Si Ma Cai mùa hoa đào khoe sắc

Thứ Năm, 21/01/2016, 08:25
Mùa này, cảnh vật nơi vùng biên Si Ma Cai (Lào Cai) đẹp thay. Nơi phía đỉnh đèo Lử Thẩn, mặt trời ló rạng. Ánh mình minh ngày mới lẫn với sắc thắm của những cánh đào rừng, bất giác tựa cô gái bản người Mông vận chiếc váy rực rỡ sắc màu hân hoan xuống chợ phiên. Hôm nay, chị Ly Thị Pao cùng người thân cảm thấy phấn khởi hơn khi có các cán bộ Công an "cắm bản" xuống phụ giúp gia đình đơm thóc, xếp ngô vào bị để đợi đón một mùa xuân mới...


Ăn tạm bữa cơm sáng, chị Pao cùng cậu con trai Sùng Seo Hải tranh thủ đóng thóc, ngô vào bị rồi chuyển lên căn gác của ngôi nhà trình tường. Đối với bà con người Mông, ngôi nhà trình tường vừa là nét văn hóa cư ngụ, và cũng là nơi để tránh rét, tránh sương nơi vùng cao Si Ma Cai. Nhà trình tường có những đặc điểm riêng của mình. Mùa hè mát, còn mùa đông thì ấm áp.

Để bảo quản lương thực, thực phẩm, bà con Nàn Sán thường dựng một căn gác, rồi sau đó chất thóc, chất ngô lên. Hôm nay, trong gia đình chị Pao, không khí đón xuân càng trở nên rộn rã hơn khi có các cán bộ Công an, Đồn Biên phòng "cắm bản" Si Ma Cai xuống phụ giúp gia đình chuẩn bị vui xuân, đón Tết.

Cán bộ Công an, Bộ đội biên phòng "cắm bản" Si Ma Cai, ba cùng với bà con dân bản.

Với Trung úy Giàng Seo Chư, cán bộ Đội Công an xây dựng phong trào và Phụ trách xã về An ninh trật tự (gọi tắt là Đội Công an phụ trách xã), Thượng sĩ Giàng A Sài, Đội An ninh (Công an huyện Si Ma Cai) thì việc xuống các bản làng, giúp bà con chuẩn bị đón Tết đã trở thành chuyện "cơm bữa", nhất là mỗi độ xuân về.

Trung úy Giàng Seo Chư bảo rằng, do đặc điểm tâm lý và công việc thường ngày phải đi làm nương, luôn mong chờ dịp xuân đến để các thành viên trong gia đình sum tụ, chúc tụng nhau, nên việc tăng cường xuống cơ sở, vừa giúp bà con chuẩn bị Tết, vừa tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật là công việc thường nhật của mỗi cán bộ Công an "cắm bản". Hai giờ trôi qua, hơn chục bao thóc, ngô, mỗi bao nặng đến 6-7 tạ được xếp ngay ngắn trên căn gác xép. Trên khuôn mặt của các thành viên tham gia bốc, xếp hôm nay, ai cũng ánh lên niềm vui. "Đến Tết là mình lại chung vui với dòng họ, với dân bản thôi. Tết vui lắm, cán bộ ạ!", chị Pao hồ hởi.

Hôm chúng tôi đến bản Sảng Chải 3 cũng là lúc mà trong ngôi nhà của Trưởng bản Sùng Seo Chá, cô con gái Sùng Seo Xuân và đám bạn cùng lứa đang diện bộ quần áo sặc sỡ sắc màu, hăng say luyện tập điệu xòe. Theo tập tục của bà con người Mông Nàn Sán nói riêng và đồng bào các dân tộc khác ở Si Ma Cai nói chung, trong dịp Tết, các câu hát giao duyên, điệu xòe, đánh én luôn là thú vui không thể thiếu được của giới trẻ.

