Trên những nẻo đường chống buôn lậu ma tuý

Thứ Sáu, 25/08/2006, 08:45

Giữa ngày hè nóng nực Định phải nằm phục mấy ngày ở bên ngoài nhà vì Dũng luôn có 4-5 tên đệ tử sử dụng vũ khí nóng. Biết mình bị theo dõi, Dũng cố thủ ở trong nhà, bật điều hòa, còn anh cùng đồng đội của mình phải nằm bờ nằm bụi, mặc cho cái nắng miền Trung thiêu đốt.

Từng được bình chọn là 1 trong 163 Gương sáng tuổi trẻ Việt Nam (1997-2002) nhưng  phải thuyết phục mãi anh mới thoát ra khỏi cảm giác ngượng ngùng để kể cho tôi nghe về những năm tháng gắn bó với công việc của một chiến sĩ trinh sát tại Phòng 2, C17 (Phòng đấu tranh chống tội phạm tàng trữ, mua bán, vận chuyển chất ma túy - Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Bộ Công an). Đó cũng là một trong những mặt trận đầy khó khăn vất vả và cũng nhiều hiểm nguy hiện nay của Lực lượng Cảnh sát nhân dân.

Thượng úy Phạm Danh Định năm nay 31 tuổi. Anh là con út trong một gia đình có 4 anh chị em, sinh ra và lớn lên tại Hòa Bình. Tốt nghiệp Trường đại học Cảnh sát nhân dân năm 1998, anh về nhận công tác tại Phòng 2, C17 rồi gắn bó với đơn vị từ đó tới nay.

Trong mấy năm qua, tình hình buôn bán, vận chuyển chất ma túy ở nước ta có chiều hướng gia tăng, tính chất ngày càng phức tạp nên Định và đồng đội phải đi công tác liên miên, có chuyến đi kéo dài hàng tháng trời trên những địa hình miền núi xa xôi, hiểm trở. Vì thế, Định cùng gần chục anh em chưa có gia đình thường ngủ luôn ở cơ quan cho… tiện.

Thượng tá Nguyễn Tri Phương - Trưởng phòng 2 cho biết: “Có thời gian lãnh đạo Cục không đồng ý để anh em ngủ lại cơ quan, thế là anh em phải góp tiền vào thuê một căn nhà để ở. Nhưng họ cứ đi suốt như thế, mà tiền thuê nhà mỗi ngày một tăng trong khi đồng lương ít ỏi, vậy là lại phải đồng ý để anh em ngủ lại đây. Nhìn cảnh các đồng chí của mình cứ mãi cảnh “ăn cơm hộp - ngủ bàn cơ quan” nhiều năm rất thương, cũng mong các chú ấy sớm có tổ ấm riêng thì chắc chắn cũng sẽ yên tâm công tác hơn!”.

Nói rồi anh cười bảo: “Nhưng đó cũng là một cách để huy động quân số nhanh nhất khi có công việc cần gấp đấy. Đêm hôm mưa gió rét mướt là thế  nhưng hễ có lệnh là họ lập tức lên đường làm nhiệm vụ ngay…”.

Nhờ những nỗ lực của cả tập thể mà đến cuối năm 2005, Phòng 2 đã vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới và nhiều danh hiệu được trao cho các cá nhân khác.

Khi vừa rời ghế nhà trường, Phạm Danh Định về nhận công tác tại đơn vị thì được giao nhiệm vụ tham gia Chuyên án 798C, đối tượng là Vũ Thị Tranh, ở Mộc Châu, Sơn La. Anh cùng đồng chí Trần Thị Huyền mượn một chiếc xe đạp đi tới cổng nhà đối tượng làm nhiệm vụ hoa tiêu, đợi khi đối tượng ra khỏi nhà mới thực hiện bắt quả tang khi thị đang vận chuyển 2 bánh heroin.

Từ những ngày đầu còn non nớt ấy, qua thực tế đấu tranh với bọn tội phạm,  những chuyến công tác dài ngày cùng sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Phòng, Định trưởng thành rất nhanh. Chuyên án 396F do tên Nguyễn Đức Lượng ở Diễn Phúc, Diễn Châu (Nghệ An) cầm đầu đã cho anh nhiều kinh nghiệm cũng như bài học về sự nhạy cảm, linh hoạt trong đấu tranh chống tội phạm ma túy. Đây là một chuyên án lớn do Công an tỉnh Nghệ An xác lập từ năm 1996 nhưng do nhiều yếu tố khách quan nên đã tạm đình chỉ.

