Vang mãi hào khí tháng tư

Thứ Hai, 24/04/2017, 08:43
Mỗi tháng tư, khi hoa gạo còn thắp rực sắc đỏ lên trời lộng, thì dưới bầu trời Nam Ngạn- Hàm Rồng quê Thanh, khắp lối đường con ngõ cũng đỏ rợp cờ hoa, hân hoan đón chào lễ kỷ niệm "ngày Hàm Rồng chiến thắng". 


Hơn nửa thế kỷ trôi qua, thời gian đủ lấy đi nhiều thứ của một đời người, thế nhưng không thể làm phai nhòa những khoảnh khắc lịch sử thiêng liêng ấy trong tâm trí người dân Nam Ngạn - Hàm Rồng nói riêng và lòng người dân xứ Thanh nói chung.

Lòng thênh thang, tôi theo nắng đầu mùa, men phố đi trên những con đường, qua bao nếp nhà khang trang yên ả. Đường dẫn tôi đến cánh đồng, xóm bãi xanh ngút của Hàm Rồng - Nam Ngạn. Đấy là hai địa danh gắn liền với chiến thắng Hàm Rồng lịch sử, cũng là nơi chịu nhiều đau thương mất mát nhất, trong cuộc chiến đấu bảo vệ cây cầu Hàm Rồng huyền thoại.

Những xóm làng ngày ấy, với tất cả sức người sức của, từ đồng bãi đến chái thềm, đều sẵn sàng như một trận địa và hậu cứ vững chắc. Chiến công ngày nào như còn vang vọng đâu đây trên ngọn đồi Quyết Thắng uy nghi, sừng sững, cờ đỏ bay lộng trời tháng tư. Ở đấy, trên cây cầu Hàm Rồng vững chãi, oai phong như minh chứng cho tinh thần Việt Nam, và ý chí xứ Thanh bất diệt. Tất cả còn vẹn nguyên trong ký ức lớp người từng xả thân giữa mưa bom, bão đạn, cho cây cầu bình yên, thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng vì Tổ quốc.

Cầu Hàm Rồng hôm nay.

Sử sách về chiến thắng ấy thuộc như lời mẹ ru, thế nhưng tôi bỗng muốn được nghe một ai đó, từng đi qua những năm tháng xưa kể lại cho mình nghe, để có thể cảm nhận được cả hơi thở và nhịp tim của một thế hệ anh hùng. Đem ước muốn ấy, chạy dọc bờ đê, tôi xuôi phía đông sông Mã, len những con ngõ nhỏ làng Nam Ngạn, tới nhà cụ Lê Văn Nghiêm theo sự giới thiệu của bác Chủ tịch Cựu chiến binh phường Nam Ngạn.

Cụ Nghiêm, nguyên là Trung đội trưởng đội dân quân Nam Ngạn từ năm 1964 đến năm 1975. Ở tuổi 80, qua bao bão táp, gian truân của chiến tranh ác liệt, cụ không còn được khỏe mạnh và minh mẫn. Thế nhưng, khi nhắc đến chiến thắng Hàm Rồng, nhắc đến những trận đánh lịch sử trên mảnh đất này, sức sống dường lại căng tràn lạ thường, như có một làn sinh khí thần kỳ chảy vào cơ thể gầy guộc ấy, hiện rõ lên trên nét mặt hồ hởi, phấn chấn, trong đôi mắt bất chợt sáng ngời tinh anh, trong những câu kể triền miên, triền miên, dù không còn tròn giọng nhưng chừng không biết mệt.

Mười một năm là Trung đội trưởng, cụ đã cùng đồng đội bao phen vào sinh ra tử, lúc ngoài trận địa, khi lên núi hỗ trợ tải đạn, tải thương, tiếp lương cho các đội quân pháo cao xạ, khi cùng bà con sơ tán tránh bom đạn. Để rồi có những ký ức đã sống cùng cụ như tri kỷ, như hơi thở không bao giờ nguôi vơi, phai nhạt.

Tôi ngồi trong ngôi nhà cấp bốn bé nhỏ đã rêu màu thời gian, nghe cụ kể bằng nhiệt huyết trái tim, bỗng những trang sử đã từng đọc, mơ hồ hiện lên trong tâm trí như thể mình đang được sống, được chứng kiến cái thời khắc oanh liệt đó và nghe tim mình cũng hồi hộp, rạo rực như thể đã từng...