Bên cạnh đó, để năm mới được sum vầy, bà con nơi đây luôn có thói quen mổ lợn. Nhà được mùa thì mỗi gia đình mổ một con lợn. Còn nhà nào không có điều kiện thì 2-3 nhà cùng chung nhau mổ một con lợn. 26 hoặc 27 Tết là thời gian mà bà con thường mổ lợn hơn cả. Theo lời Trung úy Giàng Seo Chư người đã có hơn 2 năm ăn Tết cùng bà con Nàn Sán - trong mấy ngày Tết, dù có uống nhiều rượu, thế nhưng người Mông rất kiêng kỵ việc để xảy ra mâu thuẫn. Lẽ vì theo suy nghĩ của bà con, đây chính là điềm xấu trong năm mới.

Ở Nàn Sán - xã có hơn 3km đường biên của huyện Si Ma Cai mặc dù chưa xây dựng mới theo dự án, nhưng cảnh quan, cách bố trí phòng làm việc ở đây khá sạch sẽ. Biểu ngữ, băng rôn đã sẵn sàng cho một mùa xuân mới. Bàn làm việc của anh Trẩn Văn Kình - Chủ tịch UBND xã có khá nhiều sổ sách, tài liệu. Anh Trẩn Văn Kình nói về tâm lý, đặc điểm dân cư, không khí đón xuân mới trên địa bàn mình với những đổi mới đáng ghi nhận.

Xã Nàn Sán có 13 thôn bản với 670 hộ dân, chủ yếu là đồng bào các dân tộc Mông, Nùng, La Chí… trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự góp mặt của các cán bộ Công an "cắm bản" Si Ma Cai, nên năm nào cũng vậy, dịp Tết Nguyên đán là thời điểm mà bà con sum tụm, vui mừng hơn bao giờ hết.

Si Ma Cai là huyện vùng cao biên giới, nằm ở cực Bắc của tỉnh Lào Cai. Địa hình hiểm trở thêm vào đó thời tiết khắc nghiệt. Vào những ngày giá rét, nhiệt độ nơi đây luôn thấp hơn so với các vùng khác từ 5-7 độ C. Cuộc sống của bà con gặp nhiều khó khăn.

Được sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp chính quyền, so với những năm trước, hiện ở 13 xã Si Ma Cai đã có những đổi thay đáng kể. Nếu trước đây, để đặt chân lên Si Ma Cai phải mất cả ngày đi đường thì giờ đây, khi đi trên con đường tỉnh lộ 153 được trải thảm nhựa, những khúc "cua tay áo" đã được "hạ" độ cao, khiến khách vãng lai như chúng tôi cảm thấy yên tâm hơn. Cái cảm giác "gai" người khi phía trước con đường, bất thình lình ập xuống một tảng đá, đống đất đã không còn.

Đứng trên đỉnh đèo Lử Thẩn phóng tầm mắt về phía xa, trong làn sương muối bập bềnh là những con đường liên thôn - bản được bê tông hóa vắt ngang các quả núi, vạt đồi tựa dải khăn lụa được cô gái Mông hờ hững, làm dáng bỏ quên nơi chợ phiên ngày xuân lúc nào.

Tất bật chuẩn bị đồ dùng cá nhân để "chia tay" đơn vị vào đón Tết cùng bà con xã Sán Chải, Thiếu tá Quách Ngọc Ánh, cán bộ Đội Công an phụ trách xã (Công an huyện Si Ma Cai) đã cho chúng tôi hiểu thêm phần nào về con người anh, người đã gắn chặt gần nửa cuộc đời "binh nghiệp" của mình với núi rừng Si Ma Cai.

Không phải là người bản xứ, song khi nghe anh giới thiệu về địa hình, phong tục tập quán của 15 thành phần dân tộc sinh sống nơi đây, chúng tôi thấy thật khâm phục. Anh sử dụng cùng lúc hai thứ tiếng Mông và tiếng phổ thông, giúp chúng tôi hiểu về tập tục đón xuân mới của bà con người Mông bản xứ. Nghe qua, ít ai nghĩ rằng, anh sinh ra và lớn lên trên quê hương Thái Bình.

Cán bộ Công an huyện Si Ma Cai thăm hỏi, chúc Tết bà con xã Nàn Sán.

