Hưởng ứng Ngày toàn dân phòng chống ma túy (26/6/2001-26/6/2015)

"Nữ tướng" vùng biên ải

Thứ Ba, 23/06/2015, 08:05
Gặp chị bên lề hội nghị, gương mặt đẹp của chị cứng cỏi hơn theo dòng thời gian. Hỏi chị cương vị mới có vất vả quá không? Chị trả lời giản dị: "Chị quen môi trường này rồi, quen vất vả rồi". Có lẽ vậy, "lửa thử vàng, gian nan thử sức", khi người ta đã vượt qua và hàng ngày đối đầu với những khó khăn, nguy hiểm nhất trong công việc, thì mọi vấn đề khác chỉ lùi về phía sau. 

Khi viết về chị, tự nhiên tôi nhớ về hình ảnh những nữ tướng ngày xưa, họ không quản phận nữ nhi mà xông lên, vung kiếm chống giặc ngoại xâm. Bây giờ, đất nước đã thanh bình, nhưng tội phạm nói chung, tội phạm ma túy nói riêng vẫn như một loại giặc nguy hiểm, ngày ngày giết hại không biết bao nhiêu người. Trên trận tuyến chống tội phạm ma túy ấy, chị - Đại tá Đàm Thị Lê, Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Cao Bằng như một dũng tướng ở vùng biên giới của Tổ quốc. Chị rất giỏi võ thuật, bắn súng, có trong tay một lực lượng các trinh sát, điều tra viên say mê công việc, như một “bức tường thép” chắn dòng chảy ma túy từ ngoài biên giới về Việt Nam và ngược lại….

 Cách đây gần chục năm, lần đầu tiên tôi gặp chị trong cuộc thi tuyên truyền về công tác phòng, chống ma túy toàn quốc tổ chức tại Yên Bái. Lúc đó, chị là Phó Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Cao Bằng. Tôi đã rất ấn tượng với mái tóc dài, nước da trắng hồng khá tương phản với tính cách mạnh mẽ của chị. Tôi và các bạn say mê nghe chị kể về những trận đánh với tội phạm ma túy nơi biên cương. Đó là lần chị và đồng đội tham gia chuyên án phá đường dây mua bán ma tuý từ Bắc Giang lên Cao Bằng.

Cả tổ công tác phục từ sáng sớm đến quá trưa mới phát hiện chiếc xe khách chở đối tượng xuất hiện. Kiểm tra trong người đối tượng, tổ công tác phát hiện hắn đang mang 40 viên ma túy tổng hợp (MTTH) nên tiến hành bắt giữ. Vì đây là khu vắng dân cư qua lại, không có trụ sở công an và UBND xã nên chị Lê và đồng đội buộc phải đưa đối tượng vào một ngôi nhà ven đường nhờ tạm để lập biên bản và lấy lời khai ban đầu.

Thấy chỉ có nữ công an hỏi cung mình, đối tượng có ý coi thường. Hắn lợi dụng lúc chị Lê đang cúi xuống ghi chép, bất ngờ ập lên, đẩy ngã chị và lao về phía khẩu súng AK chị đang dựng ở phía sau. Nhưng cũng rất nhanh, chị Lê soài người theo, túm lấy chân đối tượng. Vốn to khoẻ nên đối tượng kháng cự rất dữ dội, 2 bên vật lộn nhau. Trong suy nghĩ của chị Lê lúc đó là làm sao phải cách xa tên tội phạm khỏi khẩu súng, bởi nếu hắn lấy được thì không biết hậu quả sẽ như thế nào?

Đại tá Đàm Thị Lê giao nhiệm vụ cho cán bộ chiến sĩ trước lúc lên đường phá án.

Dù bị tên tội phạm tìm cách đánh, đấm, chị Lê vẫn túm chặt lấy hắn và quài chân đá khẩu súng ra xa. Vốn là con nhà võ, sau đó chị đã nhanh chóng chiếm được thế chủ động. Chị bật lên, bẻ quặt tay đối tượng. Vừa lúc đó, đồng đội phía bên ngoài kịp vào ứng cứu…

Cách nhiều năm, tôi mới gặp lại Đại tá Đàm Thị Lê ở Lễ tuyên dương Phụ nữ Công an xuất sắc trong phong trào thi đua lần thứ III (2010-2015). Chị lên đọc tham luận tại hội nghị với cương vị là Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Cao Bằng. Tham luận của chị đã gây ấn tượng sâu sắc và lay động mọi người, tuy ngắn gọn nhưng đã thể hiện bản lĩnh, sự hy sinh của người phụ nữ trên cương vị chỉ huy trận tuyến đấu tranh chống tội phạm cực kỳ nguy hiểm.

