Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng

Thứ Ba, 07/02/2006, 08:43

Chuẩn bị vào đợt 2 của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân 1968, Tiểu đoàn nữ biệt động (Tiểu đoàn Lê Thị Riêng) được Bộ Chỉ huy tiền phương giao: Cùng đơn vị mũi nhọn hành quân từ ven đô vào, thọc sâu đánh địch trên địa bàn quận 1, chi viện cho địa bàn quận 4.

Trước đó, trong đợt 1 vô cùng gian khổ của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy vào lúc 21h giao thừa tết Mậu Thân 1968, Đảng ủy, chỉ huy Biệt động Sài Gòn đã tổ chức chớp nhoáng một cuộc nói chuyện của chiến sĩ cách mạng với nhân dân công khai ngay giữa chợ Bến Thành. Người nói là một chị trong tiểu đoàn mới 21 tuổi, thay mặt chị em Biệt động thành, đứng lên chúc tết bà con, và dõng dạc đọc bài thơ Chúc tết Xuân 1968 của Bác Hồ gửi đồng bào, chiến sĩ cả nước.

Cùng lúc đó, các chiến sĩ khác đã treo một lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam cỡ lớn 1,8m x 2,4 m trước cổng chợ Bến Thành. Lá cờ tung bay phần phật trước gió xuân. Nhân dân nhìn thấy cờ hò reo, phấn khởi. Cuộc nói chuyện chỉ diễn ra trong vòng 3 phút, nhưng để lại ấn tượng sâu sắc trong người nghe.

Một mũi tiến công khác của chị em Biệt động thành diễn ra sau đó 2 ngày, vào trước  giao thừa Xuân Mậu Thân, nữ chiến sĩ biệt động Phan Thị Mỹ (tức Oanh) tại cụm 679 dưới sự chỉ huy của Cụm trưởng Đỗ Tấn Phong, đã cùng với một nữ biệt động khác, dùng súng B40, khống chế sự phản công của quân địch vào sáng mồng 2 tết tại Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn. Những cuộc chiến đấu này đã gây choáng váng cho không những chính quyền Sài Gòn mà còn đối với các tướng tá Mỹ đang chỉ huy và tham chiến tại thành phố.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968.

Ngày 27/4/1968, Tiểu đoàn trưởng Lê Hồng Quân lại nhận lệnh mới của Đảng ủy và Bộ Chỉ huy tiền phương là ém quân và đánh địch ngay tại địa bàn quận 1 và quận 4.

Tối mồng 4, rạng sáng ngày 5/5/1968, toàn Tiểu đoàn phải gấp rút bí mật chuyển quân, cất giấu vũ khí và dự trữ lương thực... cho 150 người để sẵn sàng chiến đấu. Ngoài trung đội biệt động nữ tuyển từ đồng Ông Cộ (nay là phường 12, 14, 24, Q. Bình Thạnh) gồm 36 cán bộ, chiến sĩ đợt này chưa thể xâm nhập vào nội đô; số còn lại đều thâm nhập an toàn vào trên 30 cơ sở tại nội ô các đường Nguyễn Trãi, Bùi Viện, Đề Thám, Nguyễn Cư Trinh, chung cư Cô Giang (lô C), chợ Cầu Muối, chợ Cầu Ông Lãnh, cầu Khánh Hội...

Tại đây, nữ Quận ủy viên, Bí thư Quận đoàn Q.2 Sáu Xuân và nữ Quận ủy viên Lê Thị Bạch Các, quê ở Nghệ An vào hoạt động ở Sài Gòn, đã chỉ đạo việc ém quân và động viên chị em, vận động bà con nhân dân ủng hộ bộ đội chiến đấu và tham gia chiến đấu. Đông đảo quần chúng ở Q.1, Q.4, trong đó có một số quần chúng mới cảm tình với cách mạng đều ủng hộ và tham gia đấu tranh tới cùng với địch, bất kể nguy hiểm.

Rạng sáng ngày 5/5/1968, toàn bộ khu vực Q.1, trung tâm của thành phố chuẩn bị chiến đấu. Nhân dân xông xáo, ủng hộ chị em Biệt động thành, bằng cách đem bàn ghế, các vật dụng trong nhà ra các con đường, làm phòng tuyến, hoặc làm chướng ngại vật ngăn chặn quân địch. Bà con ta đã lợi dụng những ống cống kích thước lớn dọc đường Đề Thám (ngày nay) lăn ra giữa đường và tham gia các tuyến chiến đấu. Lực lượng cảnh sát dã chiến Sài Gòn đóng trên tầng 5 của chung cư Cô Giang nhanh chóng phát hiện ra “phòng tuyến” của nhân dân ta nhưng cũng án binh bất động.

Ngay trong đêm ngày 4/5/1968, các chị em tiểu đoàn biệt động đã dùng loa phóng thanh động viên trên 100 quần chúng ủng hộ cách mạng, nổi dậy làm chủ địa bàn trung tâm, để tiêu diệt Mỹ-ngụy và kêu gọi quân địch đầu hàng. Suốt trong đêm và ngày hôm sau, toàn bộ khu vực từ Đề Thám, Cô Giang, Cô Bắc, chợ Cầu Muối, sang tới đường Bến Vân Đồn, Q.4, Tiểu đoàn Lê Thị Riêng đã cùng với nhân dân thành phố Sài Gòn làm chủ thế trận trong nhiều giờ liền.

Cũng đêm ngày mồng 4 và rạng sáng 5/5/1968, Trung đội 3 của tiểu đoàn được phân công chi viện cho Q.4, ém quân trên cụm đường Tôn Thất Thuyết - cầu Tân Thuận, đã dũng cảm tập kích bọn địch đang chốt ở gần cầu. Sau đó, chị Lê Tú Thiên cùng 6 chị em vượt Kênh Tẻ gần bến đò Long Kiểng để vượt sang Nhà Bè và quận 8. Các chị đã sang vùng ngoại ô tiếp tục chiến đấu và cùng với nhân dân tại đó làm chủ tình hình

Phạm Bá Nhiễu
.
.