Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Quảng Ninh:

Quả đấm thép của Công an Vùng Mỏ

Thứ Năm, 05/05/2016, 16:07
Ngày 18-4-2016 đánh dấu chặng đường 70 năm hình thành và phát triển của lực lượng Cảnh sát Hình sự. Cùng với Cảnh sát Hình sự cả nước, 70 năm qua, trong bất cứ, điều kiện, hoàn cảnh nào, các thế hệ cán bộ chiến sỹ Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Quảng Ninh luôn làm tốt công tác phòng ngừa, điều tra xử lý tội phạm, khẳng định vai trò là một trong những lực lượng nòng cốt, xung kích trên mặt trận đấu tranh bảo vệ và giữ gìn an ninh trật tự, xứng danh "quả đấm thép" của Công an Vùng Mỏ.


1.  Sau Hiệp định Geneve (1954), Pháp rút hết quân đội ở miền Bắc, tình hình an ninh trật tự ở Hồng Quảng và Hải Ninh (nay là tỉnh Quảng Ninh) vẫn rất phức tạp. Những tàn dư của chế độ cũ để lại: tệ trộm cắp, cướp bóc, nghiện hút… khiến xã hội trở nên bất ổn.

Trước yêu cầu giải quyết các vấn đề trên, năm 1955, Đội Hình cảnh (tiền thân của lực lượng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Quảng Ninh ngày nay) ra đời. Năm 1974, phòng Cảnh sát hình sự, Công an Quảng Ninh được thành lập, thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng ngừa, đấu tranh chống các loại tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội.

Từ năm 1954 đến 1964, dù phải đối diện với bộn bề khó khăn thách thức, song lực lượng Công an Hồng Quảng và Hải Ninh vừa đẩy mạnh công cuộc đấu tranh trấn áp bọn phản cách mạng và bọn tội phạm, vừa tăng cường công tác bảo vệ vật tư, tài sản, ngăn chặn các hoạt động trộm cắp, tệ nạn xã hội. Điển hình như năm 1957 mở đợt đấu tranh chống tội phạm hình sự trên tuyến biển, xử lý hơn 30 vụ việc, thu nhiều tang vật liên quan, khám phá gần 30 vụ trộm cắp trên sông. Từ năm 1954 đến 1963, đã điều tra làm rõ các vụ giết người chưa rõ thủ phạm tại Quảng Yên, Vân Đồn, Hòn Gai...

Tháng 10 năm 1963, khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh hợp nhất thành tỉnh Quảng Ninh. Đến tháng 1 năm 1964, Sở Công an Hồng Quảng và Ty Công an Quảng Ninh hợp nhất thành Ty Công an Quảng Ninh. Trong 6 phòng của Ty Công an Quảng Ninh có Phòng Cảnh sát, gồm Đội Hình cảnh, biên chế 25 cán bộ, chiến sỹ và một số đội nghiệp vụ khác. Năm 1974, Ty Công an Quảng Ninh tách phòng Cảnh sát thành 2 phòng là Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và Phòng Cảnh sát Hình sự.

Đầu những năm 80 nổi lên trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là tình trạng kích động người trốn đi nước ngoài; số thoái hóa biến chất và tội phạm hình sự lợi dụng hoàn cảnh trộm cướp tài sản của nhà nước, của nhân dân, ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình trật tự trị an.

Cán bộ, chiến sỹ Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Quảng Ninh họp bàn một chuyên án.

