Quân và dân Hà Tĩnh: Trái tim hướng phía rừng đau

Thứ Năm, 04/07/2019, 08:12
Có mặt tại Hà Tĩnh những ngày Hà Tĩnh sục sôi với "giặc lửa", tôi được tiếp xúc với những cán bộ, chiến sỹ Công an Hà Tĩnh. Công an tỉnh Hà Tĩnh đã huy động toàn lực để cứu rừng, đặc biệt là lực lượng phòng cháy chữa cháy. Phía sau người lính phòng cháy chữa cháy chính là quê hương của họ, là ngôi nhà, là Đất và Người. 


"núi hồng không đứng đó
sông lam xanh cũng thừa"

(Xuân Hoài)

Có lẽ hiếm có vụ cháy rừng (hằng năm vốn không thiếu ở nước ta) lại nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội như vụ cháy rừng Hồng Lĩnh những ngày cuối tháng 6 vừa qua trên địa bàn huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Bởi Hồng Lĩnh từ lâu đã trở thành biểu tựợng của sức sống, của văn hóa Hà Tĩnh, "Núi Hồng - sông Lam" từ lâu đã là một giá trị của tâm thức, không riêng của xứ Nghệ.

Đêm 29-6, tôi nằm trên xe của Hãng Văn Minh về Hà Tĩnh. 3h30 sáng đến địa bàn thành phố Vinh tiếng còi ưu tiên của xe cứu hỏa, xé màn đêm lao về phía cầu Bến Thủy. Cháy núi Hồng Lĩnh, lúc ấy tôi chỉ mới biết như thế, chưa biết cháy ở đâu. Một cảm giác lo âu và sợ hãi. Con đường quốc lộ 1 phía Nam cầu Bến Thủy bị phong tỏa, ngay bùng binh giao cắt lối lên cầu Bến Thủy 2. Lửa đã cháy từ phía Xuân An.

Khi khai thiên lập địa, Hồng Lĩnh có 99 đỉnh núi, không đủ cho 100 con phượng hoàng đỗ, nên bầy chim đã bay đi, vì thế các vua Hùng không chọn nơi đây làm kinh đô cho nước Văn Lang. "Hồng Sơn cao ngất mấy trùng"- thơ Nguyễn Du.

Trong 99 đỉnh có một đỉnh gọi là Ngọn Sư Tử, tuyệt tác linh thiêng được xếp vào danh sách 21 danh thắng của nước Nam khi xưa và được coi là biểu tượng thiên nhiên của Việt Nam từ đời Minh Mạng. Trải qua biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử, núi Hồng Lĩnh cùng với dòng sông Lam là hình ảnh đã đi vào nhiều bài ca bất hủ và trở thành biểu tượng của một vùng văn hóa tâm linh lâu đời.

"Bao giờ ngàn Hống hết cây, sông Lam hết nước thì đó với đây mới hết tình" (Ca dao). Thế nhưng, ngọn lửa từ sự bất cẩn của một người đốt rác đã xảy ra, gây lo lắng không chỉ cho Hà Tĩnh, con em Hà Tĩnh.

Các chiến sĩ PCCC Công an tỉnh Hà Tĩnh chiến đấu với “giặc lửa” trên rừng phòng hộ Hồng Lĩnh.

Cháy vào "biểu tượng", có xa xót nào hơn thế. Phải cứu lấy màu xanh Hồng Lĩnh không còn là nhiệm vụ riêng của những người lính phòng cháy chữa cháy Công an Hà Tĩnh, lực lượng Quân sự của Quân đội tỉnh Hà Tĩnh tăng cường… nữa. Mệnh lệnh thúc hối từ trái tim của mỗi người dân Hà Tĩnh. Có thể đó chỉ là những lời nguyện cầu của con em Hà Tĩnh xa quê, những người đã "trót yêu", "lỡ yêu" Hà Tĩnh.

Phía bên này bờ Bến Thủy nóng ruột, phía bên kia Bến Thủy nóng ruột không kém. Phó Bí thư Huyện ủy Can Lộc Đặng Trần Phong nói với tôi: "Cháy ở phía Nghi Xuân, chưa lan sang mạn rừng phía thị xã Hồng Lĩnh, Can Lộc nhưng đứng ngồi không yên. Cả một tháng nay Hà Tĩnh nóng khốc liệt, chưa năm nào nắng kéo dài như thế". Công an các huyện trong tỉnh trên tinh thần ứng trực tăng cường cho Nghi Xuân, Hồng Lĩnh khi tình huống xảy ra.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Sách, cháu ruột của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo từ Diễn Châu bươn bả trong đêm chạy vào với Hồng Lĩnh. Bộ đồ Flycam của anh giá trị gần 50 triệu, quay cảnh cháy rừng đầy rủi ro nhưng bằng tất cả cố gắng anh đã "chuyển tải" những hình ảnh đau xót lên mạng xã hội. Những cảnh quay của anh có giá trị hướng tâm về Hồng Lĩnh, thức tỉnh trách nhiệm và tình người đối với rừng.

