Nữ cán bộ Công an phá nhiều chuyên án kinh tế

Thứ Năm, 07/11/2019, 08:59
Thiếu tá Phan Thị Lê Vân, Phó trưởng Công an phường Thành Công, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk là một trong những gương mặt phụ nữ Công an tiêu biểu vừa được tôn vinh vào năm 2019. Chị cũng là một trong những chiến sỹ Thi đua toàn lực lượng CAND của Công an tỉnh Đắk Lắk năm 2018.


Không chỉ giỏi nhiệm vụ chuyên môn, chị còn tích cực tham gia vào công tác của hội phụ nữ. Với những thành tích đã đạt được, Thiếu tá Phan Thị Lê Vân đã vinh dự được Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Đắk Lắk, tặng Bằng khen "Cán bộ Hội cơ sở giỏi" cấp tỉnh năm 2016 - 2019...

Tôi gặp Phan Thị Lê Vân khi người nữ Phó trưởng Công an phường vừa trở về sau gần 2 tháng "trưng dụng" cho Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk, tham gia một vụ án kinh tế xảy ra trên địa bàn. Không phải ngẫu nhiên mà dù đã chuyển sang một vị trí công tác mới (từ tháng 1-2019, chị được điều động từ Phòng CSĐT tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu về làm Phó trưởng Công an phường Thành Công), Thiếu tá Phan Thị Lê Vân vẫn được lãnh đạo đơn vị tin tưởng, giao nhiệm vụ. Điều đó là niềm tự hào song bản thân chị cũng thấy trách nhiệm của mình càng lớn...

Trò chuyện với chị, tôi đã bị cuốn hút bởi cách nói chuyện nhẹ nhàng, dí dỏm nhưng thông minh và sâu sắc.

Thiếu tá Phan Thị Lê Vân trong một buổi tiếp dân.

"Tôi đến với nghề Công an cũng là cái duyên, người chọn nghề và nghề cũng chọn người", Thiếu tá Phan Thị Lê Vân mở đầu câu chuyện. Có năng khiếu về khối A, được tuyển thẳng vào một số trường đại học nhưng chị Vân lại chọn Đại học Luật TP Hồ Chí Minh để theo đuổi đam mê của mình...

Sau khi ra trường, chị từng có thời gian làm việc tại một ngân hàng vì đam mê làm kinh tế. Quãng thời gian không dài nhưng cũng giúp chị tích lũy được những kiến thức, sau này phục vụ nhiệm vụ công tác được giao. "Má muốn con tiếp nối công việc mà má đã lựa chọn, khi đó mẹ đã tâm sự với tôi. Nhưng lời tâm sự của mẹ lâu dần đã thấm vào tâm trí tôi..." - Thiếu tá Phan Thị Lê Vân kể.

Cho đến bây giờ, Thiếu tá Vân không quên được những ngày đầu về nhận công tác tại Phòng CSĐT tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an tỉnh Đắk Lắk. Một năm ròng rã, Vân theo chân các chú, các anh rong ruổi ở các địa bàn, vừa làm, vừa học....

Những kiến thức mới mẻ trên một lĩnh vực công tác mới đã khiến cô gái trẻ ham học hỏi từ sự tò mò, đam mê khám phá dần trở nên yêu thích. Sau một thời gian ngắn, chị Vân được điều động sang làm tại Đội điều tra án tham nhũng, kinh tế, buôn lậu. Chị còn nhớ thời điểm đó, chị vừa nhận công tác tại Đội điều tra án được không lâu.

Buổi sáng hôm đó, sau giờ giao ban, lãnh đạo đội gọi chị sang phòng, giao nhiệm vụ điều tra một vụ án liên quan đến hoạt động mua bán hóa đơn. Vào thời đó, đây là vụ án đầu tiên về lĩnh vực này xảy ra trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Lần đầu tiên phải "tự bơi" một mình, chị Vân không khỏi lo lắng, song người nữ trinh sát ấy tự nhủ với mình phải hoàn thành nhiệm vụ để không phụ niềm tin của lãnh đạo. 

Chị lập kế hoạch rồi xây dựng các bước điều tra. Đối với nữ trinh sát trẻ, đây là một vụ án hoàn toàn mới mẻ. Chị tìm tòi, nghiên cứu các văn bản pháp luật liên quan đến việc mua, bán hóa đơn. Tự mình tìm hiểu những câu hỏi như làm thế nào là mua bán hóa đơn; muốn chứng minh được tội danh này thì cần phải làm rõ điều gì...

Có thời gian, chị và đồng đội lang thang tại thành phố Hồ Chí Minh. Ban ngày thì có mặt ở địa bàn, tối đến lại tỉ mỉ tổng hợp các số liệu do anh em trinh sát đưa về... Trên cơ sở các thông tin có được, chị tổng kết những vấn đề đã làm được, vạch ra những thiếu sót cần phải hoàn thiện và nhiệm vụ trong ngày hôm sau.

Thiếu tá Vân nhớ lại: Vất vả nhất là những lúc phải đi công tác một mình, lại phải chạy đua với áp lực về tiến độ điều tra. Có những địa bàn, chị chưa bao giờ đặt chân đến, nhưng cứ một chiếc balo, một chiếc máy tính, chị lại lên đường, tự liên hệ công tác. Trong vụ án này, chị và đồng đội đã xác minh hàng trăm công ty; làm việc với hầu hết các chi cục thuế ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương... Từ vụ án đầu tay thành công đã giúp người nữ trinh sát ấy tự tin và thêm yêu nghề.

