Công an tỉnh Quảng Bình:

Thủy chung cùng đồng đội, gắn bó với nhân dân

Thứ Năm, 12/10/2017, 08:28
Chiến tranh đã lùi vào quá khứ hơn 30 năm rồi, nhưng những câu nói, những hình ảnh người chiến sĩ Công an trung kiên, gan dạ đứng canh gác ở những chốt hiểm yếu giữa bom rơi, đạn nổ trên vùng cát Quảng Bình vẫn thường được người dân nhắc tới...


Trong chiến tranh, Quảng Bình được coi là hậu phương trực tiếp của chiến trường miền Nam. Khi Mỹ bắn phá miền Bắc, Quảng Bình trở thành tọa độ lửa. Cuộc chiến đấu can trường trên mảnh đất Quảng Bình đã làm hàng ngàn người hy sinh, trong đó không ít người là cán bộ, chiến sỹ Công an tăng cường. Với tình cảm nhân văn sâu sắc, hàng chục năm qua Công an Quảng Bình luôn động viên thăm hỏi, giúp thân nhân các gia đình chính sách. Nhiều ngôi nhà tình nghĩa được xây mới, nhiều con em các liệt sĩ, thương binh hỗ trợ cho ăn học trưởng thành. Nghĩa cử của Công an Quảng Bình đang thực sự thắp lên ngọn lửa ân nghĩa thủy chung.

Hậu phương trực tiếp của chiến trường

Trên con đường thiên lý vào Nam hay ra Bắc theo quốc lộ 1A, khách bộ hành đều phải qua cầu Gianh, Quảng Trạch, Quảng Bình. Cầu Gianh mới được xây và đưa vào sử dụng gần đây, còn trước đó mỗi khi đến địa danh này khách lại phải qua phà. Phà Gianh, hai tiếng ấy vang lên một thời trong hàng chục năm khốc liệt đánh Mỹ.

Trong chiến tranh, Quảng Bình là được coi là nơi tuyến đầu để cả nước vào Nam. Chính vì địa thế quan trọng đó, nên khi cuộc chiến đi qua, giới sử học trong và ngoài nước đều ghi nhận: Mỗi tên làng, tên núi, tên sông nơi đây đều đã từng hứng trọn hàng vạn tấn bom của giặc. Gần 20 năm trong cuộc chiến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đã có hàng vạn chiến sĩ Công an được các bà mẹ Quảng Bình che chở, nuôi dưỡng để vào đất lửa miền Nam. Nhiều cán bộ, chiến sĩ Công an ngày đêm canh trực bến phà Gianh theo dõi việc máy bay địch thả bom để giúp người dân và chiến sĩ tránh nạn. Hàng triệu tấn lương thực, đạn dược, quân nhu, được các chiến sĩ Công an sắp xếp, bảo vệ an toàn để đưa vào miền Nam phục vụ chiến trường. Những mất mát trong cuộc chiến là điều không thể tránh khỏi. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Công an khắp mọi miền Tổ quốc cũng đã nằm lại ở vùng cát Quảng Bình để đất nước có ngày ca khúc khải hoàn.

Chiến tranh đã lùi vào quá khứ hơn 30 năm rồi, nhưng những câu nói, những hình ảnh người chiến sĩ Công an trung kiên, gan dạ đứng canh gác ở những chốt hiểm yếu giữa bom rơi, đạn nổ trên vùng cát Quảng Bình vẫn thường được người dân nhắc tới.

Công an tỉnh Quảng Bình phối hợp với Báo Công an nhân dân trao tiền hỗ trợ làm nhà cho cán bộ, chiến sỹ Công an.

Tôi trở lại phà Gianh vào những ngày đầu thu. Bên chân cầu, những nén tâm hương của các cựu chiến binh thắp vẫn còn cháy đỏ chập chờn trong khói hương nghi ngút là hình ảnh mẹ Choàng đi chân trần, mặc áo nâu sồng cùng với hàng vạn người dân Quảng Bình lăn lộn cùng các chiến sĩ Công an lấp hố bom, san mặt đường giữa bom đạn để cho từng đoàn xe nối nhau vào tuyền tuyến lại xuất hiện như mơ, như thực giữa đời thường.

Cũng bên dòng sông Gianh lịch sử, câu nói của mẹ Choàng "Xe chưa qua nhà không tiếc" đã trở thành hành động của không ít người dân Quảng Bình lúc bấy giờ. Noi gương mẹ Choàng, nhiều người dân Quảng Bình đã tự hiến vườn, hiến nhà để cho xe qua. Có những con đường vừa được mở bị bom cày nát, lực lượng Công an vũ trang và nhân dân lại phải làm lại con đường mới. Không một chi li tính toán, không một phút đắn đo, nhiều gia đình chiến sĩ Công an Quảng Bình đã cho hất cả nhà xuống hố bom để xe qua vào miền Nam chiến đấu.

Được biết, khi những hình ảnh trên được các hãng thông tấn quốc tế phát đi, hàng triệu triệu người trên thế giới lúc đầu đã không hiểu chuyện gì đang xảy ra ở vùng cát Quảng Bình. Sau đó tất cả mọi người đều hiểu, hành động đó thể hiện ý chí của người dân Việt Nam yêu nước khi cần sẵn sàng hy sinh tất cả vì độc lập dân tộc.

Trọn nghĩa vẹn tình

Hàng năm, cứ mỗi độ vào dịp lễ, Tết, lãnh đạo Công an Quảng Bình lại thành lập các đoàn về mọi vùng quê để thăm hỏi, trao quà, động viên thân nhân các gia đình liệt sĩ, thương binh Công an từng sống chiến đấu trên vùng đất cát Quảng Bình. Nghĩa cử nhân văn đó đã trở thành thông lệ.

