Vụ án C30 (Trần Minh Châu): Những đóng góp thầm lặng của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ ANTQ

Thứ Sáu, 02/09/2005, 07:43

Buổi gặp mặt truyền thống “50 năm đấu tranh vụ án C30” diễn ra ngày 18/7/2005 tại Tp. Hải Phòng do Bộ Công an tổ chức thật ấm cúng và xúc động. Ý nghĩa của việc phá vụ án này vẫn còn nguyên giá trị đối với lực lượng công an nói riêng, với sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia nói chung.

Vào giữa năm 1954, qua công tác nghiệp vụ, ta biết cơ quan tình báo Thủy quân lục chiến Mỹ thông qua bọn lãnh đạo cốt cán thuộc Đảng Đại Việt như Đặng Văn Sung, Phan Xuân Lãm, Cao Xuân Tuyên, Nguyễn Văn Thọ... chuẩn bị kế hoạch tuyển một số đối tượng đưa ra nước ngoài huấn luyện để tung về miền Bắc gây cơ sở hoạt động.

Ngày 22/8/1954, chúng đưa 16 người đến Hải Phòng, xuống tàu thủy ra Vịnh Hạ Long và sang chiến hạm 125 của Pháp. Sau một  tuần trên biển, số này đến đảo Okinawa của Nhật. Tại đây, việc khai báo lý lịch, khám sức khỏe... do gián điệp Mỹ thực hiện và có ba người không đủ sức khỏe phải trở về. Số còn lại được đưa lên máy bay chở đến đảo Guyam của Mỹ ngoài khơi Thái Bình Dương để huấn luyện.

Chúng chia thành ba nhóm để huấn luyện nghiệp vụ khác nhau. Nhóm 1 học về điều tra tình báo. Nhóm 2 học biệt kích và phá hoại. Nhóm 3 học radio. Ngoài ra, tất cả đều được học cách tự vệ, sử dụng vũ khí các loại, cách phá hoại... Sau khi học xong chúng tổ chức thực hành tại một thị trấn hoang trên đảo... Sau 4 tháng huấn luyện, Nguyễn Văn Minh bị nghi là thân Pháp nên chúng giữ lại; số còn lại đi máy bay qua New Zealand về Sài Gòn vào ngày 8/2/1955.

Tại đây các đối tượng trên được tiếp tục học tập điều lệ Phong trào quốc gia cấp tiến (một tổ chức của Đại Việt) và chủ trương phản động dưới chiêu bài: Đoàn kết tất cả các lực lượng, quốc gia chống cộng sản, thực hiện tiểu tư sản hóa toàn dân. Ngày 15/2/1955, Đặng Văn Sung, một tên đầu sỏ trong Đại Việt đưa Tư Cụt, một tên gián điệp Mỹ đến huấn luyện cho số này sử dụng súng ngắn ám sát, tiểu liên không kêu, một số loại mìn... và Sung hẹn sẽ chuyển số vũ khí ra Hải Phòng để các đối tượng sử dụng sau này. Mọi việc xem như đã chu tất, trước khi tung nhóm gián điệp ra miền Bắc, Sung đã tổ chức cho chúng tuyên thệ và nhóm này được đặt tên là “Tiền phong Bắc tiến”.

Chuyên án C30 và cuộc đấu trí với đối phương

Ngay sau khi nhóm gián điệp trên được đưa ra miền Bắc, Bộ Công an đã chỉ đạo công an các địa phương chuẩn bị kế hoạch trinh sát nắm bắt âm mưu và hoạt động của chúng. Ngày 21/3, trinh sát công an Hà Nội phát hiện tại nhà Phạm Văn Lan làm nghề cắt tóc ở số 9 phố Hàng Mành, Trần Minh Châu gặp một số tên phân công các đối tượng thành 3 tổ về hoạt động ở ba thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định. Tại Nam Định lấy tên là Đồng Văn. Hải Phòng lấy tên là Hải An. Hà Nội  do Châu trực tiếp phụ trách lấy tên là An Trạch. Mỗi tổ có điện đài và một số vũ khí.

Sau khi sắp xếp xong, Cao Xuân Tuyên rút vào Nam. Mọi việc chỉ  đạo chung nhóm gián điệp ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định do Trần Minh Châu đảm nhận. Cũng trong tháng 3/1955, Công an Hải Phòng phát hiện tại các số nhà 47 phố Ga, 27 bờ Sông Lấp và 120G ngõ Đông An (Hải Phòng) các đối tượng cất giấu một số điện đài, máy phát điện, vũ khí... Tại Nam Định, lực lượng an ninh của tỉnh phát hiện một đối tượng lưu manh chuyên nghiệp được lôi kéo tham gia một tổ chức gián điện. Số này thường tụ tập hoạt động ở nhà 101C phố Hoa Kiều, 36 Hàng Dầu.

