Về một người lính Công an bình dị nơi Côn Đảo

Thứ Năm, 18/06/2015, 08:10
Lên tàu, tôi mới thấy tôi quá liều khi một mình khoác ba lô ra Côn Đảo. Mùi tanh nồng của mực tôm cá còn ám lại từ những chuyến tàu vào đất liền, trộn với hơi người khiến tôi lờm lợm. Khách đã nằm hoặc ngồi tại nơi "chủ quyền" của họ. Người nhân viên nhìn số vé rồi lặng lẽ đưa tôi suất ăn chiều và thật kiệm lời khi chỉ lên tầng hai của chiếc giường tầng "Chỗ của cô đó". 

Ngước lên. Tôi phát hoảng khi thấy một người đàn ông trung niên to béo đã nằm  yên vị trên đó. Tôi năn nỉ người nhân viên đổi cho một khách nữ. Dù ánh sáng nhập nhòa trong khoang, nửa như còn chiều nửa như đã tối, tôi vẫn nhìn rõ ánh mắt của người đàn ông có nước da như tẩm mật cháy ấy. "Hổng có đâu cô, ráng nhắm mắt mần một giấc là tới Côn Đảo liền à".

Trời hỡi. Làm sao tôi có thể ngủ bên người đàn ông xa lạ kia chứ. Sự đơn độc trong hoàn cảnh hiện hữu khiến tính đa nghi trỗi dậy. Mặc dù trong ba lô chỉ có một số giấy tờ tùy thân và  những đồ dùng cá nhân cho hai ngày ở đảo, nhưng tôi vẫn cõng nó lên  boong.

Trên boong. Một không gian hoàn toàn khác. Mặt trời tròn vạnh đang kéo sắc vàng tím chìm dần xuống biển. Ánh hoàng hôn cuối cùng đang nhạt dần trên những gợn sóng. Nước biển đã chuyển sang màu chì thẫm. Nếu tôi cứ ở trong bờ nhìn ra, hoặc cứ trèo lên giường nằm bên người đàn ông lạ hoắc kia thì sao có thể tận hưởng khung cảnh đẹp như huyền thoại giữa bao la biển chiều thế này.

Đêm muộn, không ai được đứng trên boong nữa. Tôi đành cõng ba lô về nơi cư trú qua đêm ở trên tàu. Người đàn ông nọ đã ngủ. Gối đầu lên ba lô, tôi quay mặt ra phía ngoài tự nhủ, nhất định mình phải thức đến lúc tàu cập bến. Thế mà tôi lại ngủ say đến nỗi người đàn ông nằm cạnh phải đánh thức mới tệ chứ. "Cô gì ơi. Tới Côn Đảo rồi nè". Tôi choàng dậy. Người đàn ông to béo kể "công": "Tôi mỏi liệt mà hổng dám trở mình, chỉ e đụng phải cô thôi à". Tôi cảm ơn người ấy bằng nụ cười của phái yếu.

Sự mệt mỏi của một đêm  thoắt tan hết khi nắng gió ban mai trên Côn Đảo ùa vào tôi. Đôi chân nhẹ tênh bước theo những người du lịch đi tìm nhà nghỉ. Cảm giác không bình yên, tôi nghĩ phải đến đồn Công an, nhờ họ chỉ dẫn cho một nhà trọ có thể yên tâm ở đây trong một đêm hai ngày.

Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hà với một người lính trẻ nơi Côn Đảo trong chuyến đi đầy kỷ niệm. 

Tôi đưa giấy tờ tùy thân cho người Cảnh sát trực ban gồm: Chứng minh nhân dân và thẻ Nhà văn của mình. Sau khi nghe tôi trình bày yêu cầu, chàng Thiếu úy trẻ có đôi mắt đen láy, cầm giấy tờ của tôi đứng lên nói: "Tới giờ giao ban tôi sẽ báo cáo với các thủ trưởng. Bây giờ mời chị xuống dưới này". Vừa đi theo, tôi vừa băn khoăn. Chỉ mách giùm một nhà trọ, có gì mà phải báo cáo chứ.

Thiếu úy dẫn tôi đến phòng đầu tiên trong dãy nhà ngói cấp bốn. Giọng  Nam Bộ nghe ngọt lạ: "Đây là phòng của tôi và hai đồng chí nữa, chị cứ chờ ở đây nghen". Ánh sáng ban mai luồn qua những song cửa sổ, nơi nghỉ của những chiến sĩ Công an sống xa đất liền. Thanh bạch quá. Trong căn phòng khoảng hai mươi mét vuông, có ba giường cá nhân, gối chăn gấp gọn. Đối diện với bình nước lọc bên phải cửa ra vào là chiếc tủ đứng không cao lắm. Ba chiếc mũ kê pi sóng hàng trên tủ như đang quan sát người khách không mời mà đến.

