Ông trưởng Công an huyện và mô hình Doanh nhân với an ninh trật tự

Thứ Ba, 15/04/2014, 08:00
6 năm qua, ở huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, mô hình "Doanh nhân với an ninh trật tự" đã góp phần giải quyết việc làm cho hơn 100 người từng một thời lầm lỗi. Trong số đó có người hiện đã trở thành chủ doanh nghiệp. Tác giả của mô hình thiết thực này là Đại tá Nguyễn Cao Sơn, Trưởng Công an huyện Nga Sơn...

1- Một ngày đầu năm 2010, một thanh niên dáng gầy gò, e dè tìm đến trụ sở Công an huyện Nga Sơn xin được gặp "bác Sơn trưởng huyện". Nghe báo có người muốn gặp, Đại tá Sơn đồng ý. Người thanh niên giới thiệu anh ta tên là Trần Văn Sùng, ở xã Nga Thạch, người được đặc xá cách đó gần 1 năm.

Khác với những người được tha tù, Sùng khá đặc biệt bởi trước lúc đi tù, anh ta đã gần tốt nghiệp đại học. Năm 2006, đang học năm thứ 4 Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, nghe bạn bè dụ dỗ, Sùng đi theo nhóm buôn tiền giả từ Trung Quốc về Hà Nội. Bị bắt, do số lượng tiền khá lớn nên sau đó Sùng bị kết án 7 năm tù và chấp hành án ở Trại giam Ninh Khánh.

Năm 2009, Sùng được đặc xá sau 4 năm thụ án. Sùng kể rằng sau niềm vui được tự do thì nỗi lo cũng ập tới, ấy là khi Sùng không biết trả lời thế nào cho câu hỏi: "Sẽ làm gì để sống?".

Những ngày mới về, để có tiền sống qua ngày, Sùng đi làm phụ xây với tiền công 50.000 đồng/ ngày. Lúc ấy, Sùng chỉ mơ có tiền để đi học lái xe, sau đó tìm việc làm. Nhưng để học lái xe thì phải có 17 triệu đồng. Đó là một số tiền quá lớn.

Những ngày đi làm phụ xây, thấy có một nghề cũng có thể kiếm ra tiền, đó là làm đá ốp lát. Nhưng cái khó đầu tiên mà Sùng và gia đình gặp phải cũng là câu hỏi "tiền đâu?" khi mà số vốn đầu tư ban đầu cũng phải vài chục triệu đồng. Bởi gia đình cũng đã thử đi vay tất cả những chỗ quen biết nhưng không được.

"Cái khó ló cái khôn", Sùng nhớ ngày đầu trở về, Công an huyện có một cuộc gặp mặt với những người được đặc xá, tha tù. Trong cuộc gặp ấy, ông Trưởng Công an huyện có nói tới việc Công an huyện sẽ giúp những người có nhu cầu vay vốn làm ăn nên cứ liều "thử xem sao".

Nghe Sùng trình bày, Đại tá Sơn khẳng định ngay: "Vốn của quỹ doanh nhân không nhiều nhưng sẽ cho vay; nếu cần, Công an huyện sẽ bảo lãnh ngân hàng cho vay với điều kiện cháu phải làm thật".

Với Trần Văn Sùng, Đại tá Nguyễn Cao Sơn đã trở thành ân nhân.

Đúng như lời hứa, sau đó Sùng được vay 10 triệu đồng từ quỹ "Doanh nhân với an ninh trật tự". Ngày ấy, 10 triệu đồng mua được 200m2 đá ốp lát. Thấy quỹ cho Sùng vay tiền làm ăn, một số người khác mới dám cho Sùng vay vốn. Và từ những đồng vốn này, Sùng thành lập tổ hợp đá ốp lát và thuê 5 thợ cùng làm. Một thời gian sau, thấy Sùng làm ăn tốt, quỹ tiếp tục cho vay thêm 30 triệu đồng…

Bây giờ, sau 4 năm, cơ sở sản xuất của Sùng đã nâng lên thành Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tuấn Thành chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng, đá ốp lát, san lấp mặt bằng tạo việc làm thường xuyên cho 11 người với mức lương 4,5 - 7 triệu đồng/ tháng. Sau 4 năm lập nghiệp từ những đồng vốn ban đầu ấy, giờ Sùng đã có tài sản là 1 chiếc xe con trị giá 500 triệu, 1 xe tải trị giá hơn 200 triệu và 1,5 tỷ đồng vốn lưu động. Năm 2011, Sùng lấy vợ là một cô gái cùng quê đã tốt nghiệp Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa), hai người hiện đã có một con trai gần 2 tuổi…

2-Nghe chuyện của Sùng, tôi lại nhớ cái lần đầu tiên gặp Nguyễn Cao Sơn cách đây hơn 5 năm khi anh đang tất bật cho buổi lễ ra mắt quỹ "Doanh nhân với an ninh trật tự".