Đến năm 1998, qua công tác trinh sát địa bàn, Phòng 2 đã phát hiện một nhóm đối tượng ở Nghệ An câu kết với một nhóm đối tượng ở miền Nam hình thành một đường dây mua bán vận chuyển ma túy lớn, với thủ đoạn tinh vi, nên đã củng cố tài liệu đề xuất lãnh đạo C17 cho phục hồi điều tra. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Phạm Danh Định đã cùng với đồng chí Trần Hải Dương thụ lý. Các anh phải dày công thu thập tài liệu, chứng cứ để dựng sơ đồ và lập kế hoạch phá án.

Phát hiện trong đường dây của tên Lượng có hai đối tượng đang có lệnh truy nã là Phạm Văn Diện và Đặng Thị Liên đều quê ở huyện Bảo Thắng, Lào Cai. Bản thân tên Nguyễn Đức Lượng rất xảo quyệt, khó mà bắt được ngay nên đồng chí Định và Dương quyết định lập kế hoạch bắt tên Phạm Văn Diện trước (khi đó tên này đang lẩn trốn ở xã Cổ Lũng, Phú Lương, Thái Nguyên).

Sau khi khai thác tên Diện để củng cố hồ sơ, Ban chuyên án đã bắt tiếp 4 đối tượng trong đường dây là Nguyễn Đức Lượng, Đậu Cử Nhân, Nguyễn Phi Lý, Lê Sĩ Nhân và tiếp tục mở rộng vụ án. Kết quả là 22 đối tượng đã bị đưa ra xét xử với 6 đối tượng phải chịu hình phạt cao nhất.

Thượng úy Định tâm sự: “Mỗi lần nhận hồ sơ vụ án mình đều dành thời gian nghiên cứu rất kỹ lưỡng. Xây dựng sơ đồ chuyên án là một khâu quan trọng, muốn vậy phải kiên trì điều tra thật sâu, mục đích là đánh đối tượng trên diện rộng và luôn có hướng mở để có thể tìm ra đối tượng cầm đầu. Có những vụ án lúc được giao thì quy mô rất nhỏ, nhưng qua công tác nghiệp vụ tôi nhận ra những đầu mối quan trọng rồi mình tự đi điều tra, nâng tầm vụ án lên như Chuyên án 853T. Bắt những vụ “án nổi” khi một vài đối tượng buôn bán vận chuyển trên đường thì dễ, nhưng bóc gỡ được cả một đường dây thì mới là việc khó mà mình và anh em trong đơn vị luôn hướng tới!”.--PageBreak--

Quả đúng như vậy. Chuyên án 853T giai đoạn 1 đã khép lại với việc các đối tượng khai nhận đã buôn bán vận chuyển gần…1 tấn heroin. Đây là chuyên án thành công lớn của Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy với sự phối hợp hiệu quả của Công an tỉnh Phú Thọ. Nhưng ít ai biết rằng đường dây bị bóc gỡ trong vòng hơn 2 năm ấy lại bắt đầu từ một tài liệu trinh sát hết sức mong manh, sơ sài được giao cho Phạm Văn Định là: có một đối tượng tên là Kim Văn Phương (tức Long) ở Thanh Trì chuyên cung cấp heroin cho một số đối tượng buôn bán ma túy trong khu vực nội thành.

Sau 5 tháng dày công nghiên cứu, tính toán chi li, làm công tác sưu tra… đến cuối năm 2003, một sơ đồ chuyên án tương đối tỉ mỉ được dựng lên. Sau khi Kim Văn Phương bị bắt, qua lời khai ban đầu, liên tiếp các đối tượng quan trọng khác trong đường dây đặc biệt là đầu mối cung cấp hàng trắng Giàng A Chu đã bị các mũi trinh sát tóm gọn.

