Xây dựng phong trào thi đua đơn vị Anh hùng

Thứ Năm, 11/10/2018, 08:48
Tôi gặp Thượng tá Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Phú Thọ đúng lúc anh đang cùng cán bộ đơn vị vùi mình trong đống hồ sơ của vụ án "Mua bán trái phép hóa đơn, trốn thuế" với doanh số trên 5.100 tỷ đồng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.


Nhìn những giọt mồ hôi chảy  trên khuôn mặt, thấm ướt lưng áo của Thượng tá Nguyễn Minh Tuấn và đồng nghiệp, tôi mới hiểu tại sao nhiều năm qua, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Phú Thọ lập được nhiều thành tích, chiến công xuất sắc và luôn là lá cờ đầu trong phong trào thi đua "Vì an ninh Tổ quốc" của lực lượng Công an Phú Thọ.

1."Say nghề" là cụm từ đầu tiên Thượng tá Nguyễn Minh Tuấn nói về gần 50 cán bộ chiến sĩ (CBCS) trong đơn vị. Vì say nghề mà anh em luôn lặng lẽ vượt qua khó khăn, gian khổ, thậm chí nguy hiểm về sinh mạng chính trị để dấn thân, quyết tâm đấu tranh với tội phạm về kinh tế, tham nhũng. Đặc thù công việc và hoạt động trong môi trường phức tạp, đối tượng đấu tranh của lực lượng Cảnh sát kinh tế đều là những người có chức vụ, có trình độ, am hiểu về pháp luật, có kiến thức quản lý kinh tế và có mối quan hệ rộng; do vậy, cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm kinh tế, tham nhũng là cuộc chiến đầy cam go, quyết liệt, nhiều cám dỗ và áp lực từ nhiều phía; nếu không kiên định lập trường, tinh thần kiên quyết đấu tranh với tội phạm, CBCS sẽ bị cám dỗ, làm sai lệch hồ sơ vụ án, bỏ lọt tội phạm.

Tập thể lãnh đạo Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Phú Thọ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2015.

Thấu hiểu điều đó, cấp ủy, lãnh đạo Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Phú Thọ luôn xác định công tác triển khai thực hiện phong trào thi đua "Vì an ninh Tổ quốc" của phòng phải gắn kết chặt chẽ với việc học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân; lấy đây là nội dung cơ bản, là chuẩn mực rèn luyện phẩm chất, đạo đức, là tiêu chí phấn đấu và phương châm hành động của mỗi CBCS để xây dựng lực lượng thực sự trong sạch, vững mạnh, có bản lĩnh chính trị, có trình độ chuyên môn cao, đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm.

Với quan điểm chỉ đạo đó, trong những năm qua, cấp ủy, lãnh đạo phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Phú Thọ đặc biệt chú trọng xây dựng người cán bộ Cảnh sát kinh tế cần, kiệm, liêm, chính trong công tác và chiến đấu bởi nếu không kiên định lập trường, tinh thần kiên quyết đấu tranh tội phạm, CBCS dễ bị những vật chất tầm thường cám dỗ, làm sai lệch hồ sơ vụ án, bỏ lọt tội phạm.

Trung tá Nguyễn Quang Khoa, Phó Trưởng phòng dẫn chứng: "Ví dụ như trong chuyên án buôn lậu trên 10.000 tấn lá thuốc lá, ngay từ lúc bị phát hiện, đối tượng Lê Đăng Lợi - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Hưng Yên đã đưa ra số tiền 7 tỷ đồng hòng được bỏ qua vi phạm; khi bị các chiến sĩ Cảnh sát kinh tế từ chối, đối tượng đã sử dụng mọi mối quan hệ để gây sức ép. Hoặc như trong các vụ bắt giữ các xe ô tô mang biển kiểm soát ngoại giao, các đối tượng cũng đưa ra số tiền từ 100 - 200 triệu đồng/ xe để không bị tịch thu xe ôtô...

Trong mỗi hoàn cảnh đó, bản lĩnh, trí tuệ, thái độ đúng đắn của lực lượng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh đã được phát huy cao độ, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ và vượt qua chính mình để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao".

2.Trung tá Nguyễn Đình Trung, Đội trưởng Đội Hướng dẫn điều tra án kinh tế; điều tra tội phạm tham nhũng, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Phú Thọ chia sẻ: Nhờ triển khai linh hoạt, sáng tạo phong trào thi đua "Vì an ninh Tổ quốc", trong những năm qua, với tinh thần quyết tâm cao, luôn đổi mới công tác lãnh đạo chỉ huy và vận dụng linh hoạt, sáng tạo các biện pháp nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh đã xác lập nhiều chuyên án lớn, triệt phá, vô hiệu hóa nhiều tổ chức tội phạm kinh tế.

