Những người lính chiến giữa thời bình

Thứ Năm, 18/11/2010, 11:08
Luôn đối mặt với những tên tội phạm liều lĩnh, manh động, sẵn sàng chống trả bằng các loại vũ khí nóng, cường độ làm việc cao và nguy hiểm luôn rình rập, dấu ấn về Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ trong những năm gần đây luôn gắn liền với những vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng nhưng lại được khám phá trong thời gian ngắn nhất. Các anh vẫn được mệnh danh là "những người lính chiến giữa thời bình".

Là một trong những đơn vị chủ lực của Lực lượng Cảnh sát nhân dân, Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội (CSĐTTPVTTXH, tức Cảnh sát Hình sự) là những chiến sĩ trên tuyến đầu đấu tranh phòng chống tội phạm hình sự. Luôn đối mặt với những tên tội phạm liều lĩnh, manh động, sẵn sàng chống trả bằng các loại vũ khí nóng, cường độ làm việc cao và nguy hiểm luôn rình rập, dấu ấn về Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ trong những năm gần đây luôn gắn liền với những vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng nhưng lại được khám phá trong thời gian ngắn nhất. Các anh vẫn được mệnh danh là "những người lính chiến giữa thời bình".

Phú Thọ là tỉnh miền núi có đường giao thông thuận lợi, có các khu công nghiệp lớn. Những năm gần đây, kinh tế phát triển mạnh, đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao. Tuy nhiên, tội phạm hình sự trên địa bàn cũng biến chuyển muôn hình vạn trạng, phức tạp và tinh vi; trong đó có những loại tội phạm hình sự đặc biệt nguy hiểm như giết người - cướp tài sản, giết người thi hành công vụ, cướp giật tài sản. Mặc dù chưa hình thành các băng nhóm hoạt động theo kiểu "xã hội đen", nhưng trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều những thanh thiếu niên hư tụ tập thành nhóm, sử dụng hung khí như súng kíp, dao, kiếm để giải quyết mâu thuẫn cá nhân… Điều ấy cho thấy, tình hình tội phạm về trật tự xã hội còn nhiều phức tạp cả về đối tượng lẫn quy mô hoạt động.

Hẹn gặp nhiều lần, cuối cùng, tôi cũng đã có được một buổi làm việc với Thượng tá Hà Minh Tân - Trưởng phòng CSĐTTPVTTXH Công an tỉnh Phú Thọ để nghe ông kể về những vụ án, những chiến công của đơn vị trong thời gian qua. Thật ra, những gì còn đọng lại trong trí nhớ của tôi trong buổi làm việc hôm ấy cũng chỉ là những lát cắt chắp vá bởi cuộc trò chuyện luôn bị xé lẻ bởi rất nhiều tiếng gõ cửa, rất nhiều những cuộc điện thoại, rất nhiều công việc có tên và không tên đòi hỏi người Phó thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra phải giải quyết. Cho nên, dẫu lần này có viết được một vài điều gì đó về các anh - những người lính chiến giữa thời bình - thì tôi cho rằng, đó cũng chỉ như những chớp sáng của ánh đèn flash, đủ lóe lên trong một vài thời khắc rồi lại cuốn đi giữa bụi bặm phố phường…

Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an tỉnh Phú Thọ) lên đường làm nhiệm vụ.

Khẩu hiệu thi đua Vì An ninh Tổ quốc của đơn vị trong năm 2010 được treo trang trọng với dòng chữ thật giản dị: "Kỷ cương, lương tâm, vì nhân dân phục vụ". Nghe ra, không được "hình sự" cho lắm, bởi đã là khẩu hiệu thì thường phải hô hào, lên gân một chút, nhưng đằng này, hai chữ "lương tâm" như một nốt lặng vậy. Nghe tôi nêu nhận xét của mình, Thượng tá Hà Minh Tân cười: "Khác với án kinh tế, hậu quả từ những vụ án về trật tự xã hội bao giờ cũng tác động mạnh, trực tiếp đến đời sống xã hội, gây nên sự hoang mang, lo lắng trong dư luận. Nếu không tổ chức điều tra, khám phá nhanh, bắt kẻ gây án phải chịu sự trừng phạt của  pháp luật thì không chỉ khiến dư luận bất an, mà hơn ai hết, chính chúng tôi đều cảm thấy "lương tâm như bị... nợ nần".

