Xúc động ký ức cứu người bị rơi dưới hầm sâu

Thứ Năm, 07/04/2016, 14:37
Khoảng 9h40 ngày 10/6/2015, Phòng Cảnh sát PCCC số 5, Cảnh sát PCCC tỉnh Nghệ An nhận được tin báo: Tại khu vực đồi núi thuộc địa phận xóm 16, xã Trù Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An (cách mỏ đá xây dựng của công ty TNHH Toản Thành khoảng 1,5km) xảy ra vụ tai nạn, một người bị rơi xuống hầm sâu. Đơn vị đã cử một xe Chỉ huy, một xe cứu nạn cứu hộ (CNCH) cùng 10 cán bộ chiến sỹ (CBCS) nhanh chóng lên đường làm nhiệm vụ...


“Xuống đến độ sâu 30m tôi phát hiện nạn nhân vẫn còn thở nhẹ nhưng đã bất tỉnh nên nhanh chóng nhường mặt nạ phòng độc cho anh. Dưới hầm sâu không khí loãng, nhiều khí độc nên tôi cũng bị mất sức, bèn nhanh chóng buộc nạn nhân vào người mình rồi dùng bộ đàm thông báo cho đồng nghiệp và người dân kéo cả hai lên. Quá trình di chuyển, tôi phải dùng hai tay chống vào vách hầm để người tôi cũng như nạn nhân không bị va vào thành hầm, cứ thế nhích lên từng tý một...” - Thiếu uý Đoàn Khánh Linh, cán bộ Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy (PCCC) Nghệ An kể, ký ức về việc cứu nạn cứu hộ người đàn ông bị rơi xuống hầm sâu ở huyện Đô Lương, Nghệ An gần một năm trước vẫn in đậm trong tâm trí anh.

Khoảng 9h40 ngày 10/6/2015, Phòng Cảnh sát PCCC số 5, Cảnh sát PCCC tỉnh Nghệ An nhận được tin báo: Tại khu vực đồi núi thuộc địa phận xóm 16, xã Trù Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An (cách mỏ đá xây dựng của công ty TNHH Toản Thành khoảng 1,5km) xảy ra vụ tai nạn, một người bị rơi xuống hầm sâu. Đơn vị đã cử một xe Chỉ huy, một xe cứu nạn cứu hộ (CNCH) cùng 10 cán bộ chiến sỹ (CBCS) nhanh chóng lên đường làm nhiệm vụ.

Thiếu uý Đoàn Khánh Linh.

“Quá trình tiếp cận hiện trường cực kỳ khó khăn, xe cứu nạn chỉ có thể dừng lại ở dưới đường mòn. Theo chỉ dẫn của một người dân, tôi cùng đồng nghiệp mang theo các trang thiết bị cứu nạn cứu hộ, vượt lối mòn khoảng 1km đi lên phía hang đá” - Đoàn Khánh Linh nhớ lại.

Khi đến nơi lực lượng cứu hộ thấy có khoảng 20 người (người dân xã Mỹ Sơn và công nhân Công ty TNHH Toản Thành gần đó) tập trung xung quanh khu vực miệng hang. Đây là một hang đá tự nhiên trên núi cao, diện tích khoảng 250 m2, có nhiều hầm sâu, do ảnh hưởng của địa chấn và thiên tai lũ lụt nên khu vực này thường xảy ra sập hầm, lở đá, dưới hầm sâu  nhiều khí độc. Phía trong cùng của hang có hầm sâu khoảng 70m, nạn nhân rơi xuống ở độ sâu khoảng 30m, do có vỉa đất chìa ra nên kẹt lại.

Địa hình hiểm trở, thiếu ánh sáng nên người dân mặc dù biết tin nhưng không thể tiếp cận vị trí nạn nhân được. Họ nói, người bị nạn trong quá trình đi bắn chim vô tình sẩy chân, rơi xuống hầm sâu, một số người đã thử xuống cứu nhưng không thể do địa hình quá nguy hiểm. Nắm bắt được tình hình đó, lực lượng cứu nạn cứu hộ Phòng Cảnh sát PCCC số 5 đã tổ chức hội ý tổ công tác để bàn phương án triển khai đội hình cứu nạn.

