Ba lần Mỹ bất lực nhìn Iran tịch thu, bắn hạ UAV xâm phạm không phận

Thứ Sáu, 21/06/2019, 09:44
Ngoài vụ bắn hạ máy bay không người lái (UAV) MQ-4C của hải quân Mỹ hôm 20-6, Iran từng hai lần khác ép hạ cánh thành công UAV trinh sát RQ-170 Sentinel của Mỹ vào năm 2011 và một máy bay MQ-9 Reaper vào năm 2018.


Bắn rơi UAV MQ-4C giá 180 triệu USD

Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ngày 20-6 bắn rơi UAV trinh sát MQ-4C Triton của Mỹ, sau khi cáo buộc máy bay này xâm phạm không phận. Để chứng minh không nói suông, IRGC công bố video khai hỏa tên lửa nhắm trúng máy bay Mỹ.

Một chiếc UAV MQ-4C của quân đội Mỹ. Ảnh: ITN

Phía Mỹ ban đầu nói không có thông tin, nhưng vài giờ sau thừa nhận UAV MQ-4C hiện đại nhất thế giới, với giá bán mỗi chiếc lên đến 180 triệu USD, đã bị tên lửa của Iran bắn hạ.

Sáng 21-6, để chứng minh việc máy bay Mỹ đã xâm phạm lãnh thổ, đại sứ Iran Majid Takht Ravanchi tại Liên Hợp Quốc (LHQ) viết thư cho Tổng thư ký Antonio Guterres cho hay lực lượng phòng không Iran hành tiêu diệt UAV Mỹ lúc 4h05 ngày 20-6 (giờ địa phương) tại tọa độ 25°59'43" Bắc, 57°02'25" Đông.

Các chuyên gia lo ngại vụ bắn hạ máy bay này có thể khiến quan hệ hai bên tiếp tục xấu đi, nhất là sau các tuyên bố cứng rắn lên quan đến vụ tàu chở dầu bị tấn công trên Vịnh Oman cách đây đúng một tuần.

Theo RT, MQ-4C Triton là UAV dành cho hải quân Mỹ, được phát triển từ mẫu RQ-4 Global Hawk. So với dòng RQ-4 nguyên bản, những chiếc MQ-4C được gia cố khung thân, giúp chống chịu mưa đá, chim và sét đánh cũng như trang bị hệ thống camera và cảm biến hiện đại hơn.

Hình ảnh do Iran công bố cho thấy chiếc UAV đã xâm phạm không phận.

Mẫu MQ-4C Triton hiện được đánh giá là UAV trinh sát hiện đại nhất thế giới. Chiếc máy bay có thể hoạt động liên tục 30 giờ, tầm hoạt động 15.200km với tốc độ gần 600km/h.

Triton có nhiệm vụ cung cấp dữ liệu tình báo, trinh sát và do thám (ISR) theo thời gian thực tại các vùng đại dương rộng lớn và duyên hải gần bờ, cũng như tham gia hoạt động tuần thám biển, tìm kiếm cứu hộ và hỗ trợ những trinh sát cơ P-8A Poseidon.

Cảm biến chính của Triton là radar mảng pha quét điện tử chủ động AN/ZPY-3, có khả năng quan sát khu vực rộng 5.200 km2 chỉ trong một lần quét ở độ cao 17 km. Khi hoạt động ở tầm thấp, Triton có thể triển khai tổ hợp quang điện - hồng ngoại MTS-B và thiết bị chỉ thị và đo xa laser để dựng lại chính xác thực địa cho sĩ quan chỉ huy.

Máy bay cũng có hệ thống gây nhiễu điện tử và được quảng cáo là tàng hình trước radar đối phương.

