Nơi các anh nằm xuống

Thứ Năm, 16/06/2016, 09:12
Khu di tích lịch sử Bàu Rong, một ngày hè rực nắng và tím ngắt màu hoa bằng lăng. Tượng đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Công an Tây Ninh trong kháng chiến chống Mỹ vươn lên trời xanh bảng lảng mấy cụm mây trắng bay về hướng núi Bà Đen, tinh khôi trong nắng. Khu rừng tán thấp chia từng ô râm mát, như vẫn còn đung đưa những cánh võng của các anh thuở nào, văng vẳng nhịp phách một bài ca vọng cổ đầy khí phách của lớp trai trẻ thời chiến tranh cứu nước. 


Con đường rẽ vào Khu di tích Bàu Rong lổn nhổn đất đỏ, ổ gà ổ trâu đọng nước qua mấy cơn mưa đầu mùa. Hai ven đường, cách một rãnh thoát nước là vườn cao su khoảng sáu năm tuổi, đang chuẩn bị cạo mủ.

Một cựu chiến binh xã Long Khánh tình nguyện là “xe ôm” cho khách, chỉ những vạt cao su xanh bời bời, nói: “Hồi mấy ông an ninh trụ ở đây, xung quanh là bàu cỏ và ruộng nước, rừng cây rậm rạp. Sau giải phóng dân mới khai hoang, cải tạo đất trồng cao su. Trước kia làm gì có đường. Bọn địch tìm cách càn quét, đánh phá mà vô phương”.

Thời kỳ địch mở chiến tranh cục bộ (1965-1968), cuộc chiến đã nâng lên quy mô mới, rất ác liệt. Nhất là khi quân Mỹ tràn vào miền Nam, thì mức độ ác liệt càng tăng. Ba căn cứ của Ban An ninh Tây Ninh ở Bàu Rong, Bời Lời, Dương Minh Châu bị địch tìm cách đánh phá dữ dội. Căn cứ Bàu Rong là một vị trí quan trọng tại Bến Cầu, từng làm địch điên đầu với những đợt vận động nhân dân đấu tranh chính trị, diệt ác phá kiềm, phá ấp chiến lược, tấn công vào đồn bót, trụ sở trọng điểm của địch; làm thất bại nhiều hoạt động do thám, gián điệp của địch.

Văn nghệ sĩ Tây Ninh chụp ảnh kỷ niệm tại tượng đài CAND ở Bàu Rong.

Bàu Rong trở thành chiếc gai nhọn chọc vào mắt Mỹ - ngụy, vì vậy chúng tăng cường tấn công, đánh phá ác liệt vào căn cứ này. Ngày 26 tháng 6 năm 1968 là một ngày đau buồn nhất của Ban An ninh tỉnh. Quân Mỹ dùng đến máy bay B52 để đánh vào Bàu Rong. Lực lượng An ninh Tây Ninh tổn thất nặng nề nhất trong trận này. Mười cán bộ, chiến sĩ đã hi sinh, có những đồng chí cán bộ nòng cốt như Hai Hòa – Phó Ban tuyên giáo Tỉnh ủy; Tư Quách- Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Sáu Hữu-Trưởng Ban an ninh tỉnh; Hai Trưởng-Phó Ban an ninh của huyện Châu Thành và Bến Cầu; Ba Phó Tiểu ban bảo vệ chính trị An ninh tỉnh và một số đồng chí khác.

Công tác của Ban An ninh tỉnh tưởng chừng bị tê liệt. Nhưng các đơn vị đã nhanh chóng ổn định tổ chức, kết hợp cùng nhân dân và lực lượng vũ trang trong tỉnh liên tiếp đánh trả quân địch. Trong giai đoạn đế quốc Mỹ “Việt Nam hóa chiến tranh”, Ban An ninh tỉnh đã tiêu diệt làm thương vong hơn 1.300 tên địch, bắt sống 346 tên, phá hủy 9 đồn và công sở tề, bắn rơi 2 máy bay và phá hủy 14 xe quân sự.

