Thiếu tướng Hoàng Mai và những kỷ niệm về 6 điều Bác Hồ dạy CAND

Thứ Năm, 14/09/2006, 14:00

Trong lực lượng Công an nhân dân, để được phong hàm cấp tướng, cuộc đời ông đã trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau và nếm trải nhiều thử thách gian nạn. Song có một vinh dự mà ít người có được là việc ông nhận được lá thư của Bác Hồ.

Điều đặc biệt là trong lá thư ấy, Bác đã chỉ ra tư cách của người công an cách mạng. Năm tháng trôi đi, kể từ đó, 6 lời dạy của Bác Hồ với công an nhân dân đã trở thành tài sản vô giá và vẫn giữ nguyên giá trị cho hôm nay và cho các thế hệ công an mai sau. Người cán bộ công an có niềm vinh dự ấy là Thiếu tướng Hoàng Mai, khi ông đang giữ cương vị Giám đốc Công an khu 12. Bây giờ ông không còn nữa song những câu chuyện mà ông kể tại buổi tiếp xúc với chúng tôi dường như vẫn đọng mãi đâu đây.

Theo ông kể thì ngày ấy, đại bản doanh của công an khu 12 đóng tại xã Nhà Nam, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang, nơi mà người anh hùng áo vải Đề Thám cùng nghĩa quân dấy cờ khởi nghĩa đánh Tây. Mang tiếng là đại bản doanh của công an khu gồm 7 tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Yên, Hồng Gai và  Hải Ninh song tất cả từ cái kim, sợi chỉ đến cái ăn, cái mặc, nơi làm việc và chỗ ở đến việc đi lại, hoạt động của các cán bộ công an ngày ấy đều phải dựa vào dân.

Do lực lượng công an còn non trẻ nên để đáp ứng yêu cầu bồi dưỡng nghiệp vụ cũng như phẩm chất của người công an cách mạng, công an khu 12 đã cho xuất bản một tờ báo mang tên “Bạn dân”. Cái tên đó xem ra rất chuẩn và đúng cả về bề rộng cũng như chiều sâu. Nó nhắc nhở cán bộ công an rằng, khi được nhân dân thương yêu đùm bọc thì sống và làm việc phải dựa vào dân.

Niềm vinh dự lớn

Vẫn theo lời ông thì dịp tết năm ấy, được tòa soạn báo “Cứu quốc’ giúp đỡ, tờ “Bạn dân” của Công an khu 12 được in ti-pô nên khá đẹp. In xong, ông chọn tờ báo đẹp nhất để gửi lên biếu Bác, mong sao Bác chỉ dẫn kinh nghiệm làm báo cũng như nghiệp vụ Công an. Giữa lúc ông và các đồng nghiệp còn đang thấp thỏm chờ tin thì đầu xuân năm 1948, kết thúc đợt công tác ở Nha Công an trung ương, ông trở về công an khu thì được đồng chí giao liên đưa vào một phòng bì nhỏ. Anh Lê liếc nhìn trên phong bì, quay lại phía ông và hỏi: “Cậu làm gì mà Bác gửi thư riêng cho đây này”.

Ông cầm phong bì trên tay, ngắm nghía những dòng chữ do chính Bác viết mà không muốn bóc thư vội, muốn để phút cảm động và suy nghĩ kéo dài, đồng thời cũng muốn đoán xem nội dung thư Bác nói gì. Sau đó, ông lấy kéo cắt sát rìa phong bì, không phải là để tiết kiệm dùng lại phong bì như tác phong tốt đẹp trong thời kháng chiến mà để giữ lấy nguyên phong bì có chữ Bác. Mở thư ra, ông đọc thầm, đọc một lượt rồi đọc thầm lại lượt thứ 2.

