Tai nạn tàu cá trên biển: Mong manh như 'hồn treo cột buồm'

Thứ Tư, 15/04/2015, 08:05
Trong thời gian gần đây, nhiều tàu cá của ngư dân các tỉnh miền Trung liên tục gặp tai nạn trên biển. Để đóng những con tàu cưỡi sóng vượt gió ra khơi không ít ngư dân đã phải vay mượn hàng trăm triệu đồng, song chỉ đi biển được một vài chuyến thì tàu cá gặp nạn bị sóng đánh chìm. Điều đáng nói rất nhiều vụ tai nạn tàu cá trên biển đã có thể tránh được nếu ngư dân được trang bị đầy đủ kiến thức trước mỗi chuyến ra khơi.

10 ngày mất 5 tàu cá

Gần 20 ngày qua, ngư dân Trần Văn Đồng, ở xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu, Nghệ An vẫn như người mất hồn khi nhắc đến tàu cá. Bởi chỉ trong vòng 10 ngày, gia đình anh Đồng đã bị sóng biển cướp mất 5 tàu cá, thiệt hại lên đến gần 3 tỷ đồng.

Ngày 16/3, trời yên biển lặng, anh Đồng quyết định cho 2 tàu cá của gia đình nhổ neo ra khơi cùng 8 ngư dân để đánh bắt hải sản. Chỉ mấy tiếng đồng hồ sau thì anh nghe tin xấu báo về, cả 2 tàu đã bị sóng biển nhấn chìm khi mới cách bờ chỉ 3 hải lý. Xót của nhưng anh Đồng nghĩ còn người còn của, các ngư dân trên thuyền đều sống sót là may mắn.

Ngày 25/3, anh lại tiếp tục cho 2 tàu cá xuất bến ra khơi. Sau gần một tuần vật lộn với sóng biển, các ngư dân trên 2 tàu cá trở về chan chứa niềm vui vì cá chất đầy khoang. Ngày 30/3, ngư dân Trần Văn Đồng cùng gia đình ra bến cảng chờ tàu cập cảng thì lại nghe tin dữ: cả 2 tàu cá lại bị sóng biển đánh chìm khi chỉ còn cách bờ chưa đầy 1km. Ít ngày sau, anh Trần Văn Đồng thuê một tàu khác ra để trục vớt 2 con tàu nhưng trên đường ra biển, con tàu này lại tiếp tục bị sóng đánh chìm.

Chị Phạm Thị Hiền vợ anh Đồng nói trong nước mắt: “Giờ mất hết tàu lại còn phải đền tàu đã mượn cho người khác, hầu hết vốn đóng, mua tàu vợ chồng tui đều vay mượn, giờ không biết bấu víu vào đâu”.

Ngư dân xã Cảnh Dương và cơ quan chức năng đưa một tàu cá bị nạn vào bờ.

Ở nhiều làng biển Nghệ An, Hà Tĩnh, chúng tôi cũng bắt gặp những hoàn cảnh đáng thương, ngư dân trắng tay vì tàu cá gặp nạn trên biển. Chẳng hạn, cách đây không lâu, tàu cá NA 90249-TS của anh Nguyễn Văn Trí, ở xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu bị gãy sào, tàu nghiêng, sóng đánh chìm khiến 8 thuyền viên mất tích, thiệt hại tài sản 2,5 tỷ đồng.

Tàu cá của anh Trần Ngọc Sơn, trú ở xã Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai gió lớn làm tàu bị bốc neo, chìm và hư hỏng nặng gây thiệt hại khoảng 300 triệu đồng, tàu của anh Đoàn Bình, ở xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai khi đang khai thác ở bãi Chùa Bá đã va phải rạn ngầm làm tàu bị sổ nước, vỏ tàu bị hỏng, thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng... Rời Nghệ An, chúng tôi vào Bố Trạch, Quảng Bình nơi có những làng nghề đi biển hơn 500 năm như Đức Trạch, Nhân Trạch, Lý Hòa…

Khi nói về tai nạn tàu cá trên biển, nhiều ngư dân đều tỏ ra ái ngại cho biết, việc bị tai nạn tàu cá trên biển diễn ra thường xuyên. Khi thì lật tàu, khi tàu chìm, khi tàu chết máy, khi bị điện giật, khi bị tay lái đánh, khi bị chân vịt quay gây tai nạn…

Ngư dân Nguyễn Văn Phú ở Đức Trạch nói “Nghề biển vất vả thế mới có câu ca: Chồng làm nghề ruộng em theo/ Chồng làm nghề biển hồn treo cột buồm”.

