Nữ Trưởng Công an quận đầu tiên của TP Hồ Chí Minh

Thứ Năm, 28/05/2020, 09:13
“Phụ nữ đứng đầu một đơn vị Công an như bà chắc hẳn gặp nhiều khó khăn hơn cánh mày râu?” – vị khách đoàn ngoại giao Đức đến thăm TP Hồ Chí Minh nhìn Đại tá Đoàn Thị Thu cảm phục...


“Với tôi, mọi công việc đều có khó khăn và thuận lợi. Giữ gìn an ninh trật tự, phụng sự nhân dân, đất nước thì không có chuyện phân biệt nam nữ. Đó là công việc tập thể, mọi người cùng nhau gánh vác” – Trưởng Công an quận Tân Bình khẳng khái trả lời.

Cả cuộc đời Đại tá Đoàn Thị Thu đã dành hết để chứng minh lời nói đó, một lòng trung trinh phụng sự Tổ quốc, dù có là trong bom đạn của quân thù hay trên cuộc chiến chống tội phạm đầy cam go. Ánh mắt người phụ nữ 82 tuổi ấy giờ vẫn thể hiện sự cương nghị, nhắc nhớ thời tuổi trẻ sôi nổi.

Năm 1957, xã An Nhơn Tây trở thành một trong những “lõm chính trị” của Củ Chi và của Khu ủy Sài Gòn – Gia Định khi chính quyền Ngô Đình Diệm đánh phá ác liệt. Thu làm nghề may quần áo, nhưng đó chỉ là cách cô ngụy trang để đưa cơm, tài liệu cho cán bộ đồng thời nắm tình hình đám lính bảo an, vận động binh sĩ đào ngũ. Đến lúc anh trai bị tình nghi vì giết chết tên xã trưởng ác ôn, Thu cùng anh trai phải thoát ly gia đình, rút vào hoạt động bí mật. Thời gian này, Thu gặp Hà Văn Thạnh, một cán bộ an ninh. Mến anh vì tính tình hiền lành, xả thân vì nghĩa lớn nên Thu gật đầu làm người nâng khăn sửa túi cho anh.

Đại tá Đoàn Thị Thu.

Năm 1963, được điều động về Ban An ninh Khu Sài Gòn – Gia Định, Thu được giao nhiệm vụ tổ chức tuyến giao liên chuyển thư từ và đưa rước cán bộ từ căn cứ ra vào nội thành. Cô gái đôi mươi như con thoi giữa những cánh rừng bạt ngàn. Thấy cô lanh lẹ, nhanh trí, cấp trên tin tưởng cử Thu vào nội thành hoạt động. Cô gửi con trai lại cho bên ngoại giữ.

Sau nhiều năm bặt tin, mãi cô mới biết chồng mình đã bị bắt trong một lần làm nhiệm vụ và bị tra tấn dã man ở nhà tù Phú Quốc. Lòng nóng như lửa đốt, Thu nhanh chân đến điểm hẹn để giao tài liệu thì bị địch bắt. Nhưng trò tra khảo tàn bạo không làm cô hé răng nửa lời. Kẻ phản bội chỉ điểm được dẫn ra đối chất. Thì ra hắn là kẻ trong tổ chức, là người anh mà mọi người từng tin cậy, yêu mến. Sau này cô mới biết, do không chịu nổi đòn tra tấn man rợ của kẻ thù, người này đã quy phục làm tên chỉ điểm cho địch. Thu giả vờ ngu ngơ không biết người này. Ánh mắt cô bấy giờ chỉ là sự căm thù, phỉ nhổ vào mặt kẻ hèn hạ.

“Nếu hé răng, khác nào mình cũng đốn mạt, đê hèn như hắn? Mình thà chết chứ nhất định không thể bán đứng đồng đội. Sống trên đời, danh dự con người là trên hết”. Thu nhớ mãi câu răn dạy đó của má. Câu nói ấy trở đi trở lại trong cơn ngất, tỉnh đau đớn. Nghĩ đến chồng cũng đang oằn mình chịu cực hình như mình, lòng cô quặn thắt. Cái chết chực chờ.

Không khai thác được gì, địch đành xử Thu án treo và tội mang căn cước giả. Ba năm sau, Thu trở về căn cứ với nhiều thương tật trên người. Đại tá Đoàn Thị Thu tâm sự: “Có lẽ gian khổ, thiếu thốn trong chiến tranh đã luyện cho tôi một nghị lực thép để vững vàng trước mọi thử thách khi trở thành người lãnh đạo ở nhiều vị trí sau này, nhất là khi trở thành Trưởng Công an quận Tân Bình”.

Bà nhớ hoài một kỷ niệm hồi làm giao liên ở căn cứ và nó đã trở thành phương châm sống và làm việc của mình. Theo lệ thường, cứ 3 giờ chiều, giao liên sẽ đến đưa tài liệu để bà đem về cho các chú cán bộ. Nhưng chờ hoài, Thu vẫn chưa thấy chị giao liên đến. Đến 7 giờ tối vẫn không thấy chị ấy đâu nên Thu tức tốc chạy về báo cáo cấp trên. Rừng đêm âm u, tiếng gió hú, lá reo xào xạc.

Tiếng xe đạp lại cọc cạch đều đều như có ai theo sau lưng khiến Thu sợ đến vãi mật. Bởi Thu vốn nhát ma, lại nghe mấy anh hay kể về những linh hồn trong rừng nên guồng chân đạp mà mồ hôi lạnh toát cả lưng áo. Vừa dựng xe đầu ngõ, chưa hoàn hồn, người thì đói lả mà mấy anh đã thay nhau quở trách: Tại sao em không ở lại nắm tình hình? Sao chưa gì mà bỏ về?