Một lát sau, đi cùng Thiếu úy thường trực là một sĩ quan, khuôn mặt cân đối, da rám nắng, đôi mắt có thần thái của người lãnh đạo. Người sĩ quan niềm nở: "Chào chị. Tôi là Đồn phó Phạm Chí Long. Đồn trưởng Phạm Minh Phương chuẩn bị ra sân bay đi công tác nên không tiếp chị được. Chúng tôi đã thống nhất mời chị nghỉ ngay tại đồn. Hiện nay đồn có ba phòng ở tầng hai trên hội trường, dành cho thân nhân của cán bộ và chiến sĩ đang công tác ở đây ra thăm đảo. Chị mang hành lí đi theo trực ban nhé".

Tôi được ở trong căn phòng đầy đủ tiện nghi như khách sạn. Trước khi quay về phòng trực, chàng Thiếu úy dặn tôi: "Anh Long nói 7h30’ mời chị xuống đi ăn sáng". Chưa kịp từ chối, bóng áo xanh đã khuất cuối hành lang.  

Đúng giờ, tôi xuống sân đã thấy Đồn phó Long cùng năm chiến sĩ nữa đang chờ mình. Bát phở ở Côn Đảo không thể ngon bằng phở Hà Nội. Nhưng với tình cảm của những cán bộ, chiến sĩ Công an đang ngồi quanh mình, nên tôi thấy không gì ngon bằng. Đồn phó Phạm Chí Long chân thành nói với tôi: "Chị lớn tuổi hơn anh em trong đồn, nên chúng em cứ gọi là chị cho thân mật nhé. Bây giờ chị có yêu cầu gì cứ nói, đừng ngại". Tôi cởi mở hơn những phút trước. "Bây giờ Long có thể cho mượn cái xe máy để chị tự đi lòng vòng quanh đảo được không?". "Được chị ạ". Lưu số điện thoại của tôi xong, Đồn phó đứng dậy dắt một trong mấy chiếc xe biển số xanh xuống lòng đường. Vừa đưa chiếc mũ bảo hiểm cho tôi, Long vừa nói: "Chị nhớ 11h30’ về ăn trưa nhé".  

Sự may mắn trong chuyến đi một mình này khiến tâm hồn tôi thơ thới. Tôi cho xe chạy chầm chậm dưới hàng phượng vĩ trước nhà Chúa đảo ngày xưa. Lạ thật, hoa phượng ở Côn Đảo khác hẳn hoa phượng trong đất liền. Cánh hoa to, đỏ như máu sống. Có lẽ, lớp lớp đất trên đảo này đã thấm máu xương của những con người yêu nước nên hoa có màu đỏ như thế chăng.

Bỏ lại phía sau tất cả, tôi chạy xe men theo con đường quanh co, lúc lên đỉnh lúc xuống dốc. Nắng gió tháng 5 trong suốt trùm khắp lên cảnh đẹp hoang dã quanh mình. Máu hội họa trong tôi trỗi dậy. Tôi khóa xe, mê mải chụp hình làm tư liệu để vẽ. Nắng đứng bóng, tôi vội mở khóa xe để quay về, nhưng khóa đã hóc. Bốn phía vắng rợn người. Đang lúc hoang mang, Đồn phó gọi: "Chị đang ở đâu?". Tôi cố tỏ ra bình tĩnh: "Chị đang đứng giữa một bên là núi một bên là biển". Tiếng Long vang trong máy: "Quanh Côn Đảo, đoạn nào chả một bên là núi một bên là biển. Chị nhìn nơi ấy có đặc điểm gì không?". "Ở đây vách núi màu gan gà có những vệt đỏ chảy dài".