Nói đến tội phạm hình sự vùng Đông Bắc thời kỳ đó là nói đến cướp có vũ khí trên tuyến biển và trong các khai trường khai thác mỏ ở Quảng Ninh. Cảnh sát Hình sự đã khám phá nhiều vụ án gây tiếng vang trong nhân dân như vụ Hùng "hề", Cẩm "Thi" ở Cẩm Phả; tiêu diệt nhóm cướp "Đông, Động, Tú" gồm các đối tượng ở Thuỷ Nguyên (Hải Phòng) và Yên Hưng (Quảng Ninh) hoạt động manh động có vụ khí, gây ra hàng loạt vụ cướp ở Hải Phòng và Quảng Ninh vào năm 1984; điều tra nhóm cướp trên vùng biển huyện Yên Hưng năm 1986…

Trong chuyên án truy bắt toán cướp có vũ khí do Vũ Văn Thắng ở Cẩm Tây (Cẩm Phả) và Đoàn Mạch Long, ở Cao Thắng (TP Hạ Long) cầm đầu,  đồng chí Đặng Anh Tuấn, Công an thị xã Cẩm Phả đã bị đối tượng Thắng chống trả, bắn trọng thương và hy sinh.

Từ năm 1996 đến nay, hoạt động của các loại tội phạm ngày càng đa dạng, có sự đan xen giữa tội phạm hình sự, tội phạm kinh tế, tội phạm ma túy và sự câu kết giữa các nhóm tội phạm trong nước và nước ngoài. Phòng Cảnh sát Hình sư đã chủ động tập trung đấu tranh, xử lý triệt để với các loại tội phạm hình sự nguy hiểm, tội phạm có tổ chức, kiềm chế tình hình tội phạm trên địa bàn; triệt phá nhiều băng nhóm, đường dây hoạt động phạm tội gây mất ổn định tình hình và tạo dư luận bức xúc trong nhân dân.

Vừa thực hiện công tác phòng ngừa và trực tiếp chiến đấu, phòng đã tham mưu cho Ban giám đốc Công an tỉnh triển khai hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc đối với công an các đơn vị, địa phương, làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, đặc biệt là công tác sưu tra, xác minh hiềm nghi, xác minh truy bắt các đối tượng truy nã. Đối với công tác phòng chống tội phạm, tổ chức chỉ đạo các chuyên án lớn, đặc biệt là các vụ trọng án và luôn là đơn vị chủ yếu trong việc lập án tổ chức xác minh, truy bắt đối tượng. Nhiều vụ án liên tuyến, liên tỉnh, thậm chí có những vụ án mà đối tượng hoạt động trên nhiều địa bàn, nhiều tỉnh trong nước và đối tượng sử dụng vũ khí, hoạt động liều lĩnh, trắng trợn, kéo dài đã bị triệt phá.

Tháng 7-1998, phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Quảng Ninh vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

2. Những năm gần đây, tội phạm hình sự ở Quảng Ninh đã nhen nhóm hình thành các băng, nhóm tội phạm hình sự hoạt động núp bóng các doanh nghiệp hoạt động kinh tế, nhất là trong lĩnh vực khai thác, kinh doanh khoáng sản, thương mại, dịch vụ xuất nhập khẩu tại địa bàn cửa khẩu. Trong quá trình hoạt động phạm tội, do mâu thuẫn tranh giành địa bàn, thị phần hoạt động, giữa các băng nhóm đã xảy ra những vụ thanh toán với những phương thức hết sức manh động, nguy hiểm, gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Còn nhớ, tháng 5-2009, do mâu thuẫn tranh chấp "bảo kê" bến bãi ở Lục Chắn, Nguyễn Tiến Phương (Phương "Linh Hột") đã chỉ đạo đàn em đánh chết các anh Lê Văn Điệp (ở xã Minh Thành, Yên Hưng); Nguyễn Văn Sỹ (ở phường Trại Cau, Lê Chân, Hải Phòng) rồi mang ra nước ngoài phi tang xác. Phương vốn là Giám đốc Công ty TNHH Quang Phát có trụ sở tại TP Móng Cái, được mệnh danh là "ông trùm" cầm đầu một băng nhóm chuyên bảo kê bến bãi và nhiều hoạt động kinh tế "đen" khác ở khu vực Móng Cái.

Không để băng nhóm của Phương "Linh Hột" lộng hành, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Quảng Ninh đã tích cực vào cuộc, phối hợp với công an Trung Quốc phá án.