Để chủ động nắm chắc âm mưu thâm độc của kẻ địch, Bộ Công an đã chỉ đạo lập chuyên án  đấu tranh với bí số C30.

Quá trình điều tra ta nắm được, sau khi ổn định địa bàn, cả ba tổ gián điệp đều đi vào hoạt động kinh tế để vừa tạo vỏ bọc, vừa có tiền phục vụ hoạt động của chúng như mở hiệu cắt tóc, cửa hàng buôn bán, chạy xe Taxi, đầu tư cổ phần vào nhà in...

Cuối 1956 đầu 1957, Châu đã bố trí cho tay chân 5 lần vào Nam. Mỗi chuyến đi Châu chuẩn bị tài liệu về tin tức tình báo thu thập được, khi trở ra chúng đem hàng hoá, thuốc men bán lấy tiền chia cho các đối tượng.

Tại Hà Nội, Trần  Minh Châu tìm gặp một số đối tượng là đảng viên Đại Việt cũ lôi kéo vào tổ chức và huấn luyện cho chúng cách thu thập tin tức mọi mặt. Châu còn chỉ đạo đặt mua các Báo, Tạp chí như Nhân văn, Giai phẩm, Sân khấu, tìm hiểu về nhóm Đất mới, về quản lý thị trường... rồi tập hợp chuyển  vào miền Nam...--PageBreak--

Lúc này hầu hết các yêu cầu đăt ra với chuyên án đã được cơ quan an ninh làm rõ. Một số người được bọn Châu lôi kéo tuyển lựa tham gia tổ chức gián điệp này đã giác ngộ và tích cực cộng tác giúp đỡ cơ quan an ninh, trong số đó có ông Phạm Đăng Hào. Bằng sự cộng tác và đóng góp tích cực của ông Hào cùng với nhiều biện pháp khác ta không chỉ nắm chắc âm mưu thủ đoạn của kẻ địch mà còn ngăn chặn nhiều hoạt động phá hoại khác của chúng, giữ vững an ninh ở Thủ đô cùng hai thành phố Hải Phòng, Nam Định.

Từ yêu cầu đấu tranh không cho phép tiếp tục kéo dài, Bộ Công an quyết định phá án.

Theo lệnh của Ban chuyên án, Công an các địa phương đồng loạt bắt các đối tượng và khám xét nơi ở của chúng. Lúc 9h ngày 11/11/1958 bằng Mệnh lệnh sự vụ số 73, Ban  chuyên án đã bắt tên Trần Minh Châu ( tức Cập). Cùng trong ngày 11 và 12/11, tất cả các đối tượng khác bị bắt giữ. Qua khám xét, chúng ta đã thu giữ nhiều điện đài, vũ khí, tiền bạc dùng làm phương tiện hoạt động gián điệp. Ngày 4/4/1959 vụ gián điệp Trần Minh Châu (tức Cập) đã được đưa ra xét xử sơ thẩm và ngày 26/5/1959 vụ án được xét xử phúc thẩm.

Cuộc chiến vẫn tiếp diễn và bài học quý giá

Vụ án đã được xét xử , tuy nhiên với lực lượng an ninh, công việc không chỉ  dừng lại ở đó. Đất nước ta thời kỳ này vẫn bị chia cắt làm hai miền; việc tính toán lâu dài cho cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh chính trị tiếp tục được đặt ra. Cùng với yêu cầu đó, để đảm bảo an toàn tính mạng cho những người đã cộng tác với cơ quan an ninh, Bộ Công an và công an các địa phương phải tính toán nhiều phương án. Ông Phạm Đăng Hào, sau đó đã được bố trí “chạy trốn” về làm công nhân nhà máy xay Ninh Giang (Hải Dương) với tên  mới là Nguyễn Mạnh Thắng.

Sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, cuộc đấu tranh thầm lặng của lực lượng An ninh càng quyết liệt hơn. Sự hy sinh thầm lặng của biết bao chiến sĩ cách mạng và đồng bào ta vì sự nghiệp bảo vệ An ninh quốc gia trong đó có đóng góp của những người trong chuyên án C30 và ông Phạm Đăng Hào được ghi nhận đầy đủ, nhưng chưa thể công khai.

30 năm sau, khi cân nhắc đầy đủ các yếu tố, trong đó đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, những điều bí mật về ông Hào trong vụ án Trần Minh Châu (tức Cập) đã được cơ quan An ninh Việt Nam công bố. Bộ Công an đã đề nghị Nhà nước truy tặng ông Huân chương chiến công hạng nhất và Huy chương bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đó là sự ghi nhận những đóng góp của ông và gia đình trong sự nghiệp bảo vệ  An ninh Tổ quốc

.
.