Khi tôi hỏi về ấn tượng sâu sắc nhất trong những năm chiến đấu bảo vệ cây cầu, cụ Nghiêm trầm tư bảo: Tám năm ác liệt ấy, có nhiều khoảnh khắc, nhiều sự kiện khó quên lắm, cái nào cũng thấy nó như găm lại trong tim mình. Rồi cụ bắt đầu kể, nào là dấu ấn của lần đầu cùng anh em lên núi Đông Quang tải thương, nhìn mâm pháo tan tác, đồng đội nằm quằn quại, be bét máu, lòng vừa sợ vừa xót xa, cụ bảo: "Lúc ấy cứ bàng hoàng, ngây người đi, lấn bấn mãi rồi mới trấn tĩnh lại được để thực hiện nhiệm vụ".

Đến dấu ấn đêm 26-5-1965, cùng anh em tiếp đạn, tải thương, cho hai tàu hải quân từ đảo Mê về, bị giặc phát hiện tấn công phải neo ở chân cầu Hàm Rồng, "đó là một đêm ám ảnh, vì lần đầu tiên tôi chịu đựng nỗi đau mất mát xương máu của anh em đồng đội và người ruột thịt", cụ ngậm ngùi.

Trong làn mưa đạn điên cuồng của giặc, trung đội của cụ vẫn kiên cường, hối hả từng tốp bơi ra tàu, người bị thương cứ tăng dần làm lòng cụ và đồng đội càng xót đau, căm hận lại càng hăng hái lao đi. Và đêm ấy, cô em gái ruột Lê Thị Hằng cùng người đồng đội, người hàng xóm thân yêu nhất là Ngô Thọ Sáu của cụ Nghiêm đã hy sinh trên bến sông lịch sử này...

Cụ nghèn nghẹn, lặng im hồi lâu, rồi bỗng chợt mắt hấp háy sáng ngời, mặt rạng lên hào khí tuổi trẻ: "Ấy thế nhưng những lần thắng lợi, những lần chứng kiến máy bay giặc cháy rơi, hay bắt được giặc lái thì sung sướng khó tả lắm". Chẳng ai quên bi thương, và không chiến thắng nào không được lưu dấu, mà sự kiện ngày mồng 3, mồng 4-4-1965 là ký ức làm cụ hay hồi tưởng nhất, với một niềm phấn khích vui sướng lạ kỳ. Cụ bảo với tôi vậy.

Chúng ta đều biết về trận chiến lịch sử của quân và dân Hàm Rồng - Nam Ngạn, bất ngờ đập tan kế hoạch phá cầu Hàm Rồng ngay từ những trận đánh đầu tiên của đế quốc Mỹ, trong âm mưu cắt đứt tuyến giao thông huyết mạch quan trọng của ta. Và trận chiến đấu này, giữa một bên là vũ khí tối tân hiện đại của kẻ thù với một bên chỉ có vũ khí thô sơ, thế nhưng bằng ý chí sắt đá, lòng căm thù và quả cảm, quân - dân Hàm Rồng - Nam Ngạn đã thắng lợi với chiến công ngoạn mục chấn động địa cầu.

Cụ Nghiêm hào hứng kể, sáng ngày mồng 3-4-1965, khi nhận được lệnh từ thị đội, cụ đã chạy thật nhanh lên trạm gác dân quân của làng để đánh kẻng báo cho anh em vào vị trí sẵn sàng chiến đấu. Trận địa của trung đội cụ Nghiêm nằm ở bờ đê phía đông sông Mã, với nhiệm vụ đánh yểm trợ, và tiếp lương, tải thương, tải đạn cho các đội pháo cao xạ trên núi.

Cụ Lê Văn Nghiêm.

Bà con đi đồng sớm cũng vội vã về lo công tác sơ tán trú ẩn. Hôm ấy cả làng nháo nhác lo chạy giặc nhưng cũng tất bật cùng đội dân quân lo những công việc chuẩn bị cho hậu cứ sẵn sàng tiếp ứng. Đến khoảng 13h cùng ngày, cuộc oanh tạc bắt đầu ác liệt. "Nằm ở trận địa, nhìn chúng nó kéo nhau vào gầm réo trên bầu trời, thú thật là tôi lo sợ lắm.

Choáng ngợp, có lúc bàng hoàng, hoảng hốt vì chưa bao giờ nhìn thấy cùng lúc quây tụ nhiều máy bay như thế, cũng chưa khi nào nhìn thấy chúng nó hung dữ như thế. Bầu trời thoáng chốc đen kịt khói bom với những tiếng rền réo vang như sấm động. Lòng ai cũng thắc thỏm, nghẹt thở không rời mắt khỏi cây cầu sau mỗi đợt bắn phá".

