Phá án từ những cuộc phiên dịch tiếng Trung

Thứ Sáu, 11/03/2016, 07:30
Người con gái xứ Lạng duyên dáng, thoạt nhìn không thể đoán chị là nữ cán bộ của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC47) Công an tỉnh Lạng Sơn. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Ngoại ngữ nhưng chị lại bén duyên với lực lượng Công an. Điều khiến chúng tôi tò mò là chị đang công tác ở đơn vị luôn đối mặt với sự khốc liệt của tội phạm, làm thế nào để chị vừa đảm đương trọng trách nặng nề đó lại vừa hoàn thành thiên chức trong gia đình.


Gặp Trung tá Liễu Thị Thu Hà, Phó Đội trưởng Đội tham mưu tổng hợp, Phòng PC47 Công an tỉnh Lạng Sơn vào buổi chiều lạnh 8 độ C ở miền biên ải, nụ cười tươi tắn cùng với sự dịu dàng đằm thắm của chị đã làm cho không khí trong căn phòng đơn sơ trở nên ấm cúng. Chị vừa có chuyến đi dài ngày sang Trung Quốc cùng cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự để xét hỏi các đối tượng trong vụ án buôn lậu súng. Vì giỏi tiếng Trung nên chị đảm nhiệm thêm công việc phiên dịch cho Phòng Cảnh sát hình sự trong các cuộc hội đàm, trao đổi thông tin, phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm với Công an Trung Quốc.

Kể lại kỷ niệm bén duyên với lực lượng Công an, chị rất vui cho biết: "Gia đình không có ai theo nghề này, nhưng khi vừa tốt nghiệp Khoa tiếng Trung trường ĐHSP Ngoại ngữ, tôi đã làm hồ sơ xin vào Công an và Hải quan. Đến khi Công an gọi đi làm rồi thì cán bộ Phòng Tổ chức ở Hải quan cũng đến nhà gọi đi làm. Nhưng tôi vẫn lựa chọn Công an, bây giờ có cho đổi lại thì vẫn chọn nghề này".

Trung tá Liễu Thị Thu Hà đang trao đổi công việc với đồng đội.

Được phân công làm trinh sát Phòng An ninh, văn hóa, tư tưởng phụ trách địa bàn khối giáo dục - đào tạo, một công việc khác xa với kiến thức học ở trường, nhưng vừa làm vừa học, chị đã nhanh chóng nắm bắt được công việc một cách thành thạo. Vì là dân ngoại ngữ nên chị đã đảm nhiệm vai trò phiên dịch tiếng Trung của đơn vị và Công an tỉnh trong nhiều cuộc hội đàm, trao đổi thông tin giữa Công an hai nước. Và cơ duyên đưa chị đến với lĩnh vực mới - đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy cũng rất tình cờ…

Đó là năm 2006, Bộ Công an Trung Quốc mở lớp sỹ quan liên lạc thực thi pháp luật các nước ASEAN (đào tạo 1 năm, chủ yếu là về đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy, buôn bán người và xuất nhập cảnh), mỗi nước có 2 chỉ tiêu và chị là một trong 2 cán bộ được cử đi học.

Do yêu cầu công tác, khi khóa học kết thúc, chị được điều về Phòng CSĐT tội phạm về ma túy với nhiệm vụ là cán bộ tổng hợp và sỹ quan liên lạc phụ trách đường dây nóng với Công an tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc trong đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy.

Bước vào nhiệm vụ mới, luôn phải đối mặt với sinh tử, lại được làm đúng chuyên môn liên quan đến ngoại ngữ, chị coi đó là niềm hứng thú nên luôn nỗ lực phấn đấu. Lạng Sơn được biết đến là địa bàn "nóng" về tội phạm ma túy của cả nước. Đối tượng người Trung Quốc trực tiếp nhập cảnh vào Việt Nam để tiến hành các hoạt động giao dịch, mua bán ma túy.