Một vùng đất lịch sử đầy oanh liệt và bi tráng. Những người dân Bến Cầu chúng tôi gặp gỡ hôm nay đều không giấu niềm tự hào đó. Lớp trẻ trên quê hương Long Khánh- Long Phước, hai xã biên giới đi đầu trên mặt trận bảo vệ an ninh, chủ quyền biên giới của huyện Bến Cầu, đang phát huy truyền thống anh dũng hi sinh vì An ninh Tổ quốc của cha anh. Máu của các anh hùng liệt sĩ đang thắm vào màu xanh tươi mát của vùng đất biên cương.

Ông Hà Duy Khuyền, trưởng thôn người Thái gần Đồn biên phòng Long Phước cho biết, gia đình ông và 12 hộ người Thái khác ở huyện Bá Thước – Thanh Hóa đã tìm vào đây từ năm 1992. “Đất chưa lành mà chim đã đậu”. Ông Khuyền cười, bảo “may hơn khôn”, vừa chuyển về ấp Phước Trung mấy năm thì Nhà nước cấp cho 2 sào đất thổ cư và một mẫu đất hoang. Lúc đó chưa cấy trồng gì được, đất vùng biên đầy mìn, trái (lựu đạn), dân phải tự rà phá mà canh tác.

Bà Hà Thị Chung vợ ông kể lại, có những ngày ông Khuyền lặn lội qua bên kia biên giới tìm cắt dây mắc mật về bán, cả đêm không về. Hai mẹ con ôm nhau nằm nghe gió hú, khóc không ngủ vì lo sợ. Biên giới còn chưa yên, lỡ ông ấy có bề nào hai mẹ con biết làm sao. “Hồi ấy làm gì được ngon lành như bây giờ. Người ngợm đen thùi lùi, gầy vơ gầy váo. Đói hoa cả mắt”.

Đất nhà ông đào lên được một trái mìn chống tăng to tướng và vô số lựu đạn, trái M79… Dần dà, đất cũng được giải phóng khỏi bom mìn, lại nảy chồi những màu xanh của khoai mì, ngô lúa. Cuộc sống đã ổn định. Bây giờ thì khác rồi. Mía, thuốc lá, rau đậu, lúa… trải kín mặt đất một thời đạn bom. Và người dân đều biết, trên từng công đất đều thấm máu những chiến sĩ an ninh quả cảm.

Trong cuộc họp tổng kết công tác phối hợp đảm bảo an ninh trật tự biên giới giữa hai xã Long Khánh và Long Phước với các xã Ba Vet; Ta Y; Norum; KoKyXom thuộc huyện Xoài Tiệp (Campuchia) mới đây, lực lượng Công an xã của cả hai nước đều đánh giá tình hình các xã giáp ranh đều ổn định, đoàn kết. Ông Trưởng Công an xã Long Khánh nói: “Bà con hai nước đi lại thăm viếng, đám tiệc thật vui. Không có xâm canh, xâm cư tranh chấp đất biên giới”.

Cuối năm 2015, trên địa bàn xã Long Khánh chỉ xảy ra hai vụ việc dân sự, là một thanh niên ở xã Ninh Điền, huyện Châu Thành phạm tội hiếp dâm phụ nữ, xảy ra trên đất bạn nên Công an xã bàn giao cho chính quyền phía Campuchia xử lý. Vụ khác, một người đàn ông Campuchia qua làm thuê, để xe máy cạnh rẫy không khóa nên bị mất trộm. Công an xã Long Phước đang tiến hành điều tra.

Dâng hương tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ .

Ông Tư Mong, một chủ xưởng mộc tại đây, luôn có ba, bốn thanh niên làm nghề, trong cuộc nhậu với khách thành phố đã khoe: “Thanh niên ở đây đều ngoan! Không đứa nào ghiền ma túy hết. Khắp hai xã vùng biên này, có một thằng sử dụng ma túy, nhưng đang ngồi bóc lịch trong trại giam rồi”.

