Kỉ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015)

Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh: Nhớ những ngày ‘nếm mật nằm gai’ ở An ninh khu VI

Thứ Tư, 29/04/2015, 08:00
Trong một lần dự cuộc gặp mặt truyền thống của các cán bộ từng tham gia Ban Liên hợp quân sự có nhiệm vụ bảo đảm thi hành những điều khoản về quân sự của Hiệp định Paris, tôi gặp lại Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh. Ông là vị tướng trận mạc, từng "đi B", nhiều năm "nếm mật nằm gai" ở chiến trường khu VI thời kì kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thời chống Pháp, ông là một trinh sát mưu trí, gan dạ của Công an Hà Nội...

Từng là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND (nay là Tổng cục Chính trị CAND), nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược CAND, Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh luôn có ý thức lưu giữ và khai thác các tư liệu lịch sử. Bởi vậy mà cuốn sách nêu trên, với sự nhiệt tình của ông và các cộng sự trong "Câu lạc bộ truyền thống Ban Liên hợp quân sự - Trại Davis" đã nhanh chóng được tái bản gồm các bài viết mới có nhiều tư liệu, thông tin giá trị… Tản mạn vậy để bạn đọc hình dung phần nào về Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh.

Bước vào tuổi 85 và từng trải bao gian nan, nguy hiểm qua hơn 10 năm trời lăn lộn ở chiến trường khu VI (cực Nam Trung bộ, tương đương địa giới một số tỉnh như Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Lâm Đồng...), nên sức khỏe của ông đã giảm sút rõ rệt.

Nhớ về một thời trai trẻ hào hùng, ánh mắt ông như sáng lên, ăm ắp những kỉ niệm vui buồn. Quê gốc Hưng Yên nhưng ông chào đời năm 1931 tại một căn nhà trên phố Lò Đúc, Hà Nội. Ông tham gia công tác khi mới 15 tuổi, trong Đoàn thiếu niên tiền phong thành Hoàng Diệu. Từ 1948-1958 là quãng thời gian ông làm trinh sát Công an Hà Nội, trải qua các công tác điệp báo, chấp pháp; ông từng "vào tù ra tội" trong nhà lao của thực dân Pháp thời kì này…

Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh (hàng đầu, thứ hai từ trái sang) trong một lần họp mặt các đồng đội.

Ông bộc bạch: "Tôi có thời gian là cây viết cho chuyên mục "Trinh sát kể chuyện" của Báo CAND đấy. Hồi đó, tôi công tác ở Cục Bảo vệ Chính trị. Khoảng 1959-1964, Báo CAND còn là dạng nội san, tôi đã rất tích cực cộng tác viết cho chuyên mục này"… Sau này, khi công tác ở Tạp chí Xây dựng lực lượng CAND, rồi Tạp chí CAND, tôi hay nhận được những bài viết súc tích của Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh với nội dung tổng kết công tác an ninh, công tác xây dựng lực lượng CAND thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước…

"Năm 1964, tôi đang công tác ở Cục Chính trị thì viết đơn tình nguyện vào chiến trường miền Nam. Khi có tên trong danh sách được lựa chọn vào chiến trường, tôi mừng lắm" - Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh hồi tưởng.  Hơn 3 tháng trời hành quân từ cuối năm 1964, đến đầu năm 1965, ông mới vào đến Khu VI.

Nhớ lại những ngày ở chiến trường, Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh cho biết, đó chính là những tháng ngày cực kì gian khổ nhưng anh em luôn tràn đầy tinh thần lạc quan, sống và chiến đấu hết mình: "Thời ấy, sinh hoạt thiếu thốn, có thời gian tôi bị quáng gà, tối đến nhìn không rõ. Anh em nói mắt kém phải ăn thịt thú rừng thì mới tốt. Đúng thời điểm đó thì anh em bắt được một con trăn. Khi nấu nồi cháo thịt trăn, dù phải chia nồi cháo nhỏ cho 30 người nhưng anh em đã dành cho tôi miếng thịt và một mẩu da để ăn. Quả nhiên sau đấy, mắt tôi đã sáng lên hẳn. Đó là một kỷ niệm đẹp về tình đồng đội mà tôi không bao giờ quên…

Cứ 6 tháng tôi xuống bám địa bàn trọng điểm Phan Thiết để hướng dẫn, giúp đỡ anh em điệp báo tỉnh xây dựng cơ sở nội tuyến; rồi 6 tháng lại trở lên địa bàn Đà Lạt. Việc đi lại giữa Phan Thiết với Đà Lạt rất gian khổ, nguy hiểm, nhất là khi phải vượt qua các quốc lộ 11, 20; nhiều lần anh em tôi bị địch phục kích suýt mất mạng. Từ biển lên rừng rồi từ rừng về biển như vậy, tôi thường bị những trận sốt rét ác tính…

Khoảng giữa năm 1969, tôi là Trưởng tiểu ban điệp báo của An ninh khu thì được cử xuống phối hợp với đội công tác ở ấp Bình Thạnh, huyện Tuy Phong do đồng chí Phong (bí danh là Bầu), huyện ủy viên làm đội trưởng. Chưa đầy nửa tháng tôi đã liên lạc được với cơ sở, báo cáo với cấp trên tình hình địch. Đến năm 1971, tôi về nằm vùng ở một vườn trồng cau và chanh của người dân thuộc  xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong để bắt liên lạc với một đầu mối. Đúng dịp đó, địch huy động nhiều xe tăng, bộ binh mở trận càn lớn, chà đi xát lại nhiều ngày. Chúng tôi chỉ được cơ sở báo tin trước khi địch càn quét trước hơn 1 giờ nên vội chui xuống hầm trú ẩn dưới bụi cây um tùm.