Điều đặc biệt là, các đối tượng bị bắt hầu hết đều đã nằm trong sơ đồ chuyên án mà Định cùng đồng đội đã dựng lên trước đó. Vì thế, nhiều tổ trinh sát đã bao vây nhà các đối tượng nhiều ngày không để “rút dây động rừng”, khi chúng thấy Kim Văn Phương bị bắt mà thừa cơ trốn thoát. Chính Phạm Danh Định đã cùng đồng đội đi bắt nhiều đối tượng quan trọng trong đường dây này như Kim Văn Phương, Giàng A Chu, Trịnh Nguyên Thủy…

Trong gần 8 năm công tác tại Phòng đấu tranh chống tội phạm tàng trữ, mua bán, vận chuyển chất ma túy, Thượng úy Phạm Danh Định không thể nhớ được mình đã đi công tác bao nhiêu chuyến nữa. Anh chỉ áng chừng mình đã đi khoảng 40 tỉnh, thành. Và cũng suốt thời gian ấy, anh ít khi có ngày nghỉ cuối tuần, bởi có chuyến đi kéo dài hàng tháng như chuyến phục bắt tên Nguyễn Duy Dũng ở Nghệ An.

Giữa ngày hè nóng nực anh phải nằm phục mấy ngày ở bên ngoài nhà đối tượng chờ cơ hội bắt hắn mà không thể vào tận hang ổ của chúng vì Dũng luôn có 4-5 tên đệ tử sử dụng vũ khí nóng. Đối tượng biết mình bị theo dõi nên cố thủ ở trong nhà, bật điều hòa, còn anh cùng đồng đội của mình phải nằm bờ nằm bụi, mặc cho cái nắng miền Trung thiêu đốt.

Hầu hết những nơi anh đến toàn là những vùng đồi núi xa xôi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số giáp biên giới - nơi giao thông đi lại hết sức khó khăn, điều kiện ăn ở sinh hoạt thiếu thốn như: Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị… Năm 1999, khi văn phòng thường trực trong TP Hồ Chí Minh thiếu cán bộ, anh đã tình nguyện đi vào miền Nam công tác 1 năm. Sau này, khi đơn vị xây dựng 3 đội trinh sát trên hai tuyến nóng bỏng nhất cả nước về ma túy hiện nay là Hà Nội - Tây Bắc và Hà Nội - Quảng Trị, anh cũng thường xuyên có mặt ở 2 trận tuyến này. Đặc biệt với tuyến Tây Bắc, anh thuộc như trong lòng bàn tay.

Năng động, sáng tạo, không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu mà tổ chức phân công, làm bất cứ việc gì mà  tập thể cần, Thượng úy Phạm Danh Định được bạn bè đồng đội hết sức tin yêu. Đồng chí Nguyễn Tri Phương cho biết: “Đồng chí Định là một chiến sĩ luôn tận tụy, linh hoạt trong công việc, giao việc gì anh cũng có cách hoàn thành sớm và hiệu quả, lại là người hiền lành chất phác nên lãnh đạo Phòng rất tin tưởng.

Sắp tới, Phạm Danh Định còn được lãnh đạo Cục C17 cử đi giao lưu “Những gương mặt điển hình tiên tiến trong Lực lượng Cảnh sát” nhân kỷ niệm 61 năm Ngày thành lập CAND. Trước đấy, vào năm 2000, anh được T.Ư Đoàn tặng Bằng khen Thanh niên tiên tiến trong Lực lượng CAND và từng được NXB Thanh niên phối hợp với Báo Thanh niên bình chọn là 1 trong 163 “Gương sáng tuổi trẻ Việt Nam” từ 1997 đến 2002.

Giữa phố phường Hà Nội phồn hoa, có một đơn vị mà các chiến sĩ trẻ đêm đêm ôm nhau ngủ trên những chiếc bàn nhỏ và lạnh, để mỗi sáng ra lại bước vào một cuộc chiến đấu mới trên mọi nẻo đường Tổ quốc. Đó là điều khiến tôi day dứt và ám ảnh mãi. Công việc và sự hi sinh thầm lặng của họ đang góp phần làm cho cuộc sống bình yên hơn, lành mạnh hơn. Tôi cũng mong cho anh Định và các chiến sĩ trong đơn vị của anh sớm tìm được hạnh phúc cho riêng mình, dù công việc vẫn bộn bề, nhiều gian nan, vất vả
Việt Hà
.
.