Vui buồn nghiệp lính cứu hoả

Thứ Năm, 04/11/2010, 08:37
Tiếp chuyện tôi tại công sở nằm bên đường Nguyễn Trung Trực, phường 8, TP Tuy Hòa, Thượng tá Nguyễn Trọng bồi hồi nhớ lại kỷ niệm thời niên thiếu và những lần xung trận cứu hỏa từ khi anh còn là "lính chiến" ở Đội chữa cháy Phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh Phú Khánh, rồi những cú va vấp trong nghề đã giúp anh trở thành một sĩ quan chỉ huy có nhiều kinh nghiệm.

Hơn 40 năm về trước, một cậu học trò sinh trưởng ở thôn Phước Mỹ Đông, xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên đã chứng kiến vụ hỏa hoạn bùng phát trong ngôi nhà tranh vách đất của một lão nông lúc nửa đêm. Cái sự tắc trách do ngọn đèn dầu đổ khi con mèo tam thể lao vào bồ thóc đuổi bắt chuột. Bà con trong xóm kẻ múc nước, người xúc cát dội vào đám cháy, nhưng "bà hỏa" vẫn nổi cơn giận dữ thiêu rụi ngôi nhà, khiến cho gia đình lão nông lâm vào cảnh khó khăn một thời gian dài. Có ai ngờ trận hỏa hoạn năm xưa đã thắp sáng trong tâm cậu học trò ước mơ trở thành người lính cứu hỏa. Cậu học trò của thời xa lắc đó chính là thượng tá Nguyễn Trọng - Trưởng Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ (PCCC) - Công an tỉnh Phú Yên. Ở tuổi ngoại ngũ tuần, anh đã có thâm niên 32 năm theo nghiệp cứu hỏa…

Tiếp chuyện tôi tại công sở nằm bên đường Nguyễn Trung Trực, phường 8, TP Tuy Hòa, Thượng tá Nguyễn Trọng bồi hồi nhớ lại kỷ niệm thời niên thiếu và những lần xung trận cứu hỏa từ khi anh còn là "lính chiến" ở Đội chữa cháy Phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh Phú Khánh, rồi những cú va vấp trong nghề đã giúp anh trở thành một sĩ quan chỉ huy có nhiều kinh nghiệm. Cuộc trò chuyện mới khởi đầu thì chuông điện thoại ở phòng trực ban réo vang, tiếp đó là tiếng còi hụ báo động chữa cháy. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của Trung tá, Phó trưởng phòng Trần Văn Ký và Trung tá, Đội trưởng chữa cháy Lê Tiến, hai tiểu đội gồm 18 cán bộ chiến sĩ trong trang phục chống cháy bằng chất liệu amian tất bật lao nhanh lên hai xe cứu hỏa mang biển số 78B-0518, 78B-0799 rời khỏi sở chỉ huy, rồi tăng tốc lao nhanh ra hướng bắc đường Nguyễn Tất Thành. Tưởng có vụ cháy vừa khởi phát, tôi tính tạm gác lại cuộc trò chuyện, mang máy ảnh đuổi theo hướng xe chữa cháy đang tăng tốc, nhưng Thượng tá Trọng đã ôn tồn ngăn lại:

- Không phải vụ cháy thật đâu, đó là cuộc thực tập phương án chữa cháy ở Công ty TNHH Bá Hải trong Khu công nghiệp An Phú.

Anh cho biết, mỗi khi nhận tin báo cháy gọi tới số máy 114, cán bộ trực ban phải thẩm định bằng cách hỏi lại tên tuổi người báo tin, địa chỉ xảy ra hỏa hoạn, loại vật liệu, hóa chất bị cháy, sau đó khẩn trương báo cáo lãnh đạo đơn vị báo động mệnh lệnh chiến đấu. Khi đến gần hiện trường, lực lượng cứu hỏa phải quan sát đám khói, cảm nhận mùi khét để xác định chất cháy chủ yếu, số người có nguy cơ lâm nạn; trong đám cháy có khí gaz, hóa chất, vật liệu nổ hay không. Ví như khi thấy khói nhiều thì đám cháy lớn; màu khói đen kịt là cháy xăng dầu, nếu có thêm mùi khét hắt là cháy chất cao su, hắc ín...Thời gian với họ chỉ tính bằng giây, nên ngoài việc tổ chức trinh sát hiện trường, người chỉ huy phải biết tính toán phương án khống chế đám cháy trong thời gian sớm nhất, xác định nơi có khả năng cung cấp nguồn nước, vị trí dừng xe.

