Nơi ươm những mầm thiện

Thứ Năm, 29/10/2015, 16:01
Chúng tôi có dịp công tác tại Trại tạm giam Công an tỉnh Hòa Bình, được gặp gỡ những cán bộ ngày đêm ươm mầm thiện cho những mảnh đời lầm lỗi. Có được mắt thấy, tai nghe chúng tôi mới thấu hiểu những khó khăn, vất vả mà cán bộ quản giáo trải qua. Ở nơi ấy có những con người hy sinh cả tuổi thanh xuân, âm thầm chịu đựng nỗi đau cả về thể xác và tinh thần để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Bởi theo họ, hạnh phúc là được cống hiến, được sống với niềm đam mê của mình. Điều đó thật đáng trân trọng biết bao.

1. Với đặc thù là nơi quản lý,  giam giữ các can phạm nhân từ đủ các thành phần trong xã hội, Trại tạm giam Công an tỉnh Hòa Bình là môi trường đầy rẫy khó khăn, phức tạp. Nếu cán bộ  quản giáo không có bản lĩnh vững vàng, có thể bị chính phạm nhân dụ dỗ, mua chuộc. Dù mới về công tác tại đơn vị chưa lâu, Đại tá Bùi Hải Đường - Giám thị trại tạm giam chưa hết ngỡ ngàng bởi tính chất phức tạp ở môi trường này. Đại tá Bùi Hải Đường chia sẻ: Đây là lĩnh vực công tác mới đầy nguy hiểm, cám dỗ, đòi hỏi cán bộ quản giáo phải có bản lĩnh vững vàng, một ý chí thép. Một nguyên nhân khách quan là hiện nay, số lượng tử tù chờ thi hành án khá cao. Sức chứa nhà tạm giam có hạn, cán bộ quản giáo còn mỏng, do vậy việc quản lý gặp nhiều khó khăn. Trước đây, chính tại trạm giam này, đã có một số cán bộ mắc sai lầm, bị phạm nhân dụ dỗ dẫn tới vi phạm pháp luật, nên Ban Giám thị Trại xác định, việc đầu tiên phải xây dựng đội ngũ cán bộ quản giáo tinh thông nghiệp vụ, bản lĩnh vững vàng, kiên định thì mới đáp ứng yêu cầu được giao. Chính vì vậy, hầu hết cán bộ quản giáo đều yên tâm công tác, tuyệt đối chấp hành mọi mệnh lệnh, kỷ luật của đơn vị.  

Diễn đàn "thắp sáng ước mơ hoàn lương" là sinh hoạt văn hóa bổ ích cho các phạm nhân ở Trại tạm giam Công an tỉnh Hòa Bình.

Chúng tôi gặp nữ phạm nhân tên V.T.T ở Bắc Giang đang say sưa bên vườn hoa phía trước Trại tạm giam. T có dáng người nhỏ nhắn, ưa nhìn, mắt đượm buồn. Có lẽ quá khứ lầm lỗi khiến T bị tổn thương tinh thần khá nhiều. Vốn là con ngoan, trò giỏi, được mọi người quý mến, T bị phát hiện khi điều hành một đường dây mại dâm. Cái ngày T bị bắt và kết án tù, mọi người đều không tin một cô gái trẻ, hiền lành lại có thể trở thành "tú bà". Đó là một câu chuyện dài mà mỗi lần nhắc lại, T rơm rớm nước mắt. T bảo, em có lỗi với gia đình, với những người sinh thành và nuôi em khôn lớn. Ba mẹ oán trách em bao nhiêu, em tự trách bản thân mình bấy nhiêu. Chỉ có khép lại quá khứ để hướng tới tương lai, sửa chữa lỗi lầm, trở thành người tốt thì T mới đáp lại tình thương yêu mà gia đình và bè bạn dành cho mình.