Cụ Nghiêm kể bằng giọng run run, căng thẳng như thể đang đứng trước cam go. Những tình tiết gay cấn, bất ngờ được diễn đạt bằng cả lời nói, nét mặt lẫn cử chỉ tay chân. Tôi cũng bị cuốn vào câu chuyện với nhiều cung bậc và trạng thái cảm xúc.

"Nhưng mà cái lúc nhìn thấy chiếc máy bay đầu tiên bị bắn cháy, tôi sung sướng không làm sao tả được. Đang nằm ở vị trí chiến đấu bỗng bật dậy, nhảy lên gào đến lạc giọng, khi quay lại nhìn thấy anh em đang ôm nhau hò hét càng thấy xúc động đến nghẹn lòng. Tự nhiên từ giây phút đó tôi không còn thấy sợ nữa, mà chỉ thấy hừng hực khí thế chiến đấu, cứ như được tiếp thêm sức mạnh vậy". Cụ nói thật to và cười ha hả như thể vừa nhận về một thắng lợi.

Rồi cứ thế cụ Nghiêm say sưa kể về chiến công, về không khí hào hùng của hai ngày lịch sử ấy bằng tất cả những mảnh ký ức, những dòng cảm xúc của một người lính từng sống và chiến đấu hết mình để bảo vệ cây cầu thiêng liêng.

Có lẽ vì dâng hiến tất thảy cho sự sống còn của cây cầu Hàm Rồng, nên cụ mới xúc động đến rưng rưng khi nhắc đi nhắc lại rằng: "Mỗi khi giặc rút đi, việc đầu tiên là tôi cùng đồng đội chạy thật nhanh đến bên cây cầu để xem nó có bị hư hỏng gì không, ngó soi, mân mê, kiểm tra từng chỗ và sung sướng đến phát khóc khi thấy sau mỗi trận bom đạn, nó vẫn sừng sững, vững vàng đứng đó".

Những câu chuyện, những cảm xúc lúc cao trào hứng khởi, lúc trầm lắng nghẹn ngào, nhưng vẫn còn vẹn nguyên hào khí, cứ thao thao như dòng sông Mã trôi quên biết mỏi. Tôi nhìn cụ chợt hiểu, vì sao đất nước nhỏ bé này lại có thể làm nên những chiến công hiển hách đến thế từ bao đời nay. Thật không gì vĩ đại bằng tình yêu quê hương, Tổ quốc. Nó làm nên ý chí, lòng dũng cảm và sức mạnh quật cường.

Cụ Nghiêm từ từ xoay người ra phía cửa sổ, mắt đăm đăm về hướng có cây cầu nói: "Giờ gần đất xa trời rồi, nhìn cầu Hàm Rồng ngày càng vững đẹp, nhìn làng xóm này từng ngày đổi mới là tôi thấy mãn nguyện lắm, anh em nằm xuống chắc cũng được an ủi và thanh thản"...

Sau cuộc nói chuyện còn dài với bao kỷ niệm bao cảm xúc. Tôi tạm biệt cụ Nghiêm và gia đình đi về phía Bắc sông Mã. Leo hơn trăm bậc đá lên đỉnh đồi Quyết Thắng, nhìn mái chùa, ngọn tháp còn thơm gạch ngói mới lòng người bỗng an tịnh. Đứng nơi đây hướng mắt về bốn phía quê hương, không còn nữa vết dấu đạn bom, từng xóm làng, lối phố khoác lên mình chiếc áo hoa nhiều màu sắc, những sắc màu tươi rạng của cuộc sống giàu đẹp, ấm no, mà thấy tim như biết reo ca.

Lòng dưng an nhiên đến lạ, như đang nghe đâu đó trên sông Mã có tiếng huầy dô mong mỏng, tan vào từng lớp sóng lan xa, lan xa hòa vào mênh mông tháng tư lịch sử của đất nước.

Tôi đem theo dư âm về những ký ức của cụ Nghiêm men bờ đê sông Mã, đi về phía cầu Hàm Rồng, mà nghe lòng tràn ngập niềm xúc động, tự hào. Cây cầu sừng sững khí phách năm nào, nay hiền hòa nằm gối đôi bờ tả hữu cho những chuyến tàu xe rộn ràng xuôi ngược...

Tú Anh
.
.