Vì một miền Nam thân yêu

Thứ Năm, 07/05/2020, 07:23
Cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đã trải dài gần 21 năm, là cuộc chiến tranh giữ nước ác liệt và phức tạp nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Trong đại hùng binh gồm hàng triệu người xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, không nhiều người biết đến việc đã có những bước chân của hơn một vạn cán bộ, chiến sĩ CAND lên đường ra trận, lên đường theo tiếng gọi "Vì miền Nam thân yêu".


Còn biết bao cán bộ, chiến sĩ Công an lặng lẽ đi qua trước mặt quân thù ngang dòng Bến Hải. Có những người chi viện cho chiến trường miền Nam đi trên những chuyến tàu không số vận chuyển vũ khí, đạn dược vào Nam. Có người được đồng chí, đồng đội chia tay, đưa tiễn, được tạm biệt cha, mẹ, vợ, con trong niềm thương nhớ khôn nguôi để hăng hái lên đường vào chiến trường, dẫu biết rằng sẽ đối mặt với muôn vàn gian khổ, sẵn sàng chấp nhận hy sinh và ra đi không hẹn ngày trở về.

Nhưng lại có người ra đi lặng lẽ, sống với những danh phận khác nhau giữa lòng địch trong suốt những năm tháng chiến đấu mà không có được một lần nhắn gửi tin tức về cho gia đình, cho người thân. Trận tuyến thầm lặng đòi hỏi người chiến sĩ Công an phải chấp nhận những sự hy vô hình và hữu hình.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Bộ trưởng Tô Lâm và đại diện CLB Công an hưu trí tại cuộc gặp mặt cán bộ Công an chi viện cho chiến trường miền Nam.

Trong số 11.204 cán bộ Công an ưu tú chi viện cho chiến trường miền Nam, có 1 Thứ trưởng, 3 Cục trưởng, 9 Phó Cục trưởng, 25 Trưởng - Phó Trưởng ty, 870 Trưởng và Phó Trưởng phòng, huyện, thị... tiêu biểu như các đồng chí: Nguyễn Quang Việt, Bùi Thiện Ngộ, Trần Quốc Hương (Mười Hương), Nguyễn Tài (Tư Trọng), Huỳnh Anh, Thái Doãn Mẫn, Lê Thanh Vân, Nguyễn Sanh Châu, Lê Văn Đại, Phan Văn Lai, Nguyễn Đình Bẩy, Nguyễn Văn Lệnh (Tư Hổ)…

Số cán bộ, chiến sĩ Công an được chi viện tăng cường vào lực lượng an ninh tại chỗ như: Ban An ninh miền Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Ban An ninh Khu 4, Khu 5, Khu 6 và Ban An ninh đặc khu Sài Gòn - Gia Định (An ninh T4), An ninh Trung ương cục. Họ đã nhanh chóng hòa nhập với cán bộ an ninh tại chỗ, bám sát phong trào cơ sở, chiến đấu kiên cường. Nhằm tăng cường công tác nắm tình hình một cách toàn diện và có tầm chiến lược, Bộ Công an đã phái 5 tổ tình báo vào hoạt động ở miền Nam. Khắp miền Nam, các tổ chức tình báo từ A1 đến A5 được củng cố và phát huy tác dụng.

Có được sự chi viện, An ninh miền Nam đẩy mạnh hoạt động trên tất cả các lĩnh vực: Phản gián, điệp báo, trừ gian, diệt ác, phá kìm; đồng thời tham gia bảo vệ các cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt. Trong  công tác diệt ác, đã xuất hiện nhiều trận đánh vang dội, nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm, mưu trí của lực lượng an ninh vũ trang.

An ninh đặc khu Sài Gòn - Gia Định, với những trận đánh táo bạo vào thẳng sào huyệt, vào đầu não của Mỹ - ngụy đã khiến kẻ thù khiếp sợ, gây tiếng vang lớn, cổ vũ đồng bào ở các đô thị nổi dậy. Đó là vụ ám sát Nguyễn Văn Bông, ứng cử viên vị trí Thủ Tướng Chính phủ Việt Nam Cộng hòa, đánh vào Tổng nha Cảnh sát ngụy, tấn công vào căn cứ chỉ huy và trú quân của Mỹ… Trong thời điểm đó, báo chí Mỹ cũng phải thốt lên "Sài Gòn không còn là nơi yên ổn". Nhiều người dân ở Sài Gòn đã biết đến cái tên "Đội an ninh vũ trang Tư Hổ".

Còn ở Khu 5, các Đội Trinh sát vũ trang và An ninh vũ trang đánh nhiều trận vào trụ sở các cơ quan ngụy tại Đà Nẵng, tiêu diệt hàng trăm tên địch, trong số đó có 2 nhân viên CIA, rồi bất ngờ đột nhập vào nhà tù Hội An giải thoát được 100 tù nhân, phần lớn là tù chính trị.

An ninh Trung ương Cục miền Nam trở thành lá chắn thép bảo vệ các đồng chí lãnh đạo xứ ủy, bảo vệ cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam mỗi khi quân chủ lực của Mỹ; trong đó có thể kể đến chiến thắng trận càn Jantion City, lực lượng An ninh Trung ương Cục bẻ gãy và làm thất bại hoàn toàn mục tiêu đánh thẳng vào cơ quan đầu não Trung ương Cục, triệt phá căn cứ kháng chiến và tiêu diệt các đơn vị chủ lực của quân chủ lực giải phóng miền Nam.

