Nữ phó giám thị trại giam bản lĩnh, kiên cường

Thứ Ba, 22/09/2015, 08:00
Đang công tác tại Phòng Bảo vệ nội bộ, chỉ vì một lần tình cờ "hiến kế" bắt tội phạm truy nã mà chị được lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) Công an tỉnh "xin" ngay về phòng làm việc. Bao nhiêu năm gắn bó với Phòng PC45, chưa một lần chị chịu đầu hàng những vụ trọng án được coi là "khó nhằn", nhất. Bản lĩnh của người nữ trinh sát còn giúp chị làm tốt công việc khi được điều chuyển sang công tác trong lĩnh vực mới. Chị là Thượng tá Hà Thị Chúc, Phó Giám thị Trại Tạm giam Công an tỉnh Tuyên Quang.

1. Có lẽ, Thượng tá Hà Thị Chúc là nữ trinh sát gắn bó với Phòng PC45 lâu nhất của Công an tỉnh Tuyên Quang. Chị kể, ra trường, về công tác tại Phòng Bảo vệ nội bộ 3 năm, nhiều lần sang Phòng PC45 chơi, thấy các anh bàn bạc kế hoạch bắt một đối tượng truy nã, chẳng ngần ngại, chị đưa ra một kế hoạch chi tiết, tỉ mỉ, hợp lý dựa trên đặc điểm, tính cách của đối tượng. Và thật bất ngờ, lần ấy, cán bộ Phòng PC45 đã bắt gọn đối tượng đúng theo kế hoạch mà chị đề ra. Đến khi được điều sang công tác tại Phòng PC45 chị mới biết đó là do đề xuất của Trưởng phòng PC45 vì thấy chị có tố chất của một trinh sát hình sự.

Với nam giới, làm trinh sát đã vất vả, với nữ giới còn khó khăn vất vả hơn gấp bội phần. Vậy mà Thượng tá Hà Thị Chúc đã gắn bó với công việc này gần 20 năm. Chị bảo, người chị biết ơn nhất chính là chồng và các con của chị, bởi nhờ họ mà chị mới có động lực quyết tâm theo đuổi  nghề nguy hiểm.

Thượng tá Hà Thị Chúc.

Gia đình nội ngoại đều ở xa, lại già yếu, không thể giúp được gì, nên suốt thời gian chị sinh hai con, anh tự nguyện xin nghỉ việc ở nhà thay vợ chăm sóc hai đứa con nhỏ để chị yên tâm làm công tác của một trinh sát. Đến khi cô con gái thứ hai vào học lớp 1, anh mới bắt đầu đi làm trở lại. Các con của chị cũng được bố mẹ rèn cho tính tự lập từ bé. Lúc nhỏ, chưa tự đi học được, chị nhờ người dắt qua đường quốc lộ. Lớn hơn một chút, hai anh em đưa nhau đến trường rồi về nhà tự cơm nước, chăm nhau. Có những hôm chị về sớm nấu nướng, giặt giũ cho các con, nhưng cũng có những hôm chị đi đánh án vài ngày liền, các con lại thay mẹ làm mọi việc nhà. Điều chị tự hào nhất là cậu con trai cả cũng yêu mến nghề này và đang học năm thứ hai Học viện Cảnh sát nhân dân.

2.Công việc của một trinh sát hình sự luôn phải đối mặt với muôn vàn hiểm nguy. Chính Thượng tá Hà Thị Chúc nhiều lần phải một mình đối đầu trực diện với tội phạm, nhưng lần nào chị cũng xuất sắc bắt được đối tượng bằng sự mưu trí, dũng cảm, nhanh nhẹn và khéo léo.

Còn nhớ khoảng năm 2014, một nạn nhân trình báo bị giật túi xách trên một đoạn đường vắng và đối tượng có gọi điện hẹn ngày giờ, địa điểm đến chuộc lại. Phải đến tận chiều hắn mới xuất hiện tại địa điểm đã "hẹn" sau khi "lượn" một vòng quan sát. Khi thấy nạn nhân đang ở đó và không có sự bất thường nào, hắn mới dừng lại nhưng vẫn ngồi trên xe, không tắt máy.

Nhiệm vụ của chị Chúc là đóng giả một người nông dân đi làm đồng để theo dõi. Tuy nhiên, tên trộm rất cảnh giác, khi thấy chị Chúc vác cuốc đi gần đến nơi, hắn ngờ ngợ định phóng xe bỏ chạy, thế nhưng chị Chúc đã rất nhanh trí khi thấy mấy đứa trẻ đang tắm dưới sông liền giục giã chúng lên bờ khiến hắn tưởng là mẹ bọn trẻ nên yên tâm thực hiện tiếp "giao dịch". Dù trước khi đến nơi, chị và đồng đội đã thảo luận với nạn nhân rằng, nếu đúng giấy tờ của chị này thì đưa tay kéo mũ chụp xuống làm ám hiệu để anh em truy bắt. Nhưng khi đối diện với tên cướp, nạn nhân sợ hãi chỉ lùi lại run lập cập, miệng lắp bắp "Đúng của tôi rồi".

Nhìn biểu hiện sợ sệt của nạn nhân, Thượng tá Hà Thị Chúc biết chắc là tên cướp anh em đang truy tìm, nhưng khi đó, tổ trinh sát hỗ trợ cho chị sau một ngày theo dõi, mật phục đã thấm mệt nên tản mát vào nhà dân xin nước. Nếu chờ đồng đội đến, đối tượng sẽ nhanh chân tẩu thoát, nhanh như cắt, chị lao vào. Trong tích tắc, chị vừa bập còng số 8 vào tay đối tượng rồi khoá luôn vào đuôi xe, vừa nhanh tay rút chìa khoá xe, đồng thời túm tóc hắn giật ngược ra đằng sau, đá vào khuỷu chân để hắn ngã khuỵu xuống khiến hắn không kịp trở tay.