Thấy vậy, anh Lê ngồi bên giục: “Cậu đọc to lên cho mình nghe nào, hay phạm khuyết điểm gì bị Bác phê bình mà không dám đọc?” Bị khích và không thể khác được, ông chậm rãi đọc to từng từ, từng chữ:

“Gửi đồng chí Hoàng Mai,

Bác đã nhận được thư và báo cháu gửi tặng Bác. Bác thấy có sự cố gắng, đáng hoan nghênh. Nhưng theo cháu nói tờ báo từ 24 đến 32 trang thì dài quá. Cần làm ngắn lại và viết những vấn đề thật thiết thực để mọi người đọc đều có thể hiểu và làm được. Như thế mới có tác dụng giúp đẩy mạnh công tác, đẩy mạnh thi đua. Trên báo, cần thường xuyên làm cho anh chị em công an nhận rõ công an của ta là Công an nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc.

Nhân dân ta có hàng chục triệu người và hàng mấy chục triệu tai, mắt, tay, chân. Nếu biết dựa vào nhân dân thì việc gì cũng xong. Trên tờ báo phải luôn luôn nhắc nhở anh em rèn luyện tư cách đạo đức. Tư cách người Công an Cách mệnh là:

Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính

Đối với đồng sự, phải thân ái, giúp đỡ

Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành

Đối với nhân dân, phải kính trọng lễ phép

Đối với công việc, phải tận tuỵ

Đối với địch, phải cương  quyết, khôn khéo.

Nói tóm lại, là những đạo đức và tư cách mà người Công an Cách mạng phải có, phải giữ cho đúng. Những điều đó, chẳng những nên luôn luôn nêu trên báo, mà lại nên viết thành ca dao cho mọi người công an học thuộc, nên viết thành khẩu hiệu, dán tại những nơi các anh em công an thường đến (bàn giấy, nhà ăn, phòng ngủ, v.v...).

Ngoài ra, công an thường phải kiểm soát nhân viên và công việc của mình. Mỗi công an viên đóng chỗ nào thì cần dạy cho dân quân tự vệ nơi đó cách điều tra, xét giấy, phòng gian ..v.v... Dạy cho dân ở nơi đó giữ bí mật. Và tự mình phải luôn luôn giữ lễ phép, tránh hách dịch, v.v...”--PageBreak--

Ông kể tiếp: “Dưới thư Bác ký một chữ rõ ràng và đóng con dấu vuông, có in tên Bác, nét mực màu đỏ tươi. Tôi vừa đọc xong, thì không ai bảo ai, mọi người đều chạy lại để xem tận mắt bức thư của Bác, xem chữ ký, xem con dấu ..v.v... Đồng chí Thiết, một “nhà đánh máy lão luyện” nói giọng nhẹ nhàng: “Bác đánh máy lấy mà đều và đẹp quá nhỉ, như một người đánh máy chuyên nghiệp”.

Còn đồng chí Tuất, giám đốc nhà in báo Rèn Luyện thì khen con dấu của Bác khắc rất đẹp và lấy cái kính lúp ra xem cho rõ từng nét khắc. Đồng chí Quyến, một “nhà văn” chuyên dự thảo công văn của văn phòng thì tấm tắc: “Bác viết thư thật là giản dị, dễ hiểu, nội dung thật là thiết thực. “Ai cũng muốn cầm bức thư xem, có người xin sao chép ngay lại 6 điều Bác dạy về đạo đức người công an cách mạng.

Một tài sản vô giá

Vẫn theo ông thì cũng từ đó, “không bao giờ tôi rời bức thư của Bác, lúc nào cái phong bì ấy và bức thư ấy cũng theo sát tôi. Chỉ sau một thời gian rất ngắn tôi đã thuộc lòng bức thư và bây giờ vẫn còn thuộc. Tôi cũng đã đọc những cuốn sách mà Bác viết, Bác ký, Bác ghi ngoài phong bì gửi cho tôi, sao nó có một sức hấp dẫn và sức truyền cảm lạ thường.