Trong 5 năm qua, đơn vị đã phát hiện, điều tra, xử lý 171 vụ, 329 đối tượng vi phạm về trật tự quản lý kinh tế; đã thu nộp vào ngân sách Nhà nước trên 87 tỷ đồng; khởi tố 51 vụ, 90 bị can, trong đó có 22 vụ/36 bị can phạm tội tham nhũng.

Quá trình điều tra, xử lý các vụ việc, đơn vị đã phát hiện nhiều vụ việc mới, mang tính đột phá, giúp cho các lực lượng cảnh sát kinh tế trong cả nước đồng loạt áp dụng để đấu tranh; nhiều vụ án kinh tế sau khi kết thúc điều tra đã giúp Bộ Công an tham mưu cho Chính phủ, các bộ, ngành kịp thời điều chỉnh chính sách, pháp luật, cơ chế quản lý kinh tế... tránh thất thoát tài sản của Nhà nước.

Điển hình như: Việc tạm giữ tịch thu 28 xe ôtô mang biển số ngoại giao vi phạm quy định về tạm nhập tái xuất, đã thu được 32 tỷ đồng nộp ngân sách Nhà nước; từ vụ việc trên, nhiều địa phương trên toàn quốc cũng đã bắt giữ xử lý hàng trăm xe vi phạm như Công an Phú Thọ và Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao ban hành Thông tư mới về việc quản lý xe ôtô của các nhân viên ngoại giao.

Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Phú Thọ kiểm tra số xe ôtô biển ngoại giao vi phạm quy định về tạm nhập tái xuất.

Vụ "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản" (MB24), thu giữ 1,2 tỷ đồng và đề nghị truy tố 6 bị can. Đây là thủ đoạn rất mới của tội phạm, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Phú Thọ là đơn vị đầu tiên trong cả nước khởi tố về tội danh trên. Năm 2016, đấu tranh, khởi tố 5 vụ án và bắt giam 5 đối tượng là đội trưởng đội thuế các chi cục thuế đã có hành vi bán hoá đơn khống cho các doanh nghiệp với tổng doanh số hơn 39 tỷ đồng.

Từ vụ án trên, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 37/2017 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39 và Thông tư số 26, đồng thời đề nghị thay thế Nghị định số 51 và Nghị định số 04 quy định về quản lý sử dụng hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ.

3."Cái chính là có sự chung sức, đồng lòng của cả tập thể đơn vị trong triển khai thực hiện các phong trào thi đua", Thượng tá Nguyễn Minh Tuấn cho biết "bí quyết" tạo nên hiệu quả trong phong trào thi đua "Vì an ninh Tổ quốc" của đơn vị như vậy.

Được biết quá trình triển khai thực hiện các phong trào thi đua, cấp ủy, lãnh đạo Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh luôn đánh giá trình độ, năng lực và kết quả công tác của CBCS một cách khách quan, công bằng; từ đó chú trọng đến công tác bồi dưỡng, đào tạo, quy hoạch các đồng chí cán bộ trẻ có phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ và quan tâm, động viên khen thưởng kịp thời những tập thể cá nhân có thành tích xuất sắc, các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong thực hiện phong trào thi đua; đồng thời tăng cường công tác nắm tình hình cán bộ cả ở trong công việc và cuộc sống, kịp thời phát hiện, uốn nắn đối với các biểu hiện lệch lạc, không để xảy ra sai phạm ảnh hưởng xấu đến uy tín của ngành và lực lượng Công an tỉnh.

Vì vậy trong nhiều nhiều năm qua, CBCS Phòng Cảnh sát kinh tế  Công an tỉnh luôn nêu cao phẩm chất đạo đức "cần, kiệm, liêm, chính" cùng tinh thần mưu trí, dũng cảm tấn công tội phạm; dù thường xuyên tiếp xúc với mặt trái của xã hội với nhiều cạm bẫy từ những "viên đạn bọc đường" của đối tượng phạm tội kinh tế, tham nhũng nhưng không có CBCS, đảng viên trong đơn vị vi phạm phải xử lý kỷ luật.

Trong 5 năm qua, tập thể đơn vị và nhiều CBCS lập được nhiều thành tích xuất sắc, được các cấp, bộ, ngành ghi nhận, tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như: Chủ tịch nước tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng Nhất, 1 Huân chương Chiến công hạng Ba cho tập thể đơn vị; 2 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.

Tổng kết phong trào thi đua "Vì an ninh Tổ quốc", Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh được tặng 2 cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ; 2 cờ thi đua của Bộ Công an và 1 cờ thi đua của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ. Đặc biệt năm 2015, đơn vị được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới".

Nguyễn Kiên Cường
.
.