Ở đơn vị 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng

Thứ Năm, 30/05/2019, 08:57
Với nỗ lực không ngừng, CBCS Trại giam Gia Trung phấn đấu liên tục 10 năm đạt "Đơn vị quyết thắng", Lá cờ đầu của Bộ Công an trong khối các trại giam; đặc biệt năm 2015 đơn vị vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ hai.


Trại giam Gia Trung có quy mô giam giữ hàng ngàn phạm nhân, thuộc 4 xã của huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. Đây là địa phương có tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 60% dân số; xung quanh đơn vị có 13 bản làng người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; thời tiết khí hậu khắc nghiệt; đời sống kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, địa bàn được xác định là điểm nóng phức tạp về dân tộc, tôn giáo...

Với nỗ lực không ngừng, CBCS Trại giam Gia Trung phấn đấu liên tục 10 năm đạt "Đơn vị quyết thắng", Lá cờ đầu của Bộ Công an trong khối các trại giam; đặc biệt năm 2015 đơn vị vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ hai.

"Bí quyết" cảm hoá phạm nhân vi phạm kỷ luật

Có lẽ cả đời Trần Văn Lộc không bao giờ nghĩ mình sẽ được xếp loại cải tạo khá, được giảm án bởi "tội chồng tội" khi anh ta liên tiếp vi phạm nội quy. Đi thi hành án với 4 tội danh: cố ý gây thương tích; trộm cắp tài sản; chống người thi hành công vụ và trốn khỏi nơi giam với mức án 15 năm 3 tháng, Trần Văn Lộc là đối tượng cực kỳ quấy phá, chống đối cán bộ, kích động, lôi kéo các phạm nhân khác vi phạm kỷ luật. Chính vì vậy, Lộc đã bị điều chuyển từ Trại gia Kênh 5 sang Trại giam Xuân Lộc, rồi đến Trại giam Gia Trung để thi hành án.

Khi mới vào Gia Trung, Đại tá Nguyễn Đình Ba, Giám thị gặp gỡ, giáo dục, Lộc đã "đánh bài ngửa": "Ông gặp tôi, tôi cũng không yên tâm cải tạo, tôi sẽ tìm cách trốn trại". Đại tá Nguyễn Đình Ba không tức giận, cáu gắt gì, chỉ động viên Lộc và hỏi thăm về gia đình; hỏi Lộc có nguyện vọng gì cần đề đạt với Giám thị hay không.

Thấy ông Giám thị nhã nhặn, không có ý định "lên gân lên cốt", Lộc hơi chột dạ. Những lần sau đó cũng vậy, ngoài việc các cán bộ giáo dục, cán bộ quản giáo gặp gỡ riêng, phân tích, giáo dục, hầu như tháng nào Lộc cũng được Giám thị gặp riêng. Có hôm, Lộc mệt, ốm, đích thân Giám thị đã chỉ đạo cán bộ y tế khám bệnh, cấp thuốc, đồng thời rút ví cho Lộc tiền nộp lưu ký để mua thêm thức ăn. Cứ như thế, nhiều tháng trời, chưa bao giờ Ban Giám thị cũng như các cán bộ cáu kỉnh, quát tháo, kể cả lúc Lộc cố gây sự chú ý bằng chiêu trò nào đó.

Một buổi họp của lãnh đạo Trại giam Gia Trung.

Nhiều đêm, Lộc thầm nghĩ, sao các cán bộ tốt với mình thế, mình đâu phải con em họ, nếu mình không tự nỗ lực vươn lên thì chẳng phải đã phụ lòng họ hay sao. Thế là Lộc xin gặp cán bộ, tự thú nhận những sai trái của mình và hứa sẽ sửa chữa. Từ đó đến nay đã được hơn 3 năm, kết quả cải tạo của Lộc đều đạt khá, các phạm nhân khác thấy Lộc tiến bộ cũng noi gương học tập.

Không chỉ Trần Văn Lộc mà những cái tên "đình đám" từng phải chuyển qua nhiều trại giam khác nhau như Phạm Hồng Lây, Trần Thanh Nam, Lê Văn Đức… đều đã dần tự hiểu ra tình cảm của các cán bộ dành cho mình. Từ đó, họ quyết tâm cải tạo, đến nay, tất cả các phạm nhân trên đều đã đạt kết quả cải tạo khá, tốt.

Hỏi Đại tá Nguyễn Đình Ba "bí quyết" nào để cảm hoá những đối tượng "đầu bò đầu bướu" đó, anh cho biết, chẳng có "bí quyết" nào ngoài sự chân tình, bằng tình thương để cảm hoá phạm nhân, bởi dù phạm tội, thậm chí gây tội ác như giết người, cướp của thì họ cũng vẫn là con người, có gia đình, bố mẹ, vợ con, có danh dự của bản thân. Chính vì vậy, "bí quyết" là khơi dậy được tình thương yêu gia đình, sự tự trọng trong họ để họ tự hiểu ra, tự phấn đấu vươn lên.

Sáng tạo trong quản lý, giáo dục phạm nhân

Trên thực tế, mỗi phạm nhân mới vào trại đều có chung suy nghĩ sẽ không được đối xử tốt, nạn đại ca, đầu gấu là mối lo trong quá trình cải tạo, bao năm cải tạo sẽ là bấy nhiêu năm bị hành hạ, nhục hình…; đặc biệt, ở Trại giam Gia Trung là đơn vị được giao quản lý số phạm nhân có mức án cao, nhiều tiền án, tiền sự nên sự lo lắng của các phạm nhân càng tăng lên.

