Nữ đại tá trên trận tuyến thầm lặng

Thứ Năm, 22/12/2016, 10:43
Mạnh mẽ, rắn rỏi nhưng không mất đi "chất" dịu dàng và vẻ mặn mòi của người phụ nữ. Say nghề, mê nghiệp, chị nhớ tường tận từng vụ án, từng sự việc đã trải qua trong cuộc đời.


Nghề đấu trí

Là nữ duy nhất ở một đơn vị chiến đấu, cho đến khi lên lãnh đạo, Đại tá Nghiêm Thanh Thủy vẫn là "bông hồng" hiếm hoi giữa "một rừng" đồng nghiệp nam tại Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA83), Công an tỉnh Đắk Lắk. Suốt những năm tháng đồng cam cộng khổ với anh em đã để lại trong trái tim người nữ công an những ký ức không thể nào quên. Phòng PA83 với chức năng làm tham mưu trong công tác bảo vệ Chính trị nội bộ, công việc rất nhiều, trải rộng trên nhiều lĩnh vực.

Hằng ngày, cán bộ chiến sĩ phải căng mình làm việc, tiếp xúc, gặp gỡ với nhiều thành phần, trong đó phần lớn là người có học thức, có địa vị trong xã hội. Tiếp cận với tội phạm lĩnh vực này tuy không nguy hiểm, nhưng người cán bộ phải sử dụng bản lĩnh, trí tuệ để đấu trí. Đại tá Thủy cho biết, muốn đấu trí thì trước tiên mình phải có trình độ, nắm vững tất cả các quy phạm pháp luật về lĩnh vực đó, ngành nghề đó.

Đại tá Nghiêm Thanh Thủy.

Điển hình là vụ "cậu Thủy" từng gây chấn động dư luận trong một thời gian dài. Ngay khi có thông tin, Phòng PA83 dưới sự chỉ đạo của nữ trưởng phòng Nghiêm Thanh Thủy đã bắt tay vào điều tra. Trinh sát tỏa ra các hướng, về trại giam nơi "cậu Thủy" từng thụ án, ra Bắc Ninh tới Quảng Trị...Tất cả những vấn đề liên quan đến "cậu Thủy" đều được anh em sàng lọc một cách cẩn thận.

Suốt 7 tháng trời, cán bộ chiến sĩ Phòng PA83 đã lặn lội khắp nơi. Tỉ mỉ nhất là việc tiếp cận vị trí khai quật hài cốt liệt sĩ để làm rõ căn nguyên nào mà "cậu Thủy" chỉ chính xác được 73 hài cốt thành công hoàn hảo như vậy. Vì hiện trường gần như bị xóa dấu vết, nên công tác thu thập chứng cứ rất khó khăn.

Bằng những tìm tòi, nghiên cứu, am hiểu khoa học sâu rộng, chị Thủy cùng đồng đội đã chắp nối sự kiện, phân tích và tìm ra nhiều lỗ hổng trong việc dàn dựng hiện trường của "cậu Thủy". Cơ quan công an liên hệ với nhiều đơn vị, như Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Quân khu 5 xác định xem có trận đánh nào diễn ra tại địa điểm "cậu Thủy" tìm hài cốt không?

Tiếp đến là đi chứng minh những liệt sĩ "cậu Thủy" tìm được không hy sinh tại Đắk Lắk. Tổ công tác phải chứng minh từng bộ xương, từng chiếc mũ, đôi dép để từ đó phản bác lại luận điệu bịp bợm của "cậu Thủy", với những mưu mô vô cùng xảo quyệt. Đây là vụ án liên quan đến vấn đề tâm linh, nên rất nhạy cảm. Trong quá trình làm việc, đơn vị vấp phải sức ép rất lớn từ nhiều phía.

Là người trực tiếp chỉ đạo vụ án, chị Thủy phải đối mặt với nhiều câu hỏi hóc búa, nặng nề từ các cơ quan chức năng cũng như thân nhân liệt sĩ. Với bản lĩnh của người chiến sĩ Công an, chị đã dùng lập luận khoa học, logic chứng minh sự thật, đồng thời quyết tâm đưa vụ án ra ánh sáng. Bởi hơn ai hết, chị trăn trở, đau đáu với vong hồn các liệt sĩ đã ngã xuống và thân nhân của họ. Chị xác định phải lấy lại niềm tin trong nhân dân, phải trả lại những gì thuộc về lịch sử. 

Trong vụ án "cậu Thủy", tài liệu của Công an Đắk Lắk được đánh giá là rõ ràng, chặt chẽ và khoa học, giúp cho cơ quan điều tra Công an Quảng Trị có thêm cơ sở vững chắc để khởi tố đối tượng. Kết thúc vụ án, Phòng PA83 Công an Đắk Lắk đã được Bộ công an tặng bằng khen, cá nhân chị Thủy được nhận bằng khen của Tổng cục An ninh.  

Luôn yêu ngành, say nghiệp

Là nữ lãnh đạo của một tập thể vững mạnh, dưới quyền chị là những cán bộ chiến sĩ dày dạn kinh nghiệm, giỏi chuyên môn nghiệp vụ. Chị được anh em yêu quý và tôn trọng, bởi chị dám làm và dám chịu trách nhiệm. Bù lại, chị sống hết mình, luôn lắng nghe, cầu thị và tôn trọng anh em. Thế nên tất cả những khó khăn, vất vả, chị và anh em đã cùng nhau vượt qua.

Năm 2007, trên cương vị Phó phòng PA25 (nay là PA83), chị đã cùng anh em điều tra, bóc gỡ thành công đường dây chạy đậu vào Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk. Tuy nhiên, khi cơ quan công an vừa bắt tay vào điều tra đã vấp phải cản trở quyết liệt từ nội bộ trường.