Năm 1999, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân, anh được phân về Công an huyện Si Ma Cai công tác. Những ngày đầu, khi mới lên đây, anh cảm thấy nhớ nhà, nhớ người thân. Thế nhưng, càng về sau, công việc đã khiến anh cảm thấy gắn chặt với Si Ma Cai hơn bao giờ hết. Đến năm 2003, anh quyết định lấy vợ và định cư trên mảnh đất này.

"Niềm vui lớn nhất của mình đó chính là được gần dân. Được chứng kiến hình ảnh bà con sum vầy bên bếp lửa, nâng chén rượu ngô chúc nhau bằng tiếng Mông: "Phỏng sung cha mua đàng, mua dù" (chúc năm mới mạnh khỏe - PV) mỗi độ xuân về vậy, Thiếu tá Quách Ngọc Ánh chia sẻ.

Chính bởi sự gần gũi, bám bán, bám dân, thời gian qua, các cán bộ Công an "cắm bản" Si Ma Cai đã giúp nhiều trường hợp (chủ yếu là người Mông) tránh được sự lôi kéo, xúi giục, tuyên truyền đạo trái phép của kẻ xấu, đón Tết trong niềm hân hoan và an lành. Đã gần 25 năm gắn liền với các thôn bản Si Ma Cai, thế nhưng khi nhắc đến sự vụ của ông Giàng A Nhà (người Mông) ở xã Nàn Sán, Trung tá Ma Seo Ký, Đội trưởng Đội Công an phụ trách xã vẫn nhớ như in.

Lần ấy, vào cuối năm 2013, hay tin ông Nhà sau một thời gian nghe theo kẻ xấu đi khỏi nhà đã trở về bản. Tại đây, ông Nhà đã truyền bá cái gọi là "thế lực siêu nhiên". Trước sự việc trên, anh đã báo cáo Ban Chỉ huy Công an huyện, đồng thời xuống địa bàn cùng Ban điều hành "dòng họ Giàng", chính quyền địa phương tuyên truyền để ông Nhà hiểu rõ bản chất sự lừa phỉnh của các thế lực thù địch.

Nhờ sự phân tích kịp thời trên, ông Nhà đã nhận thức rõ việc làm trên là sai trái. Ngay sau đó, ông lại cùng người thân lên nương, làm ruộng, không tin, nghe theo kẻ xấu lôi kéo nữa. Để rồi, trong hôm nâng chén rượu ngô mừng đón xuân mới năm ấy, ông Nhà đã phải thốt lên: "Giàng A Nhà xin lỗi cán bộ, xin lỗi cả họ, mình đã hạ uy tín của dòng họ…".

Năm cũ qua, năm mới lại đến. Trên các vạt rừng Si Ma Cai, hoa đào đua sắc thắm. Dưới chợ phiên, những điệu xèo, những cuộc "đánh én" cứ thế nối nhau. Bên bếp lửa ửng hồng, vợ chồng chị Ly Thị Pao vẫn say sưa kể cho nhau nghe câu chuyện về anh Công an "cắm bản" xuống bản, đón Tết cùng bà con. Nhiệm vụ của người chiến sĩ CAND nói chung và Công an huyện Si Ma Cai nói riêng là thế. Vẫn miệt mài, thầm lặng những chiến công vì sắc xuân ấm áp nơi các chòm bản.

Thượng tá Nguyễn Xuân Hội, Phó trưởng Công an huyện Si Ma Cai chia sẻ, Si Ma Cai là địa bàn vùng cao biên gới, thuộc diện đặc biệt khó khăn. Toàn huyện có 13 xã, 98 thôn bản, với 15 dân tộc. Địa hình bị chia cắt mạnh, núi đá hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt; đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế. Do đó, việc tăng cường Công an "cắm bản" vui xuân, đón Tết cùng bà con, qua đó góp thêm yên bình nơi mảnh đất vùng biên luôn được Công an huyện chú trọng triển khai. Hằng năm, tổ chức "Tết chung" cho tập thể cán bộ chiến sĩ tại đơn vị (26 Tết xong), các cán bộ Công an "cắm bản" đều được tăng cường xuống địa bàn, đón Tết cùng bà con.
Trần Huy
.
.