"Bắt sống" siêu UAV vũ trang MQ-9 Reaper

Năm ngoái, vài tháng sau khi căng thẳng leo thang trở lại trong quan hệ Mỹ-Iran với việc Tổng thống Mỹ Trump rút nước này khỏi thỏa thuận hạt nhân, Tướng Amir Ali Hadjizade, một quan chức cấp cao thuộc IRGC hồi tháng 11 bất ngờ xác nhận quân đội nước này đã ép hạ cánh thành công một UAV MQ-9 tối tân của Mỹ.

Máy bay MQ-9 Reaper đi làm nhiệm vụ  ở Trung Đông.

IRGC cho hay lực lượng này đã ép UAV của Mỹ hạ cánh bằng phương pháp tác chiến điện tử, song không nói rõ vụ tịch thu này diễn ra trong lãnh thổ Iran hay ở khu vực nào khác. Tehran duy trì các hoạt động quân sự ở Syria, nơi quân đội Mỹ cũng có hiện diện.

Ra đời năm 2001 và được sản xuất hàng loạt từ năm 2007, MQ-9 Reaper là chiếc máy bay không người lái trinh sát-tấn công quan trọng nhất của Không quân Mỹ. Hiện loại UAV này được Mỹ triển khai tại mọi chiến trường mà nước này can thiệp.

Mẫy máy bay giống hệt MQ-9 của Iran. Ảnh: PressPV

MQ-9 Reaper được điều khiển từ xa qua tín hiệu vệ tinh hoặc thông qua các trạm điều khiển mặt đất truyền thông tin nối tiếp nhau. Nó có khả năng bay liên tục 14 tiếng trên không, với 7 giá treo, có thể mang theo tới 14 tên lửa chống tăng Hellfire, hoặc tên lửa đối không Stinger.

Ngoài ra những cải tiến mới còn giúp những chiến đấu cơ mệnh danh là sát thủ giấu mặt này còn có thể triển khai bom thông minh, hoặc các mang theo các thiết bị chuyên dụng để áp chế hệ thống điện tử của đối phương. MQ-9 Reaper được coi là “ông kẹ” với những đối thủ của Mỹ trên chiến trường.

Ép RQ-170 Sentinel hạ cánh

Tháng 12-2011, Iran gây sửng sốt cả thế giới về khả năng phòng không khi  khống chế được máy bay không người lái tàng hình RQ-170 Sentinel khi nó bay trên không phận nước này rồi “ép” nó hạ cánh bằng tác chiến điện tử.

Chiếc RQ-170 Sentinel khi đó tiếp đất thành công và gần như nguyên vẹn. Washington ban đầu bác tin mất UAV vào tay Iran, song Tehran sau đó đã trưng ra hình ảnh cụ thể về chiếc UAV RQ-170 bị bắt sống cũng như cách thức họ chiếm quyền điều khiển chiếc máy bay.

Chiếc RQ-170 Sentinel bị Iran tịch thu. Ảnh: IRNA

Vụ việc sau đó dẫn đến những tranh cãi ngoại giao giữa Mỹ và Iran. Washington yêu cầu Tehran trả lại UAV nhưng Iran từ chối. Tehran còn nộp đơn lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, tố cáo Mỹ cố tình xâm nhập không phận nước này.

RQ-170 Sentinel là máy bay trinh sát tàng hình không người lái do tập đoàn Lockheed Martin phát triển. Nó là dự án bí mật của Lầu Năm Góc nhằm thực hiện nhiệm vụ do thám ở những khu vực nhạy cảm. Nếu không gặp sự cố và rơi xuống Iran cuối năm 2011 thì RQ-170 Sentinel vẫn là một bí mật đối với thế giới.

Theo một số nguồn tin, UAV Sentinel được trang bị nhiều công nghệ tối tân như camera quang - điện tử, cảm biến quang - hồng ngoại, radar quét mạng pha điện tử chủ động cùng khả năng tàng hình. Mỹ cũng quảng cáo RQ-170 được trang bị trí tuệ nhân tạo để tự hoạt động khi không có tín hiệu điều khiển.

Thiện Minh
.
.