Coi trọng tính khả thi một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi)

Chủ Nhật, 01/11/2015, 09:03
Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) đang thu hút sự quan tâm của dư luận bởi ý nghĩa rất quan trọng của nó trước yêu cầu của công cuộc đổi mới, chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền và thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đặc biệt, không ít đại biểu Quốc hội, các nhà nghiên cứu luật pháp, cán bộ thực thi pháp luật hết sức quan tâm tới tính khả thi của những nội dung tại một số điều trong Bộ luật này.

Góp phần xây dựng Bộ luật đáp ứng yêu cầu đề ra, đảm bảo tính khả thi sau khi ban hành, chuyên mục “Trò chuyện Chủ nhật” tuần này dành cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuân, Phó trưởng ban Nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật Hội Luật gia Việt Nam để sáng tỏ vấn đề nói trên.

Phóng viên (PV):
Thưa Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuân, ông có thể khái quát để bạn đọc hiểu rõ một số điểm mới trong dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) lần này?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuân: Trước yêu cầu của công cuộc đổi mới và hội nhập, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền, đặc biệt là Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 có nhiều điểm không còn phù hợp, yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, thì việc sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự là yêu cầu khách quan, cấp thiết. Có rất nhiều nội dung mới trong dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) được trình ra Quốc hội lần này. Tôi chỉ xin nêu một số nội dung mới cơ bản, bao gồm: Hoàn thiện các nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự (Chương II); quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan tố tụng, tạo điều kiện để các cơ quan thực hiện tốt trách nhiệm luật định; Phân định thẩm quyền hành chính với thẩm quyền tư pháp; tăng quyền, tăng trách nhiệm cho điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán; đổi mới chế định chứng cứ và chứng minh; quy định chặt chẽ các biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân; bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội và quyền bào chữa của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo; những điểm mới trong bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử... và một số nội dung mới khác.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuân.

PV: Việc sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự lần này hướng tới mục tiêu cải cách mạnh mẽ thủ tục tố tụng tư pháp theo hướng dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch, chặt chẽ nhưng thuận tiện, bảo đảm sự tham gia và giám sát của nhân dân đối với hoạt động tư pháp… Tuy nhiên, một số nội dung sửa đổi điển hình như quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can đã được một số đại biểu Quốc hội cho rằng chẳng những không tạo thuận lợi cho hoạt động tố tụng mà còn dẫn tới những hệ lụy không mong muốn và không phù hợp với thực tiễn. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuân: Những sửa đổi cụ thể thì phải được nghiên cứu cẩn trọng, trước khi được phê duyệt, ban hành. Quan điểm quát triệt xuyên suốt là xây dựng pháp luật nói chung, Bộ luật Tố tụng hình sự nói riêng phải đảm bảo ngày càng hoàn thiện, có tính khả thi, tác động tích cực tới cuộc sống, nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm hiện nay. Chúng ta hết sức tránh những quy định mà thực tế khó hoặc không thực hiện được sau khi luật ban hành. Hiện nay, trong quá trình làm luật, hướng chủ đạo được quan tâm là tinh thần Hiến pháp 2013, quyền con người, trong đó có quyền bào chữa…Tất cả những yêu cầu đó đều phải quan tâm, quát triệt, nhưng xây dựng các điều luật cụ thể như trong Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) thì phải đảm bảo dễ hiểu, dễ thực hiện, không làm oan sai đồng thời không để lọt tội phạm.

