Những người tìm kiếm thông tin từ hiện trường vụ án:

Phía sau những chiến công

Thứ Năm, 05/11/2015, 11:56
Ít ai biết được rằng, sau mỗi chiến công của lực lượng Cảnh sát, an ninh mỗi vụ án được phá thành công, các cán bộ, chiến sĩ của đơn vị Kỹ thuật hình sự phụ trách khám nghiệm, điều tra hiện trường đóng một vai trò rất lớn. Công việc của họ là thu thập các chứng cứ, thông tin từ hiện trường vụ án...

Nhân chứng là thông tin "sống" nhưng hiện trường là thông tin "chết". Họ phải âm thầm, lặng lẽ cóp nhặt những manh mối nhỏ nhặt nhất trên hiện trường để rồi từ trong bế tắc của vụ án, tìm ra "manh mối" phá vụ án, bắt giữ được thủ phạm...

Vượt qua gian khó

Trò chuyện với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Thành Nam, Trưởng phòng PC54, Công an tỉnh Nam Định đã chia sẻ về quá trình hơn 30 năm công tác trong nghề của mình. Ông cho biết, công tác kỹ thuật hình sự là một loại nghiệp vụ đặc thù, nhiều cán bộ công tác tại phòng đều gắn bó lâu dài với đơn vị bởi tính đặc thù đó.

Cán bộ PC54 Công an tỉnh Nam Định đang thực hiện giám định thương tích cho bị hại trong một vụ án.

Nhớ lại những ngày mới về công tác tại đây, Đại tá Nam chia sẻ: "Thời điểm đầu những năm 80 khi tôi về nhận công tác tại đơn vị, các trang thiết bị cung cấp cho phòng còn rất sơ sài. Để có thể nhanh chóng tìm được thông tin từ hiện trường vụ án, nhiều anh em còn phải mày mò nghiên cứu và chế ra các dụng cụ phù hợp với công việc…".

Khi đó, máy ảnh không có nhiều như thời điểm hiện tại, các chiến sĩ của Phòng PC54 Công an tỉnh Nam Định được cấp cho những chiếc máy chụp bằng phim cũ của Đức, Nga… Hơn nữa, phim còn được cấp giới hạn nên mỗi vụ án, để chụp được ảnh hiện trường đem về phân tích, các cán bộ đều phải hết sức thận trọng, tránh làm hỏng phim.

"Nhiều anh em tự chế các loại đèn trắng thay cho flash hay đem mấy thanh sắt đi gò hàn để dùng thay chân máy ảnh. Sau khi chụp xong, mọi người tự mang về phòng tối của đơn vị để rửa ảnh. Mỗi cuộn phim đều được chụp thật cẩn thận để tránh lãng phí, việc rửa phim cũng phải làm từng li từng tí vì không thể dựng lại hiện trường mà chụp lần thứ hai" - Đại tá Nam cho biết.

Khi có một vụ án xảy ra, nhận được yêu cầu của đơn vị bạn, cán bộ chiến sĩ của Phòng PC54 lập tức gói ghém đồ nghề để lên đường. Cái công việc "bới lông tìm vết" ấy tưởng chừng như đơn giản nhưng thực ra lại vô cùng phức tạp. Trong một khu vực hỗn loạn có thể ẩn chứa rất nhiều manh mối. Từ một sợi tóc cho đến dấu vết của bãi nước bọt trên sàn hay trên đầu điếu thuốc lá có thể là manh mối khiến hung thủ lộ diện.

Để có chứng cứ đắt giá như vậy, từng centimet trên hiện trường đều được quan sát, tìm kiếm. Và đâu phải khi nào hiện trường vụ án cũng là những bãi đất, ngôi nhà sạch sẽ. Đôi khi nó là một bãi bùn lầy ven sông, khu cống rãnh hôi thối với những thi thể thối rữa, máu me lênh láng bốc mùi hôi tanh. Họ vẫn làm việc trong môi trường độc hại như vậy, chẳng ngại ngần sờ tay, căng mắt, tập trung trí não để tìm được dấu vết.

Có một điều đặc biệt là Phòng PC54 là một trong những đơn vị nghiệp vụ tuyển dụng nhiều cán bộ ngoài ngành và ở Công an tỉnh Nam Định cũng vậy. Với tính đặc thù trong công tác cần cán bộ chuyên nghiệp trong nhiều lĩnh vực nên đơn vị thường xuyên có những đợt tuyển dụng với nhiều sinh viên trẻ xuất sắc ở một số ngành nghề. Họ đến từ các trường Đại học Y, Đại học Bách khoa hoặc các trường thuộc khối Khoa học tự nhiên. Tuy nhiên, có không ít những sinh viên mới ra trường tìm đến Phòng PC54 để nộp đơn xin việc, nhưng khi biết nghề này công việc nặng nhọc và đầy áp lực thì nhiều bạn trẻ đã "một đi không trở lại"... Những người ở lại chủ yếu là vì đam mê, dám từ bỏ những nơi mời gọi với mức lương cao để lao vào công việc của một điều tra viên phá án.

Những người mới cũng phải qua một cuộc chọn lọc cực kì phức tạp để có thể gắn bó với nghề như đối diện với những tử thi đang trong thời kì phân hủy, những dấu vết tưởng chừng họ chỉ có thể thấy trong phim kinh dị. Hầu hết những người mới vào nghề đều cảm thấy ớn lạnh sống lưng, cảm giác buồn nôn, tim đập chân run và có thể ngất bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, khi đã vượt qua được những khó khăn ban đầu, nhìn thấy những dấu vết mình phát hiện ra giúp đồng đội phá án, bắt được hung thủ, đem lại bình yên cho cuộc sống, họ lại thấy được niềm tin và quyết tâm gắn bó với nghề hơn trước.