Gặp chị bên lề hội nghị, gương mặt đẹp của chị cứng cỏi hơn theo dòng thời gian. Hỏi chị cương vị mới có vất vả quá không? Chị trả lời giản dị: "Chị quen môi trường này rồi, quen vất vả rồi". Có lẽ vậy, "lửa thử vàng, gian nan thử sức", khi người ta đã vượt qua và hàng ngày đối đầu với những khó khăn, nguy hiểm nhất trong công việc, thì mọi vấn đề khác chỉ lùi về phía sau.

Đại tá Đàm Thị Lê chia sẻ, muốn trở thành người lính ma túy giỏi thì bản thân mỗi người phụ nữ làm công việc này phải chịu khó hơn hẳn trong việc rèn luyện về bản lĩnh, sự dũng cảm và vũ thuật. Bản thân chị, "võ cũng thích, bắn súng giỏi, từng có mặt trong một số cuộc thi bắn súng của Bộ Công an", thế nên chị chẳng nề hà việc lăn lê, bò toài, đánh nhau với tội phạm.

Chị cho biết, Cao Bằng là một tỉnh biên giới có hơn 300km đường biên, các đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An, Thái Nguyên, Hà Nội....thường móc nối với các đối tượng tại Cao Bằng hình thành đường dây khép kín, hoạt động với rất nhiều thủ đoạn tinh vi, nguy hiểm nhằm trốn tránh sự phát hiện, xử lý của các cơ quan chức năng....Tất cả những điều đó luôn là trăn trở của lực lượng đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy, đòi hỏi chị và đồng đội phải luôn bám sát địa bàn, làm tốt công tác nắm tình hình, bóc gỡ từng đường dây, triệt xóa các điểm bán ma túy gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh sự nghiêm khắc của những người làm công tác bảo vệ pháp luật, thì chị và đồng đội còn có sự mềm dẻo, thấu lý đạt tình, kiên trì phân tích để các bị can nhận thức rõ về hành vi phạm tội của bản thân.

Trong những năm qua, bản thân chị Lê đã vận động được nhiều đối tượng đã từng có hành vi phạm tội quay trở lại làm ăn lương thiện, làm cơ sở tai mắt cho lực lượng công an, cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị, khám phá nhiều đường dây mua bán ma túy lớn. Cụ thể, từ năm 2011 đến nay, bản thân chị Lê đã trực tiếp cùng anh em trong đơn vị phát hiện bắt giữ, điều tra 130 vụ với 185 bị can phạm tội mua bán trái phép chất ma túy, thu giữ gần 200 bánh heroin, 20 kg ma túy dạng đá, 1860 viên ma túy tổng hợp cùng nhiều vũ khí phương tiện tài sản khác có liên quan.

Trận đánh "vang dội" nhất của lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Cao Bằng là trận ngày 5/2 vừa qua. Để có được thông tin về đường dây mua bán ma túy siêu khủng này, trước đó nhiều tháng, các trinh sát của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã phải vượt rừng, lội suối ở các khu vực biên giới để lần theo thông tin về các đối tượng nghi vấn tham gia đường dây. Từ đó, đơn vị đã báo cáo Ban Giám đốc Công an tỉnh lập chuyên án đấu tranh. Đến ngày 4/2, Ban chuyên án nắm được thông tin hôm sau đối tượng sẽ vận chuyển một lượng ma túy rất lớn từ dưới xuôi, qua TP Cao Bằng để lên cửa khẩu Trà Lĩnh, từ đó vận chuyển sang biên giới tiêu thụ.

Tất cả lực lượng tham gia phá án được huy động, gồm: Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Cao Bằng, Đội kiểm soát Hải quan (Cục Hải quan Cao Bằng).

Địa điểm chặn bắt đối tượng là khu vực km17, quốc lộ 3 tuyến Hà Nội - Cao Bằng, nơi đối tượng theo kế hoạch sẽ điều khiển ôtô chạy qua. Lực lượng phá án chia thành nhiều mũi, tổ chức chốt chặn ở tất cả các ngả đường mà đối tượng có thể rút chạy khi bị truy đuổi.

Đúng 8h30 ngày 5/2, chiếc xe ôtô của đối tượng nghi vấn xuất hiện. Tổ công tác liên ngành đầu tiên đã ra hiệu lệnh dừng xe. Tuy nhiên, đối tượng vừa liều lĩnh, vừa cáo già. Khi thấy lực lượng liên ngành, gã đánh hơi thấy "không bình thường" nên rồ ga bỏ chạy hết tốc lực bất chấp địa hình đường sá khúc khuỷu với nhiều khúc cua nguy hiểm.

"Lúc đó, với tinh thần quyết tâm tấn công tội phạm đến cùng, tổ công tác liên ngành với 4 ôtô của lực lượng Phòng PC47, Phòng CSGT và Hải quan Cao Bằng đã kiên trì rượt đuổi. Đường miền núi nguy hiểm nhưng lúc đó, các lực lượng tham gia truy bắt chỉ có một suy nghĩ duy nhất: không thể để đối tượng chạy thoát"- chị Lê bồi hồi nhớ lại.