Mỗi lần giở thư ra xem, tôi tưởng tượng như Bác đang ngồi bên tôi và bằng một giọng ấm áp, dạy bảo tôi những điều ân cần, thiết thực. Hồi đó, nhiều buổi chiều trên chiến khu, sau bữa cơm, nghỉ một lát để chuẩn bị sinh hoạt, bên ngọn đèn dầu le lói, tôi lại giở thư Bác ra đọc, tìm trong thư để kiểm điểm xem mình đã làm đúng chưa.

Có những đêm đi chiến dịch, trời mưa tầm tã, đường trơn như đổ mỡ, leo núi ban đêm khấp khểnh bước thấp bước cao, ngủ ở dưới lán trời mưa ướt  cả mặt mũi, đi theo bộ đội vượt qua những làn lửa đạn của tiểu liên, đại bác, máy bay địch... Những gian khổ chồng chất của thời kỳ kháng chiến có lúc làm tôi phải ra sức phấn đấu để vượt qua. Nhưng nhớ lại lời daỵ của Bác mà đã thuộc lòng để tự kiểm điểm lại mình và thế là tôi lại vươn lên, chịu đựng hơn, hăng hái hơn trước, nhiều lúc cười trước khó khăn gian khổ, thấy cuộc đời kháng chiến là vinh quang và vô cùng có ý nghĩa”.

Sau một thời gian đi công tác thực tế, đi bảo vệ chiến dịch v..v... tôi trở về Nha làm công tác nghiên cứu tổng hợp của Văn phòng đồng thời phụ trách tờ nội san Rèn luyện của ngành. Tại đó tôi lại có dịp làm công tác báo chí. Nhớ lại những lời dạy của Bác về cách làm báo, tôi cố gắng nghiên cứu áp dụng vào việc biên soạn cuốn nội san, với ước mong làm cho nội san nói được những vấn đề thiết thực, có tác dụng đẩy mạnh công tác, đẩy mạnh việc tu dưỡng đạo đức của người công an cách mạng.

Và cũng từ đó, sáu lời dạy của Bác đối với công an và cách thức giáo dục anh em như Bác chỉ dẫn trong thư được Báo Rèn Luyện vượt qua bao nhiêu đường trường, bao nhiêu lửa đạn để đưa vào đến Công an khu IV, Công an Nam Trung Bộ, Công an Nam Bộ, đồng thời với việc phổ biến rộng rãi ở khắp các tỉnh miền Bắc Bộ. Những lời dạy đó đã trở thành kim chỉ nam cho mọi hành động của mỗi người cán bộ chiến sĩ Công an. Rồi tôi lại nhớ hồi về Công an liên khu IV, tôi thấy trên bàn của đồng chí giám đốc là một bảng nhỏ đóng khung cẩn thận ghi “Sáu điều răn của Hồ Chủ Tịch”.

Đồng chí giám đốc nói với tôi: “Từ khi có 6 điều răn của Hồ Chủ Tịch, anh em công an trong khu rất phấn khởi vì thấy rõ được Bác chăm lo, dạy dỗ công an rất ân cần. Chúng tôi lấy việc thực hiện lời dạy của Hồ Chủ Tịch làm tiêu chuẩn thi đua. Hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng anh em đối chiếu với sáu lời dạy của Bác mà kiểm điểm mình”. Trong suốt 9 năm kháng chiến gian khổ, những lời Bác dạy không chỉ anh em miền Bắc mà cả miền Nam đều thuộc, không chỉ phổ biến trong cán bộ chiến sĩ Công an ở vùng tự do mà cả ở vùng địch hậu.

Ông ngừng lời rồi kể tiếp: “Thời gian trôi đi, kể từ ngày tôi nhận được thư của Bác, ôn lại những lời dạy trong thư của Bác, lòng tôi dạt dào xúc động như buổi sáng năm xưa và càng thấy công ơn của Bác đối với ngành ta, đối với mỗi một chúng ta thật là to lớn. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng những lời dạy của Bác thì muôn đời còn in sâu trong ký ức của riêng tôi và của toàn thể chúng ta

Trần Minh
.
.