Cây gỗ vuông chành chạnh trong thi ca

Chủ Nhật, 07/02/2016, 08:00
Nhà thơ Hữu Loan đã qua đời 6 năm. Nếu còn sống, mùa xuân Bính Thân, ông sẽ tròn 100 tuổi. Hình ảnh và sự nghiệp Hữu Loan cũng là một trường hợp lạ trong thi ca Việt Nam. Ông viết kiểu riêng, ông sống kiểu riêng. Phải chăng vì vậy mà ông tự ví mình là một "cây gỗ vuông chành chạnh"?


Nhà thơ Hữu Loan, họ Nguyễn, sinh ngày 2-4-1916 ở làng Nguyên Hoàn, xã Mai Lĩnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Sau tháng năm trai trẻ sôi nổi tham gia kháng chiến, Hữu Loan về sống tại quê nhà bằng những nghề lao động cặm cụi như cày ruộng, đốn củi và thồ đá, cho đến khi qua đời vào ngày 18-3-2010. Tuy nhiên, bao nhiêu vất vả làm lụng cũng vô nghĩa đối với một nhà thơ, nếu tác phẩm như gió thoảng kiếp người!

Nhắc đến Hữu Loan, công chúng kể ngay đến "Màu tím hoa sim". Cũng dễ hiểu, bài thơ này được rất nhiều người phổ nhạc, mà quen thuộc nhất là hai bản của Phạm Duy và Dũng Chinh, nên người ta nghe "nàng có ba người anh/ đi bộ đội/ những em nàng còn chưa biết nói/ khi tóc nàng xanh xanh", người ta nhớ "ngày hợp hôm nàng không đòi may áo cưới", và người ta thương "nhưng không chết người trai khói lửa/ mà chết người gái nhỏ hậu phương".

Cố nhà thơ Hữu Loan.

Gia tài của Hữu Loan có khoảng 60 bài thơ, không nhiều so với quãng thời gian ông lăn lộn 94 năm trên nhân gian. Chật vật áo cơm và mệt mỏi ân tình đã cắt đứt cảm hứng sáng tạo của ông chăng? Không hẳn. Hữu Loan vốn không định đi theo con đường văn chương. Nhập cuộc sáng tạo rất muộn, thơ ông bật ra từ những va đập trực diện với thế sự. Khi ông ung dung tự tại, vô ngã vô ưu thì không thể tiếp tục có thơ được.

Như chính Hữu Loan thổ lộ: "Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, hồi nhỏ không có cơ may cắp sách đến trường như bọn trẻ cùng trang lứa, chỉ được cha dạy cho dăm chữ bữa có bữa không ở nhà… Đến năm 1938, lúc đó cũng đã 22 tuổi, tôi ra Hà Nội thi Tú Tài, để chứng tỏ rằng con nhà nghèo cũng thi đỗ đạt như ai". Tư chất thông minh lại chịu rèn luyện, khóa ấy Hữu Loan đậu cùng với Nguyễn Đình Thi.

Có bằng Tú tài, Hữu Loan về Thanh Hóa dạy học. Ông làm gia sư ở nhà ông Lê Đỗ Kỳ - Tổng thanh tra canh nông Đông Dương và dạy đọc, dạy viết cho cô bé Lê Đỗ Thị Ninh. Kháng chiến chống Pháp bùng lên, Hữu Loan vào quân đội và làm công tác tuyên truyền. Ông hành quân qua những ngả đường và làm những bài thơ thời sự để phục vụ cách mạng.

Tâm hồn thi ca Hữu Loan khởi động bằng bài thơ "Đèo Cả" viết năm 1946. "Đèo Cả" của Hữu Loan và "Nhớ máu" của Trần Mai Ninh là hai tác phẩm đặc biệt, ra đời gần như cùng lúc, trên trận địa tranh chấp giữa ta và địch tại mảnh đất Phú Yên. Đặc biệt, không chỉ vì phản ánh không khí đấu tranh gan dạ của quân dân các tỉnh phía Nam, mà còn ở bút pháp. "Đèo Cả" và "Nhớ máu" tung tẩy theo thể thơ tự do phóng khoáng, vốn cực kỳ xa lạ với một giai đoạn dài thơ Việt chỉ quen với vần điệu mềm mại du dương. Nếu như Trần Mai Ninh viết: "Gió Tuy Hòa/ Ơi cái gió chuyên cần và phóng túng" thì Hữu Loan viết "Trên sạp cây rừng/ ngủ chung/ nửa tối/ Biệt nhau/ đèo heo/ canh gà".

"Đèo Cả" được bộ đội Truyền tay, quay ngược ra Bắc. Trên Báo Văn Nghệ in tại chiến khu Việt Bắc vào tháng 12-1948, Xuân Diệu đã giới thiệu bài thơ "Đèo Cả" bằng tất cả sự hưng phấn: "Tôi yêu, tôi phục bài thơ hoang vu Đèo Cả… Đèo Cả biên thùy, đứng trên đầu bể thẳm đụng với mây cao. Đèo Cả treo giữa biên thùy, mà cái đẹp trầm hùng ngang với lòng chiến sĩ!".

