Trung tướng Hà Ngọc Tiếu với giới tuyến Vĩnh Linh

Thứ Hai, 31/07/2006, 08:23
Trung tướng Hà Ngọc Tiếu, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, đã vĩnh biệt chúng ta. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, dù ở cương vị nào, Trung tướng Hà Ngọc Tiếu đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đồng thời luôn được cán bộ, chiến sĩ Lực lượng Công an yêu quý.

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà văn Lương Sĩ Cầm, người đã từng có nhiều năm công tác với đồng chí Hà Ngọc Tiếu khi ở Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang (CANDVT, nay là Bộ đội Biên phòng). 

Khi Lực lượng Công an nhân dân vũ trang được thành lập, ngày 3/3/1959, Trung tá Hà Ngọc Tiếu được bổ nhiệm làm Cục phó Cục Trinh sát. Đối với cán bộ, chiến sĩ các đơn vị, cơ sở chuyển từ cuộc đấu tranh vũ trang qua 9 năm chống Pháp, nay được phân công làm chuyên môn nghiệp vụ là một công việc hoàn toàn mới mẻ, đầy khó khăn thử thách.

Ngay từ đầu, đồng chí Hà Ngọc Tiếu đã cùng các cán bộ chủ chốt trong Cục, triển khai ba mặt công tác quan trọng là xác định đối tượng, đấu tranh bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, bờ biển và giới tuyến, đi đôi với việc nắm chắc âm mưu phá hoại của địch; tổ chức lực lượng ngành trinh sát từ trung ương tới các tỉnh, thành và các đồn, trạm biên phòng; chỉ đạo các đơn vị thực hiện nhiệm vụ trinh sát để phục vụ công tác bảo vệ. Trên cả 3 mặt công tác ấy, đồng chí đã được Bộ tư lệnh nhanh chóng duyệt chủ trương, kế hoạch.

Từ một cán bộ làm công tác quân báo của quân đội, chuyển sang vị trí công tác mới, đồng chí đã đem hết tâm huyết và trí tuệ đóng góp xây dựng lực lượng trinh sát Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) nhanh chóng trưởng thành. Trong suốt thời gian 20 năm phục vụ trong Lực lượng CANDVT, trên cương vị từ Cục phó Cục Trinh sát đến Phó tư lệnh, đồng chí Hà Ngọc Tiếu đã tham gia chỉ đạo công tác trinh sát toàn diện trên các tuyến biên giới, hải đảo, bờ biển, giới tuyến. Trong khuôn khổ có hạn của bài báo, tôi chỉ đề cập tới một tuyến trọng yếu mà đồng chí đã dồn hết tâm trí để chỉ đạo nghiệp vụ trinh sát là khu vực giới tuyến Vĩnh Linh.

Ngay từ tháng 3/1959, Cục Trinh sát đã thông báo cho CANDVT Vĩnh Linh tình hình tổ chức và âm mưu của bè lũ Mỹ - Diệm ở bên kia giới tuyến. Địch đã sử dụng khu phi quân sự nam để làm đầu cầu về tình báo, đưa gián điệp sang Vĩnh Linh. Có tất cả 11 cơ quan tình báo, quân báo, phản gián từ Sài Gòn tới địa phương đặt trụ sở tại Quảng Trị. Bọn gián điệp được tung sang bờ Bắc thuộc nhiều cơ quan như: Chi nhánh Sở Tình báo “Nghiên cứu chính trị xã hội” ở  Sài Gòn, quân báo Quảng Trị, tình báo Trung đoàn 2, Sư đoàn 1, Phòng 6 Ty Công an Quảng Trị, Ty Cảnh sát đặc biệt Bến Hải.

Từ năm 1964, sau khi bọn tướng lĩnh lên cầm quyền ở miền Nam, Cục Trinh sát đã thông báo cho CANDVT Vĩnh Linh về hoạt động của bọn quân báo tăng hơn bọn tình báo. Cục chỉ đạo trinh sát Vĩnh Linh cần chú ý các đối tượng:

1 - Biệt đội sưu tầm Bắc Hải Vân có bí danh là DON lấy địa bàn là vùng chiến thuật 1; trong 5 lưới của DON thì lưới B11 có tầm hoạt động ra tận Đồng Hới (Quảng Bình). Ở vùng nam giới tuyến, địch bố trí một tổ gồm 11 tên để tìm người tung ra miền Bắc.