Theo lý thuyết, đội hình cứu nạn dùng dây và mặt nạ phòng độc, phải có ít nhất là hai người để hỗ trợ nhau nhưng do trang thiết bị của đơn vị còn hạn chế, chỉ có một bộ mặt nạ phòng độc nên phương án đưa ra là chỉ có một người xuống hầm. Trước tình thế cấp bách, với trách nhiệm cứu người là trên hết, Thiếu uý Đoàn Khánh Linh đã xung phong xuống hầm để cứu người bị nạn.

Được lãnh đạo phòng thống nhất phương án, cùng với sự ủng hộ của đồng đội, Linh sử dụng mặt nạ phòng độc, đèn pin và bộ đàm, tụt xuống hầm sâu bằng dây cứu nạn chuyên dụng. Quá trình xuống dưới hầm sâu để tiếp cận nạn nhân rất khó khăn, càng xuống sâu, miệng hang càng thu hẹp, có nhiều đá lởm chởm chìa ra từ vách hầm.

Anh kể: “Khi xuống đến độ sâu khoảng 30m tôi phát hiện ra nạn nhân, kiểm tra thấy vẫn còn thở nhẹ nhưng đã bất tỉnh. Với bản năng và kinh nghiệm trong công tác, tôi biết nạn nhân bất tỉnh do bị va đập mạnh, ngộ độc khí độc ở dưới hầm nên đã nhanh chóng chuyển mặt nạ phòng độc sang cho anh thở. Do dưới hầm sâu không khí loãng, nhiều khí độc như CO, H2S, CH4… nên tôi cũng nhanh chóng bị xuống sức.

Sau khi buộc nạn nhân lên trước người mình tôi dùng bộ đàm thông báo cho CBCS trong đơn vị cùng với người dân đang kéo từ từ đưa nạn nhân và tôi lên. Quá trình di chuyển tôi phải dùng hai tay chống vào vách hầm để người nạn nhân và mình không va vào thành hầm, phía trên mọi người kéo nhích lên từng tý một…”

Do địa hình phức tạp, hiểm trở nên trong quá trình được đồng đội kéo lên, Thiếu uý Linh đã bị nhiều vách đá lởm chởm cứa vào người, chấn thương phần mềm ở tay và chân. Đặc biệt có vài lần dây tuột từ phía đằng trên, gây ra nhiều khó khăn cho công tác cứu nạn. Nhưng với sự nỗ lực cố gắng của anh và tập thể đồng đội, khoảng 60 phút sau anh và nạn nhân đã được kéo lên khu vực an toàn. Khi lên đến mặt đất, bản thân anh cũng đuối sức do hít nhiều khí độc, chân tay chảy máu, nhưng vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ cuối cùng là cùng đồng đội bê cáng nạn nhân xuống núi.

Nạn nhân là anh Đào Văn Tâm, sinh năm 1971, trú tại xóm 9, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Do tình trạng suy hô hấp, đa chấn thương, mất máu nhiều nên nạn nhân được chuyển ra Bệnh viện Đa khoa Bạch Mai, Hà Nội một ngày sau đó.

Được sự cứu chữa kịp thời của các y bác sỹ, sức khỏe của anh Tâm đã qua cơn nguy kịch. Từ hành động mưu trí, dũng cảm cứu người ấy, Đoàn Khánh Linh được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Dũng cảm; Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm.

Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Nghĩa Phúc, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An, Đoàn Khánh Linh có hoàn cảnh khá đặc biệt. Năm Linh lên 2 thì bố mất, hai mẹ con chỉ biết sống nương tựa vào nhau khiến gia cảnh đã khó khăn càng thêm khó khăn hơn.