Trong Chiến dịch Mậu Thân 1968, đòn đánh hiểm và bất ngờ của lực lượng vũ trang tại các đô thị lớn của miền Nam đã làm xoay chuyển chính trị trong toàn cuộc chiến tranh có lợi cho ta. Chiến thắng ấy có phần đóng góp của lực lượng An ninh, những con người dũng cảm, họ vừa trực tiếp chiến đấu, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ, vừa dẫn đường cho các mũi quân ta tiến vào đô thị, vào sào huyệt của kẻ thù, gây được tiếng vang lớn trên toàn thế giới.

Sau Tết Mậu Thân 1968 là một thời kỳ khó khăn vì ta có tổn thất. Lực lượng An ninh miền Nam xốc lại thế trận, bám trụ lòng dân, xây dựng lực lượng an ninh tại chỗ, bảo vệ an toàn các cơ quan đầu não và cán bộ lãnh đạo chủ chốt. Tiếp tục chiến đấu trên khắp các chiến trường từ Trị Thiên - Huế đến Sài Gòn - Gia Định, vận động đồng bào kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, diệt ác, phá kìm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện với các cựu cán bộ Công an chi viện cho chiến trường miền Nam.

Trong cuộc chiến đấu đó, chúng ta đã giành nhiều thắng lợi vẻ vang trong hầu hết các chiến dịch chiến tranh đơn phương, chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ và Việt Nam hóa chiến tranh của đế quốc Mỹ đến các chiến dịch bình định, gom dân lập ấp chiến lược, đánh phá khốc liệt phong trào cách mạng ở đồng bằng, rải bom và chất độc hóa học ở miền núi của đế quốc Mỹ. Trong cuộc chiến đấu đó, đội ngũ cán bộ Công an chi viện vẫn vững vàng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ.

Chiến công của lực lượng an ninh trên khắp mọi miền đất nước đã góp phần vào chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Ngày 30 tháng 4 năm 1975, cùng với sự thần tốc của các binh đoàn, các chiến sĩ an ninh cũng rầm rập tiến vào Sài Gòn trước sự vui mừng của đồng bào chào đón. Trong những giờ phút cuối cùng của cuộc chiến, lực lượng An ninh tiếp tục giữ vai trò quan trọng, khi cùng các lực lượng khác phối hợp vận động Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện, để Sài Gòn được tiếp quản trong hòa bình, tránh được cho nhân dân Sài Gòn không phải chịu cảnh đạn bom.

Những thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mà đỉnh cao là chiến thắng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 là một trong những trang chói lọi nhất trong lịch sử chiến tranh giữ nước của dân tộc Việt Nam. Chiến thắng đó là chiến thắng của sức mạnh tổng hợp, sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Trong đó, có vai trò không nhỏ của lực lượng CAND, mà nòng cốt có thể kể đến là hơn 11 nghìn cán bộ chủ chốt được chi viện cho chiến trường miền Nam.

Trong cuộc chiến đấu sinh tử với kẻ thù, đội ngũ hơn 11 nghìn cán bộ chi viện, đã có 909 đồng chí Công an anh dũng ngã xuống nơi chiến trường, 46 đồng chí bị địch bắt tù đày trong các "Địa ngục trần gian" như Côn Đảo, Phú Quốc, Nhà ngục Kon Tum, Chín Hầm… bị tra tấn dã man, nhưng không hề bị lung lạc ý chí, bởi họ luôn mang trong tim mình lời dạy của Bác Hồ kính yêu "Lửa thử vàng, gian nan thử  sức", luôn giữ vững khí tiết của người cán bộ Công an cách mạng. Tiêu biểu như đồng chí Nguyễn Tài, trong hơn 4 năm nằm trong tay kẻ địch chịu không biết bao nhiều đòn thù, nhưng vẫn không hề khuất phục, hay như sự hy sinh anh dũng của đồng chí Hoàng Thanh được nêu gương là 1 trong 12 ngôi sao sáng ở chuồng cọp nhà tù Côn Đảo. Ngoài ra, còn hàng trăm đồng chí bị thương tật suốt đời, bị nhiễm chất độc da cam, có người đã để lại hệ lụy đến đời con, đời cháu và nhiều đồng chí mắc bệnh hiểm nghèo do di chứng của chiến tranh, bị mất sức lao động, giảm thiểu trí tuệ và tuổi thọ.

Ngay khi ngày miền Nam được giải phóng, thêm một lần nữa, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ Công an được tăng cường vào hỗ trợ đồng đội ở những thời khắc khó khăn, để nhanh chóng giữ gìn, ổn định an ninh trật tự, quản lý, cải tạo gần một triệu tàn quân ngụy. Có thể nói rằng, những đóng góp, hy sinh thầm lặng của lực lượng CAND trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã làm nên giá trị lịch sử, ghi dấu son chói lọi vào truyền thống vẻ vang của CAND Việt Nam trong suốt 75 năm qua.

Cù Tuệ Minh
.
.