Kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2015)

Truyền thống đáng tự hào và sức mạnh cộng hưởng

Thứ Hai, 09/02/2015, 08:00
Có lẽ trên thế giới, không phải Đảng Cộng sản nào cũng có một đội ngũ lãnh đạo kiên trung, anh dũng, hết lòng vì dân, vì nước như các bậc tiền bối của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thế hệ đảng viên trẻ hôm nay có quyền tự hào khi Đảng Cộng sản Việt Nam từng có những vị lãnh tụ được lịch sử lựa chọn, trao trọng trách khi tuổi đời còn rất trẻ (các đồng chí Trần Phú, Nguyễn Văn Cừ ở tuổi 26 đã được bầu chọn làm Tổng Bí thư của Đảng)...

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng không ít lần đưa ra những lời đánh giá, nhận xét về vai trò to lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Những vần thơ Người đọc tại lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng thật hào sảng, chất chứa tự hào:

Đảng ta vĩ đại như biển rộng, như núi cao
Ba mươi năm phấn đấu và thắng lợi biết bao nhiêu tình
Đảng ta là đạo đức, là văn minh
Là thống nhất, độc lập, là hòa bình, ấm no
Công ơn Đảng thật là to
Ba mươi năm lịch sử Đảng là cả một pho lịch sử bằng vàng.

Nhiều người đã biết, suốt mấy chục năm ròng, Bác Hồ của chúng ta từng lăn lộn sống và hoạt động cách mạng tại nhiều nước, trong đó có những nước thuộc hệ thống các nước văn minh, phát triển nhất thế giới. Bản thân Người cũng thấm nhuần nền tảng đạo đức truyền thống Á Đông và tự đặt ra cho mình cũng như các cộng sự những yêu cầu rất khe khắt về mặt này. Vậy mà với Đảng, một tổ chức chính trị từng có lúc đã mắc phải không ít khuyết điểm, sai lầm (như lời Người từng nhận xét), Người vẫn một mực khẳng định "Đảng ta là đạo đức, là văn minh" - điều này chắc chắn không chỉ xuất phát từ tình cảm đơn thuần (của những người cùng chung chí hướng), mà là từ một hệ quy chiếu đã được Người suy xét, chiêm nghiệm, đúc rút từ quá trình hoạt động thực tiễn, đặc biệt là từ sự so sánh với những gì Người "mắt thấy tai nghe" trong phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế.

Trong bài phát biểu khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (năm 1960), Bác Hồ đã đọc mấy câu thơ tặng Đảng: "Đảng ta là đạo đức, là văn minh/ Là thống nhất, độc lập, là hòa bình, ấm no".

Có lẽ trên thế giới, không phải Đảng Cộng sản nào cũng có một đội ngũ lãnh đạo kiên trung, anh dũng, hết lòng vì dân, vì nước như các bậc tiền bối của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thế hệ đảng viên trẻ hôm nay có quyền tự hào khi Đảng Cộng sản Việt Nam từng có những vị lãnh tụ được lịch sử lựa chọn, trao trọng trách khi tuổi đời còn rất trẻ (các đồng chí Trần Phú, Nguyễn Văn Cừ ở tuổi 26 đã được bầu chọn làm Tổng Bí thư của Đảng).

Càng tự hào hơn nữa khi chúng ta biết rằng, mặc dù ít tuổi vậy nhưng các đồng chí đã sống, đã cống hiến hết mình và hy sinh anh dũng, xứng với những gì mà toàn thể đảng viên gửi gắm, trở thành những tấm gương sáng cho toàn Đảng noi theo. Từng có những thời khắc bi tráng: Sau thất bại của khởi nghĩa Nam Kỳ, ngày 28/8/1941, chính quyền thực dân đã đưa những cán bộ nòng cốt của Đảng, trong đó có hai đồng chí: Hà Huy Tập (Tổng Bí thư giai đoạn 1936-1938) và Nguyễn Văn Cừ (Tổng Bí thư giai đoạn 1938-1940) ra trường bắn. Lịch sử cách mạng thế giới chắc chắn sẽ không có trường hợp nào mà cả hai đồng chí Tổng Bí thư của một Đảng cùng lúc bị đưa ra hành quyết và đã hy sinh một cách oanh liệt như vậy.

Trong Báo cáo Chính trị đọc tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tổ chức tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang năm 1951), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thêm một lần khẳng định: "Các đồng chí ta như đồng chí Trần Phú, đồng chí Ngô Gia Tự, đồng chí Lê Hồng Phong, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, đồng chí Hà Huy Tập, đồng chí Nguyễn Văn Cừ, đồng chí Hoàng Văn Thụ và trăm nghìn đồng chí khác đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết, lên trước hết… Các đồng chí ấy đã đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay".

Trước khi cách mạng thành công đã vậy, khi ta giành được chính quyền thì phẩm chất cao đẹp của những đồng chí cộng sản tiền bối vẫn tiếp tục tỏa sáng. Cũng trong bản Báo cáo Chính trị nhắc tới trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không quên chỉ ra: “Khi tổ chức Chính phủ lâm thời, có những đồng chí trong Ủy ban Trung ương do Quốc dân đại hội bầu ra, đáng lẽ tham dự Chính phủ, song các đồng chí ấy đã tự động xin lui để nhường chỗ cho những nhân sĩ yêu nước nhưng còn ở ngoài Việt Minh. Đó là một cử chỉ vô tư, tốt đẹp, không ham chuộng địa vị, đặt lợi ích của dân tộc, của đoàn kết toàn dân lên trên lợi ích cá nhân".

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đây là một cử chỉ "đáng kính mà chúng ta phải học".

Rõ ràng, trong cách nhìn nhận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức chính là sự văn minh trong ứng xử; và văn minh trước hết là văn minh trong xử sự giữa người với người; là cách hành xử, xử sự có đạo đức giữa người với người, giữa cá nhân với cộng đồng. Trên tinh thần đó, chúng ta sẽ thấy lời nhận xét "Đảng ta là đạo đức, là văn minh" mà Người đưa ra là hoàn toàn chân xác. Càng ý nghĩa hơn khi đối chiếu lời nhận xét ấy với sự đấu đá, tranh giành quyền lực, thanh trừng lẫn nhau tại một số tổ chức chính trị trên thế giới trong cùng bối cảnh…

Phạm Nhật Linh - Xuân 2015
.
.