Có những gia đình liệt sĩ Công an ở cách hàng ngàn kilômét, nhưng lãnh đạo Công an Quảng Bình vẫn thường xuyên giữ liên lạc để kịp thời thăm hỏi, động viên khi gia đình thân nhân liệt sĩ gặp khó khăn trong cuộc sống.

Nhiều năm qua, cứ mỗi độ Tết về, lãnh đạo Công an tỉnh Quảnh Bình đã cùng số ít cán bộ, chiến sĩ của mình vượt quãng đường gần 2.000km vào tận Châu Thành, tỉnh Tiền Giang để thắp nén nhang trước bàn thờ đồng đội là là Anh hùng liệt sĩ Công an Huỳnh Kim Trung, và động viên thăm hỏi thân nhân người quá cố.

Năm 1972, Mỹ bắn phá ác liệt ở Phà Giang, Quảng Bình. Trong thời khắc lịch sử, Anh hùng Huỳnh Kim Trung đã nêu cao bản lĩnh kiên trung "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ" của người chiến sĩ Công an. Công an Quảng Bình cũng đã tìm đến khu Liên cơ, phường Vị Xuyên, thành phố Nam Định để động viên, thăm hỏi và thắp hương cho liệt sĩ Công an Phạm Văn Luyện.

Rời Nam Định, đoàn công tác Công an Quảng Bình vào thăm gia đình liệt sĩ Lê Văn Thành, quê xã Nam Giang, Thọ Xuân, Thanh Hóa. Liệt sĩ Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Bá Chưng, Thanh Trường, Thanh Chương, Nghệ An; Liệt sĩ Phan Tín, xã Thuận Lộc, Can Lộc Hà Tĩnh; Liệt sĩ Trần Văn Sòi, xã Vĩnh Nam, Vĩnh Linh, Quảng Trị…

Những nén hương ấm tình đồng đội của Công an Quảng Bình thực sự tiếp thêm sức, niềm tin và hy vọng đối với thân nhân các gia đình thương binh, liệt sĩ. Mấy năm gần đây, Công an Quảng Bình còn chung tay, góp sức làm hàng chục căn nhà tình nghĩa trao tặng cho các gia đình chính sách. Anh Ngô Văn Duy, xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình là con liệt sĩ đã bắt tay tôi thật chặt xúc động nói: "Không có các bác, các chú trên Công an tỉnh thì biết khi mô tui làm được nhà. Anh coi bốn bên đều cát trắng, làm cật lực mà còn không đủ nuôi con thì nói chi chuyện làm nhà".

Chị Phan Thị Hiên, xã Trung Trạch, huyện Bố Trạch là vợ Anh hùng liệt sĩ Công an Nguyễn Viết Cù tâm sự: "Chồng chị hy sinh năm 1972 ở thành cổ Quảng Trị, chị ở vậy một mình nuôi con khôn lớn. Trong cuộc sống nhiều khi tưởng chừng không thể vượt qua vì khó khăn, Công an Quảng Bình đã đến động viên giúp đỡ chị và các con kịp thời. Căn nhà tình nghĩa mà Công an tỉnh trao tặng thực sự tiếp thêm sức mạnh, và niềm tin để các con chị trưởng thành.

Với tinh thần san sẻ yêu thương cùng đồng chí, đồng đội, chỉ tính riêng trong 3 năm qua, Công an Quảng Bình đã kêu gọi, đóng góp huy động xây dựng hàng chục căn nhà tình nghĩa cho cán bộ, chiến sỹ Công an. Bên cạnh đó, Công an tỉnh Quảng Bình đã trao tặng hàng ngàn suất ăn miễn phí cho các bệnh nhân nghèo điều trị xuyên tết trong các bệnh viện trên địa bàn. Động viên, hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ không quản khó khó khăn, hy sinh, vất vả để giúp đỡ nhân dân vượt qua thiên tai, lũ lụt…

Mới đây, Công an Quảng Bình phối hợp với Báo CAND trao 100 triệu đồng tiền hỗ trợ nhà ở cho Thượng sỹ Hồ Văn Duẫn, ở bản Bạch Đàn, xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy và Trung úy Cao Xuân Giá, đang công tác tại Công an huyện Minh Hóa, Quảng Bình. Đồng chí Duẫn xuất thân từ dân tộc Vân Kiều, hiện đang công tác tại Công an huyện Quảng Ninh, Quảng Bình.

Đồng chí Duẫn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhà cửa tạm bợ, lợp tranh, tre nứa lá, vợ lại chưa có việc làm, hai vợ chồng đang nuôi mẹ già, con nhỏ. Còn Trung úy Cao Xuân Giá xuất thân từ dân tộc Sách, nhiều năm qua đồng chí là cán bộ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Sau khi cưới vợ, vì điều kiện kinh tế khó khăn nên đồng chí Giá và vợ cùng con nhỏ phải thuê nhà trọ để ở.

Những năm gần đây, bên cạnh hỗ trợ xây nhà cho cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng, Công an Quảng Bình còn huy động trao tặng hàng chục căn nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số gặp khó khăn trong cuộc sống như gia đình ông Đậu Minh Khang, thương binh bậc 2/4; gia đình anh A Ma Coong, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch; bà Trần Thị Nẫm, phường Đồng Sơn,Thành phố Đồng Hới... Bên cạnh xây dựng nhà tình nghĩa, hàng tháng, hàng quý, lãnh đạo Công an tỉnh thành lập các đội đến tận các vùng sâu, vùng xa trên địa bàn để phát thuốc khám chữa bệnh, làm chứng minh thư, hộ khẩu miễn phí cho bà con dân tộc thiểu số.

Dương Sông Lam
.
.