Không chỉ làm công tác trinh sát, bắt giữ tội phạm mà chị còn có trọng trách góp phần quyết định vào sự thành bại của mỗi chuyên án: đó là làm công tác phiên dịch. Ở mỗi chuyên án ma túy có đối tượng là người Trung Quốc, vai trò của người phiên dịch vô cùng quan trọng. Không chỉ truyền tải được mục đích, yêu cầu của điều tra viên khi hỏi cung đối tượng, mà chị còn thu phục được những tên tội phạm ngoan cố bằng cách vận động, giải thích về luật pháp, đưa ra các chứng cứ thuyết phục để đối tượng thành khẩn khai báo.

Chị kể, cả đơn vị chỉ có 2 cán bộ nữ nên tất cả các chuyên án có đối tượng là người Trung Quốc, đặc biệt là đối tượng nữ chị đều phải tham gia từ đầu cho đến khi kết thúc điều tra. Với đối tượng nữ là người Trung Quốc thì không chỉ tham gia ngay từ đầu mà trong suốt quá trình điều tra chị cùng với điều tra viên trực tiếp hỏi cung, đấu tranh, trông coi và phiên dịch cho đối tượng khi ra tòa xét xử.

Năm 2011, qua các lần hội đàm, Công an Trung Quốc gửi ảnh truy nã 3 đối tượng tham gia vào đường dây buôn bán ma túy lớn, nghi chúng bỏ trốn sang Việt Nam cho Phòng PC47. Qua xác minh, các trinh sát Phòng PC47 phát hiện ở CLB "Bạn giúp bạn" tại xã Phú Xá, huyện Cao Lộc xuất hiện một số người Trung Quốc đang cai nghiện ma túy có biểu hiện nghi vấn. Chị được đơn vị cử đến CLB với vai trò kiểm tra giấy tờ nhập cảnh của nhóm người này.

Thấy có cán bộ công an đến, họ liền lẩn trốn ra đằng sau nhà. Quan sát họ, chị thấy không hề giống với ảnh trong quyết định truy nã. Một mặt động viên sẽ làm thủ tục nhập cảnh giúp họ, mặt khác chị báo cáo lãnh đạo đơn vị liên hệ với Công an Trung Quốc để lấy thêm thông tin về đối tượng. Sau khi xác minh, Phòng PC47 nhận định, đây chính là 3 đối tượng bị Công an Trung Quốc truy nã nên đã tổ chức bắt giữ. Lợi dụng vào sự bất đồng ngôn ngữ, cả 3 nhất định không thừa nhận.

Bằng khả năng ngoại ngữ lưu loát, thái đồ vừa mềm mỏng, vừa cứng rắn, chị đã một mặt động viên, một mặt truyền tải nội dung của điều tra viên đến với đối tượng. Sau một ngày đấu tranh, 3 đối tượng mới khai nhận mình chính là tội phạm truy nã của Công an Trung Quốc.

Chị kể, khó khăn nhất trong công tác phiên dịch đó là chuyển tải câu hỏi của điều tra viên đến bị can. Chẳng hạn ở chuyên án bắt tên Lục Nghiệp Hoàng, quê ở Bằng Tường, Trung Quốc mang ma túy đá vào Lạng Sơn giao cho đối tượng người Việt Nam. Công tác hỏi cung được tiến hành ngay khi Hoàng bị bắt, nhưng vừa đưa vào Đồn Công an Đồng Đăng thì hắn bị ngất buộc phải đưa về Bệnh xá Công an tỉnh. Khi tỉnh lại, hắn chỉ ngồi há hốc miệng, không khai báo, không hợp tác cũng không thừa nhận tội.

Lợi dụng vào sự bất đồng ngôn ngữ, tên Hoàng đưa ra nhiều yêu sách. "Để chuyển tải nội dung yêu cầu của điều tra viên qua phiên dịch đến tên Hoàng rất khó khăn. Ngoài các chứng cứ thuyết phục đưa ra, mình phải mềm mại, uyển chuyển động viên thì đối tượng mới thành khẩn khai báo" - chị Hà nhẹ nhàng cho biết.

Trung tá Liễu Thị Thu Hà trong vai trò phiên dịch cùng lãnh đạo Phòng PC47 tại cuộc trao đổi thông tin về tội phạm ma túy với Công an Trung Quốc.