Ở miền tây Hướng Hóa, địch bố trí lưới 13 toàn là người dân tộc chuyên nắm tin đường dây 559. Chỉ huy lưới này là một tên trung úy đã tốt nghiệp Trường đào tạo gián điệp của Mỹ ở Okinawa (Nhật Bản).

2 - Phòng Nhì Sư đoàn 1, vùng Chiến thuật I. Bọn này phối hợp với quân báo Vương quốc Lào để đánh người từ Sê Pôn ra Cù Bai. Ở dọc tuyến, chúng dùng hình thức hộp thư, mua chuộc người làm nghề chài lưới trên sông bằng tiền và hàng hóa.

Đồng chí Hà Ngọc Tiếu đã thường xuyên chỉ đạo Vĩnh Linh xây dựng phòng tuyến nhân dân bảo vệ trị an, lấy câu nói của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: “Phải yêu Vĩnh Linh như quê hương xứ sở của mình, phải bảo vệ Vĩnh Linh như bảo vệ con ngươi của mắt” làm mệnh lệnh của trái tim. Công tác ba phòng (phòng gian, phòng hỏa, phòng tai nạn) được tổ chức đều khắp, sinh hoạt có nội dung và hiệu quả. Khẩu hiệu của các đơn vị giới tuyến là: “Đồn là pháo đài, nhân dân là phòng tuyến”.

Nhờ có phong trào bảo vệ trị an rộng khắp, các mặt công tác nghiệp vụ công an được chăm lo. Kết quả từ năm 1961 đến 1963, bảy đầu mối gián điệp của địch tung ra Vĩnh Linh đều bị chặt đứt, số thì bị ta bắt, số thì dao động, không dám vượt sông Bến Hải. Tổng kết lại, cho đến năm 1965, địch đã đánh sang bờ Bắc 61 vụ, chủ yếu là bọn tình báo quân sự nhằm điều tra các lực lượng Quốc phòng, Công an vũ trang, các tổ chức chi viện cho miền Nam. Tất cả các vụ này đều đã bị ta phát hiện và chặn đứng. Có những vụ việc, đồng chí Hà Ngọc Tiếu đã tham gia chỉ đạo cụ thể.

Một đêm tối trời năm 1962, có một chiếc thuyền từ bờ Nam chèo sang bờ Bắc. Người lên trình diện Đồn Công an giới tuyến là một phụ nữ mang thai, bụng to, áng chừng gần giáp ngày sinh. Người phụ nữ đó là Hoàng Thị H, quê ở Cát Sơn, bên bờ Nam. Từ năm 1954 đến 1957, H qua lại bờ Bắc, đi Hồ Xá như đi chợ. Một cơ quan kinh tế ở Vĩnh Linh đặt quan hệ với H xuất nhập hàng qua giới tuyến. H có quan hệ rộng rãi và mỗi lần sang sông đều báo cáo rõ là bọn cảnh sát ở Quảng Trị đặt điều kiện cho thị khi trở về bờ Nam phải mang theo báo chí công khai của miền Bắc. Ta cho mang báo chí vào và có khi còn hướng dẫn thị cách khai báo với cảnh sát ngụy.

Ta cũng đã khai thác được ở thị một số tin tức. Bẵng đi 5 năm không liên lạc, nay thị H lại xuất hiện ở bờ Bắc trong tình trạng sắp sinh nở. Đây là hiện tượng lần đầu tiên bắt gặp, rất khó xử trí: nên bỏ qua hay giữ lại? Coi thị H là tay sai của địch hay cơ sở? Trưởng ban Trinh sát Công an vũ trang Vĩnh Linh điện ra Cục xin ý kiến chỉ đạo. Đồng chí Hà Ngọc Tiếu trả lời: “Dùng thông tin từ các đối tượng đã bị bắt trước để xét hỏi. Sau khi khai thác nhanh, thả về bờ Nam”.

Dựa vào sự hướng dẫn ấy, trinh sát Vĩnh Linh đã tìm hiểu hồ sơ của 3 tên tình báo con thoi vừa bị ta bắt trước đó, phán đoán âm mưu địch và cuối cùng thị H đã phải thú nhận rằng thị được tên Phó tỉnh trưởng Quảng Trị tung sang bờ Bắc để truyền đạt chỉ thị gấp cho bọn tay sai ở bên này. Sau khi khai thác xong, ta nhanh chóng thả thị H trở về bờ Nam, ném trả lại mớ bòng bong cho địch.

Đồng chí Hà Ngọc Tiếu đã làm tham mưu đắc lực cho Bộ Tư lệnh CANDVT chỉ đạo công tác trinh sát giới tuyến theo một mô hình tổ chức đặc biệt, xuất phát từ tư tưởng tấn công địch, đẩy đội hình vào vùng sau lưng địch.

