Vị Tư lệnh của đường Trường Sơn huyền thoại

Thứ Hai, 20/04/2009, 09:30
Nói về vị chỉ huy của mình, Tướng Phan Trọng Tuệ, ông Lân lúc nào cũng tự dặn mình phải sống sao cho xứng đáng với người anh, người đồng chí kiên trung ấy: "Anh Tuệ trong đời thường là một con người sống rất tình cảm, luôn quan tâm đến anh em, đồng đội, đồng chí. Tác phong của anh vô cùng điềm đạm, bình tĩnh. Anh lúc nào cũng ăn mặc chỉnh tề nhưng lại thật gần gũi, giản dị. Gặp bất cứ một khó khăn nào anh cũng giữ thái độ bình thản để giải quyết, không tỏ ra nao núng hay vội vàng..."

Tháng 5 tới, tại nước ta sẽ diễn ra nhiều hoạt động quan trọng kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống mở đường Trường Sơn, con đường huyền thoại đã đi vào lịch sử đấu tranh giải phóng của dân tộc, nơi hàng triệu người con ưu tú đã không tiếc mồ hôi, xương máu để "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước".

Nhắc tới con đường góp phần quan trọng làm nên chiến thắng của đất nước, không thể không nhắc đến tên tuổi và công lao của một vị tướng, một người tài năng và đức độ, nguyên là Tư lệnh kiêm Chính ủy Đoàn 559, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Giao Thông Vận tải, Phó thủ tướng Chính phủ. Ông là Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ.

Đã có nhiều tài liệu, sách báo viết về cuộc đời Tướng quân Phan Trọng Tuệ giúp cho thế hệ trẻ chúng tôi thêm hiểu và yêu mến một con người mà suốt cuộc đời đã không ngừng đấu tranh cho lý tưởng cách mạng, vì độc lập tự do của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân. Để hiểu thêm những câu chuyện về Tướng Phan Trọng Tuệ những ngày tháng đi mở đường Trường Sơn huyền thoại, chúng tôi tìm gặp một người em, một người đồng đội của ông, ông Nguyễn Tường Lân, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, nguyên Phó Tư lệnh đường 559.

Ông Nguyễn Tường Lân năm nay đã vào tuổi 90, nhưng vẫn còn minh mẫn lạ kỳ. Ông nhớ lại những kỷ niệm về vị Tư lệnh Phan Trọng Tuệ với lòng xúc động rưng rưng. Chúng tôi xin ghi lại những lời kể của ông Nguyễn Tường Lân về công việc mở tuyến đường 20 huyết mạch và những ấn tượng sâu sắc về vị chỉ huy của mình:

"Cuối năm 1962 tôi được đề bạt làm Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải. Khi giặc Mỹ bắt đầu đánh phá khu 4, tôi được anh Tuệ giao việc phụ trách, tổ chức, tăng cường cho Ban đảm bảo giao thông khu 4, gọi tắt là B4. Lúc đầu mọi việc chưa vào nề nếp. Vốn tính hài hước nên anh Tuệ thường gọi đùa B4 là  "bê bối".

Một ngày đầu năm 1965 tôi đón anh Tuệ từ Hà Nội vào B4. Anh thông báo vừa được Trung ương cử làm Tư lệnh Đoàn 559 và quân khu có nhiệm vụ đưa anh lên binh trạm 12. Anh tâm sự, để yên tâm vào Trường Sơn, anh đã thu xếp việc gia đình ổn thỏa. Hai cô con gái là Vi Linh và Gia Liên anh gửi vào Quân đội và Công an, còn chị Xuân (vợ anh) thì làm việc cùng cơ quan.

Anh Phan Trọng Tuệ ân cần hỏi han tình hình gia đình tôi thế nào. Vợ chồng tôi lấy nhau đến lúc đó vẫn chưa có con. Anh gợi ý: "Thế thì nên nuôi một đứa con nuôi, biết đâu sau đó sẽ sinh được con trai. Nhà tôi cũng thế, cũng sinh đẻ muộn. Khi đã nhận nuôi một cô con gái rồi bà ấy sinh thêm một cô con gái nữa".

