Phòng Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc - Công an tỉnh Quảng Trị:

Thành công với nhiều mô hình tự quản

Thứ Năm, 29/06/2017, 11:08
Quảng Trị là một tỉnh thuộc duyên hải miền Trung, có 206km đường biên giới với Lào, với 2 cửa khẩu quốc tế và 4 cửa khẩu phụ. Những năm gần đây, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn cơ bản ổn định, tuy nhiên vẫn luôn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp trên một số lĩnh vực và địa bàn, đặc biệt là khu vực nông thôn, biên giới, vùng sâu, vùng xa...


Trung tuần tháng 6 vừa qua, lực lượng Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn cả nước đã có những hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống (16-6-1967 - 16-6-2017). Hòa  trong không khí chung của cán bộ chiến sĩ cả nước, cán bộ chiến sĩ phòng Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc (PV28) - Công an tỉnh Quảng Trị cũng vinh dự tự hào vì đã góp một phần công sức của mình vào thành công chung của toàn lực lượng, đồng thời góp phần giữ gìn sự bình yên trên mảnh đất Quảng Trị anh hùng.

Quảng Trị là một tỉnh thuộc duyên hải miền Trung, có 206km đường biên giới với Lào, với 2 cửa khẩu quốc tế và 4 cửa khẩu phụ. Những năm gần đây, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn cơ bản ổn định, tuy nhiên vẫn luôn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp trên một số lĩnh vực và địa bàn, đặc biệt là khu vực nông thôn, biên giới, vùng sâu, vùng xa...

Hoạt động của các loại tội phạm hình sự, ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông... còn diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Chính vì thế, công tác xây dựng, nhân rộng mô hình trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được Ban giám đốc công an tỉnh Quảng Trị cũng như lãnh đạo, cán bộ chiến sĩ phòng PV28 xác định là một trong những yếu tố quan trọng nhằm phục vụ tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn trong tình hình mới. Với các hình thức xã hội hóa công tác phòng ngừa, tự quản, tự phòng, tự bảo vệ được chú trọng đã mang lại nhiều hiệu quả thiệt thực và phát huy tác dụng to lớn trong đời sống.

Về với dân bản ở huyện Hướng Hóa, Quảng Trị.

Đồng chí Thượng tá Nguyễn Hồng Quân - Trưởng phòng PV28 Công an tỉnh Quảng Trị phấn khởi cho biết: "Trong giai đoạn từ năm 2006 đến 2016, công tác xây dựng, nhân rộng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã thu được nhiều kết quả đáng mừng. 

Trong 10 năm qua, lực lượng xây dựng phong trào đã vận động được các tầng lớp tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, vận động đối tượng truy nã ra đầu thú; tiếp nhận, quản lý, giáo dục, cảm hóa người lầm lỗi, người được đặc xá, người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng; giữ gìn trật tự an toàn giao thông; thu hồi vũ khí, vật liệu nổ; nâng cao kiến thức phòng cháy, chữa cháy trong nhân dân...

Đáng nói là, trong vòng 10 năm qua, quần chúng nhân dân đã cung cấp cho cơ quan công an gần 19.000 nguồn tin, trong đó có trên 15.000 nguồn tin có giá trị về an ninh - trật tự, giúp điều tra khám phá gần 2.500 vụ án hình sự, triệt phá 23 băng ổ nhóm tội phạm. Quần chúng nhân dân cũng đã giúp vận động 218 đối tượng vi phạm pháp luật, đối tượng truy nã ra đầu thú; tham gia giúp đỡ, giáo dục 6.500 đối tượng vi phạm pháp luật tại cộng đồng dân cư, trong đó nhiều đối tượng có tiến bộ, từ bỏ quá khứ lầm lỗi trở về với cuộc sống đời thường...".

Để công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đạt được những kết quả đáng khích lệ như trên, phải kể đến việc lực lượng xây dựng phong trào công an tỉnh Quảng Trị đã tham mưu, phối hợp công an các huyện, thị, đi đến tận cơ sở để làm tốt việc xây dựng, nhân rộng các mô hình điển hình trong phong trào.

Bởi lẽ, cán bộ lãnh đạo cũng như các đồng chí trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực này đều xác định được rằng, để phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn tỉnh phát triển và thực sự đi vào chiều sâu, gắn với thực tiễn, thì đòi hỏi các mô hình ấy phải phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng địa bàn, từng cụm dân cư...

Chính vì thế, trong 10 năm qua, công tác nghiên cứ, khảo sát, đánh giá tình hình, phát hiện, lựa chọn mô hình cho phù hợp với đặc điểm tình hình của từng địa bàn, từng lĩnh vực đã luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, chỉ đạo thường xuyên. Lực lượng công an từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung nghiên cứu, khảo sát đánh giá tình hình để kịp thời tham mưu cho cấp có thẩm quyền quyết định thành lập, ban hành quy chế làm việc để mô hình hoạt động có hiệu quả.