Có mặt tại Hà Tĩnh những ngày Hà Tĩnh sục sôi với "giặc lửa", tôi được tiếp xúc với những cán bộ, chiến sỹ Công an Hà Tĩnh. Công an tỉnh Hà Tĩnh đã huy động toàn lực để cứu rừng, đặc biệt là lực lượng phòng cháy chữa cháy. Phía sau người lính phòng cháy chữa cháy chính là quê hương của họ, là ngôi nhà, là Đất và Người. 

Những nhà dân dưới chân núi Hồng Lĩnh thuộc địa phận thị trấn Xuân An được lực lượng phòng cháy chữa cháy sơ tán khẩn cấp. Sau khi đưa người già, trẻ em đến nơi an toàn, những người lính công an lại quay trở về cùng những đồng đội mình ngày đêm túc trực ở rừng để dập "giặc lửa". Nhiều mẹ già không chỉ trên đất Hà Tĩnh mà cả bên phía Nghệ An lo lắng những nắm xôi, bánh mỳ, nước uống, khăn lau mồ hôi… tiếp ứng cho người lính cứu hỏa phía trước.

Người miền Trung có câu ví giặm: "Rằng qua cơn hoạn nạn mới hiểu tận lòng nhau…". Chỉ trong hoàn cảnh như rừng Hồng Lĩnh bị cháy, mới thấm thía một cách sâu sắc hơn tình non nước, nghĩa đồng bào. Người Hà Tĩnh nín thở với "nhịp đập" Hồng Lĩnh, chưa bao giờ họ mong mưa như những ngày một góc Hồng Lĩnh bị cháy. Dẫu nắng hạn gần một tháng giếng đã cạn, ruộng đã bong đất gan gà. Mong đến cháy lòng, thổn thức cùng Hồng Lĩnh.

Đám cháy "cứng đầu" thử thách con người, được dập, bùng phát… đến 4 lần. Trung úy Nguyễn Hữu Dũng, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy công an Hà Tĩnh, tâm sự: "Thảm bì thực vật quá dày, hơi nóng, sức tàn phá của lửa như nung nóng từng lớp bề mặt đất rừng. Anh em ở các mũi sau khi dập tắt lửa ngả lưng ngay tại chỗ để ứng trực xử lý". "Chưa bao giờ anh em xung trận với quyết tâm, sự quả cảm với tình cảm thiêng liêng như lần này", gạt giọt mồ hôi trên trán giữa trời oi như chưa bao giờ được oi, trung úy Dũng cởi lòng.

11h ngày 30-6, đường quốc lộ 1 qua địa bàn huyện Nghi Xuân nối với thị xã Hồng Lĩnh đã trở lại hoạt động bình thường.

"2h sáng, ngày 29-6-2019! Một ngày mệt nhoài, dài đằng đẵng!

Cả một tháng trời nắng nóng, đất Hà Tĩnh chẳng thấm được mấy giọt nước mưa! Nắng nóng đến mức núi rừng các huyện tỉnh Hà Tĩnh cháy liên tục, một ngày nhận dăm bảy tin báo cháy, lượt xuất xe... cứ đều đều như vậy! Trong ngày, nhìn hình ảnh cháy rừng ở Nghi xuân, Can Lộc, Hương Sơn... khiến người ta xót xa tột độ!

Tôi thấy dần quen với những bữa cơm nguội lạnh, dọn dở. Các anh dũng cảm xông vào đám cháy mà chẳng nao núng nhưng cái cảm giác lo lắng nhìn xe khuất dần sau cánh cổng dẫu đã quen, nhưng mà thật đáng sợ. Chẳng thốt nên lời, che giấu những lắng lo, vợ con người thân ở nhà bụng dạ chẳng thể nào yên nổi, chỉ một lòng cầu mong mọi chuyện sẽ ổn!

Đi suốt buổi chiều tới đêm muộn, lần này đám cháy cứ tàn độc mà lớn mãi, lan rộng. Anh em, quyết chí thay nhau diệt lửa! Nóng, khói khi độc, hiểm nguy cũng chẳng làm các anh nản chí. Ngày xưa cha ông đánh trận, bây giờ nhìn hình ảnh các anh xông pha nơi biển lửa, tôi tin chẳng phải mình tôi mà nhiều người, rất tự hào, cảm phục vô cùng!