Tôi nhớ trước khi vào chiến trường, anh Tuệ ôm hôn tôi rất thắm thiết và miệng anh lẩm nhẩm hát: "Bao chiến sĩ anh hùng... vung gươm ra sa trường".

Khoảng 8 tháng sau tôi nhận lệnh biệt phái vào Trường Sơn làm Phó Tư lệnh Đoàn 559. Hai ngày trước khi lên đường, tôi được gặp Bác Hồ. Bác dặn:

"Mọi việc của chú chắc là các đồng chí Đinh Đức Thiện và Phan Trọng Tuệ đã nói cả rồi. Bác chỉ dặn thêm, thanh niên là những người chủ tương lai của đất nước. Hiện nay trên Trường Sơn có nhiều thanh niên xung phong được điều lên cùng bộ đội, cán bộ, công nhân các ngành nghề khác. Ở nhà các cháu có cha mẹ, anh chị chăm sóc. Trên Trường Sơn các lãnh đạo Đoàn phải thay cha mẹ chăm sóc các cháu. Phải chăm sóc các cháu thật tỉ mỉ. Các cháu nữ phải có quả bồ kết để gội đầu, chiếc lược bí để chải tóc. Các cháu nam phải có quả bóng, cây đàn để vui chơi, giải trí khi rảnh rỗi. Phải tổ chức tốt việc học tập văn hóa cho các cháu để mỗi năm các cháu có thể lên được một lớp". Bác dặn tôi lên Trường Sơn thì báo cáo lại những lời của Người với các đồng chí lãnh đạo Đoàn 559.

Tôi tới binh trạm 12 thì được biết Quân ủy Trung ương đã giao cho Tổng Cục Hậu cần mà trực tiếp là Thiếu tướng Đinh Đức Thiện chỉ đạo Đoàn 559. Do giặc Mỹ leo thang bắn phá ác liệt ở miền Bắc nên anh Phan Trọng Tuệ phải về Bộ Giao thông Vận tải để lo những việc quan trọng khác. Anh Hoàng Văn Thái được cử làm Tư lệnh thay anh Tuệ.

Một đoạn đường Trường Sơn thời chống Mỹ.

Theo như kế hoạch đã duyệt, tôi được cử đi mở đường 20.  Đường 20 sẽ là một con đường mới, phá thế độc đạo vượt Trường Sơn (hiện tại chỉ có một con đường 12). Chúng tôi lấy tên đường là Đường 20 vì một lý do: Tuổi trung bình của các thanh niên mở đường là 20. Đây sẽ là con đường của tuổi trẻ. Đường 20 sẽ được thi công từ 2 phía, phía tây từ Lùm Bùm đến Ta Lê, phía đông từ Xuân Sơn, Phong Nha đến Ta Lê.

Công việc thi công rất vất vả, nguy hiểm nhưng tất cả anh chị em chiến sĩ, thanh niên xung phong đều nhiệt huyết với tinh thần "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước". Cá nhân tôi rất vinh dự được nhận nhiệm vụ tham gia mở con đường 20 này.

Tôi biết đây là một nguyện vọng thiết tha của thủ trưởng Phan Trọng Tuệ. Đã nhiều lần anh tâm sự rằng, anh rất muốn mở nhiều tuyến đường mới để có thể nhanh chóng đưa hàng hóa, các nhu yếu phẩm vào sâu trong tiền tuyến. Nếu khắc phục được túi nước Xiêng Phan dài hơn 30 km, cứ mùa mưa lũ là dềnh lên, phình to mãi ra làm tê liệt giao thông và mở được đường 20 thì sẽ thông được đường cho xe cơ giới. Bộ đội vào chiến trường khi đó cũng được đi xe nhanh, không phải hành quân đi bộ. Và xe tăng, đại bác cũng có thể vào chiến trường.

