Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống CAND và 10 năm ngày hội toàn dân bảo vệ AN ninh Tổ Quốc

Đại úy Sằn A Phật – Thông thạo 4 thứ tiếng để hiểu dân và giúp dân nhiều hơn

Thứ Ba, 25/08/2015, 08:08
Không khí hội trường Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội dường như lắng lại, các đại biểu tham dự Đại hội thi đua "Vì an ninh Tổ quốc" toàn lực lượng Công an nhân dân (CAND) lần thứ VII, giai đoạn 2010-2015, bị cuốn hút bởi giọng nói thâm trầm, ấm áp với những câu chuyện kể về công việc hàng ngày của một điển hình tiên tiến - Đại úy Sằn A Phật, dân tộc Sán Chỉ, Phó Đội trưởng Đội An ninh nhân dân - Công an huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh.

Sau mỗi câu chuyện, tiếng vỗ tay lại vang khắp hội trường bởi những tình tiết cảm động thể hiện nghị lực, quyết tâm của những chiến sỹ an ninh vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, bám bản, góp phần giữ bình yên cho cuộc sống đồng bào các dân tộc.

Tuyên truyền pháp luật bằng tiếng dân tộc

Câu chuyện của Đại úy Sằn A Phật đưa chúng tôi trở về mảnh đất miền núi còn nhiều khó khăn của huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh, nơi có 9 dân tộc thiểu số sinh sống, với  25.067 người ở 85 thôn, khe, bản. 

Đại úy Sằn A Phật nói rằng, gần 8 năm công tác, bước chân anh đã in dấu trên khắp các bản làng của huyện. Từ thực tế công tác, anh luôn trăn trở sao cho đồng bào nâng cao nhận thức pháp luật, nâng cao dân trí, ứng dụng những kỹ thuật tiên tiến mới vào sản xuất, xóa đói, giảm nghèo... Sằn A Phật đã cùng đồng đội nghiên cứu kỹ thêm đặc điểm địa bàn, sáng tạo, đổi mới trong công tác.

Đại úy Sằn A Phật trình bày tham luận tại Đại hội thi đua "Vì an ninh Tổ quốc" toàn lực lượng Công an nhân dân (CAND) lần thứ VII.

Với sự nỗ lực của bản thân, Sằn A Phật đã tranh thủ mọi thời gian và quyết tâm học tiếng dân tộc, với nhận thức, nếu biết tiếng nói của bà con sẽ dễ dàng, thuận lợi trong quan hệ tiếp xúc, tạo tâm lý gần gũi với bà con, từ đó có thể làm tốt công tác nắm tình hình, tuyên truyền, vận động. Đến nay, anh đã nói thông thạo 4 thứ tiếng dân tộc thiểu số là: Tày, Hoa, Sán Chỉ và Dao. Qua giao tiếp bằng tiếng dân tộc, anh đã nhanh chóng gần gũi, tạo được thiện cảm, sự đồng tình, ủng hộ của đồng bào dân tộc với người chiến sĩ CAND.

"Có lần vừa lên bản, tôi được một thanh niên người dân tộc Dao nhất định kéo vào nhà uống  rượu mừng. Anh ta nói: "Tầm cỏ Phật à, pịa nây piau hấp tiu váy, mài tíu hấp ố. Dia mấy hểnh dia nây au, dia pủng pun A Tài tu sắm nhà ồ". Nghe xong tôi hiểu anh ta đang khoe: "A Phật à, hồi tao cưới cái vợ, bố mẹ vợ thách cưới cao quá. Giờ tao không thích cái vợ này nữa nên gả cho thằng A Tài ở xã bên, tao  thách cưới cao hơn cả bố mẹ vợ mà thằng A Tài vẫn ưng. Thế là có lãi rồi..."- Đại úy Sằn A Phật nhớ lại.

Biết hủ tục "bán vợ" vẫn còn tồn tại đây đó trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khái niệm hôn nhân một vợ, một chồng, luật hôn nhân gia đình đối với họ còn rất xa lạ, Sằn A Phật đã dùng tiếng dân tộc Dao, giảng giải cho người thanh niên cùng bà con hiểu rằng, hủ tục đó cần phải xóa bỏ, sống theo nếp sống mới, chỉ lấy một vợ, một chồng và ví dụ chính câu chuyện về nhiều gia đình trong dòng tộc để họ hiểu và làm theo đúng quy định của pháp luật.

Một kỷ niệm đầu đời khi mới được phân công công tác tại Công an huyện Tiên Yên, đó là năm 2007, vừa ra trường còn "chân ướt chân ráo", Sằn A Phật được giao nhiệm vụ giải quyết "điểm nóng" tranh chấp đất lâm nghiệp giữa người dân và Công ty Lâm nghiệp tại xã Phong Dụ. Tình hình lúc đó căng thẳng lắm, mâu thuẫn dẫn đến hỗn chiến làm một người bị thương đi viện, cán bộ đến hỏi thì người lắc đầu "3 không" - không biết, không nói, không trả lời.

Với kiến thức học trong trường về chuyên ngành An ninh điều tra, cùng với kinh nghiệm những lần đi thực tế và nghiên cứu về đặc điểm địa bàn, con người nơi đây, Sằn A Phật đã nghĩ ra cách giải tỏa, anh xin bà con dân bản cho cùng ăn một bữa. Trong bữa ăn, người dân rót rượt mời cán bộ, tuy nhiên thái độ rất dè dặt, họ "phát sóng ngắn" bằng tiếng Sán Chỉ rằng không được khai ra nhóm đánh người kẻo người dân bản sẽ bị đi tù, có khi về họ sẽ trả thù...