Con đường rải nhựa chạy qua xóm người Thái ở ấp Phước Trung tới đồn biên phòng Long Phước rầm rập xe tải, máy kéo, máy cày chạy qua ngày đêm. Ông trưởng xóm cho hay, cách đây hơn chục năm, đoạn đường này lầy lội, ngập ngụa bùn đất chỉ có xe bò bánh gỗ là ra vào được. Con đường hiện nay thì như vậy, chạy thẳng ra biên giới, tạo mối thông thương, đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước.

Ông Huỳnh Thanh Hùng, trước kia là Trưởng phòng Thông tin văn hóa huyện, nay trực tiếp về làm Bí thư Đảng ủy xã Long Phước cho rằng, việc thực hiện Hiệp ước biên giới năm 1985 giữa hai nước được nhân dân trong xã thực hiện rất nghiêm chỉnh. Bà con có ruộng, đất sát biên giới được tuyên truyền giáo dục không được cắm cột rào sát đường biên, tích cực tham gia bảo vệ cột mốc biên giới.

Các xã giáp ranh phía Campuchia luôn hỗ trợ Việt Nam kiểm tra, bắt giữ các đối tượng người Việt trộm cắp tài sản đưa sang nước bạn tiêu thụ, thông báo, bắt giữ các đối tượng nước ta bị truy nã đang lẩn trốn bên Campuchia cho Công an Việt Nam.

Vừa qua, hai xã Long Khánh, Long Phước tiếp tục thực hiện các ký kết với các xã Ba Vet; Tà Y; Norum; Kokyxom (Campuchia) về công tác phòng chống tội phạm vận chuyển, mua bán ma túy, mua bán vũ khí, vật liệu nổ, mua bán người… để giữ gìn trật tự an ninh tuyến biên giới trên địa bàn phụ trách.

Ông Natikhol, Trưởng xã Ba Vet, thông qua phiên dịch đã gửi lời cảm ơn chính quyền xã Long Phước, trong năm 2015 đã đưa đoàn bác sĩ thiện nguyện Hàn Quốc sang Campuchia khám và phát thuốc miễn phí cho gần 900 người, tặng 500 phần quà cho người dân hai xã Tà Y và Ba Vet. “Tình đoàn kết hữu nghị được thể hiện ở tấm lòng nhân dân Việt Nam. Xã Long Phước đã hỗ trợ cho chúng tôi hai giếng khoan trị giá 8 triệu đồng. Hỗ trợ hơn 60 triệu đồng để chúng tôi sửa chữa, nâng cấp hơn 10km đường giao thông nông thôn. Chúng tôi cảm ơn những người bạn Việt Nam”.

Bên đài tưởng niệm liệt sĩ Công an nhân dân, tranh thủ lúc còn chút nắng, anh Hàm Chương-một doanh nhân kiêm Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn học huyện Bến Cầu-say sưa giới thiệu với khách về địa đanh Bàu Rong và những chiến công oanh liệt của Ban An ninh Tây Ninh những ngày kháng chiến. Lần đọc trên tấm bia ghi danh các anh hùng liệt sĩ, có hơn năm trăm tên tuổi những cán bộ, chiến sĩ an ninh quê khắp miền đất nước đã nằm xuống nơi đây, góp xương máu cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc.

Nhịp sống vùng biên đang thay đổi, từng ngày càng văn minh hiện đại hơn. Bệnh viện đa khoa Bến Cầu mới xây dựng giữa khu đồng rộng nằm kề tỉnh lộ 768, với những trang thiết bị y tế hiện đại. Một trường Mầm non quy mô đang được gấp rút hoàn thành trên đất Long Phước với vốn đầu tư trên 1 tỉ đồng. Những người từng gắn bó với chiến trường Bến Cầu nhiều năm trong cuộc chiến tranh biên giới cuối thập kỷ bảy mươi thế kỷ trước, nay về thăm lại không khỏi ngỡ ngàng về sự lột xác, chuyển mình của vùng biên một thời hoang vu, đầy bom mìn. Ai cũng rưng rưng khóe mắt. Các anh đã nằm xuống, để có được ngày hôm nay, cho vùng đất biên cương Bến Cầu.

Phùng Phương Quý
.
.