Những dấu vết quan trọng

Nhiều vụ án đang đi vào ngõ cụt bởi không có thêm manh mối, nhưng nhờ những dấu vết được cán bộ Phòng PC54 phát hiện vào thời điểm mấu chốt mà các đầu mối đã dần lộ diện. Cũng có những vụ án, chỉ sau khi thực hiện công tác khám nghiệm hiện trường, thông tin về hung thủ mới lộ diện. Đại tá Nguyễn Thành Nam kể lại một vụ án xảy ra vào tháng 8 năm 2014, tại nhà bà Đinh Thị Đủng (82 tuổi, xóm Cởi, xã Yên Cường, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định), mà nạn nhân là bà Đủng và cháu nội Trịnh Văn Khôi (13 tuổi).

Đại tá Nguyễn Thành Nam (giữa) đang chỉ đạo phân tích dấu vết tìm được từ hiện trường.

Qua công tác khám nghiệm hiện trường, xác định tại các vị trí cửa ra vào không có dấu vết cạy phá, vết chân giày dép, trong nhà không có dấu hiệu bị lục soát… Khi khám nghiệm tử thi thì phát hiện trên đầu nạn nhân có nhiều thương tích, có dấu hiệu của hai loại hung khí, một là vật cứng hình tù và hung khí còn lại là vật sắc nhọn. Sau khi khám nghiệm xong hiện trường, qua nhận định ban đầu, các cán bộ khám nghiệm đã biết có thể đối tượng là người quen biết nạn nhân và quen thuộc hiện trường. Thông tin này cùng nhiều bằng chứng khác thu được ở hiện trường đã định hướng cho cơ quan điều tra để truy bắt đối tượng gây án là Trịnh Quang Duy (sinh năm 1999), là cháu nội của bà Đủng.

Ngoài các vụ án giết người nghiêm trọng, Đại tá Nam cho biết, mới đây, Phòng PC54 đã sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để làm sáng tỏ nhiều vụ án trộm cắp liên tỉnh, giúp cơ quan điều tra bắt giữ nhiều đối tượng, thu được số tài sản mất cắp tương đối lớn.

Theo đó, vào năm 2014, nhiều thông tin từ các địa phương báo về một loạt vụ trộm cắp xảy ra với phương thức và thủ đoạn vô cùng tinh vi. Nhiều vụ trộm được xác định do các đối tượng từ các tỉnh khác như Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội gây ra. Do các đối tượng này không nằm trong diện quản lý của Công an tỉnh Nam Định nên việc tìm kiếm vô cùng khó khăn. Trước tình hình đó, Phòng PC54 đã có sự đổi mới trong công tác giám định. Thay vì bị động chờ đợi thông tin từ nguồn có sẵn để đối chiếu với thông tin thu được từ hiện trường, các cán bộ đã chủ động tấn công tội phạm bằng cách sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ để xây dựng cơ sở dữ liệu giám định. Đồng thời kết hợp với các đơn vị nghiệp vụ khác để truy tìm thông tin của tội phạm.

Sau nhiều lần truy xét các đầu mối, cán bộ của Phòng PC54 đã có kết luận về đối tượng gây ra vụ trộm. Nhờ đó, chỉ riêng trong năm 2014 đã xác định được 5 nạn nhân trong các vụ chết không rõ nguyên nhân. Khẳng định được 8 đối tượng gây ra 11 vụ trộm cắp, trong đó có 3 đối tượng gây ra 2 vụ ở các thời điểm khác nhau.

Ngoài các kĩ thuật khám nghiệm hiện trường để điều tra tội phạm, trong buổi nói chuyện với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Thành Nam tỏ ra rất tâm đắc với việc đổi mới công nghệ để phòng chống tội phạm của đơn vị. Ông chia sẻ: "Đơn vị đã liên tục nghiên cứu, sáng tạo và đã thử nghiệm, triển khai áp dụng các phương tiện chống tội phạm như thiết bị chống trộm xe máy, thiết bị phát hiện chất nổ, triển khai lắp đặt hệ thống báo động chống đột nhập, camera quan sát… Nhiều doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước cũng đặt chúng tôi cung cấp những hệ thống phòng chống tội phạm này và đạt hiệu quả cao trong việc phòng chống trộm cắp".

Được biết, cùng với việc phát triển của các công nghệ mới trong kỹ thuật hình sự thì những khó khăn đặt trên vai các cán bộ của Phòng PC54 cũng nặng nề hơn bao giờ hết. Bởi việc giám định hiện nay là tìm kiếm những "vi vết", nhiều thông tin từ hiện trường được phát hiện hơn trước và tầm quan trọng của các chiến sĩ Phòng Kỹ thuật hình sự cũng được đánh giá cao hơn trong phá án.

Đại tá Nguyễn Thành Nam cho rằng: "Đa phần cán bộ chiến sĩ làm việc tại đơn vị đều cần có chuyên môn cao, đối mặt với các trường hợp có thể xảy ra tại hiện trường vụ án hay trên các thi thể. Việc chấp nhận đầu quân cho Phòng PC54 cũng là một sự hy sinh lớn đối với các cán bộ, chiến sĩ trẻ khi chấp nhận bỏ qua lợi ích cá nhân để đối mặt với khó khăn. Tuy nhiên, đối với những người dám dấn thân vào nghề thì đều chung một suy nghĩ rằng, đây là một nghề vất vả cực nhọc nhưng cũng đáng tự hào khi có thể vượt qua được những thử thách vô cùng thú vị ấy".

Lê Phong - Ngọc Trâm
.
.