Nghe hết câu chuyện, Sằn A Phật nhẹ nhàng đặt bát rượu xuống, nói bằng tiếng dân tộc mình, giới thiệu họ tên, quê quán của mình, anh nói, anh cũng là người con của dân tộc Sán Chỉ, muốn bản làng được yên vui thì phải giải quyết chuyện này dứt điểm, người có lỗi phải chịu lỗi, bà con làm thế là che giấu tội cho người khác, không đúng pháp luật, bà con nên ủng hộ cán bộ... Sau đó, những người gây chuyện đã ra nhận tội, được khoan hồng, giảm nhẹ, hưởng án treo. Từ dạo đó, bà con thấy tin, yêu cán bộ người dân tộc Sán Chỉ hơn, có việc gì cũng báo cho Sằn A Phật để giải quyết...

Thực sự là người con của bản làng

Trước đây, việc bỏ học của trẻ em ở các xã vùng cao là chuyện thường diễn ra, là cán bộ người dân tộc, được ăn học tử tế, được về chính quê mình công tác, trong lòng người chiến sỹ An ninh luôn trăn trở. Sằn A Phật đã nghĩ cách vận động bố mẹ và thuyết phục các em đến lớp.

Anh tâm sự: "Chuẩn bị lên bản là tôi mang theo bánh kẹo với quân phục chỉnh tề. Ngồi chơi cùng các cháu, đứa thì thích quân phục của các chú Công an, đứa đòi đội mũ kêpi, đứa mân mê cầu vai, ve hàm. Tôi mới mang chính câu chuyện của bản thân mình ra kể, từ hồi học lớp 4 đến hết lớp 9, thường mất nửa ngày đường đi bộ từ nhà ở xã Đại Dực xuống trường Trung tâm huyện Tiên Yên để học. Nhiều lần đói, mệt, nản quá cũng muốn bỏ học, nhưng nếu bỏ học thì làm sao bây giờ được đứng trong hàng ngũ của lực lượng Công an. Bọn trẻ nghe xong thấy có vẻ cũng rất thấm thía, chúng bảo nhau cố đi học... vì thích mặc quân phục Công an.

Đã có nhiều trường hợp quyết tâm đi học và có kết quả như cháu Nình Mọc Sồi học hết lớp 3 định bỏ học, tôi vận động, động viên cháu nay đã học đến  lớp 11. Hay trường hợp anh Nình A Lộc mới được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch UBND xã Đại Dực...".  Sằn A Phật vui vẻ nói: "Chuyện vận động trẻ em đi học tôi cũng được vợ là giáo viên Trường Dân tộc nội trú giúp rất nhiều. Nhà mình có 2 đứa con, lớn mới 5 tuổi, nhỏ mới 2 tuổi, mọi việc trong nhà nhiều khi vợ phải tự xoay xỏa, có chuyến đi bản tôi đi cả tháng mới về và thường không ăn Tết ở nhà vì lúc đó còn đang ba cùng với dân".

"Gần dân, hiểu dân, được dân tin yêu, giúp đỡ thì việc hoàn thành nhiệm vụ giữ vững ANTT tại cơ sở được thuận lợi hơn" - Sằn A Phật chia sẻ. Đó là thời điểm cuối năm 2013, qua nắm tình hình, Sằn A Phật phát hiện được một đường dây tổ chức đưa dẫn số lượng lớn người địa phương xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê. Sau một thời gian triển khai các biện pháp nghiệp vụ, cùng với sự giúp đỡ của nhiều quần chúng tốt, Công an huyện Tiên Yên đã tổ chức vây bắt gọn đường dây, gồm 50 người, chủ yếu là người dân tộc thiểu số đang trên đường xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê.

Do biết tiếng dân tộc, qua vận động các đối tượng, cùng với các biện pháp nghiệp vụ, Sằn A Phật đã trực tiếp đấu tranh, khai thác và chỉ trong thời gian 30 phút các đối tượng đã phải khai nhận toàn bộ sự việc, đối tượng tổ chức, đưa dẫn... mà vẫn không biết được lý do sao cán bộ phá án giỏi và nhanh thế. Cùng với các biện pháp quyết liệt khác của đơn vị và cấp ủy, chính quyền địa phương đã góp phần ngăn chặn những người có ý định xuất cảnh sang Trung Quốc làm thuê, tình trạng xuất cảnh trái phép ở một số địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc đã không còn diễn ra.

Trong 5 năm qua,  Đại úy Sằn A Phật  đã vận động trên 30 người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phối hợp với chính quyền và ban, ngành đoàn thể địa phương huy động được hàng trăm lượt người tham gia phong trào toàn dân bảo vệ ANTTQ, tham gia vận động, hoà giải, giải quyết hàng chục vụ việc mâu thuẫn nội bộ trong vùng đồng bào dân tộc... góp phần giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

"Tôi không coi những việc làm trên là thành tích hay chiến công, tôi chỉ biết đó là trách nhiệm, là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi cán bộ, chiến sỹ Công an phải làm. Tôi nghĩ rằng không chỉ riêng tôi mà cũng giống như công việc thầm lặng của những người chiến sỹ an ninh khác cũng đang ngày đêm bám bản, bám làng ở các địa bàn vùng sâu, vùng  xa, cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc với bà con, cùng giúp đỡ bà con từng việc làm nhỏ tháng ngày, để góp phần cho bà con có được cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc"... Đó là những lời đầy tâm huyết và giản dị của Đại úy Sằn A Phật khi chia tay chúng tôi, rời Thủ đô Hà Nội, trở về đất Mỏ thân yêu.

Anh Hiếu
.
.