Anh Tuệ rất đau đáu với nhiệm vụ này và tôi tự thấy mình phải tiếp tục nhiệm vụ ấy trong vai trò là một Phó Tư lệnh. Nhiệm vụ của chúng tôi là phải hoàn thành con đường huyết mạch này trước ngày sinh nhật Bác 19/5/1966.

Lễ khởi công đường 20 diễn ra từ 6 giờ sáng mùng Một  tết năm 1966, sau tiếng mìn nổ đầu tiên dưới chân dốc Đồng Tiền. Chúng tôi đùa nhau rằng mình đang "đục thủng" Trường Sơn đi cứu nước chứ không phải là "xẻ dọc" Trường Sơn nữa.

Không thể kể hết những vất vả, gian khổ của thanh niên xung phong và bộ đội, công binh đã trải qua để hoàn thành con đường mang tên tuổi trẻ này. Tôi thì lúc ở bên đông, lúc ở bên tây Trường Sơn để vừa làm công tác tư tưởng với anh em chiến sĩ, vừa kiểm tra, đôn đốc công việc để con đường có thể hoàn thành đúng như kế hoạch 3 tháng đề ra lúc ban đầu.

Và khi đường 20 đã rõ hình hài, tôi mừng vui đến rơi nước mắt. Ngày thông đường, đồng chí Đinh Đức Thiện trực tiếp đi kiểm tra và nhận xét: "Trong thời gian rất ngắn, nhiệm vụ rất khó khăn mà các anh làm được như vậy thì tài thật, rất đáng khen". Phần tôi, niềm vui lớn nhất và cũng là tiếng thở phào lớn nhất là đã thực hiện xong những điều bấy lâu anh Phan Trọng Tuệ, thủ trưởng của tôi từng trăn trở: Khắc phục được túi nước Xiêng Phan và phá thế độc đạo của đường Trường Sơn".

Kết thúc câu chuyện về việc mở đường 20 ở Trường Sơn, gương mặt ông Nguyễn Tường Lân như đang hân hoan một niềm tự hào. Nói về vị chỉ huy của mình, Tướng Phan Trọng Tuệ, ông Lân lúc nào cũng tự dặn mình phải sống sao cho xứng đáng với người anh, người đồng chí kiên trung ấy.

"Anh Tuệ trong đời thường là một con người sống rất tình cảm, luôn quan tâm đến anh em, đồng đội, đồng chí. Tác phong của anh vô cùng điềm đạm, bình tĩnh. Anh lúc nào cũng ăn mặc chỉnh tề nhưng lại thật gần gũi, giản dị. Gặp bất cứ một khó khăn nào anh cũng giữ thái độ bình thản để giải quyết, không tỏ ra nao núng hay vội vàng. Có lần trên đường đi, nghe tiếng còi báo động, anh em hấp tấp chạy, anh Tuệ bảo: "Cứ bình tĩnh, máy bay địch hẵng còn xa. Cẩn thận kẻo ngã thì nguy đấy".

Không những thế, anh Phan Trọng Tuệ trong mắt chúng tôi còn là một con người hết sức nghệ sĩ. Trên đường đi làm nhiệm vụ, đôi khi anh ngẫu hứng làm vài câu thơ tặng các cháu thanh niên xung phong. Rồi có lúc anh hát trên đường đi cho bớt mệt nhọc.

Một điều đặc biệt nữa là anh Tuệ thường mang theo máy ảnh, máy quay phim bên người. Tôi nhớ một lần đi đến Đồng Lộc gặp máy bay Mỹ ném bom, anh Tuệ lấy máy quay phim ra và nói: "Thằng Mỹ có máy bay, chúng tao có tên lửa, cao xạ pháo sẽ đánh cho mày lăn quay". Đúng lúc đó một quả tên lửa vụt lên từ thành phố Vinh bắn trúng một máy bay Mỹ. Máy bay rơi, bốc cháy thành một đống khói đen phía trước. Anh Tuệ cười bảo, mình nói thế mà hóa ra thật. Nhưng tiếc nhất là không kịp đưa máy lên quay được cảnh máy bay rơi. Cảnh đẹp thế, tiếc thật"

Vũ Quỳnh Trang
.
.