vé số, bốc vác…

Sống vật vã và không hề an toàn trong khu nhà “ổ chuột” nhưng khi được hỏi về khát vọng an cư, có khá nhiều người đang tá túc trong các căn nhà “ổ chuột” mà chúng tôi tiếp xúc đều lắc đầu vì không nghĩ ra được một công việc gì khác ổn định hơn để bám víu vào khi được dời đến nơi ở mới.

Còn được quan tâm bố trí về nơi ở mới tử tế hơn, trước hết là không phải chịu hôi hám, chật chội, không phải mất ngủ vì chuột chạy, rắn bò qua người, không phải lo nhà cùng số, phố không tên, điện câu đuôi, nước đi mua từng thùng, không phải mặc cảm rằng nhà của mình góp phần làm xấu bộ mặt thành phố,… thì “đấy là mơ ước ba đời” – nói như ông biên.

Trưa 11-4, khi đến khu vực rạch Xuyên Tâm (nối kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè với sông Vàm Thuật (quận Gò Vấp), hình ảnh trước mắt chúng tôi là hàng trăm căn nhà cắm trên con rạch ô nhiễm, rác nổi lềnh bềnh, muỗi mòng bay loạn xạ. Nhìn nhưng đám trẻ con nghèo vô tư dọc nước, người chúng chi chít các vết muỗi cắn, quần áo cáu bẩn, cầm tô cơm ăn mà ruồi nhặng bu đầy,… chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Chỉ dài hơn 6km nhưng biết bao thập kỷ qua rồi, bao nhiêu cảnh đời bám víu với con rạch này. “Bỏ thì không biết đi đâu, còn sống thì phải chịu đựng”, nhiều người được hỏi đều nói như vậy. Buổi trưa, khi nước trên con rạch kiệt xuống, một bãi rác khổng lồ hiển thị ra. Mùi rác, mùi xác động vật chết tỏa ra khiến nhiều người ngang qua cảm thấy lợm giọng, buồn nôn.

Hỏi một anh chạy xe ôm đang chờ khách cũng là cư dân của khu nhà “ổ chuột” con rạch này, anh nói: “Không chịu rồi cũng phải chịu. Tất cả đều xuất phát từ chữ nghèo”. Một người phụ nữ tên Vân kể bà sống tại con rạch Xuyên Tâm này ngót nửa thế kỷ. Ban ngày, các con, cháu bà đi làm hết, đủ mọi nghề. Bà lớn tuổi, chân cẳng yếu, đi lại chậm chạp nên chỉ có thể giữ mấy đứa cháu nội, cháu ngoại. Hỏi sao nhà chật chội, nặng mùi hôi của nước kênh ô nhiểm, bà lý giải nghe là lạ nhưng ngẫm lại chúng tôi thấy cũng đúng đúng: “Càng hôi càng phải đóng cửa, mở tivi cho chúng nó coi. Chứ mở cửa, nó chạy ra ngoài, lọt kênh chết rồi sao?”.

Nhóm PV
.
.