Lần gặp ấy, tôi đã ấn tượng ngay với ông Trưởng Công an huyện bởi anh là người vui chuyện và thích văn chương, thơ phú. Trong câu chuyện, anh nói vui "Làm trưởng công an huyện ở đất nhà quê thế này, nhiều khi anh em phải rất linh hoạt mới được. Có những việc, tôi phải xử theo kiểu… Bao Công xử án".

Có lần vào một buổi chiều, mấy anh Công an xã đưa đến trụ sở Công an huyện một bà già và một thanh niên cùng với một… lồng gà để nhờ Công an huyện phân xử. Theo trình bày của bà già thì cách đó một hôm, bà bị mất hết cả đàn gà. Sáng hôm nay đi chợ, nhìn thấy người thanh niên bán đàn gà này và bà khẳng định đây là đàn gà nhà bà bị mất. Người thanh niên thì nói rằng gà này anh ta mua từ một người bán cho ở chợ.

Giằng co mãi, Công an xã không giải quyết được, đành phải đưa lên Công an huyện "nhờ xử". Quả là khó, bởi ngoài chuyện khẳng định đây là gà của mình thì bà già cũng chẳng có bằng chứng nào khác. Xác minh nhân thân người thanh niên kia thì đúng là anh ta làm nghề buôn gà. Cuối cùng Trưởng Công an huyện quyết định chiều tối sẽ đưa đàn gà này về nhà bà già để thả; bởi theo thói quen, nếu đúng là đàn gà bị mất, khi trời tối chúng sẽ về đúng chuồng; và người buôn gà sẽ phải trả đàn gà cho chủ. Nghe vậy, cả hai người đồng ý. Chiều tối hôm đó, đàn gà được thả ra và quả nhiên cả đàn gà đều lên chuồng. Như đã cam kết, bà già được nhận lại đàn gà.     

3- Nguyễn Cao Sơn kể rằng phải mất gần 10 năm anh mới biến ý tưởng về mô hình "Doanh nhân với an ninh trật tự" trở thành hiện thực mà mọi chuyện bắt đầu từ một lần hỏi cung.

Năm 2000, Nguyễn Cao Sơn trực tiếp chỉ huy phá vụ án buôn bán ma túy; đối tượng của vụ án này là một cô gái đẹp nhưng vừa mãn hạn tù vì tội chứa mại dâm.

Khi nghe anh hỏi vì sao tái phạm, cô ta đã khóc và kể rằng khi đi tù về, bố mẹ đã chết cả, không nhà cửa, không việc làm, cô đành phải về tá túc gia đình chị gái. Nhà chị gái cũng nghèo, cả nhà có duy nhất một cái giường, nên cô ta phải nằm dưới đất. Mùa đông, dù đã lót cả đống rơm bên dưới mà vẫn lạnh không ngủ được. Cô ta bảo lúc ấy chỉ  mong có 160 ngàn đồng mua cái giường cá nhân nhưng không có, vì muốn đi làm thuê cũng không ai thuê một người vừa đi tù về. Lúc ấy, có một kẻ cho cô 500 ngàn đồng và rủ cô đi buôn ma túy, cô chỉ việc mang hàng chứ không phải góp vốn. 

Nguyễn Cao Sơn kể rằng dù hoàn thành nhiệm vụ, nhưng vụ án ấy khiến anh trăn trở khi nghĩ tới lý do phạm tội của đối tượng. Con người ta khi tới bước đường cùng thì sẽ làm bất cứ việc gì để sống. Và cái ý định phải làm việc gì đó thiết thực giúp đỡ những người từng lầm lỗi có cơ hội hoàn lương cứ đeo đẳng anh suốt nhiều năm.