CANDVT Vĩnh Linh được phép tổ chức 4 tổ trinh sát chính trị tung sang hoạt động trong lòng địch ở bờ Nam, trên địa bàn các quận Trung Lương, Gio Linh, Cam Lộ và Hướng Hóa. Các tổ này vừa làm công tác trinh sát vừa giúp cán bộ địa phương xây dựng cơ sở, diệt ác trừ gian. Ở các trung tâm quan trọng như thị xã Quảng Trị, Đông Hà, thị trấn Chợ Cầu, có các tổ hoạt động đường dài. Đồng chí Hà Ngọc Tiếu còn chỉ thị cho Ban Trinh sát Vĩnh Linh tổ chức một đơn vị thuyền đi biển gọi là B6 chuyên xuất phát từ Vĩnh Linh, vượt ra ngoài đảo Cồn Cỏ rồi đột nhập vào địa bàn nam Quảng Trị.

Vào thời điểm địch bố phòng chặt chẽ dọc tuyến, đội thuyền này đã lập được nhiều thành tích. Đặc biệt, Cục Trinh sát đã chỉ đạo đào tạo cơ sở đánh vào mạng lưới thông tin mật mã của địch hoặc gây cơ sở tiếp cận mật mã thông tin của chúng. Do mặt công tác nghiệp vụ này thu được nhiều kết quả nên lãnh đạo Bộ Công an đã cử vào Vĩnh Linh một tổ mã thám để khai thác tin tình báo của địch. Nhờ đó, nhiều lần máy bay B-52 sắp ném bom hủy diệt các xã Vĩnh Giang, Vĩnh Trung, Vĩnh Tú, các địa phương trên đã được thông báo kịp thời, tránh được thiệt hại về người và của.

Một cơ sở của Đội Trinh sát khu Đông đã kịp thời báo tin địch sắp tập kích đường không vào 3 phân đội xe tăng của quân ta tập kết ở Bãi Hà, nhờ đó, đơn vị tăng đã di chuyển khỏi khu vực mục tiêu 2 giờ trước khi địch ném bom rải thảm.

Ngày 12/1/1969, cơ sở của đồng chí Trương Chí Cương, Đội trưởng Đội Trinh sát chính trị ở Gio Linh báo tin: bọn tình báo quân sự địch đã phát hiện một  cuộc họp lớn của cơ quan chỉ huy ta đang tiến hành ở Hói Cụ và chúng đã báo về trung tâm Đà Nẵng để mở trận oanh kích. Đúng ngày hôm ấy đang có cuộc hội nghị giữa Khu ủy Trị Thiên và Bộ Tư lệnh B5 ở Hói Cụ. Được tin báo, hội nghị đã khẩn trương di chuyển. Chẳng bao lâu sau, 3 tốp B-52 ném bom rải thảm xuống khu vực ta vừa rời đi.

Trong thời kỳ diễn ra Chiến tranh Cục bộ, Bộ Tư lệnh CANDVT theo đề nghị của Cục Trinh sát (thời kỳ này không có cục trưởng) đã điều động 3 phân đội trinh sát vũ trang Vĩnh Linh vào hoạt động trên chiến trường bắc Đường 9, hỗ trợ cho lực lượng an ninh vũ trang và bộ đội địa phương Quảng Trị. Tổng cộng, các phân đội đã diệt và bắt 385 tên địch, cả Mỹ lẫn ngụy, giáo dục cải tạo 270 dân vệ, góp phần phá vỡ 30 thôn, ấp chiến lược. Các phân đội trinh sát vũ trang đã đánh mạnh vào tổ chức tình báo ngụy mang tên “Biệt đội sưu tầm bắc Ải Vân”, phá được màng lưới tình báo B.334 gồm 12 tên tình báo và mật báo viên.

Với thành tích xuất sắc tấn công địch, bảo vệ cơ sở ở bờ Nam, bảo vệ giới tuyến, lực lượng trinh sát Vĩnh Linh đã có ba đồng chí được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đó là các đồng chí Trương Chí Cương, Trần Phong, Trương Thành Nam. Thành tích của lực lượng trinh sát CANDVT Vĩnh Linh đạt được do sự nỗ lực của các chiến sĩ trinh sát giới tuyến, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh của Cục Trinh sát CANDVT và sự đóng góp của đồng chí Hà Ngọc Tiếu

Lương Sĩ Cầm
.
.