Vốn là cô gái có cá tính mạnh mẽ, T đứng dậy từ chính chỗ em vấp ngã. Em tự hứa với bản thân sẽ cố gắng cải tạo thật tốt để được hưởng khoan hồng và trở về với gia đình. Trong suốt quá trình thi hành án tại Trại tạm giam Công an tỉnh Hòa Bình, T chấp hành tốt mọi nội quy của phân Trại, nghe lời cán bộ quản giáo, hòa nhã với các phạm nhân khác. Nhờ tính cách cẩn thận, chu đáo và khéo léo, T được giao chăm sóc vườn hoa. Đây là công việc khó, đòi hỏi phải có sự tỷ mỷ, sâu sát thì hoa mới tươi tốt được. Ngày lại ngày, vườn hoa do T chăm sóc đua nở, làm dịu đi cái nóng oi ả giữa ngày hè. Chứng kiến thành quả có được, dù đã cố gắng kìm nén song lạ thay, giọt nước mắt hạnh phúc cứ thế trào ra trên khóe mắt T. T muốn nói với cha mẹ, muốn nói với cán bộ quản giáo rằng, em có thể làm được và đã thành công.

Để khơi dậy tính bản thiện trong mỗi phạm nhân, Ban Giám thị trại tạm giam Công an Hòa Bình đã tổ chức cuộc vận động viết thư "Gửi lời xin lỗi" nhằm tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của can, phạm nhân về ý nghĩa nhân văn của việc "gửi lời xin lỗi". Cán bộ quản giáo sẽ phát giấy, bút, hướng dẫn và tạo điều kiện về thời gian, đồng thời cử cán bộ trực tiếp đi liên hệ, tiếp xúc với những người nhận thư để đánh giá thái độ và ứng xử của họ, tạo điều kiện để tổ chức cho gặp, đối thoại giữa người viết thư và người nhận thư, vận động gửi thư hồi âm góp phần giáo dục phạm nhân cải tạo tiến bộ.

Theo nữ quản giáo trẻ tuổi Xa Thị Hoài Thu, ngay sau khi phát động, cuộc vận động viết thư "gửi lời xin lỗi" được các phạm nhân hưởng ứng tích cực. Nhiều phạm nhân chia sẻ, sau khi phạm tội họ ăn năn, hối hận vì đã gây hậu  quả xấu cho xã hội và nhiều gia đình. Trong thâm tâm, họ mong có cơ hội để gửi lời xin lỗi chân thành tới người thân, người bị hại.

"Chúng tôi sẽ tích cực viết thư gửi để cho tâm hồn được thanh thản và mong được mọi người tha thứ" - một phạm nhân chia sẻ. Phạm nhân thường có cảm giác đơn độc và khép kín. Do vậy, những lá thư từ phía gia đình và người thân chính là nguồn sức mạnh kịp thời để những phạm nhân có thêm niềm tin để cải tạo thật tốt, sớm được trở về với gia đình. Đã có nhiều phạm nhân sau khi nhận được thư từ phía gia đình, người thân trở nên vui vẻ, lạc quan hơn, chấp hành tốt các quy định của Trại. Mỗi lần nhận được thư, họ đều muốn chia sẻ niềm vui với những phạm nhân khác. Đây là một nét văn hoá rất đáng quý và đáng trân trọng để thức tỉnh tính bản thiện trong mỗi con người.

2. Vừa nhâm nhi chén trà nóng, Giám thị Trại tạm giam Bùi Hải Đường nhắc tới một cán bộ quản giáo kỳ cựu, người dành trọn cuộc đời gắn bó với công việc đầy khó khăn, phức tạp này. Đó chính là Trung tá Nguyễn Khắc Hùng - Đội trưởng Đội quản giáo, một cán bộ quản giáo mẫn cán, luôn hết mình với công việc. Năm nay người quản giáo kỳ cựu này đã bước qua tuổi ngũ tuần, anh có thâm niên 36 năm gắn bó với nghề quản giáo.

Nguyễn Khắc Hùng sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống ở vùng quê Thanh Oai (Hà Nội). Ngay từ khi còn nhỏ, qua lời cha kể, hình ảnh các chiến sỹ Công an không quản hiểm nguy, không run sợ kẻ ác, sẵn sàng hy sinh bản thân để bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân để lại ấn tượng sâu đậm trong tâm trí anh. Sau 1 năm rèn luyện tại Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động (Bộ Công an), nhận thấy chất "thép" trong Nguyễn Khắc Hùng, lãnh đạo Ty Công an Hà Sơn Bình (nay là Công an tỉnh Hòa Bình) đã điều động anh về công tác tại Trại tạm giam để giáo dục và cảm hóa những can phạm cứng đầu, cộm cán. Thế rồi, cái nghiệp quản giáo gắn bó với anh từ đó đến nay.