Cách đây chưa lâu, tàu cá mang số hiệu QB 2522 xuất phát từ đất liền gồm 7 ngư dân: Nguyễn Văn T., Hoàng Thanh N., Trần Văn Th., Hoàng H., Hoàng H., Nguyễn Văn N. và Hồ Văn L. tất cả đều trú ở huyện Bố Trạch vừa ra khơi đánh cá được 1 tuần thì người thân nhận được tin tàu QB 2522 đứt mất buồm lái gặp gió lớn và cả 7 ngư dân đều chết trên biển.

Trong quá trình tìm tư liệu phục vụ bài viết, chúng tôi được biết, chỉ tính riêng trong năm 2014 và 3 tháng đầu năm 2015, riêng 6 tỉnh Bắc Trung bộ đã có hơn 100 vụ tai nạn tàu cá trên biển, làm chìm hơn 30 chiếc tàu cá và hàng trăm ngư dân gặp nạn. Điều này cho thấy vấn đề an toàn lao động nghề biển đang đứng trước một thực trạng đáng báo động.

Hoàn toàn có thể hạn chế được rủi ro

Khi trao đổi về vấn đề tai nạn tàu cá trên biển với chúng tôi, nhiều ngư dân khẳng định: tai nạn đều bất ngờ, khách quan. Song qua tìm hiểu, phân tích các tình huống xảy ra tai nạn, cho thấy các vụ tai nạn phần nhiều mang yếu tố chủ quan, do lâu nay ngư dân không được trang bị kiến thức về an toàn lao động, cũng như kỹ năng sống khi lao động trên biển.

Thực tế trên biển: Có tàu cá các ngư phủ do say sưa đánh bắt nên đóng các cửa, nắp hầm không kín, vì vậy khi nước tràn vào các khoang gặp phải sóng lớn đánh chìm tàu. Có tàu bị tàu bạn đâm do không có các trang thiết bị tín hiệu như đèn, còi, trang thiết bị hàng hải. Thậm chí có tàu chìm vì bị va đập khi neo đậu không đúng kỹ thuật.

Một trong 5 chiếc tàu cá của gia đình anh Nguyễn Văn Đồng ở xã Diễn Bích bị sóng đánh chìm.

Một tai nạn thường xuyên xảy ra là tàu hỏng máy, bởi hầu hết tàu cá ngư dân thường sử dụng máy cũ làm máy chính trên tàu, trong lúc đó ngư dân lại không thực hiện đúng các quy trình sử dụng máy tàu. Nhiều tàu cá để cho ngư dân vi phạm các quy định về bảo đảm an toàn trên biển như không mang áo phao, phao cứu sinh, máy thông tin liên lạc, hải đồ, không hiểu rõ hoặc không chấp hành các quy định về sử dụng đèn tín hiệu, âm hiệu, thiếu ý thức về chống va chạm, không biết sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc…

Ngoài tai nạn khó kiểm soát khi gặp thiên tai bất ngờ như sóng to, bão lớn thì những yếu tố trên đã làm cho ngư dân thi gan với biển cả không phải lúc nào cũng vượt qua được. Tai nạn lao động trên biển không những gây thiệt hại nghiêm trọng đến sinh mạng và tài sản của ngư dân, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của ngành thuỷ sản. Vì vậy, xây dựng đội ngũ tàu thuyền của ngư dân đủ lớn, đủ mạnh không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế mà còn góp phần quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo quốc gia.

Để giúp đỡ ngư dân tránh được phần nào những rủi ro tai nạn trên biển, thiết nghĩ các bộ, ngành liên quan cần có chính sách bảo đảm an toàn điều kiện kinh tế cho ngư dân. Tạo cơ chế thông thoáng cho ngư dân vay vốn ngân hàng đóng các tàu cá lớn, trang thiết bị hàng hải đúng quy chuẩn để đánh bắt các ngư trường xa. Ngành thuỷ sản các địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc công tác quản lý tàu cá tại từng địa bàn.

Thiết lập các mẫu tàu cá định hình ở từng địa phương để làm cơ sở đánh giá chất lượng đội tàu cá hiện có, tạo cơ hội cho việc giám sát đóng mới đảm bảo chất lượng, mặt khác giúp cơ quan đăng kiểm tàu cá có cơ sở phân cấp tàu, từ đó giúp các cơ quan quản lý tàu cá xác định được khu vực hoạt động của từng nhóm tàu cá để có các biện pháp tổ chức sản xuất phù hợp.

Tiến hành phân loại tàu theo tuổi thọ, theo vùng hoạt động và theo khả năng an toàn của tàu để áp dụng chế độ kiểm tra an toàn kỹ thuật định kỳ. Kiểm tra các trang thiết bị trên tàu như: hệ thống đèn hiệu, hệ thống neo, cứu hoả, chống đắm, chống thủng... cho mỗi tàu cá của ngư dân trước khi rời cảng.

Dương Sông Lam
.
.