Thượng tá Văn Ngọc Thi: Những cuộc đối đầu với các đại ca phố núi

Thứ Hai, 28/06/2010, 10:51
Tôi gặp Thượng tá Văn Ngọc Thi (mà anh em vẫn gọi thân mật là anh Sáu Thi), Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Đăk Lắk nhân một lần vào công tác tại đây. Dù anh sống ở Tây Nguyên khá lâu, nhưng chất giọng quê hương Bình Định vẫn không thay đổi.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, năm 15 tuổi, Văn Ngọc Thi đã tham gia phong trào tranh đấu của học sinh, sinh viên. Năm 1970, anh tổ chức học sinh ở thị trấn Phú Phong (Tây Sơn, Bình Định) kéo ra Quốc lộ 19 chặn đánh xe của quân đội Mỹ. Bị địch phát hiện, truy lùng gắt gao, Sáu Thi vượt sông Kôn lên rừng tham gia bộ đội. Sau giải phóng, anh về công tác ở huyện Tây Sơn. Năm 1977, anh cùng 238 đảng viên tình nguyện ở Bình Định xung phong tăng cường lên Tây Nguyên và rồi vào công tác trong Lực lượng Công an đến nay.

Có lẽ "đất võ" Bình Định đã hun đúc cho Sáu Thi một bản tính nhanh nhẹn, dẻo dai, với tài võ nghệ và bắn súng cao siêu. Đời làm cảnh sát hình sự, Sáu Thi không nhớ hết mình đã cùng anh em đánh bao nhiêu trận, khám phá bao nhiêu vụ án và bắt bao nhiêu đối tượng phạm tội hung hãn khét tiếng... Sáu Thi bảo, giờ anh chỉ nhớ ít vụ "để đời", bởi mỗi lần nhớ lại, anh vẫn cảm thấy lạnh toát sống lưng.

Mở đầu những câu chuyện đánh án, Sáu Thi kể cho tôi nghe chuyên án Hoàng "phát xít". Tên họ đầy đủ của hắn là Huỳnh Văn Hoàng, sinh năm 1957, quê ở Quảng Nam, có lệnh truy nã đặc biệt về tội giết người, tàng trữ sử dụng vũ khí quân dụng trái phép năm 1999.

Sau khi bắn chết hai người dân ở huyện Krông Nô (nay thuộc tỉnh Đắk Nông), Hoàng bỏ trốn vào vùng rừng núi Ea Rbing, Krông Nô, hình thành băng nhóm trấn cướp, đe dọa khống chế cán bộ xã, ức hiếp dân lành phải nộp tiền cho bọn chúng… Tội ác của Hoàng "phát xít" khiến người dân trong vùng vô cùng căm phẫn. Hoàng "phát xít" bắn súng thuận cả hai tay. Từ khi gây án, đi đâu, làm gì hắn cũng kè kè khẩu AR15. 

Đồng bọn của Hoàng "phát xít" sau này kể lại, vì tính đa nghi nên mỗi khi thấy có biểu hiện nghi ngờ, Hoàng nhả đạn liên hồi, không cần biết đó là ai… Nhóm cướp của Hoàng ẩn phục trong một địa bàn rừng núi hiểm trở, ngoài những đối tượng tay chân canh gác cho vợ chồng Hoàng còn có một đàn chó sáu con rất trung thành bảo vệ chủ. Hoàng dọa, nếu Sáu Thi lọt vào "trận địa" của hắn, hắn sẽ cho ăn ngay "kẹo đồng".

Dưới dạng những người dân cày thuê, cuốc mướn, Sáu Thi cùng anh em trong đội đã len lỏi vào rừng cùng những người dân địa phương lăn lộn cả tháng trời để nắm tình hình, xây dựng cơ sở. Sau đợt khảo sát địa hình, thăm dò đường đi, lối vào, Sáu Thi quyết định cho anh em cùng băng núi, đi vòng từ đỉnh cao xuống. Sau một đêm trắng, anh em đã vượt qua đỉnh núi cao ngút ngàn, vách đá cheo leo dựng đứng để bò đến điểm phục kích.