Từ đầu chiều tới đêm muộn, gần 01h00, anh em mới về. Đám cháy được khống chế và dập tắt. Nhìn những khuôn mặt lấm lem, những vệt to nhỏ đen sỳ trên mặt, người nồng mùi khói đượm, quần áo ướt sũng, rũ rượi, mệt mỏi, Bụng đói lả. Ai nấy lấy nốt chút sức lực còn lại, bỏ vào xe những thứ cần thiết trên xe để đảm bảo thường trực chiến đấu, lỡ sự cố xảy ra là anh em lại lao đi luôn! "Từ khi nhỏ tới giờ ngán xôi tận cổ vậy mà đêm nay, bà con đưa cho nắm xôi bé tẹo, ăn thấy ngon như chưa khi mô được ăn"; "Mỳ tôm răng mà ngon rứa"… Những câu nói lạc giọng của đồng đội như nhói vào lòng. Thương lắm đồng đội của tôi!

Tự hào là người Cảnh sát phòng cháy  chữa cháy".

Đây là dòng nhật ký của thiếu úy Lê Ngọc Mai, Đội Phòng cháy chữa cháy Hồng Lĩnh của Công an tỉnh Hà Tĩnh. Tôi gặp Mai trưa ngày 01-7. Trên khuôn mặt của nữ thiếu úy mới 22 tuổi này còn chưa hết thảng thốt. Không ra đối diện với "giặc lửa", Lê Ngọc Mai là nhân viên được giao nhiệm vụ trực thông tin, bảo đảm kết nối, hậu cần cho đồng đội. "Ba ngày xảy ra vụ cháy rừng, khi đồng đội lên xe, tâm trạng của Mai như thế nào", tôi hỏi nữ thiếu úy. "Lo lắng, trái tim mình gần như để phía lửa", cặp mắt đong đầy cảm xúc, Mai trả lời tôi.

Khi tôi vào thăm đơn vị phòng cháy của Công an Hà Tĩnh, trưa ngày 01-7 thì anh em đã vùi vào giấc ngủ sau những ngày căng thẳng. Chỉ còn một số anh em thức: trung úy Hoàng Giang, trung úy Nguyễn Hữu Dũng, thiếu úy Lê Ngọc Mai và thượng sỹ Nguyễn Duy Hợi đón tôi. Cùng với rất nhiều lực lượng khác, họ rất vui vì đã được tham gia chữa cháy đám cháy chưa từng xảy ra đối với Hồng Lĩnh.

Khi tôi vừa từ ở thực địa về viết những dòng cuối của bài báo này thì nhà văn Phan Trung Hiếu, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Hà Tĩnh đang "lọ mọ" tuyển tiếp những bài thơ của các nhà thơ, tác giả không chuyên trên khắp cả nước viết về vụ cháy Hồng Lĩnh. Ngay khi ngọn lửa đang cháy, anh đã cho xuất bản trên Trang Thông tin điện tử của Hội nhiều bài thơ của các nhà thơ trong cả nước. Có lẽ, chưa có vụ cháy nào gây xúc động mạnh đối với trái tim nhiều thi sỹ như nó đã xảy ra. Đơn giản vì "Núi Hồng không đứng đó. Sông Lam xanh cũng thừa", như nhà thơ Xuân Hoài đã viết.

Đậu Hoài Thanh

NGHI XUÂN ƠI!

Ai đốt cháy lòng tôi ngày Hạ. 
Để xót xa sâu thẳm trong tim. 
Khói lửa ngút trời quê mẹ Nghi Xuân.
Như bỗng thấy trái tim mình bỏng rát.

Núi Hồng cháy cả đất trời ngơ ngác. 
Ngọn lửa hung tàn thổi dọc miền Trung. 
Dòng sông Lam sóng đỏ rực bầu trời. 
Rừng trơ trụi tro tàn cuốn theo gió.

Trời giận chi miền Trung tôi đó. 
Lũ lụt trắng đồng tang trắng mùa mưa.
Nắng hạn xé đồng, gió núi hanh khô. 
Giờ lửa cháy chỉ thương rừng lầm lũi.
Trong gian nguy Nghi Xuân ơi có phải. 
Ta tựa vào câu ví giặm vượt lên. 
Lửa tàn rồi đất mẹ lại bình yên.
Rèn đúc nên những con người gang thép.

Núi Hồng cháy đỉnh cao càng rực đỏ. 
Ngọn đuốc năm nao rọi sáng sông Lam. 
Rồi ngày mai mưa gió lên ngàn. 
Rừng thông xanh lại hoà reo khúc hát
Ai đi mô...

1-7-2019

PV
.
.