Biết khó lòng "chạy đua" cùng lực lượng Công an trên đường trường, nên khi chạy về đến khu vực Khu đô thị mới Đề Thám - một khu tái định cư mới của TP Cao Bằng với địa hình phức tạp, lợi dụng tình hình đường xá, nhà cửa đang xây dựng ngổn ngang, dân cư xen kẽ, đối tượng đã dừng xe, bỏ lại ôtô cùng 156 bánh heroin, tháo chạy lên đồi gần đó hòng thoát thân.

"Chúng tôi chia lực lượng bao vây quanh khu vực ngọn đồi mà đối tượng lẩn trốn. Xác định đối tượng đã buôn số lượng lớn ma túy thì sẽ sẵn sàng "tử trận" với lực lượng Công an để không bị bắt nên tôi đã yêu cầu các mũi truy bắt hết sức thận trọng, vừa khép chặt vòng vây, vừa đảm bảo an toàn về lực lượng"- Đại tá Lê kể tiếp. Khi đối tượng bị các lực lượng vây bắt phát hiện đang lẩn trốn ở một bụi cây, gã tìm mọi cách chống đối, vùng vẫy nhưng đã bị các cánh tay thép của lực lượng Công an nhanh chóng quật ngã.

Đối tượng được xác định là Triệu Đức Hanh, SN 1969, trú tại xã Bằng Vân (Ngân Sơn, Bắc Kạn). Khám xét ôtô của đối tượng, ngoài việc thu được 156 bánh heroin giấu trong cốp xe, lực lượng chức năng còn thu được nhiều hung khí nguy hiểm như xà beng, gậy sắt, dao quắm…Với chiến công này, đơn vị đã được Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an gửi Thư khen, UBND tỉnh tặng Bằng khen.

Cái khó nhất của người phụ nữ làm trinh sát ma túy, đặc biệt trên cương vị chỉ huy mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy đầy gian khổ như chị Lê, đó là làm sao phải sắp xếp, cân đối giữa công việc và gia đình. Nhưng dù thế nào, những người phụ nữ như chị đã phải hy sinh rất nhiều. Chị không thể có được những hạnh phúc rất giản đơn như việc ngày nào cũng được đưa đón con đến trường, đêm đêm ngắm gương mặt trẻ thơ của các con lúc ngủ, hay cùng gia đình ấm cúng ngày hai bữa cơm.

Chị kể rằng, có lần, cùng đơn vị đi phục kích trong rừng bắt đối tượng vận chuyển ma túy từ biên giới về. Đến nửa đêm, chị thấy điện thoại của chồng. Lúc đó, chị đã biết có việc gì đó rất nghiêm trọng, bởi chồng chị cũng là một cán bộ Công an, anh rất hiểu công việc của vợ và thường xuyên san bớt việc nhà cho vợ yên tâm công tác. Chồng chị thông báo, không hiểu vì sao đứa con nhỏ lên cơn sốt, nóng rực và có biểu hiện co giật. Là người mẹ, lòng chị lúc đó như lửa đốt. Nhưng nhiệm vụ của một người chỉ huy không cho phép chị rời vị trí, bởi thời điểm bắt đối tượng đang đến rất gần. Chị bình tĩnh hướng dẫn chồng làm các bước như đặt con nằm dưới nền đất, chườm ấm cho con để hạ sốt… Khi bắt gọn đối tượng cùng 2 bánh heroin, làm các thủ tục ban đầu xong thì chị mới mải mốt chạy về nhà chăm sóc con ốm. 

Với nam giới, công tác đấu tranh với tội phạm ma túy đã vô vàn khó khăn. Đối với những nữ chiến sỹ Công an trên mặt trận ấy, khó khăn thách thức còn nhân lên gấp bội. Đó là những chuyến công tác dài ngày, những  lần đối mặt với bọn tội phạm côn đồ, liều lĩnh. Đó là sự đe dọa trả thù của bọn tội phạm, không chỉ với họ mà còn với gia đình, con cái họ. Đó là nỗi lo lắng khi chẳng may bị dính máu của bọn tội phạm nhiễm virus HIV/AIDS…

Đại tá Đàm Thị Lê khiêm tốn nói rằng, đó là do chị có một hậu phương vững chắc là người chồng cùng ngành, đang giữ một vị trí lãnh đạo của đơn vị khác. Anh luôn sẻ chia và đồng hành với chị trên các chặng đường. Chị cũng nhận được sự quan tâm rất nhiều của các đồng chí lãnh đạo Công an tỉnh, sự chung sức, đồng lòng của cả một tập thể đơn vị đoàn kết, say mê công tác. Nhưng bản thân tôi thì nghĩ, không phải ngẫu nhiên chị được lựa chọn là người nữ Trưởng Phòng duy nhất của lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy trên toàn quốc, một lĩnh vực đấu tranh cực kỳ gian khổ và hiểm nguy. Trong chị dường như có bản chất thép của một nữ tướng. 

T, Hòa - P. Thủy
.
.