Cùng với việc triển khai nhanh đội hình chiến đấu, cảnh sát chữa cháy phải khẩn trương tìm mọi biện pháp cứu nạn khi phát hiện có người còn mắc kẹt trong đám cháy... Đó là những quy trình thao tác kỹ thuật bắt buộc, thế nhưng có lần cảnh sát chữa cháy đã bị người dân… mắng oan, bởi họ không hề biết rằng có những tình huống người lính cứu hỏa phải chậm hoãn vài giây vì phải chờ... cắt điện để đảm bảo an toàn tính mạng. Dập tắt xong một đám cháy, nhìn người lính cứu hỏa nào cũng thật ngộ nghĩnh bởi một nét giống nhau, vì vết khói bụi đen nhẻm bám đầy trên gương mặt họ.

Tính chất nguy hiểm và khả năng gây nguy hại của mỗi vụ cháy khác nhau, không cho phép đội chữa cháy chủ quan trong bất kỳ điều kiện, tình huống nào, nên mỗi lần xuất quân cứu hỏa, họ phải tính toán phương án hữu hiệu để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản đến mức thấp nhất. Những người lính cứu hỏa còn phải thuộc nằm lòng từng đường phố, con hẻm ở nội thành Tuy Hòa để chủ động rút ngắn thời gian tiếp cận hiện trường vụ cháy.

Thượng tá Nguyễn Trọng kể:

- Cách đây hơn 30 năm, khi phương tiện thiết bị chữa cháy còn rất đơn điệu và lạc hậu, tôi đã từng đối mặt với những đám cháy lớn ở TP Nha Trang, Cam Ranh. Mọi cố gắng của tôi cùng đồng đội đã hạn chế một phần thiệt hại, không để ngọn lửa lan nhanh trên diện rộng trong những khu dân cư, nhưng nghiệt ngã và đau xót nhất là khi chúng tôi phải tận mắt nhìn thấy thi thể người chết cháy giữa ngổn ngang tro tàn. Không một ai muốn nhìn thấy những cái chết thương tâm như thế, nhưng nếu cảnh sát chữa cháy không chọn con đường cơ động nhanh nhất để đến hiện trường kịp thời, không tính toán phương án chữa cháy hiệu quả nhất, thì hậu quả có thể nguy hiểm hơn rất nhiều. Do vậy những bài học kinh nghiệm tích lũy được sau mỗi vụ cháy chính là vốn liếng nghề nghiệp cần thiết của người lính cứu hỏa.

Còn nhớ những năm đầu sau khi tái lập tỉnh Phú Yên (7/1989) trên cơ sở tách ra từ tỉnh Phú Khánh, Phòng Cảnh sát PCCC Công an Phú Yên còn phải đối mặt với nhiều khó khăn thử thách. Xe cứu hỏa thì nhiều, nhưng tất cả đều thuộc thế hệ cũ nên vận hành ì ạch lắm. Mỗi lần triển khai phương án thực tập và đặc biệt là khi có lệnh báo động xuất quân đi chữa cháy, từ người chỉ huy cho tới lái xe và cả lính cứu hỏa đều phập phồng lo ngại, vì tình trạng xe hư hỏng giữa đường, hệ thống bơm hút, phun nước bị tắt không phải là chuyện hiếm. Còn bây giờ sau hơn 20 năm vượt khó vươn lên, Phòng Cảnh sát PCCC Công an Phú Yên từng bước kiện toàn về lực lượng và được đầu tư thêm nhiều trang thiết bị kỹ thuật chữa cháy. Thượng tá Nguyễn Trọng cho biết:

- Đến thời điểm này, đơn vị chúng tôi có hơn 80 cán bộ chiến sĩ ở ba bộ phận, bao gồm Đội kiểm tra - hướng dẫn nghiệp vụ PCCC, Đội chữa cháy, Đội xây dựng lực lượng - hậu cần, trong số đó có 14 cán bộ chiến sĩ trình độ đại học, 32 người trình độ trung cấp, số còn lại là công dân phục vụ có thời hạn. Một số phương tiện, thiết bị cũ kỹ đã được thanh lý, bù lại là những chiếc xe cứu hỏa và trang thiết bị mới hơn, trong đó có xe nhập mới từ Nhật Bản, đủ điều kiện cơ động chiến đấu với hỏa hoạn.