Để xóa đi tâm lý đó, Đại tá Nguyễn Đình Ba, Giám thị đã trực tiếp gặp gỡ các phạm nhân mới vào trại để giáo dục đường lối, chính sách nhân đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhằm động viên phạm nhân an tâm tư tưởng cải tạo; giao trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ quản lý, giám sát, theo dõi trong lao động, sinh hoạt nếu có hiện tượng "anh, chị" phải răn đe, giải quyết, xử lý kịp thời; giao nhiệm vụ cho các thành viên Ban tự quản phạm nhân thường xuyên tiếp xúc, giáo dục, động viên để nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của phạm nhân, chủ động giáo dục cải tạo tại chỗ, làm tốt công tác phòng ngừa không để sự việc phức tạp nảy sinh mới giải quyết nhằm tạo cho phạm nhân có lòng tin đối với chính sách cải tạo của Đảng và Nhà nước.

Một trong những biện pháp cảm hóa giáo dục tốt phạm nhân là chú trọng gặp gỡ, đối thoại với phạm nhân để kịp thời giải quyết những mâu thuẫn và thắc mắc trong phạm nhân, thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với phạm nhân; tăng cường quản lý phạm nhân đi điều trị bệnh tại Bệnh viện tuyến trên và phát động phong trào "Tố giác phạm nhân vi phạm nội quy, quy chế trại giam", "Khát vọng hoàn lương", "Niềm tin hướng thiện", phạm nhân viết thư với chủ đề "Gửi lời xin lỗi"...; đặc biệt là phong trào giáo dục phạm nhân bằng  "Tình thương, trách nhiệm" đem lại hiệu quả thiết thực, kịp thời đề xuất và khen thưởng cho những tập thể cán bộ chiến sĩ có thành tích trong công tác; tập thể và các phạm nhân có thành tích trong học tập, lao động cải tạo.

Đặc biệt, đơn vị đã tổ chức diễn đàn giữa CBCS với phạm nhân. Theo đó, hàng ngày, ngoài việc tổ chức cho phạm nhân học tập, lao động, cải tạo; ngoài giờ hoặc các ngày nghỉ, cán bộ, chiến sĩ tại các phân trại vào gặp gỡ tiếp xúc trò chuyện, động viên phạm nhân.

Hàng tháng các phân trại tổ chức diễn đàn giữa CBCS và phạm nhân về văn hóa giao tiếp, ứng xử, thi tìm hiểu pháp luật, giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao; từ đó đã tạo một không khí vui tươi, xóa đi sự mặc cảm giữa người vi phạm pháp luật với người quản lý thi hành án. Hình thức này làm cho phạm nhân tự giác cải tạo, gần gũi giúp đỡ nhau hơn.

 Đặc biệt, đơn vị đã phối hợp với Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai xây dựng nhà điều trị bệnh cho phạm nhân để chữa trị cho phạm nhân khi mắc bệnh nặng; cùng với phòng giáo dục huyện Mang Yang tổ chức dạy văn hóa cho các phạm nhân chưa biết chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, cấp chứng chỉ cho hàng trăm phạm nhân. Hàng tháng, ngoài tiêu chuẩn Nhà nước cấp, bằng nguồn kinh phí tự lao động sản xuất trại đã bổ sung thêm khẩu phần ăn cho mỗi phạm nhân; triển khai tổ chức nhiều loại hình dạy nghề, truyền nghề cho phạm nhân để dạy nghề và truyền nghề cho phạm nhân, đồng thời cam kết ghi nhớ giới thiệu những phạm nhân hết án ra trại có nhu cầu về làm việc được tiếp nhận vào làm lao động theo hợp đồng thoả thuận với các công ty, doanh nghiệp.

Với những phương pháp quản lý giáo dục như trên đã đem lại hiệu quả cao trong cải tạo phạm nhân. Hàng ngàn phạm nhân tự giác tham gia mọi hoạt động trong trại. Hàng năm, khi đến thời điểm xét giảm án, đặc xá được tổ chức bình xét công khai từ Hội đồng phạm nhân ở các buồng giam, phân trại đến lãnh đạo chỉ huy các phân trại và Hội đồng xét giảm án các cấp không để sót phạm nhân cải tạo khá, tốt mà không được giảm án; không để lọt phạm nhân không đủ điều kiện ở trong danh sách đề nghị đặc xá; từ năm 2012 đến nay đã có trên 9.000 lượt phạm nhân được các cấp xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.

Nổi bật trong công tác này đã làm chuyển biến nhận thức của từng phạm nhân, từ mặc cảm đến yên tâm và tự giác chấp hành cải tạo, nhiều phạm nhân có mức án cao 20 năm đến chung thân không còn tư tưởng chống đối hoặc âm mưu trốn khỏi nơi giam giữ…

Từ năm 2012 đến nay, Trại giam Gia Trung luôn giữ vững danh hiệu "Đơn vị Văn hoá, gương mẫu chấp hành Điều lệnh CAND"; trong đó năm 2013 được Bộ Công an tặng Cờ thi đua "Đơn vị dẫn đầu trong Phong trào thi đua Vì an ninh Tổ quốc"; năm 2013 nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc, Trại giam Gia Trung được Bộ Công an tặng Cờ thi đua xuất sắc; năm 2015 được Thủ tướng chính phủ tặng Cờ thi đua "Đơn vị dẫn đầu trong Phong trào thi đua Vì an ninh Tổ quốc cấp cơ sở".

Đặc biệt, vào ngày 29/7/2015, Đơn vị Trại giam Gia Trung vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (lần thứ 2) trong thời kỳ đổi mới. Ngày 8/11/2018, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen trong công tác huấn luyện, phục vụ, chiến đấu, xây dựng lực lượng CAND, giữ gìn ANCT, TTATXH từ năm 2013 đến 2017, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc; Bộ công an tặng Cờ Đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua "Vì an ninh tổ quốc" cấp cơ sở năm 2018…

Phương Thuỷ
.
.