Hơn 20 năm qua, mẹ một mình nuôi Linh khôn lớn bằng quán tạp hoá nhỏ nhưng đong đầy tình yêu thương và sự gồng gánh vai trò của cả người cha. Bù lại, ngày nay mẹ được chứng kiến một người con trai khôn lớn, mưu trí dũng cảm trong hàng ngũ lực lượng CAND. “Biết việc cứu nạn lúc đó có thể nguy hiểm tới tính mạng của bản thân, là có thể không làm tròn chữ hiếu với mẹ, tôi nghĩ đến mẹ và thương mẹ lắm. Nhưng với trách nhiệm của một người chiến sỹ Cảnh sát PCCC&CNCH, đặt việc cứu người lên hàng đầu và với những gì được đào tạo và huấn luyện, tôi đã không chùn bước” - Linh tâm sự.

Còn cô Đặng Thị Minh vẫn còn xúc động khi kể lại kỷ niệm ngày con trai xung phong xuống hầm sâu cứu người, đó cũng là ngày cô phải phẫu thuật bướu: “Biết mẹ nằm viện đấy nên Linh không nói rõ nhiệm vụ mà chỉ nói đi làm, khi xong xuôi công việc mới vào thăm mẹ. Tôi thương con nhưng cũng tin tưởng vào năng lực của cháu nên luôn động viên cháu hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Các chiến sỹ Cảnh sát PCCC tỉnh Nghệ An tham gia cứu nạn cứu hộ một vụ tai nạn giao thông.

Linh thiếu thốn tình cảm của bố cũng có nghĩa mẹ thiếu vắng hình bóng người chồng, biết vậy nên người chiến sỹ trẻ ấy như dồn hết tình cảm cho mẹ, thay bố yêu thương, động viên mẹ. Nhờ đó mẹ dù vất vả nhưng luôn ấm lòng khi nghĩ về người con trai ngoan ngoãn, giỏi giang.

Nhập ngũ từ tháng 10 năm 2010, Đoàn Khánh Linh được huấn luyện và phân công công tác tại Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH thuộc Công an tỉnh Nghệ An, nay là Cảnh sát PCCC tỉnh Nghệ An. Trong 5 năm qua, anh đã từng tham gia cứu chữa nhiều vụ cháy lớn như vụ cháy chợ Vinh ngày 20/6/2011; vụ cháy siêu thị điện máy CK Plaza ngày 2/9/2011 và ngày 9/9/2012; vụ cháy Công ty chế biến gỗ Naconex ngày 28/12/2013…; hay trực tiếp sử dụng máy banh thủy lực cứu cháu Bùi Hoàng Hải (7 tuổi) bị kẹt chân vào thang cuốn ở Siêu thị Big C ngày 22/10/2012.

Anh tâm sự: “Nhận được tin báo về vụ việc của cháu Hải, chúng tôi lập tức lên đường, bởi biết chỉ cần trễ một giây phút là cháu thêm đau đớn và có thể nguy hiểm đến tính mạng. Máy banh thuỷ lực rất nặng và anh em phải bê vác lên tầng hai, nhưng khi trước mắt là cảnh tượng cả đùi cháu bé mắc kẹt trong thang cuốn, máu chảy nhiều khiến cháu bé mệt lả, sắp ngất đi chỉ thêm hối thúc chúng tôi nhanh tay và sử dụng nghiệp vụ chính xác để cứu cháu”. Và chỉ ít phút kể từ khi nhận được cuộc gọi của gia đình, các chiến sỹ Cảnh sát PCCC Nghệ An đã giải cứu thành công cho cháu bé.

Những cái bắt tay thật chặt, hay những giọt nước mắt vui sướng của người thân các nạn nhân chính là món quà lớn nhất mà Thiếu uý Đoàn Khánh Linh và đồng đội nhận được. Hiện đã chuyển công tác từ đơn vị trực tiếp chiến đấu sang Đội Tổng hợp, điều lệnh của Phòng Chính trị, Cảnh sát PCCC tỉnh Nghệ An, Đoàn Khánh Linh  đang tiếp tục cùng đồng đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà cấp trên giao phó, góp phần giữ gìn bình yên cho người dân xứ Nghệ…

Quỳnh Vinh
.
.