Công an nhân dân trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước

Trại giam số 3 (V26 - Bộ Công an): Tiếng xưa còn vọng...

Thứ Sáu, 18/12/2009, 10:30
Cách địa phận km số 0 đường Hồ Chí Minh thuộc huyện Tân Kỳ tỉnh Nghệ An chưa đầy 10km có một vùng đất người ta gọi là "Vực rồng". Nơi đây hiện đang tọa lạc một đơn vị đặc biệt: Trại giam số 3, trực thuộc V26 - Bộ Công an.

Lời kể của Đại tá Nguyễn Đăng Ninh - Giám thị Trại giam số 3 đã giúp chúng tôi hình dung ra những khó khăn vất vả mà cán bộ, chiến sĩ  (CBCS) Trại giam số 3 phải chịu đựng và khắc phục suốt mấy chục năm qua.

Chúng tôi đến với Trại giam số 3 vào những ngày đơn vị đang khẩn trương chuẩn bị cho lễ Kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Trại (15/2/1955 - 15/2/2010) và đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ .

Từ ngày đầu thành lập tại Tứ Kỳ - Hải Dương, do tình hình mới, Trại giam số 3 đã di chuyển tới nhiều địa điểm khác nhau. Những năm tháng giặc Mỹ gây chiến tranh phá hoại ra miền Bắc nước ta, Trại đã chuyển vào Nghệ An, đầu tiên ở huyện Nghĩa Đàn. Xây dựng cơ sở vật chất một thời gian, Trại nhường lại cho Đoàn cán bộ miền Nam tập kết, chuyển về địa điểm mới là vùng đất "Vực rồng" này.

Những năm tháng chiến tranh gian khổ đó, Trại giam số 3 là một trong những mục tiêu đánh phá của địch. Trại nằm giữa trục đường Quốc lộ 15A, 15B tiếp giáp cột mốc số 0 đường Hồ Chí Minh, là huyết mạch giao thông từ Bắc vào Nam… Vì thế nơi đây thường bị bọn "giặc trời" dội bom đạn ác liệt hơn.

Trước tình hình đó, theo sự chỉ đạo của Bộ Công an, Trại phải thay đổi biện pháp giam giữ phạm nhân để thích ứng với hoàn cảnh chiến tranh, đề phòng máy bay địch đánh phá, tránh địch tập kích giải thoát phạm nhân hoặc thả các phương tiện, dụng cụ tiếp tế cho phạm nhân gây bạo loạn…

Với số lượng trên 300 CBCS, phải quản lý trên 3.000 phạm nhân, với đủ loại tội phạm... ban ngày CBCS phải kiên trì dẫn giải phạm nhân sơ tán vào các cánh rừng hoặc đồi cây, đêm đêm lại đưa phạm nhân về trại để quản lý. Song song với  việc đó, Trại còn khẩn trương tổ chức đào hầm hào trú ẩn, hầm làm việc và hệ thống hào công sự bao quanh Trại cũng như khu vực sơ tán để phục vụ chiến đấu khi cần thiết. Đây là thời kỳ khó khăn nhất của Trại về sinh hoạt. CBCS và phạm nhân phải lấy rau rừng, măng rừng làm thực phẩm, phải ăn khoai ,sắn thay cơm…

Thứ trưởng Lê Thế Tiệm trong một lần về thăm và kiểm tra công tác tại đơn vị.

Lần chuyển đổi cuối cùng về vùng đất "Vực rồng" này cũng thật gian nan: Với lực lượng CBCS hơn 200 người, phải dẫn giải trên 3.000 phạm nhân đi bộ 70 km toàn đường rừng… nhưng nhờ có phương pháp quản lý giáo dục tốt nên không có phạm nhân nào bỏ trốn hoặc chống đối.

Đến địa điểm mới tại xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An, với sự nỗ lực phấn đấu của CBCS, chỉ sau 3 tháng Trại đã có đủ nhà ở, nhà làm việc cho CBCS và nơi giam giữ phạm nhân, đáp ứng đúng yêu cầu quản lý, giáo dục đối tượng. Không dừng ở đó, sau 2 năm Trại đã xây dựng được 2 lò gạch, 1 lò ngói, 1 lò vôi, 1 xưởng mộc. Ngoài ra Trại còn tổ chức chăn nuôi được hàng ngàn gia súc…

Trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, Trại đã tổ chức tham gia chiến đấu tích cực... Trong năm 1965, lực lượng vũ trang của Trại đã tham gia chiến đấu bắn rơi 2 máy bay Mỹ, được Nhà nước tặng thưởng 2 hai Huân chương chiến công hạng Nhất và hạng Nhì…

Về thành tích vừa thực hiện nhiệm vụ quản lý và giáo dục phạm nhân, vừa trực tiếp tham gia chiến đấu, CBCS Trại giam số 3 có quyền tự hào vì đã đóng góp một phần đáng kể vào chiến công chung của cả nước trong những năm tháng hào hùng đó. 

Tâm sự với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Đăng Ninh nói:

- Trải qua mấy chục năm, cả một chặng đường dài như vậy nhiều gian nan vất vả lắm, cũng nhiều kỷ niệm vui buồn nữa… Nhưng phải nói Trại đứng vững và phát triển được như ngày hôm nay là công sức của nhiều thế hệ CBCS, mỗi người góp một ít mà thành.