… Một buổi sáng mùa hè như bao buổi sáng khác, dân làng xã Bình Bộ, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ thức dậy, lục tục rủ nhau ra đồng. Nhưng không gian tĩnh lặng của làng quê trong buổi sáng tưởng như bình yên ấy bị xới tung lên: Như một kẻ điên cuồng, 9h sáng ngày 23/6/2010, Nguyễn Công Dụng (tên thường gọi là Công), sinh năm 1965, trú tại khu 10, xã Bình Bộ hùng hổ xông vào nhà anh Nguyễn Công Chính, sinh năm 1963, ở cùng khu, dùng dao cắt cổ làm anh Chính chết ngay tại chỗ. Chưa hết, hắn tiếp tục dùng dao đâm nhiều nhát vào chị Hán Thị Chi, sinh năm 1968, là vợ của anh Chính, sau khi được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện, do vết thương quá nặng cũng đã tử vong.

Giết vợ chồng anh Chính xong, Nguyễn Công Dụng đã tự tay phóng hỏa đốt nhà của anh Chính rồi sang nhà chị Cao Thị Thơm, sinh năm 1974, cũng là người cùng khu, dùng dao đâm và cắt cổ chị Thơm khiến chị Thơm tử vong tại chỗ. Hành động điên cuồng của kẻ giết người vẫn chưa dừng lại. Thấy cháu Nguyễn Đức Thịnh, sinh năm 1996, là con trai của chị Thơm chứng kiến cảnh mẹ bị giết đã hoảng loạn hô hoán, y đã đâm nhiều nhát khiến cháu Thịnh tử vong. Gây án xong, y chạy lên bờ đê cướp chiếc xe máy của một người trong khu rồi bỏ trốn…

Cả làng Bình Bộ hôm ấy, mọi việc ngưng trệ. Đâu đâu người ta cũng bàn tán về hành vi giết người dã man của tên Dụng. Các phương tiện truyền thông ngay lập tức đăng tải những thông tin này khiến cho sự bất an như một vệt dầu loang khắp tỉnh Phú Thọ. Vụ việc gây sốc với ngay cả những người đã đeo đuổi công việc đấu tranh chống tội phạm hình sự bao năm. Sự lo sợ, bàng hoàng không chỉ hiển hiện trên nét mặt của những người dân trong làng. Trong một vụ án xảy ra quá bất ngờ, một vụ án mà có tới 4 người chết trong cùng một khu, trong một vụ án mà kẻ giết người gần như công khai, bất chấp, trong một vụ án mà cái khó không phải là chỉ xác minh, tìm ra thủ phạm mà ở chỗ phải bằng mọi cách bắt ngay tên giết người để trấn an dư luận sau khi y bỏ trốn khỏi địa phương, bởi biết đâu đấy, khi nguyên nhân giết người chưa được xác minh thì rất có thể, hành động dã man của y có thể cũng chưa dừng lại ở đó. Toàn bộ lực lượng, phương tiện được huy động một cách tối đa, các biện pháp nghiệp vụ được áp dụng triệt để, công an các tỉnh Yên Bái, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Hà Nội, Quảng Ninh cùng phối hợp vào cuộc. Cuối cùng, đêm 24/6, tên giết người Nguyễn Công Dụng đã bị bắt khi y đang lẩn trốn trong một ngôi nhà trên một quả đồi thuộc khu 3, xã Tứ Yên, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Áp giải tên Dụng về cơ quan cảnh sát điều tra khi kim đồng hồ đã chỉ 1h30 phút sáng, cũng là thời điểm đánh dấu sự kết thúc của hành trình hơn 24 giờ đồng hồ các anh quên ăn quên ngủ truy tìm bằng được kẻ phạm tội.

Chiến công của những người lính hình sự Công an tỉnh Phú Thọ trong năm 2010 còn được dư luận nhân dân nhắc đến nhiều qua vụ án điều tra làm rõ thủ phạm giết người, cướp xe tắcxi xảy ra vào đêm 1/8/2010.  Khoảng 6h15' ngày 2/8/2010, một số người dân ở khu 4, xã Sông Lô, thành phố Việt Trì trong khi đi làm đã phát hiện tại ao cá ở phía ngoài đê sông Lô có một xác chết là nam giới, khoảng trên 20 tuổi, trên đầu có nhiều vết chém, vết đập gây vỡ hộp sọ.