3. Tôi hỏi chị, công việc CSHS vất vả, hiểm nguy, nhưng tại sao lúc được xin về Phòng, chị không từ chối. Chị bảo: "Lúc ấy lòng say mê nghề nghiệp lên cao quá rồi. Nếu không truy tìm được thủ phạm thì ăn không ngon, ngủ không yên, lúc nào cũng phải suy nghĩ, bày mưu tính kế. Nhiều đối tượng bắt về nhưng chúng vẫn chưa chịu khai, phải đấu tranh khai thác bằng những lý lẽ, bằng chứng thuyết phục nhất chúng mới cúi đầu nhận tội. Những lúc chiến thắng trong cuộc đấu trí với tội phạm, mình cảm thấy hạnh phúc, sung sướng và thoải mái lắm. Xong xuôi công việc cơ quan rồi, trở về nhà mới thấy thanh thản". Chưa một đối tượng nào mà chị là cán bộ trực tiếp lấy lời khai khiến chị phải khuất phục, dù là đối tượng nguy hiểm, lì lợm nhất.

Còn nhớ vụ án Vũ Văn Thùy và Trần Hải Hùng, cùng cư trú tại xã Thái Bình (Yên Sơn) giết người cướp tài sản xảy ra ngày 24/7/2011 tại Sơn Dương, chị là người trực tiếp tham gia từ lúc triệu tập đối tượng đến lúc xét hỏi và cũng chính chị là người đầu tiên lấy được lời khai của chúng. Đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng, sau 9 năm xảy ra cơ quan điều tra mới tìm ra được hung thủ, bởi kể từ khi nạn nhân bị giết cho đến lúc biết và tìm được xác là hơn một tháng, mọi dấu vết đều không còn. Trong khi đó đối tượng ung dung trốn vào núi, lấy vợ làm ăn sinh sống đàng hoàng.

Từ một thông tin rất nhỏ về chiếc xe máy của nạn nhân bị bán đi bán lại tám lần ở Hà Nội, chị Chúc cùng một tổ trinh sát nhanh chóng xuống Hà Nội xác minh. Người mua là một phụ nữ trú tại Hà Tây (cũ), từng thụ án 7 năm tù vì buôn bán ma tuý. Chị ta rất khôn ngoan khi khai mua của người không biết tên ngoài chợ Long Biên. Cứ như thế 2 ngày 2 đêm, chị Chúc kiên trì đấu tranh đến lúc chị ta phải khai ra mua của người anh em với đối tượng Hùng và Thuỳ. Sau khi lấy được xe của nạn nhân, Hùng và Thuỳ đã nhờ anh này dưới Hà Nội bán hộ.

Hai đối tượng Hùng và Thuỳ mà Thượng tá Hà Thị Chúc trực tiếp lấy lời khai trong vụ án giết người ở Sơn Dương.

Ngay lập tức Hùng và Thuỳ được triệu tập đến cơ quan Công an. Anh em trinh sát phần nào thấy nhẹ nhõm khi vụ án bế tắc sau 9 năm một phần được hé mở. Khi ấy, dù Giám đốc Công an tỉnh thành lập Ban Chuyên án nhưng vẫn không tìm ra được dấu vết.

Thời điểm xảy ra vụ án, nạn nhân đang trong thời gian nghỉ phép, nhưng vẫn lên cơ quan có việc. Buổi tối không thấy chồng trở về, vợ anh chỉ gọi điện lên cơ quan hỏi anh đã về chưa thì mọi người bảo anh về rồi. Hết một tuần, hai tuần, sốt ruột chị gọi cho bạn bè anh nhưng cũng không ai biết. Sau một tháng, chị mới dám gọi lên cơ quan anh để thông báo. Lúc ấy mọi người mới tá hoả đi tìm. Lần tìm các cung đường, các nơi nạn nhân có thể qua, Cảnh sát mới tìm được xác nạn nhân, mọi dấu vết không còn nên phải mất 9 năm, kẻ thủ ác mới lộ diện và bản án tử hình dành cho kẻ sát nhân là đích đáng.

Với sự mưu trí, dũng cảm, tận tâm với nghề, Thượng tá Hà Thị Chúc nhận được nhiều sự yêu mến, quý trọng của đồng đội và cả những người dân trên địa bàn chị phụ trách. Dù sang công tác tại Trại Tạm giam Công an tỉnh từ năm 2014 nhưng chị vẫn nhận được nhiều nguồn tin của quần chúng nhân dân. Bởi trong thời gian chị còn làm việc tại Phòng PC45, hễ người dân báo có án hay có vụ việc gì, chị đều tiếp nhận thông tin và xử lý thấu đáo, vì thế mà người dân vẫn tin tưởng báo tin cho chị và chị lại chuyển sang Phòng PC45 để xử lý giúp bà con.

Hiện tại, công việc hàng ngày của Thượng tá Hà Thị Chúc bận rộn "như con mọn". Phụ trách mảng tham mưu nên chị phải lo mọi công việc từ lớn đến nhỏ của Trại, thế nhưng ở cương vị nào chị cũng hoàn thành xuất sắc mọi công việc được giao. Chị đã vinh dự được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của Bộ Công an, của UBND tỉnh, của Tổng cục Cảnh sát và Giám đốc Công an tỉnh với những thành tích xuất sắc đã đạt được và là điển hình tiên tiến tiêu biểu được tôn vinh tại Đại hội thi đua "Vì an ninh Tổ quốc" giai đoạn 2010 - 2015 do Công an tỉnh Tuyên Quang tổ chức mới đây.

Ngọc Trâm
.
.