Giống như vậy, đối tượng Nông Tuyển Hùng, quốc tịch Trung Quốc là kẻ buôn bán ma túy đá sừng sỏ. Khi nhập cảnh trái phép vào Việt Nam để giao "hàng", hắn đã bị các trinh sát Phòng PC47 bắt giữ. Ban đầu Hùng tỏ ra lì lợm, ngang ngạnh không chịu khai báo. Lãnh đạo đơn vị đã cử chị cùng điều tra viên vào trong trại động viên, thuyết phục Hùng khai ra đồng bọn để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật Việt Nam. Ban đầu hắn nhất quyết không nghe.

Nhưng mưa dầm thấm lâu, một lần vào trại, Hùng chủ động nói với chị là hắn biết đồng bọn người Việt Nam đang trốn truy nã ở Trung Quốc. Nhờ nguồn tin khai báo này, Phòng PC47 đã phối hợp với Công an Trung Quốc bắt giữ được đối tượng Trần Thị Yến, trú tại Đồng Đăng, Lạng Sơn là mắt xích quan trọng trong đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia.

Ngày tên Hùng ra tòa xét xử, chị lại làm công tác phiên dịch, giải thích cho hắn hiểu về pháp luật Việt Nam. Khi Hùng chuẩn bị lên xe đi trả án, tên tội phạm đã quay đầu cảm ơn chị và hứa sẽ cải tạo tốt để sớm trở về.

Tham gia vào nhiều chuyên án ma túy, công việc đã chiếm của chị quá nhiều thời gian giành cho gia đình. Chồng chị cũng là một trinh sát hình sự, hai vợ chồng thường xuyên phải đi trực, đi làm đêm, làm ngoài giờ, hai con còn nhỏ nên rất vất vả. Có khi nửa đêm cả hai vợ chồng nhận được lệnh đều cùng lên đường, công việc gia đình phải nhờ tới hai bên nội ngoại. Có những ngày nghỉ hiếm hoi, chỉ cần một cuộc gọi chị phải lên đường, hỏi cung xong đối tượng là 3h sáng, trở về tới nhà đã sắp bình minh.

Ngoài đảm trách công việc ở Phòng PC47, chị còn có một nhiệm vụ vô cùng đặc biệt: là sỹ quan liên lạc phụ trách đường dây nóng với Công an Quảng Tây, Trung Quốc. Ở nhiệm vụ này chị luôn thực hiện tốt công tác tham mưu giúp lãnh đạo đơn vị thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế phòng chống tội phạm ma túy với Tổng đội ma túy Công an Trung Quốc.

Ngoài ra, chị còn làm phiên dịch cho Phòng CSHS và Công an các huyện biên giới Lạng Sơn ở mỗi chuyên án có đối tượng là người Trung Quốc hay các cuộc trao đổi thông tin, hội đàm, trao trả đối tượng giữa hai bên…Chính vì thế chị thường phải đi công tác, có khi cả tuần, nửa tháng. Nhưng sau mỗi chuyến đi đó, chị lại tận dụng mọi thời gian để bù đắp cho các con. Bận rộn là thế, nên chị rất thấu hiểu với công việc của chồng, chị luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc để có nhiều thời gian chăm lo cho tổ ấm.

Trò chuyện với Trung tá Liễu Thị Thu Hà đến khi trời sẩm tối, chúng tôi khá bất ngờ khi chị còn đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch Hội phụ nữ của 2 đơn vị (Phòng PC47 và PC44). Ở nhiệm vụ nào chị cũng luôn tận tụy hết mình, nhiều lần được nhận bằng khen của Giám đốc Công an tỉnh. Năm 2015 chị là đại biểu được chọn đi dự Đại hội thi đua yêu nước của tỉnh Lạng Sơn và toàn quốc. Chia tay với người con gái xứ Lạng duyên dáng, ấn tượng đọng lại trong lòng chúng tôi chính là tình yêu công việc luôn song hành với tình yêu gia đình của chị đã làm chúng tôi thêm cảm phục.

Trần Hằng - Xuân Mai
.
.