Chị Vân chia sẻ: Cũng là điều tra tội phạm nhưng đấu tranh với tội phạm trên lĩnh vực kinh tế lại có những đặc thù riêng. Tội phạm kinh tế là những đối tượng có tri thức, có trình độ, lại được giao những trọng trách trong lĩnh vực công tác, họ là những người có kinh nghiệm, nhiều mưu mô xảo quyệt... Muốn chứng minh được tội phạm, người cán bộ điều tra phải tự học hỏi và tự nghiên cứu.

Trong khi đó, các lĩnh vực về kinh tế rất đa dạng; đấu tranh với tội phạm kinh tế đòi hỏi điều tra viên phải có sự tỉnh táo, quyết đoán; quá trình điều tra không để bị chi phối bởi những yếu tố tác động cả về kinh tế và sức ép từ nhiều phía... Có như vậy mới thành công được.

Chị còn chia sẻ thêm, trong bất cứ một công việc nào cũng vậy, muốn khám phá thành công phải có niềm đam mê. Điều đó, luôn cháy bỏng trong tâm trí Thiếu tá Phan Thị Lê Vân. Nhiều đêm đang ngủ, chị giật mình tỉnh giấc "Hôm qua lời khai củng cố chưa chặt chẽ. Ngày mai còn phải làm gì" - đó là những câu hỏi luôn đặt ra đối với Thiếu tá Phan Thị Lê Vân trong hành trình phá án.

Thiếu tá Phan Thị Lệ Vân đại diện Hội phụ nữ Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đắc Lắk dự khởi công xây dựng nhà tình nghĩa cho người có hoàn cảnh khó khăn ở Buôn Tar, xã yangmao, huyện Krông Bông.

Công việc gối công việc, có những chuyên án chị mải miết đi cả tháng chẳng về nhà. Những lúc đó, sự đồng hành của người chồng, cũng là người đồng chí, đồng đội là động lực giúp Vân vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Nói đến đây, chị Vân dừng lại: "Hai vợ chồng cùng công tác trong lực lượng, có những lúc cả hai cùng ca trực, chồng tôi luôn là người chủ động đổi trực để dành thời gian cho gia đình. Chính sự đồng hành, chia sẻ của người bạn đời đã giúp tôi có thêm động lực để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao". 

Chỉ tính riêng thời gian làm việc tại Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế, tham nhũng và buôn lậu, chị đã trực tiếp thụ lý và hướng dẫn điều tra, chỉ đạo Đội khám phá 12 vụ án, với 36 bị can phạm tội về kinh tế, tham nhũng, tổng giá trị thiệt hại 321,49 tỷ đồng, thu hồi 1,136 tỷ đồng. Kết quả đã hoàn thành điều tra 7 vụ, với 11 bị can. Trong đó, chị đã trực tiếp điều tra 3 vụ án phức tạp, với tổng số 6 bị can, tổng giá trị thiệt hại khoảng 6,2 tỷ đồng, tài sản thu hồi hơn 1,136 tỷ đồng.

Có những vụ án kinh tế phải đeo đuổi kéo dài trong nhiều năm, đòi hỏi sự kiên trì của người điều tra viên. Vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại doanh nghiệp tư nhân thương mại Tính Nên là một ví dụ. Bà chủ doanh nghiệp là Trương Thị Bích có thủ đoạn tinh vi, vay tiền của chi nhánh một ngân hàng trên địa bàn tỉnh Đắk Lăk để chiếm đoạt tiền vay...

Đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, muốn chứng minh được hành vi phạm tội, các trinh sát phải làm rõ được ý thức chủ quan của tội phạm là mục đích chiếm đoạt. Vụ án còn liên quan đến yếu tố nước ngoài nên phải mất một thời gian dài nghiên cứu.

Mới đây, vụ án được đưa ra xét xử đã tuyên án chung thân đối tượng chủ mưu. Chia sẻ với chúng tôi, Thiếu tá Phan Thị Lê Vân cho biết: "Án kinh tế khi nào xét xử xong thì mới yên tâm. Có những vụ án, chuyên án phải kéo dài trong nhiều năm, đòi hỏi sự kiên trì của người điều tra viên.

Từ đầu năm 2019, Thiếu tá Phan Thị Lê Vân được điều động về làm Phó Trưởng Công an phường Thành Công. Công việc ở cơ sở mới cũng có những khó khăn riêng... Song gần gũi với nhân dân, sâu sát với địa bàn, chị đã cùng đồng đội tiếp tục lập thêm những thành tích mới, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, được người dân ghi nhận, đánh giá cao.

Cùng với công tác chuyên môn, chị đã tham gia tích cực vào hoạt động của Hội Phụ nữ. Với tư cách là Ủy viên Ban chấp hành Hội Phụ nữ Công an tỉnh, Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở, chị đã có nhiều sáng kiến hay, nhiều hoạt động tích cực trong việc vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Những đóng góp thầm lặng của chị và đồng đội đã góp phần mang lại bình yên cho địa bàn.

Vũ Linh- Xuân Mai
.
.