Với trách nhiệm của mình, chị Thủy quyết  theo đuổi vụ án để trả lại công bằng cho hàng trăm học sinh. Tìm thấy kẽ hở là việc chấm thi không hề có bảng điểm, học sinh làm bài không có tài liệu lưu, cơ quan công an xác định bước đầu việc luyện thi và chấm thi là sai quy định. Theo đó, luật ngầm được đưa ra là 30 triệu cho một suất đậu. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, công an đã chứng minh hành vi đưa và nhận hối lộ trong tuyển sinh đầu vào tại trường.

Với chứng cứ sáng như ban ngày, tưởng như câu chuyện đã đến hồi kết thì sự việc lại gần như không có gì thay đổi. Tất cả cán bộ sai phạm vẫn đương chức, đương quyền, còn ung dung nằm trong ban tuyển sinh mùa thi tiếp theo. Suốt hai năm trời theo đuổi, đấu tranh đến cùng với những sai trái tại Ttrường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật, không ít lần chị cảm giác bất lực, buồn bã bởi cán cân công lý.

Không thể làm ngơ trước "bức màn" đen tối ngang nhiên che mắt thiên hạ, chị đề xuất cơ quan điều tra nhờ sự can thiệp của Ban Phòng chống tham nhũng thuộc Văn phòng Chính phủ. Cuối cùng, những đối tượng từng làm mưa làm gió tại Trường Cao đẳng văn hóa Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk đã phải cúi đầu trước vành móng ngựa.

Đại tá Nghiêm Thanh Thủy (ngoài cùng bên phải) vinh dự nhận bằng khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Đại tá Nghiêm Thanh Thủy chia sẻ, làm việc ở lĩnh vực như chị va vấp và đụng chạm nhiều lắm. Đôi khi chiến công của mình lại là sự thất bại của người khác. Sau mỗi vụ án chỉ dám thở phào nhẹ nhõm vì đã làm tròn nhiệm vụ của người chiến sĩ công an, còn lại là nỗi niềm ưu tư, canh cánh trong lòng. 

Năm 2014, đơn vị của chị đã bóc gỡ thành công đường dây làm giả chứng chỉ văn bằng quy mô lớn. Đối tượng nắm bắt được nhu cầu bức thiết của giáo viên thi nâng ngạch phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, nên rao tin quảng cáo trên mạng.

Rất nhiều người đã liên hệ và được đối tượng hẹn gặp thu hồ sơ. Sau quá trình điều tra, phòng PA83 dưới sự chỉ đạo của Đại tá Nghiêm Thanh Thủy đã tiếp cận được "mắt xích" quan trọng là cựu sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên. Đối tượng móc ngoặc với đường dây tại Tp. Hồ Chí Minh làm đầu mối thu gom hồ sơ và phát bằng cho người có nhu cầu.

Mở rộng vụ án, cán bộ điều tra cảm thấy giật mình, bởi số lượng lên tới hàng chục ngàn phôi bằng và các văn bằng, chứng chỉ đã làm. Các đối tượng trang bị máy móc hiện đại cùng kỹ thuật in ấn tinh vi, sắc nét, bằng mắt thường không thể phân biệt được đâu là bằng thật đâu là bằng giả. Riêng địa bàn Đắk Lắk, đối tượng không thể nhớ nổi đã làm cho bao nhiêu người, vì mỗi hồ sơ bàn giao xong, phải tiêu hủy ngay nhằm xóa dấu vết.

Đại tá Thủy tâm sự, chị rất buồn và trăn trở với hệ lụy sau vụ án. Hàng ngàn văn bằng giả hiện đang ở đâu? Bao nhiêu tấm len vào cơ quan nhà nước? Trong khi đó, những người mua bán biết rõ hành vi của mình, nhưng vẫn cố tình lừa dối cơ quan của họ và đơn vị tuyển dụng.

Lực lượng Công an gắn với Đại tá Thủy như cái duyên nghiệp. Chị yêu từ buổi đầu bước chân vào mái trường Học viện An ninh. Nhiều năm "lăn lộn" trên mặt trận chiến đấu, chị đam mê hết mình vì màu cờ sắc áo. Nhưng cuộc gặp gỡ nào rồi cũng phải chia tay, vậy là tháng 10 năm 2016, Đại tá Nghiêm Thanh Thủy được lãnh đạo Công an tỉnh luân chuyển về làm Trưởng phòng Xuất nhập cảnh (PA72).

Có chút buồn, chút lưu luyến bởi "mái nhà" PA83 đã quá thân thương gần gũi với chị. Ở đó, chị đã trải qua những tháng năm tuổi trẻ thật đẹp và sôi sổi. Nhưng chị xác định, ở đâu cũng làm và cống hiến, điều quan trọng là mình vẫn còn tràn đầy nhiệt huyết với nghề. Chị như được tiếp thêm sức mạnh khi được lãnh đạo tin tưởng, đồng đội yêu quý.

Đặc biệt, chị tự hào và hạnh phúc vì có người chồng cùng ngành. Những ngày công tác xa nhà và những đêm đi đánh án mờ sáng mới trở về, anh chẳng bao giờ ca thán một lời. Hơn 30 năm khoác trên mình màu áo an ninh, Đại tá Nghiêm Thanh Thủy đã được tặng thưởng nhiều bằng khen, huân, huy chương cao quý. Đặc biệt, trong năm 2016, chị là một trong ba phụ nữ tiêu biểu của tỉnh được Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tôn vinh và tặng bằng khen "Phụ nữ xuất sắc 5 năm tiêu biểu toàn quốc".

Ngân Hà
.
.