Từ rạng sáng, tổ công tác của Sáu Thi đã ém mình dưới những con mương nước chạy qua cánh đồng trong hốc núi. Khoảng 7 giờ 15 phút, hai đàn em của Hoàng "phát xít" đi dạo quanh cánh đồng, thăm dò tình hình trước, sau đó đến lượt đàn chó tỏa ra và cuối cùng vợ chồng Hoàng "phát xít" lộ diện. Khi đàn chó chỉ cách chừng 100m nữa là giáp mặt anh em trong đội thì Sáu Thi quyết định "ra tay" trước, bởi chậm hơn là "tiêu" hết. Sáu Thi đổi súng ngắn cho một trinh sát.

Anh cầm khẩu AK dương thẳng về phía Hoàng "phát xít" hô to: "Hoàng, bỏ súng xuống!". Hoàng giật mình, lia đạn ngay về phía phát ra tiếng hô. Sáu Thi chĩa AK về phía Hoàng nhả đạn. Hoàng "phát xít" lật nhào xuống đám lúa xanh đang trổ đòng đòng. Sau trận quyết tử với Hoàng "phát xít", Sáu Thi phải mất một thời gian mới đi lại được bình thường vì trèo núi và dầm mình mai phục dưới bùn quá lâu…

Một cuộc đấu súng khác với tên cướp liều lĩnh và ngang tàng mà đến giờ  Sáu Thi vẫn nhớ, đó là cuộc đối đầu với tướng cướp Nguyễn Công Chiến. Chiến sinh ra trong một gia đình khá giả, nhưng cả 3 anh em đều là những tên tội phạm nguy hiểm. Thời ấy, sau khi trộm được súng AK và K54, Chiến đã liên tiếp thực hiện những vụ cướp công khai ở thị xã Buôn Ma Thuột mà không ai dám công khai tố giác.

Một ngày nọ, khi ánh mặt trời vừa xuống núi, Sáu Thi chưa kịp xong bữa thì nhận được tin tên Chiến gây án. Lần này Chiến cướp chiếc đồng hồ đeo tay của một thương binh. Sáu Thi mở tủ lấy súng, lắp 2 viên đạn, lặng lẽ băng về phía nơi vừa xảy ra vụ cướp. Chạy dưới bóng tối nhập nhoạng, Sáu Thi thầm nhủ, lần này phải làm sao bắn rớt khẩu súng trên tay tên Chiến.

Khi đến ngã tư Trần Phú - Y Yút (Buôn Ma Thuột), một số người phát hiện thấy Sáu Thi truy đuổi tên cướp thì hoảng sợ, chạy nháo nhào. Sáu Thi hô: "Chiến, bỏ súng xuống!". Theo phản xạ, tên Chiến quay ngoắt lại nhả liên tiếp 3 phát đạn, một viên xuyên tay áo Sáu Thi tứa máu. Tình thế nguy hiểm buộc Sáu Thi phải nổ súng. Phát đạn làm tên Chiến ngã văng xuống đất, mũi súng chĩa thẳng lên trời, nổ hết cả băng đạn AK. Sau loạt đạn bất cẩn, Sáu Thi nhảy choàng lên dậm hai tay tên Chiến, đá khẩu súng văng ra. "Mèo ướt" (biệt danh của người yêu tên Chiến) vốn là một cô gái giỏi võ từ đâu bất thần nhảy vào tranh súng với Sáu Thi. Rất may, một người đi đường đã kịp xông tới hỗ trợ Sáu Thi khống chế "Mèo ướt" và đưa tên cướp đi cấp cứu. Đó không phải ai khác mà chính là một quần chúng tốt của anh.

Con người ai cũng có điểm yếu, điểm mạnh. Bọn tội phạm nguy hiểm dù liều lĩnh và bất chấp pháp luật đến đâu, song bao giờ chúng cũng có một điểm yếu nào đó. Sáu Thi kể về một tên cướp ma mãnh và liều lĩnh khác là Phạm Văn Thêu ở Ea H'Leo, Đăk Lắk. Những năm chín mươi, Thêu cầm đầu 3 nhóm cướp chuyên nghiệp có vũ khí, chuyên gây án ở khu vực đèo Cưty, Krông Buk, trên tuyến Quốc lộ 14- Đắk Lắk. Thêu được coi là đối tượng "cộm cán" nhất ở đây vì tài bắn súng và giỏi võ thuật. Giới "anh chị" ở Ea Hleo nể sợ và tôn sùng Thêu là "đại ca phố núi".

Qua tìm hiểu, Sáu Thi nhận thấy Thêu rất thương và gắn bó mật thiết với một người chị gái ở Buôn Ma Thuột. Chị gái Thêu không chồng, khi ấy đang hành nghề bói toán. Sáu Thi nghĩ trong đầu, muốn biết Thêu trốn ở đâu phải tìm hiểu qua người chị gái này của hắn.