Xác định tính chất nghiêm trọng của vụ án, lãnh đạo đơn vị đã nhanh chóng chỉ đạo lực lượng trinh sát viên, điều tra viên phối hợp với Công an thành phố bảo vệ, khám nghiệm hiện trường, tử thi, đồng thời tổ chức các hoạt động điều tra nhằm làm rõ đối tượng gây án. Nạn nhân được xác định là anh Nguyễn Xuân Chí, sinh năm 1981, là lái xe của Hãng tắcxi Thanh Tuyền ở thành phố Việt Trì.

Khoảng 3h sáng ngày 2/8,  trung tâm điều phối Hãng tắcxi Thanh Tuyền bị mất liên lạc với anh Chí. Mở rộng điều tra, cơ quan công an đã phát hiện chiếc xe tắcxi nhãn hiệu Huyndai Gets, BKS 19L 9792 màu trắng bạc là chiếc xe anh Chí điều khiển bị đối tượng gây án chiếm đoạt, sử dụng để chạy trốn khỏi hiện trường đã bị bỏ lại tại khu vực nghĩa trang thuộc thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, cách hiện trường gây án khoảng 20km. Kết quả xác minh ban đầu cho thấy, anh Chí bị các đối tượng đi xe dùng hung khí đánh chết để cướp tài sản và cướp xe tắcxi. Chỉ sau 1 ngày vụ án xảy ra, các trinh sát đã có đủ căn cứ xác định thủ phạm là Nguyễn Anh Tuấn, sinh năm 1987, trú tại khu 3, thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh (đã có 2 tiền án về tội trộm cắp tài sản và lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mới ra trại cải tạo vào tháng 2/2010) và Nguyễn Ngọc Ngạn, sinh năm 1987, trú tại khu 5, xã Bảo Thanh, huyện Phù Ninh (cũng là đối tượng có 1 tiền án về tội cố ý gây thương tích). Bằng tinh thần kiên quyết tấn công tội phạm, các mũi trinh sát tức tốc lên đường, phối hợp với công an một số đơn vị bạn giăng lưới bắt 2 kẻ thủ ác trước khi chúng chuẩn bị trốn chạy sang biên kia biên giới.

Tính chất "nóng" của các vụ án về trật tự xã hội khiến các anh lúc nào cũng như "ngồi trên lửa". Sẽ thật dễ hiểu nếu như có những người lính hình sự, dù nhà chỉ cách đơn vị hai đến ba cây số nhưng cả tuần cũng không về nhà được để thăm vợ con. Câu chuyện về một người lính của đơn vị đã "ba đồng mốt, ba đồng hai" (tuổi trên ba mươi - nói theo cách nói của các anh) do mải mê đi bắt đối tượng truy nã mà "quên" không lấy vợ là một câu chuyện khó tin. Song, chuyện cả đội truy nã họp bàn thống nhất ... viết đơn xin cho người lính ấy... ra khỏi đội để có thời gian "đi tìm hiểu" sẽ khiến nhiều người khó tin hơn. Hay như chuyện có chiến sĩ trẻ đi bắt đối tượng ngay trong ngày ăn hỏi, chờ mãi, gia đình không thấy con trai về đành "việc ta ta làm, việc nó nó làm" đã không còn là những chuyện quá hiếm ở đơn vị…

Năm 2010, Phòng CSĐTTPVTTXH Công an tinh Phú Thọ trực tiếp thụ lý 58 vụ phạm pháp hình sự với 132 bị can; đấu tranh triệt phá 19 ổ nhóm tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội, bắt 136 đối tượng, trong đó có 7 đối tượng giết người, cướp tài sản, 2 đối tượng cướp tài sản; bắt và vận động 36 đối tượng ra tự thú, trong đó có 9 đối tượng đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm, đặc biệt, 100% các vụ án đặc biệt nghiêm trọng đã được các anh điều tra làm rõ...

Đang dở câu chuyện, tôi giật mình vì tiếng điện thoại reo to... quá cỡ. Thượng tá Hà Minh Tân nói như phân trần: "Phóng viên thông cảm, phải để chuông to như thế thì mới nghe thấy, dẫu ở bất cứ chỗ nào, lính hình sự mà..."

Lê Bích Phượng (Công an tỉnh Phú Thọ)
.
.