Phương tiện thiết bị kỹ thuật là một yêu cầu cần thiết, nhưng tài năng của người chỉ huy cứu hỏa cùng với tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh chiến đấu và kỹ thuật - chiến thuật của những người lính xung trận cũng là một yếu tố quyết định hiệu quả. Khi có hỏa hoạn, họ phải chạy đua với thời gian tính bằng giây, phút, vì một chút chậm trễ sẽ gây thêm không ít thiệt hại. Lắm lúc nửa đêm đang ngủ ngon giấc phải bật dậy, nhiều khi ăn dở bữa cơm ngon cũng đành vứt bát đũa lao ra xe chữa cháy. Vậy mà thỉnh thoảng vẫn có kẻ vô tâm đến mức diễn trò báo cháy... giả. Cũng may là bộ phận trực ban rất tinh khi thẩm tra nguồn tin, nên chưa bao giờ họ vấp phải trò đùa của những kẻ rỗi việc.

Theo những số liệu mà Thiếu tá, Phó trưởng phòng Nguyễn Trung Thành cung cấp thì trên địa bàn Phú Yên hiện có hơn 900 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, trong đó có gần 300 cơ sở kinh doanh xăng dầu, khí đốt, ga hóa lỏng, hơn 30 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, hàng chục kho vật liệu nổ, chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, khu du lịch sinh thái, bến xe, nhà ga… Nhờ tăng cường chú trọng đẩy mạnh kiểm tra, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm nên hầu hết các cơ sở đều làm tốt công tác phòng ngừa cháy nổ.

Chỉ tay về phía sơ đồ cấp nước chữa cháy trên địa bàn nội thành, Thiếu tá Thành cho biết: ở TP Tuy Hòa hiện đã có hơn 100 trụ cấp nước chữa cháy lắp đặt cách góc giao lộ đường phố từ 100 đến 150m, nên khi xảy ra sự cố cháy, xe cứu hỏa cơ động tiếp nước ở cự ly gần hơn trước. Và dẫu khó khăn hay thuận lợi, thành công hay thất bại, thì sau mỗi lần chữa cháy, đơn vị đều phải tổ chức phiên họp đánh giá, rút kinh nghiệm. Đơn cử như vụ cháy cơ sở sản xuất của Công ty TNHH công nghiệp SEMCO Phú Yên ở Khu công nghiệp Hòa Hiệp, thuộc địa bàn xã Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa khởi phát lúc 2h50' ngày 14/12/2009. Trong vòng 16 phút, ba xe cứu hỏa với đội hình chiến đấu 30 cán bộ chiến sĩ vượt chặng đường hơn 22km có mặt tại hiện trường. Lúc đó đám cháy đã bao trùm nhà xưởng trên diện tích 1.143m2 và đang có nguy cơ lan tỏa sang một số phân xưởng liền kề. Chất cháy chủ yếu là nguyên liệu sản xuất kính, hóa chất, dây chuyền thiết bị máy móc sản xuất... Bài học kinh nghiệm từ vụ cháy là đã tổ chức công tác trinh sát đám cháy chặt chẽ, triển khai đội hình chiến đấu phù hợp, phương tiện thiết bị hoạt động tốt, cảnh sát chữa cháy năng động… nên sau 4 giờ 10 phút "chiến đấu", ngọn lửa đã được dập tắt.

Nói tới chuyện buồn vui trong nghề cứu hỏa, Thiếu tá Thành dí dỏm:

- Bất kỳ ai cũng mong có việc làm ổn định thường xuyên mới vui, còn lính cứu hỏa chỉ thấy vui khi được… thất nghiệp. Đến khi có việc, nếu làm không tốt thì đó là chuyện buồn.

Rời trụ sở Phòng Cảnh sát PCCC Công an Phú Yên trong cái nắng trưa như trút lửa xuống mặt đường, tỏa hơi nóng hầm hập vào mặt người, tôi thầm mong sẽ không có vụ hỏa hoạn nào xảy ra trong mùa khô này, để những người lính cứu hỏa thường xuyên… thất nghiệp

Phan Thế Hữu Toàn
.
.