"Bà chị nhà văn ơi! Ở Côn Đảo nhiều đoạn vách núi như thế lắm. Bây giờ chị quan sát lại xem có gì khác không?". Tôi chạy ngược lên dốc nhìn xuôi xuống bờ biển, ở đấy có một công trường xây dựng bỏ hoang. Nhận được điểm tôi đang mắc kẹt, chưa đầy ba mươi phút sau, Long đánh chiếc ôtô Cảnh sát tới nơi. Vừa "bốc" cả người lẫn xe lên ôtô, Long vừa nói: "Dân ở Côn Đảo đi đánh bắt ngoài khơi xa, xe máy họ để trên bờ mấy ngày cũng không mất. Hơn nữa xe Cảnh sát, ai dám chạm vào, chị khóa làm gì". Tôi phân bua: "Quen như ở Hà Nội, dừng xe là chị khóa ngay ấy mà". Long nói như ra lệnh: "Thôi, chiều nay và sáng mai em sẽ cho một chiến sĩ đưa chị đi các nơi. Thế nhé!".

Chiến sĩ Công an đón tôi rất trẻ, vóc dáng cao gầy của một cơ thể chưa phát triển hết, vui vẻ tự giới thiệu: "Con tên Hai, quê Bến Tre cô à". Ngoài những trại giam những người yêu nước; viếng mộ chị Võ Thị Sáu; viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Côn Đảo, Hai còn đưa tôi tới Bến Đá (nơi 914 con người yêu nước đã ngã xuống). Vào nhà Chúa đảo, Đền thờ bà Phi Yến, mộ Hoàng tử Cải và một vài nơi khác nữa.

Chiều hôm sau, tôi đi chào Phạm Chí Long cùng các sĩ quan và chiến sĩ hiện có trong đồn để về đất liền. Mỗi bước tôi lên tàu như trĩu lại. Vừa chuẩn bị vào trong khoang, chợt tiếng còi xe Cảnh sát rộ dưới bến. Điện thoại của Long: "Chị N.H. ơi! Anh em ra tiễn chị đây". Tôi bước như chạy xuống khỏi tàu. Trước tôi, những con người đối diện với kẻ thù, với tội phạm họ lạnh lùng quyết liệt, nhưng với đồng đội người thân họ thật nhân hậu. Bắt tay từng cán bộ, chiến sĩ Công an, miệng tôi cười mà lồng ngực nghẹn ngào. Tiếng còi tàu lại hú dài như hối thúc giây phút lưu luyến.

Từ ngày quen Long, Hà Nội - Côn Đảo không vời vợi xa nữa. Hai chị em vẫn liên lạc thường xuyên. Giá rét cả mùa đông như dồn tất vào đêm ấy. Tiếng gió rít từ rặng cây ngoài ngõ luồn cả vào trong chăn. Gần khuya, Long gọi: "Em đang ở Hà Nội đây". Tôi tỉnh hẳn cơn buồn ngủ. "Sao bây giờ mới báo cho chị". "Em ra Bắc thẩm tra lí lịch cho một chiến sĩ sắp được kết nạp Đảng, vừa về tới Hà Nội là gọi chị ngay đấy". "Sáng mai chị em mình gặp nhau nhé". "4h sáng mai em ra Côn Đảo luôn chị ạ. Em đang ở 86 Lý Thường Kiệt, nếu nhà chị gần, chị em mình gặp nhau một lát, nếu xa thì dịp khác vậy". Từ đầu Hồ Tây xuống đấy không gần, nhưng tôi không thể không đến. "Long chờ chị nhé". Tôi khăn áo nai nịt và không quên đem theo mấy tác phẩm cá nhân tặng Long và các chiến sĩ khác nữa.

Bẵng, Long không liên lạc. Tôi gọi, chỉ vọng lại. "Số máy này không có". Thầm trách. Cậu này thay số khác cũng không cho mình biết. Kỉ niệm khó quên trong chuyến ra Côn Đảo lại thôi thúc tôi phải tìm ra Long bằng được. Từ Bưu điện Hà Nội tôi lần ra số máy của trực ban Công an Côn Đảo. Tôi vắn tắt mục đích của mình. Đầu dây bên kia trả lời rất rõ. "Cháu nhớ ra cô rồi. Cháu là Nam ạ". Giọng trực ban trầm hẳn. "Cô ơi! Trung tá Phạm Chí Long mất rồi". Toàn thân tôi bỗng toát lạnh như có cục nước đá vừa  lăn qua sống lưng mình. Hình như trực ban biết tôi đang xúc động nên vẫn cầm máy chờ. Vài phút sau Nam cho biết Long bị ung thư, khi phát hiện đã di căn lên não.

Tiếng trực ban từ Đồn Công an Côn Đảo chào tôi, lẫn trong tiếng mưa đầu hạ đang trút xuống Hà Nội. Từng giọt như đang thấm vào nỗi buồn riêng tôi.

Nguyễn Thị Ngọc Hà
.
.