Sau một quá trình điều tra khẩn trương, quyết liệt, Cơ quan công an đã làm rõ hai anh Điệp, Sỹ đã bị đối tượng người Việt Nam có tên là Chấn "điên" và 5 đối tượng người Trung Quốc đánh đập, dùng dao đâm. Tàn độc hơn, khi nạn nhân chưa chết hẳn, các đối tượng này còn lấy băng dính bịt miệng, mũi cho ngạt thở đến chết. Tiếp đó bọn chúng mang một xác đến vứt ở khu vực hẻo lánh trên dãy núi có tên là Thập Vạn Đại Sơn, cái xác còn lại được bỏ vào bao tải ném xuống dòng sông Ka Long.

Ngày 4-6-2009, Công an Quảng Ninh thực hiện lệnh khám xét và bắt khẩn cấp Nguyễn Tiến Chung (em trai của Phương "Linh Hột") về hành vi "Bắt giữ người trái pháp luật". Trong các ngày 18 và 19-7-2009, lệnh bắt khẩn cấp tiếp tục được thực hiện với 3 đối tượng có hành vi "Che giấu tội phạm" gồm: Phạm Văn Kiên (trú tại khu 3, phường Hải Hòa); Nhâm Đức Thông (trú tại phường Ka Long); Bùi Hải Bài (trú tại khu 3, phường Ka Long).

Sau nhiều ngày mò tìm trên sông Ka Long, Công an Quảng Ninh đã vớt được khẩu súng mà nhóm của Chung đã bắn hai anh Điệp, Sỹ ở thôn Lục Chắn. Khẩu súng được ném xuống lòng sông Ka Long phi tang khi bọn chúng trên đường đưa hai nạn nhân sang Trung Quốc. Nguyễn Tiến Phương và Nguyễn Tiến Chung sau đó bị cáo buộc tội giết người và lần lượt phải chịu mức án tử hình và tù chung thân.

Đại tá Nguyễn Quốc Trung, Trưởng phòng Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Quảng Ninh  cho chúng tôi biết, nhiều năm qua, tập thể Chi ủy, lãnh đạo Phòng Cảnh sát Hình sự thường xuyên xác định việc đấu tranh, xử lý triệt để đối với các loại tội phạm hình sự nguy hiểm, tội phạm có tổ chức là công tác trọng tâm, thường xuyên, có ý nghĩa quan trọng đối với công tác đảm bảo an ninh trật tự và là nhân tố quyết định kiềm chế tình hình tội phạm trên địa bàn. Từ năm 2005 đến 2014, lực lượng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Quảng Ninh đã đấu tranh triệt phá 891 nhóm, 3.373 đối tượng hình sự và các tệ nạn xã hội.

Gắn bó nhiều năm trong công tác phòng ngừa, điều tra xử lý tội phạm với rất nhiều thành tích, Đại tá Thái Hồng Công, Phó giám đốc Công an tỉnh thấu hiểu để có một chuyên án thành công, người lính hình sự đã đổ biết bao mồ hôi, vượt qua bao khó khăn do điều kiện, hoàn cảnh từng vụ án và cả những thách thức do tội phạm tinh vi gây nên: "Bản thân tôi trưởng thành từ Cảnh sát Hình sự nên rất thấu hiểu những gian nan, vất vả của nghề. Đó là luôn phải đặt mình trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, thường trực phải đối diện với những hiểm nguy bởi đối tượng đấu tranh là những tên giang hồ cộm cán, những kẻ giết người máu lạnh...

Bất kể thời gian, địa bàn, ngày nghỉ, ngày Tết, anh em đều sẵn sàng nhận nhiệm vụ, với mục tiêu cao nhất là làm rõ thủ phạm các vụ án, ngăn chặn hành vi phạm tội của các đối tượng, đem lại niềm tin cho nhân dân. Chiến công, thành tích của Cảnh sát hình sự được Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành ghi nhận bằng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý"

M.Tiến - M.Trí
.
.