PV: Rất nhiều ý kiến thống nhất để “nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được đảm bảo” theo khoản 5, Điều 103 Hiến pháp năm 2013, cần thiết bổ sung quy định người tham gia tố tụng có quyền yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng thu thập tài liệu, đồ vật có liên quan đến vụ án, tạo điều kiện để họ tiếp cận với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Tuy nhiên, không nên đặt vấn đề người tham gia tố tụng có quyền kiểm tra, đánh giá chứng cứ, vì quy định theo hướng này không phù hợp với nguyên tắc trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Mặt khác, nếu quy định người tham gia tố tụng cũng có quyền kiểm tra, đánh giá chứng cứ sẽ dẫn đến trùng giẫm, phức tạp cho hoạt động giải quyết vụ án hình sự. Ông có thể phân tích rõ hơn về ý kiến này?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuân: Người tham gia tố tụng có nhiều loại, với vai trò khác nhau, như: bị can, bị cáo, người bị tạm giữ, người bào chữa, người bị hại, người làm chứng, người giám định, phiên dịch… Họ có quyền đưa ra chứng cứ, còn đánh giá chứng cứ thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử (người cuối cùng). Trong quá trình đánh giá chứng cứ, có thể người tham gia tố tụng thuộc về bên buộc tội (Viện Kiểm sát), có thể họ thuộc bên gỡ tội (luật sư, bị cáo), tòa án giữ vai trò trọng tài để xem xét các bên tranh tụng, khi có đủ căn cứ pháp lý thì quyết định bản án. Tuy nhiên, ở nước ta chưa quy định rõ thành bên buộc tội và bên gỡ tội.

PV: Trở lại khoản 6, Điều 188 của dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) có nêu: “Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm, ghi hình. Việc hỏi cung bị can tại địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình theo yêu cầu của bị can, của cơ quan, người có thẩm quyền tố tụng; trường hợp do trở ngại khách quan mà không thể ghi âm, ghi hình được thì phải nêu rõ trong biên bản hỏi cung…”. Nhiều đại biểu Quốc hội nêu ý kiến đề nghị chỉ nên ghi âm, ghi hình trong trường hợp bị can phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, bị can kêu oan hoặc không nhận tội vì quy định đó chưa phù hợp với thực tiễn và điều kiện kinh tế-xã hội của nước ta hiện nay; còn quan điểm của ông?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuân: Đây là biện pháp cần thiết để tránh oan sai, lọt tội phạm, bảo vệ cán bộ thi hành tố tụng, nhiều nước người ta đã làm. Tuy nhiên, ngay trong quá trình xây dựng thành luật phải thận trọng nghiên cứu, khảo sát xem nếu quy định thành điều luật thì tác động đến cuộc sống như thế nào? Có tính khả thi trong thực tiễn không? Tôi cho rằng, không nhất thiết trường hợp nào cũng phải ghi âm, ghi hình trong hoạt động hỏi cung. Không phải cái gì nước ngoài làm thì mình cũng làm. Chẳng hạn, vấn đề chuyển đổi giới, dịch vụ nhạy cảm mà Quốc hội đang bàn thảo. Chúng ta đang có một tồn tại cần tránh, đó là xây dựng luật thì thuận, có kinh phí, nhưng đến khi triển khai luật trong cuộc sống thì gặp khó khăn, vì không chỉ thiếu kinh phí, mô hình tổ chức, con người, mà nhiều khó khăn bắt nguồn từ khi chúng ta xây dựng điều luật xa thực tế. Cho nên, quy định ghi âm, ghi hình hỏi cung bị can cũng vậy, phải xem xét kỹ, chỉ nên quy định loại tội phạm nào, trường hợp cụ thể nào bắt buộc phải ghi. Mặt khác, theo tôi được biết, các cơ sở giam giữ ở Việt Nam dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng còn nhiều khó khăn nên phải khảo sát cụ thể nhu cầu về máy móc, cán bộ kỹ thuật, kho chứa… Đặc biệt quan trọng là cơ chế ghi âm, ghi hình, sử dụng khai thác các băng đĩa ghi âm, ghi hình đó… Còn nếu để chống bức cung nhục hình, thì còn có nhiều biện pháp khác. Nếu quy định trong luật mà không áp dụng được trong thực tế, thì không có ý nghĩa, không đạt mục tiêu đề ra.

PV: Xin cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuân!

Khánh Chi (thực hiện)
.
.