Cho tới 2008 thì ý tưởng ấy mới thành hiện thực bằng mô hình "doanh nhân với an ninh trật tự". Mô hình này xây dựng trên cơ sở mối quan hệ 3 lực lượng: Công an, doanh nhân và Ngân hàng Chính sách xã hội. Trong đó quan trọng nhất là "quỹ doanh nhân với an ninh trật tự". Quỹ do ban liên lạc doanh nhân quản lý, dành 20% khen thưởng, 80% cho vay. Mức cho vay từ 10 - 30 triệu đồng với lãi suất 0,5%/ năm. Quy trình cho vay: Công an huyện quyết định đối tượng; doanh nhân cấp vốn, Ngân hàng chính sách xã hội nhận ủy thác giải ngân. Đối tượng quỹ cho vay là những người có tiền án, tiền sự trong diện quản lý của địa phương. Tuy nhiên, điều kiện là những người nghèo, cận nghèo, có quyết tâm cải tạo, có khả năng sản xuất kinh doanh, có dự án khả thi, được chính quyền địa phương đề nghị và được Trưởng Công an xã, thị trấn, Công an phụ trách xã, trinh sát hình sự thế chấp quỹ lương đồng bảo lãnh. Tiền vay sẽ được giao trực tiếp cho thân nhân đối tượng, Công an trực tiếp giám sát việc sử dụng vốn. Mô hình đặt ra 8 hình thức giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập là: vốn, việc làm, dạy nghề, học tập mô hình kinh tế, chuyển giao khoa học công nghệ, tiêu thụ sản phẩm, tư vấn pháp lý…

Ngày đầu, nghe Trưởng Công an huyện trình bày về ý tưởng này, nhiều người cũng nghi ngờ, nhưng bây giờ thì tất cả đã tin vào những điều anh đã nói và làm suốt 5 năm qua hoàn toàn từ mong muốn được giúp đỡ những người từng lầm lỗi được trở lại với đời.

Sau 5 năm triển khai, Quỹ đã cho vay 11 đợt với 175 lượt đối tượng, bảo lãnh cho 1 đối tượng vay tới 1,4 tỷ đồng để thành lập doanh nghiệp. Ngoài ra, Ngân hàng chính sách xã hội huyện Nga Sơn đã lồng ghép các chương trình cho vay gần 4 tỷ đồng. Trong số những người được vay vốn, có 8 người từ số vốn vay ban đầu chỉ 10 đến 60 triệu đồng nhưng đến nay đã có thu nhập từ 300 triệu đồng/ năm. Nhiều người giờ đây đã trở thành các chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, trang trại và tạo việc làm cho hàng chục người. Đặc biệt có một đối tượng được bảo lãnh 1,4 tỷ đồng thành lập doanh nghiệp, sau 5 năm đã hoàn trả cả gốc và lãi.

Sau 5 lần thu hồi vốn của hơn 100 lượt người, tất cả đều hoàn trả 100% cả gốc và lãi. Có những người vay vốn chăn nuôi, trong quá trình sản xuất bị dịch bệnh; thậm chí có hộ người đứng tên vay vốn chết nhưng gia đình vẫn hoàn trả đầy đủ. Họ nói với Trưởng Công an huyện rằng "khi khó khăn, không ai dám cho vay đã được quỹ giúp đỡ thì không lương tâm nào nỡ trốn nợ".

5 năm qua, quỹ không có nợ xấu, đó là sự nỗ lực từ cả hai phía, được xây dựng trên niềm tin con người về cái thiện và chữ tâm. Và cái "lãi" lớn nhất từ mô hình này là 5 năm qua, tình hình an ninh, trật tự luôn ổn định, số đối tượng đặc xá từ 2009- 2012 được giúp đỡ ban đầu và hơn 100 người được vay vốn chưa phát hiện phạm tội…

Vì vậy mà từ số vốn 300 triệu ban đầu, đến nay Quỹ đã có 1 tỷ đồng. Hôm tổng kết 5 năm thành lập quỹ, đã có nhiều người về ủng hộ hơn 100 triệu đồng nữa cho quỹ. Trong câu chuyện với tôi, Nguyễn Cao Sơn bảo rằng: "Số tiền ấy, nếu ở một địa bàn khác có lẽ là rất ít, nhưng với vùng quê nghèo như Nga Sơn là số tiền không nhỏ. Nhưng điều mà chúng tôi trân trọng, đó chính là niềm tin của mọi người vào những việc làm của Công an"

Nguyễn Thiêm
.
.