Không may, hầm của chúng tôi bị địch càn sập nắp, một đồng chí đã nhanh trí nằm ngược, cố sức đạp chân lên để ngăn nắp hầm không rơi xuống…

Khoảng 2h sáng, thấy bên ngoài im ắng, đoán địch đã ngủ, chúng tôi bới cát bò ra nằm ở một hòn đảo có một hốc khô rộng khoảng hơn 3m biển  Bình Thạnh để lánh tạm. Nửa đêm thủy triều dâng, chúng tôi lùi dần lên nóc hốc, ba lô tư trang, quần áo giấu trong hang bị sóng biển đánh tan tác hết, trời sáng thì trên người chỉ còn mỗi bộ quần áo, tấm choàng dù, khẩu súng ngắn K54.

Địch càn nhiều ngày liền chưa rút thì một chiếc xe tăng M41 đi càn bị trúng mìn của đội công tác, đứt xích, chúng phải dùng trực thăng vận tải cẩu đi và chấm dứt 7 ngày càn quét… Sau khi địch rút, tôi kiên trì ở lại bám trụ, móc ráp với đầu mối. Bà con thấy tôi bị mất hết đồ đã may cho tôi quần áo, nuôi cơm tôi trong những ngày ở lại cơ sở…

Khi hoàn thành công việc, tôi trở lại cơ quan An ninh khu vào một buổi chiều đã nhạt nắng.Vừa có mặt ở cơ quan đã thấy anh em Cơ yếu reo lên: "Anh Tư Quyết đã về! Anh Tư Quyết đã về!". Không biết ai báo tin mà anh em biết chúng tôi bị địch làm sập hầm suýt chết… Anh em Cơ yếu như Tu, Đạt, Kê ôm chặt lấy tôi hỏi han tình hình. Lúc ấy, nước mắt tôi cứ trào ra không nói được lời nào; vui vì đã về đến nhà, thoát khỏi cái chết trong gang tấc…".

Trong muôn vàn những kỉ niệm chiến trường, Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh vẫn luôn nhớ những tình cảm đồng đội, ơn sâu nghĩa nặng với đồng bào đã cưu mang, che chở. Năm 1968, Bộ Công an chi viện 30 cán bộ An ninh vào khu VI. Ông cùng một đồng chí giao liên được phân công đi đón các đồng chí này. Trên đường tới địa điểm đã hẹn, một trận B52 rải thảm chặn đường;

tuy biết rõ quy luật chúng sẽ còn trở lại oanh tạc, sau đó sẽ cho bộ binh đổ quân càn quét nhưng ông và đồng chí giao liên vẫn vượt qua khói lửa, đến điểm hẹn đúng giờ. Khi vừa đón được các đồng đội lại phải hứng chịu nhiều loạt B52; đưa được anh em về căn cứ, thì cả cơ quan đang  chuẩn bị phương án chống càn. Quả nhiên, sáng hôm sau bộ binh địch mở trận càn liên tục trong một tuần nhưng nhờ có kế hoạch chủ động nên anh em trong căn cứ đã kịp di chuyển và tổ chức đánh trả địch nhiều trận.

Một kỉ niệm không thể phai mờ trong kí ức của vị tướng già, Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh hào hứng kể lại: "Đó là thời điểm ngày 4/4/1975, nhận chỉ thị của Thường vụ Khu ủy, tôi đã dẫn tổ công tác của An ninh khu xuống vùng ven thị xã Phan Thiết, bàn bạc với An ninh Bình Thuận phân công chiếm lĩnh các mục tiêu khi đại quân của ta tiến vào.

Ngày 19/4, chúng tôi tham gia chiếm lĩnh Ty Cảnh sát, Ty Chiêu hồi. Sau đó, nghe người dân nói trên đường 8 có một Trung tâm thẩm vấn đặc biệt của địch nên tôi đã cùng một chiến sỹ an ninh vũ trang đi tìm cơ sở quan trọng này. Khi đến nơi, một cảnh tượng hỗn loạn diễn ra, người dân đã xông vào Trung tâm Thẩm vấn… Tôi đã yêu cầu bà con giúp đỡ, bảo vệ tài sản ở khu vực này và nhanh chóng đi vào trong. Đến ngôi nhà phía trong, chúng tôi may mắn phát hiện và bảo quản nguyên vẹn toàn bộ tài liệu, hồ sơ, trong đó có danh sách màng lưới cơ sở của địch đang hoạt động... Từ tài liệu trên đã giúp ta nắm chắc được nhiều thông tin vô giá, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo vệ an ninh chính trị trên địa bàn Bình Thuận sau ngày thống nhất đất nước."

An Khang - Gia Bách
.
.