Thu ứa nước mắt vì nghĩ mấy anh sẽ động viên rồi cử một thanh niên đi cùng mình để đón chị giao liên bị xe hư. Uất nghẹn, Thu không nói không rằng, xách xe trở lại. Vừa đạp, vừa bậm môi nức nở, nén nỗi sợ băng rừng. Sáng ra, nhìn mắt Thu đỏ hoe, các anh, các chú rối rít xin lỗi, cũng bởi sốt ruột quá nên đâm nóng nảy. Không dè, càng xin lỗi, Thu càng khóc tợn.

Cho đến bây giờ, bà vẫn coi đó là một bài học để tự răn mình: nếu sau này có trở thành lãnh đạo thì cố tránh cách xử sự như thế. Khi cấp dưới đang lo lắng, bí bách công việc thì đừng nên gấp gáp thúc đốc, dồn người ta vào đường cùng mà nên động viên, tìm hướng giải quyết.

Nhờ bài học đó mà sau giải phóng, được phân công làm Phó Ban an ninh huyện Phú Tân Sơn, Đội trưởng Đội Bảo vệ chính trị Công an quận Tân Bình rồi lên làm Phó trưởng Công an quận và Trưởng Công an quận, bà luôn là người thủ trưởng mẫu mực, sâu sát, cảm thông với cấp dưới.

Nghỉ hưu, ngoài công tác đoàn thể xã hội, Đại tá Đoàn Thị Thu dành thời gian vui vầy với cây cối vườn nhà.

Quan niệm của người nữ công an này là: “Mình là thủ trưởng dĩ nhiên mình sẽ có những cái hơn anh em. Nhưng mỗi người một sở trường, họ sẽ có cái hơn mình. Nắm được điều đó sẽ giúp người thủ trưởng hiểu cấp dưới và phân công họ đúng việc, phát huy hiệu quả. Nếu họ có mắc khuyết điểm mình cũng tận tình bày vẽ, góp ý chứ không nên trách mắng vì không ai lại mong muốn mình mắc khuyết điểm, sai phạm”.

Quận Tân Bình ngày trước là một quận mắt xích trong vành đai chiến lược bảo vệ Sài Gòn mà các đời ngụy quyền đã dày công xây dựng. Là Đội trưởng Đội bảo vệ chính trị Công an quận, bà đã cùng đồng đội đưa hàng nghìn lượt sĩ quan, viên chức ngụy quyền đi học tập cải tạo, triệt phá được nhiều tổ chức phản động.

Những đối tượng cứng đầu, bà có cách thuyết phục rất phụ nữ. Có khi bà mua lon sữa, hộp đường, nải chuối đến cho vợ con của những gia đình nghèo khó. Bà như chị em thân thiết, trò chuyện với người thân của họ để tìm hiểu về đời sống thường nhật, những suy nghĩ, góc khuất của đối tượng... để kéo họ về nẻo thiện, tạo công ăn việc làm khi họ hoàn lương. Nhiều người sau khi ra tù coi bà không khác người chị tinh thần, có việc gì cũng hỏi ý kiến chị Năm Thu.

Lập nhiều chiến công nên bà sớm được đề bạt lên Phó trưởng Công an rồi Trưởng Công an quận Tân Bình năm 1989, trở thành người phụ nữ đầu tiên ở TP Hồ Chí Minh đảm nhiệm vị trí này. Từ đây, tài năng và mưu lược của người phụ nữ đầy gan dạ càng được phát huy. Bà đề xuất thành lập Ban chỉ huy thống nhất để giải quyết hiệu quả, tập trung quần chúng, đoàn thể bảo vệ an ninh tại những địa bàn phức tạp như Công viên Hoàng Văn Thụ, khu vành đai sân bay, Xóm Miên phường 10...

Sâu sát như vậy nên không có gì lạ khi Tân Bình nhanh chóng đẩy lùi được các tệ nạn xã hội, cuộc sống nhân dân ngày càng cải thiện, ấm no. Là phụ nữ, nhiều người nghĩ bà dễ mềm lòng nên cũng mang quà cáp tìm cách biếu xén, nhờ vả... Nhưng cạm bẫy đó có là gì với một người chiến sĩ đã tôi rèn trong lửa đạn. Ai đến nhờ vả, chạy chọt này nọ bà đều bảo cứ lên cơ quan, vụ việc thuộc lĩnh vực của đồng chí nào thì cứ để đồng chí đó giải quyết theo quy trình. Tập thể luôn được bà đặt lên trên đầu, mọi việc cứ để tập thể giám sát nhằm tránh lẫn lộn công tư. 

 Đằng sau sự thành công của người đàn ông là bóng dáng người phụ nữ, vậy đằng sau sự thành công của người phụ nữ như Đại tá Năm Thu là gì? Là sự cô đơn. Năm 1979, chồng bà mất vì thương tật, di chứng của những năm tháng tù đày. Đất nước thống nhất chưa lâu, vợ chồng, cha con đoàn tụ chưa bén hơi lại đôi ngả chia lìa.

Dường như công việc tận tụy vì nước, vì dân dần an ủi cho nỗi đau sâu thẳm của bà hay chính nỗi đau ấy là động lực để bà hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, đứng vững trước mọi cam go? Một mình bà vò võ nuôi hai con trai nên người. Ở tuổi 82, bà vẫn sôi nổi tham gia Ban liên lạc hưu trí Công an thành phố, Ban liên lạc hưu trí Công an quận Tân Bình và các hội từ thiện. Dường như giờ phút nào còn hơi sức thì tấm lòng người nữ công an ấy vẫn thắm như chiếc áo xanh màu lá trên vai mà phụng hiến cho đời.

Nguyễn Trang
.
.