Trung tá Nguyễn Khắc Hùng giáo dục, cảm hóa nhiều phạm nhân nơi trại giam Hòa Bình.

Ngay từ những ngày đầu có mặt tại Trại tạm giam, Nguyễn Khắc Hùng được giao trông coi những can phạm vốn là những đối tượng giang hồ có số má từng gieo rắc biết bao nỗi sợ hãi cho xã hội. Trước khi công tác tại Trại, mặc dù được cảnh báo về môi trường đầy khó khăn, gian khổ, anh cũng không nghĩ rằng thực tế lại khác xa những gì anh tưởng tượng. Với khả năng thích ứng nhanh nhạy với môi trường, với những kinh nghiệm được anh tích lũy thời gian huấn luyện tại Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động giúp anh có bản lĩnh vững vàng, kiên định. Anh sớm khẳng định được bản thân và trở thành cán bộ cốt cán, được lãnh đạo tin tưởng giao quản lý, giáo dục nhiều can phạm nhân có quá khứ đầy u ám. Anh không nhớ mình đã trông coi biết bao đối tượng lĩnh án cao như chung thân, tử hình.

 "Dù bị kết án tử thì họ vẫn là con người, họ có cha, có mẹ, có trái tim biết rung động. Vì vậy, chúng tôi vẫn dành sự trân trọng, đối xử với họ như người bình thường để họ sống những ngày còn lại trong thanh thản. Nhiều đối tượng trước khi ra pháp trường đã không quên chào từ biệt, họ thấm thía lỗi lầm và cầu mong được xã hội, người đời tha thứ. Chứng kiến những thời khắc đó, tôi không khỏi xúc động và cầu mong những người khác có ý định phạm tội hiểu được suy nghĩ của họ để sống tốt đẹp hơn" - Trung tá Nguyễn Khắc Hùng chia sẻ. 

Sống trọn đời với nghề, Trung tá Nguyễn Khắc Hùng là cán bộ mẫu mực về đạo đức và lối sống, là tấm gương cho cán bộ trẻ noi theo học tập. Trong con người Trung tá Nguyễn Khắc Hùng luôn có niềm đam mê cháy bỏng, tâm huyết được giáo dục, quản lý những con người một thời lầm lỗi, đánh thức tỉnh tính bản thiện trong con người họ.

Những cán bộ quản giáo như thiếu úy Xa Thị Hoài Thu, Trung tá Nguyễn Khắc Hùng hay Giám thị Bùi Hải Đường đã góp phần tạo nên môi trường Trại tạm giam Công an tỉnh Hòa Bình đậm tính nhân văn, thực sự là nơi ươm mầm thiện, thức tỉnh những mảnh đời lầm lỗi. Họ vẫn ngày đêm say sưa với công việc cảm hóa con người. Họ hạnh phúc khi chứng kiến những phạm nhân một thời lầm lỗi trở về cộng đồng, đoàn tụ với gia đình, với xã hội. Ngày chia tay, họ bịn rịn, nắm chặt tay cán bộ quản giáo bày tỏ lòng tri ân, giúp họ tìm lại giá trị cuộc sống. "Làm bất kỳ việc gì đều phải xuất phát từ cái tâm", đó dường như là kinh nghiệm đáng giá mà người quản giáo kỳ cựu Nguyễn Khắc Hùng tích lũy được qua gần 40 năm công tác.

Chia tay Trại tạm giam Công an tỉnh Hòa Bình khi trời đã xế chiều, chúng tôi thấy thấp thoáng cán bộ quản giáo vẫn tận tình hướng dẫn phạm nhân lao động cải tạo giữa bạt ngàn cây. Họ vẽ nên một bức tranh đẹp giữa núi rừng Tây Bắc. Có lẽ, chỉ môi trường Trại tạm giam mới có sự giao thoa, hòa quện giữa cán bộ quản giáo và phạm nhân như vậy. Chúc các anh sức khỏe và vững tin trên con đường đã chọn.

An Chi
.
.