Theo đó có các mô hình như: Tổ tự quản, tổ hòa giải, dòng họ không có người vi phạm pháp luật, khu dân cư không có tội phạm và tệ nạn xã hội; Xứ họ đạo an toàn, niệm phật đường kiểu mẫu (tại các vùng có đông đồng bào theo đạo); Trường học không có tội phạm và tệ nạn ma túy, Thanh niên xung kích, khu nội trú sinh viên an toàn, văn minh không có tội phạm và tệ nạn xã hội...

Trong các mô hình đã kể trên, mô hình "Khu dân cư không có tội phạm và tệ nạn xã hội" được phát động xây dựng đầu tiên tại làng Duy Phiên - xã Triệu Phước - huyện Triệu Phong sau đó được phát triển và nhân ra toàn tỉnh. Nhiều địa phương đã vận dụng một cách sáng tạo vào thực tiễn của địa phương mình, mang lại hiệu quả cao như Công an thành phố Đông Hà, một số xã tuyến đường 9 của huyện Hướng Hóa hay xã Tà Rụt của huyện Đakrông và một số xã của huyện Triệu Phong.

Bên cạnh đó, mô hình "Dòng họ không có người vi phạm pháp luật" là một hình thức mới trong công tác vận động quần chúng tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở nhưng lại đem lại hiệu quả cao. Mô hình này nhằm khơi dậy những nhân tố tích cực và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dòng họ, làng xã vào công tác giữ gìn an ninh trật tự tại cộng đồng.

Công an Vĩnh Linh lắng nghe ý kiến nhân dân.

Đặc biệt, với mô hình này các địa phương trên địa bàn đã phát huy tốt vai trò của các vị trưởng tộc, trưởng chi, hội đồng gia tộc vào việc tuyên truyền, vận động các thành viên trong dòng họ cùng tham gia, giải quyết kịp thời những tiêu cực, mâu thuẫn phát sinh ngay từ trong mỗi gia đình, dòng họ.

Thông qua hội đồng gia tộc của các dòng họ đã đề ra quy ước, nội dung hoạt động của mô hình, trong đó gắn việc với việc đảm bảo an sinh xã hội trong dòng họ như khuyến học, khuyến tài, xóa đói giảm nghèo với công tác đảm bảo an ninh trật tự trong dòng họ; đặt ra các hình thức răn đe, giáo dục con cháu không vi phạm pháp luật đi liền với chế độ khen thưởng con cháu làm được nhiều việc tốt liên quan đến an ninh trật tự.

Đáng mừng là, hiện nay mô hình này đã được nhân rộng ra 31 dòng họ trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó tập trung ở các địa bàn như Đông Hà, Gio Linh, Triệu Phong, Đakrông. Điển hình như phường Đông Thanh - TP. Đông Hà với 9/12 dòng họ xây dựng được mô hình này.

Theo Thượng tá Nguyễn Hồng Quân, trong số các mô hình đã áp dụng thành công trong hoạt động xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phải kể đến mô hình "Xứ họ đạo an toàn - Niệm Phật đường kiểu mẫu" tại các vùng có đồng bào theo đạo. Thông qua mô hình này đã góp phần tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức, trách nhiệm công dân của các chức sắc, chức việc và quần chúng tín đồ trong việc giữ gìn an ninh trật tự và phát triển kinh tế - văn hóa ở địa phương có đông đồng bào theo đạo như các xã Triệu An, Triệu Đại, Triệu Hòa, Triệu Thuận (huyện Triệu Phong)...

Là địa phương có 75km bờ biển, việc xây dựng được mô hình "Tổ tự quản bảo vệ tài sản tàu thuyền, bến bãi tại các xã miền biển" ở Quảng Trị đã đem lại những hiệu quả tích cực. Các tổ tự quản này đã tự nguyện tổ chức tuần tra luân phiên 24/24h mỗi ngày, kịp thời giúp nhau bảo vệ tài sản, thôn xóm bình yên và tương trợ, cứu hộ nhau trên biển, sẵn sàng phối hợp với lực lượng chức năng đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo và ngư trường khi bị xâm hại.

Mô hình này xuất phát từ tình trạng mất cắp ngư lưới cụ, máy móc, phá hoại tàu thuyền của bà con ngư dân tại các bãi ngang ven biển, nhất là tình trạng tàu thuyền Trung Quốc đã có hành động rượt đuổi, phá hoại ngư lưới cụ của ngư dân trong quá trình đánh bắt ở vùng biển Việt Nam.

Được xây dựng đầu tiên tại huyện Gio Linh, đến nay mô hình đã nhân rộng thành 30 tổ tự quản khắp tuyến biển. Trong đó, "Tổ tự quản tàu thuyền, bến bãi an ninh trật tự" thuộc thôn Mỹ Thủy, xã Hải An, huyện Hải Lăng hoạt động rất hiệu quả. Nhiều lần, tổ tự quản đã không quản ngại sóng to gió cả cứu giúp, lai dắt thành công các tàu thuyền bị nạn và cứu hộ các thuyền viên vào bờ an toàn.

 Cùng với sự hỗ trợ của các lực lượng công an, biên phòng và chính quyền địa phương, những mô hình tiêu biểu trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc kể trên đã góp phần không nhỏ vào việc đảm bảo an ninh trật tự trên đất liền và trên biển,  đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Nguyệt Hà
.
.