Cũng với tinh thần cổ vũ ý chí quật cường đánh đuổi ngoại xâm, Hữu Loan sáng tác bài thơ thứ hai có tên gọi "Quách Xuân Kỳ" vào năm 1947. Nhân vật Quách Xuân Kỳ là Bí thư Thị ủy Đồng Hới, đã bị bắt và hy sinh anh dũng trong ngục, chấn động dư luận lúc ấy. Về mặt báo chí, Vũ Tùng và Dương Tử Giang chủ trương tờ Công Lý tại Sài Gòn, đã gọi Đồng Hới là "thị xã Quách Xuân Kỳ". Về mặt thi ca, Hữu Loan viết: "Bóng cao tóc xù/ Trai Quảng Bình/ trong quán phở chiến khu/ Đập bàn tắt đèn/ quát/ xăn rách áo: "Thằng Ái Lạc Mỹ/ bắn/ thằng Kỳ Hoàn Lão".

Đầu năm 1948, Hữu Loan nghỉ phép về Thanh Hóa, và gặp lại cô bé Lê Đỗ Thị Ninh mà mình đã dạy học thuở nào, giờ đã thành một thiếu nữ 17 tuổi xinh đẹp. Họ cưới nhau ngày 6-2-1948, rồi Hữu Loan ra Nghệ An làm chủ nhiệm Báo Chiến Sĩ của Sư đoàn 304. Chỉ ba tháng sau, Hữu Loan nhận được tin vợ mất.

Theo hồi ức Hữu Loan: "Hôm đó là ngày 25-5 âm lịch, em đưa quần áo ra giặt ngoài sông Chuồn thuộc ấp Nhị Long - Nông Cống, vì muốn chụp lại tấm áo bị nước cuốn trôi nên trượt chân chết đuối! Con nước lớn đã cướp em vào lòng nó, cướp đi của tôi người bạn lòng tri kỷ, để lại cho tôi nỗi đau không gì bù đắp nổi!". Nước mắt Hữu Loan khóc vợ, đã trào ngược vào tâm can mà thành "Màu tím hoa sim" cay đắng: "Má tôi ngồi bên mộ con/ Đầy bóng tối/ Chiếc bình hoa ngày cưới/ Thành bình hương/ Tàn lạnh vây quanh". Sau hình thức phổ biến bằng cách chép tay và đọc cho nhau nghe, "Màu tím hoa sim" chính thức được Nguyễn Bính in trọn vẹn trên Báo Trăm Hoa vào năm 1956. Nửa thế kỷ vừa qua, "Màu tím hoa sim" là một trong những bài thơ được nhiều người tán tụng nhất trong thi ca Việt Nam! Và "Màu tím hoa sim" cũng là bài thơ đầu tiên được mua bản quyền như một hình thức bảo tồn văn hóa, với giá 100 triệu đồng, vào năm 2004.

Cố nhà thơ Hữu Loan và vợ - bà Phạm Thị Nhu.

Niềm xót xa "những đồi hoa sim dài trong chiều không hết/ màu tím hoa sim/ tím cả chiều hoang biền biệt", sau này đã trở lại trong thơ Hữu Loan qua bài "Thánh mẫu hài đồng" day dứt: "Em đi tím đất chiều hoang/ Ta như mất mẹ khóc tang hai lần".

Ngày 16-11-1953, Hữu Loan cưới vợ lần thứ 2. Năm ấy, bà Phạm Thị Nhu cũng 17 tuổi như Lê Đỗ Thị Ninh thuở nào "tóc nàng xanh xanh, ngắn chưa đầy búi". Họ sống bên nhau gieo neo và đầm ấm đến cuối đời, có chung 10 đứa con, 6 trai 4 gái. Bà Phạm Thị Nhu cũng được Hữu Loan viết tặng bài thơ "Hoa lúa" vào năm 1955: "Em ca giữa đồng xanh bát ngát/ Anh nghe quê ta sống lại hội mùa… Xa em năm nhớ, gần em mười thương/ Còn bàn tay em, còn quê hương mãi".

Đọc thơ Hữu Loan, không khó gì để nhận ra ông có cảm xúc mạnh mẽ. Ưu điểm ấy giúp những sự kiện tác động trực tiếp đến ông, dễ dàng ùa vào những câu thơ. Ví dụ, chứng kiến cảnh kham khổ của cán bộ kháng chiến thì ông có bài thơ "Chiếc chiếu" (1952), nghe tin tướng Nguyễn Sơn qua đời thì ông có bài thơ "Khóc Nguyễn Sơn" (1956). Tuy nhiên, cá tính Hữu Loan thẳng thắn và ngang tàng, nên ông không mấy thành công khi viết những bài thơ khuôn khổ như "Những làng đi qua" (1950) nhịp nhàng: "Một làng xa nho nhỏ. Đẹp như nơi hẹn hò. Có đôi lòng gắn bó. Nhưng lời chưa nói ra", mà ông tạo ấn tượng với lối ngắt câu khắc khoải như "Cô gái Hà Nội tản cư" (1951) xao xác: "Sẽ còn những ai/ Trong đoàn quân trở lại/ Ngày Thủ đô chiến thắng tưng bừng/ Em về/ Chân phố cũ/ Ngập ngừng". 

Hữu Loan chỉ thực sự là Hữu Loan với những câu thơ gân guốc và bộc trực. Chẳng hạn, mùa xuân năm 1957, ông có bài thơ "Ôm Tết vào lòng" với khẩu khí sảng khoái: "Tết và mùa xuân/ Như mắt người ứa lệ/ Những người đầu tang còn rối tóc rối khăn/ Ôm Tết vào lòng/ Băng bó lại mùa xuân/ Cùng nói lên/ Nói lớn/ Một lần/ Không được giẫm lên mùa xuân/ Không được giẫm lên Tết nữa/ Không được/ giẫm lên/ lòng người".

                                     Xuân 2016

Lê Thiếu Nhơn-Xuân 2016
.
.