Trong vai một người làm ăn thất bại tên  là Phi, Sáu Thi thất thểu cắp túi đi xem bói. Người phụ nữ xem bói cho Sáu Thi và khi đặt tiền xong, Sáu Thi xào bài xem bói lại cho cô chủ. Tướng mạo đẹp trai, phong độ, cách ăn nói lịch thiệp của Sáu Thi khi ấy đã chinh phục được người chị gái của Thêu. Sáu Thi bịa chuyện anh từ Bình Định lên Đắk Lắk làm gỗ nhưng bị bọn chơi đểu lấy hết tiền rồi quỵt nợ luôn.

Lúc đầu người phụ nữ ấy chưa tin lắm nhưng thấy Sáu Thi buồn bã u sầu, đứng ngồi không yên nên người phụ nữ đã gặng hỏi: "Bây giờ anh định làm gì?". Sáu Thi suy nghĩ một lúc rồi đáp: "Anh muốn em tìm người giúp anh để đòi lại món nợ này". Người phụ nữ suy nghĩ mãi vẫn không tìm ra người giúp được Sáu Thi. Sáu Thi nói tiếp: "Người ấy phải biết bắn súng, xử xong vụ này anh sẽ cho hết số tiền 90 triệu đồng cho anh ta luôn. Anh cũng bỏ nghề buôn gỗ để về quê sống…".

"Nhưng anh phải đợi vài hôm, vì em trai em nó đã đi Hà Nội, định sang Trung Quốc. Em sẽ gọi về" - Người phụ nữ cho biết. Nghe vậy, mắt Sáu Thi sáng  lên, giọng càng tha thiết: "Em gọi chú ấy về nhanh giúp anh, anh hứa là giữ đúng lời". Mấy hôm sau, Thêu về đến Buôn Ma Thuột nhưng không về nhà chị gái mà thuê trọ ở nơi khác rồi nhắn tin cho chị gái hay. Thêu ngờ nếu về nhà chị gái sẽ bị Công an phục bắt.

Nắm được địa điểm Thêu ở, Sáu Thi cùng một trinh sát tên Vũ (hiện là Trung tá Nguyễn Công Vũ - Đội trưởng Đội 2, PC14, Công an Đắk Lắk) trong vai người xe thồ chở Sáu Thi đến khu tập thể tìm Thêu. Nghe tiếng người hỏi thăm, Thêu nép vào tường định trốn. Sáu Thi áp theo bất ngờ và nhanh chóng quật ngã hung thủ, tước ngay khẩu súng trong tay Thêu khi hắn chưa kịp bóp cò. Lúc này Thêu mới nhận ra "tay buôn gỗ" chính là Sáu Thi nên vội "xin hàng".

Năm 2004, từ Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Sáu Thi được điều về làm Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Đắk Lắk. Sáu Thi bảo, ở đâu tôi cũng làm được, và thực tế đã chứng minh những đổi thay "kì diệu" ở Trại tạm giam Công an tỉnh Đắk Lắk hôm nay. Để minh chứng cho lời nói của mình, Sáu Thi huy động phát triển chăn nuôi bằng cách bỏ tiền túi của mình ra mua giống về nuôi, trồng. Anh em thấy vậy cũng tham gia đóng góp.

Sự cương quyết và gương mẫu đã giúp Sáu Thi thành công trong việc quản lý chặt chẽ đất đai ở khu doanh trại, phát triển chăn nuôi cải thiện đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần, thể dục thể thao cho cán bộ chiến sĩ và các phạm nhân… Bây giờ vào khu doanh trại của đơn vị, nhiều người ngỡ ngàng vì sự đổi thay ở đây, bởi không chỉ được đắm mình vào một khung cảnh đẹp mà quy trình công tác giam giữ, cải tạo, giáo dục phạm nhân luôn đi vào nề nếp, gọn gàng...

Đến nay, Thượng tá Văn Ngọc Thi đã được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành khen thưởng nhiều bằng khen, giấy khen, huân, huy chương... song có lẽ phần thưởng lớn nhất đối với anh vẫn là sự quý trọng, tin tưởng, ghi nhận của người dân các địa bàn anh công tác trong mấy chục năm qua...

Ngọc Như
.
.