Nói rồi, anh dẫn chúng tôi đi thăm khu khai thác sản xuất đá xây dựng, khu vườn hoa cây cảnh, rồi khu nuôi trồng thủy sản, khu dạy nghề thủ công mỹ nghệ… chỗ nào cũng thấy một không khí làm việc vui vẻ, tự giác của các phạm nhân. Thấy chúng tôi chăm chú ngắm nhìn quang cảnh của Trại, anh Ninh bùi ngùi tâm sự, giọng anh trầm hẳn xuống:

- Nhớ những năm 70 của thế kỷ trước, sau khi hết chiến tranh, Trại bước vào xây dựng khôi phục lại. Khi đó CBCS đa số là thanh niên. Tôi cũng như anh em đang ở lứa tuổi mười tám đôi mươi sức dài vai rộng, hăng hái lắm. Ngặt nỗi nhiều anh em văn hóa còn thấp. Nếu cứ kéo dài tình trạng này thì khó mà đảm đương được công việc. Lãnh đạo Trại sớm nhận ra điều đó nên đã bàn cách khắc phục. Vì số người có hạn mà công việc thì nhiều, làm sao vẫn học nhưng vẫn phải đảm bảo công việc? Thế là thanh niên chúng tôi nhận nhiệm vụ xung kích "Vừa học vừa làm", học tại chỗ luôn. Ai giỏi hơn làm thầy, ai trình độ còn thấp làm trò. Ban ngày làm cán bộ, làm lính, tối đến lại cùng nhau dạy và học. Cứ thế kiên trì một thời gian rồi cũng tạm ổn được khâu văn hóa. Nhưng nhiệm vụ cách mạng đòi hỏi ngày càng cao. Có văn hóa rồi lại phải có chuyên môn nghiệp vụ mới đảm nhiệm được công tác. Vậy là anh em lại phải thay nhau đi học các khóa đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ của Bộ… riết rồi anh em cũng dìu nhau vượt qua và trưởng thành lên. Chớp mắt vậy mà đã mấy chục năm rồi…

Được biết anh Ninh cùng gắn bó với Trại, với vùng đất "Vực rồng" từ khi còn rất trẻ và đến nay anh đang là người đứng đầu của Trại. Những người như anh, tôi biết có nhiều người cả đời gắn bó với công việc "Gạn đục khơi trong" này. Họ có một nghị lực thật đáng khâm phục!

Hôm sau tôi được Ban Giám thị Trại cho gặp và tiếp xúc với những cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý và giáo dục phạm nhân của Trại. 

Tôi được đồng chí Phó giám thị Bùi Minh Châu bố trí cho gặp các đồng chí Cao Đức Trung và Trần Minh Bình. Chúng tôi trò chuyện với nhau rất cởi mở, các anh không ngần ngại trao đổi về những công việc "bếp núc" của "nghề" mình. Cứ nhìn vào cuốn sổ nhật ký trực trại ghi dày đặc những vụ việc phải giải quyết từng ngày, từng giờ là đủ biết các anh tận tâm với công việc, với những "học trò đặc biệt" của mình đến mức nào…

Tôi hỏi Cao Đức Trung:

- Nghe nói phạm nhân ở đây toàn là nam giới, lại phạm tội về ma túy với hầu hết mức án là chung thân, vậy làm sao để họ chịu yên tâm cải tạo cho hết thời gian mà họ phải chịu án?

Trung nhấp một ngụm nước rồi từ tốn:

- Cái chính là mình phải có tình người chị ạ. Đối với những phạm nhân cứng đầu, mình phải nghiêm khắc, phải làm cho họ hiểu rằng họ đã vi phạm pháp luật, phải lĩnh án thì chỉ có con đường lao động cải tạo mới mong sớm được trở về sum họp với gia đình. Tuy nhiên, trong cách cư xử mình cũng phải tỏ ra bao dung, làm cho họ cảm thấy được nâng đỡ về tinh thần thì họ mới thực sự yên tâm cải tạo.…

- Có trường hợp nào "gai góc" khiến Trung phải bỏ cuộc không? - Tôi hỏi tò mò.

- "Gai góc" thì có nhưng bỏ cuộc thì chưa chị ạ. Có mấy trường hợp được gọi là cá biệt, lúc mới vào trại họ phản ứng rất dữ: không ăn, không chịu tham gia lao động, la ó gây rối trong trại… Chúng tôi phải nghiên cứu tâm lý, giáo dục từng bước, kiên trì một thời gian dài, dùng tình cảm của người cha, người chú để thuyết phục, cuối cùng mấy cậu này cũng hiểu ra và cải tạo tiến bộ...

Tôi hiểu ý nghĩa của hai chữ "tình người" mà Trung vừa nhắc tới. Đó cũng là "bí quyết" thành công của nhiều người với nhiều loại công việc. Riêng với công việc đặc biệt này, đó còn là một phẩm chất luôn lắng sâu trong tâm hồn các anh…

Buổi sáng cuối thu gió lay nhè nhẹ trên những tán lá xanh đem lại cho tôi một cảm giác ấm áp. Tôi phóng tầm mắt nhìn toàn bộ khu Trại một lần nữa. Chỉ mới mấy ngày mà tôi đã thấy mình thật thân quen với nơi này. Ánh mắt tôi dừng lại ở khu nhà mới xây còn thơm mùi vôi vữa. Anh Ninh cho biết đó là khu Trung tâm hành chính mới, là công trình được khởi công từ đầu năm 2009 để chào mừng kỷ niệm lần thứ 55 ngày thành lập Trại. Và niềm vui như được nhân đôi khi đơn vị lại sắp đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ. Tôi cảm thấy vui lây cùng niềm vui đang lan tỏa khắp vùng đất "Vực rồng"  này.

(Viết tại Trại sáng tác do Báo CAND và Chi hội Nhà văn Công an tổ chức, tháng 11/2009)

Thu Trang
.
.