Những người lặng thầm xoa dịu nỗi đau

Thứ Ba, 21/10/2014, 08:00
Có lẽ không bao giờ những người trong gia tộc họ Lê mà đại diện là ông Lê Trọng Bằng ở thôn Bảo Tàng, xã Quảng Lãng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên quên được ngày mà cả quê hương, dòng họ, đồng đội cùng được dự lễ truy điệu và trao nhận tấm bằng Tổ quốc ghi công cho người bác họ của mình là cán bộ điệp báo Lê Thị Nguyệt. Cùng với danh hiệu liệt sĩ, linh vị của đồng chí Lê Thị Nguyệt, cán bộ hoạt động từ thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp được dòng họ đưa về thờ cúng ở nhà thờ Tổ...

Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ bảo vệ Tổ quốc, có biết bao tấm gương chiến sĩ CAND đã hy sinh anh dũng vì hòa bình, độc lập cho dân tộc. Những mất mát ấy thật khó có thể đong đếm. Nhưng có lẽ, với thân nhân của những chiến sĩ đã hy sinh, họ sẽ an lòng và thanh thản hơn khi nhận được thông tin về hài cốt và sự vinh danh của Tổ quốc, nhân dân dành cho người thân của họ. Những cán bộ, chiến sĩ của Phòng Người có công và hậu phương Công an nhân dân (Cục Chính sách - Tổng cục III, Bộ Công an) đã nhiều năm thầm lặng làm những công việc ý nghĩa đó, xoa dịu dần nỗi đau chiến tranh trong mỗi gia đình, dòng họ và nhân lên lòng tự hào cho truyền thống lực lượng Công an...

Có lẽ không bao giờ những người trong gia tộc họ Lê mà đại diện là ông Lê Trọng Bằng ở thôn Bảo Tàng, xã Quảng Lãng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên quên được ngày mà cả quê hương, dòng họ, đồng đội cùng được dự lễ truy điệu và trao nhận tấm bằng Tổ quốc ghi công cho người bác họ của mình là cán bộ điệp báo Lê Thị Nguyệt. Cùng với danh hiệu liệt sĩ, linh vị của đồng chí Lê Thị Nguyệt, cán bộ hoạt động từ thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp được dòng họ đưa về thờ cúng ở nhà thờ Tổ.

Đồng chí Lê Thị Nguyệt sinh năm 1922 ở xã Quảng Lãng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, tham gia công tác ở Công an quận VI, Ty Công an Hà Nội từ đầu năm 1947. Cuối năm 1947, đồng chí Nguyệt được giao nhiệm vụ hoạt động điệp báo trong nội thành Hà Nội (vùng địch tạm chiếm). Do bị một tên phản bội chỉ điểm, đầu năm 1948, đồng chí Nguyệt bị Sở Mật thám Pháp bắt, tra tấn cho đến chết vào ngày 25/4/1948. Tuy nhiên, để có được những thông tin quý giá đó làm căn cứ để các cơ quan chức năng xem xét, thẩm định công nhận liệt sĩ đối với đồng chí Lê Thị Nguyệt theo đúng quy định của Nhà nước là một hành trình không đơn giản - như lời của Thiếu tá Dương Đỗ Ngọc - người trực tiếp đi xác minh, hoàn thiện hồ sơ cho các liệt sĩ. Để có được thông tin chính xác của những cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng CAND làm công tác điệp báo thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp là vô cùng khó khăn bởi tính chất công việc đòi hỏi sự bí mật tuyệt đối, càng ít người biết càng tốt. Chưa kể tới việc công tác lưu trữ tư liệu thời kỳ đó còn rất hạn chế.

Đại tá Phạm Xuân Bình, Cục trưởng Cục Chính sách, Bộ Công an trao bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân Liệt sĩ Trần Đắc Lư tại UBND xã Ngọc Lũ, Bình Lục, Hà Nam. (Ảnh: Đỗ Mạnh Hùng).

Thiếu tá Dương Đỗ Ngọc tâm sự, thông tin ban đầu trong hồ sơ về trường hợp hy sinh của đồng chí Lê Thị Nguyệt rất ít ỏi. Tra cứu tàng thư không cho kết quả gì, các anh đã kết hợp với Công an Hà Nội đề xuất phối hợp với Ban liên lạc Cựu sĩ quan hưu trí Công an. Rất may mắn họ đã có được sự hỗ trợ, giúp đỡ rất lớn về mặt tư liệu, thông tin của đồng chí Nguyễn Tài, nguyên Trưởng Ty Công an Hà Nội thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) xác nhận những đóng góp của đồng chí Lê Thị Nguyệt trong quá trình công tác.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND cung cấp thêm thông tin quan trọng là vào tháng 6/1948, khi đồng chí bị địch đưa về giam ở Căng 1, nhà tù Hỏa Lò, tại đây, đồng chí đã gặp đồng chí Thái (Duyên) cũng là cán bộ Công an Hà Nội bị địch bắt giam cùng thời điểm với đồng chí Nguyệt và được đồng chí Thái cho biết "Chị Nguyệt bị Sở Mật thám bắt tra tấn đến chết ngày 25/4/1948". Đồng chí Nguyễn Thị Nghiêm, nguyên cán bộ Công an Hà Nội từ 1947 đến 1954, đã từng có thời gian công tác cùng đồng chí Nguyệt cũng đã xác nhận đồng chí Nguyệt bị tên Hùng "đen" phản bội chỉ điểm nên đã bị bắt khi đang làm công tác điệp báo…

Không chỉ hoàn thiện hồ sơ, với trường hợp liệt sĩ Lê Thị Nguyệt, các anh còn về tận quê hương, xin được xem gia phả họ Lê để đối chiếu cho chính xác. Bởi trong những người họ hàng thân gần nhất của liệt sĩ Lê Thị Nguyệt chỉ còn ông Lê Văn Chương (ông nội của ông Chương là em ruột ông nội liệt sĩ Lê Thị Nguyệt).

Thiếu tá Dương Đỗ Ngọc chia sẻ, với nhiều trường hợp, anh là người trực tiếp nhận hồ sơ từ ban đầu cho tới trao tấm bằng Tổ quốc ghi công cho người thân của các liệt sĩ tại quê nhà. Chứng kiến lễ truy điệu thiêng liêng hay cảnh người thân của các liệt sĩ rưng rưng đón nhận tấm bằng Tổ quốc ghi công mà Nhà nước truy tặng, anh không khỏi xúc động. Cũng đã từng ở vị trí gia đình đón nhận hài cốt, danh hiệu liệt sĩ cho người chú của mình, anh hiểu niềm hạnh phúc, niềm an ủi ấy lớn thế nào.

Trong số các trường hợp liệt sĩ đã được các anh xác minh, hoàn thiện hồ sơ để truy tặng, trường hợp liệt sĩ Lê Thị Nguyệt được đưa về quê hương, dòng tộc để tôn vinh nhưng cũng có những trường hợp như liệt sĩ Nguyễn Ngọc Phong, Nguyễn Văn Lưu… vì lâu quá, không tìm được người thân nên được đưa về đơn vị. Có những trường hợp chỉ một vài tháng là hồ sơ hoàn thành nhưng cũng có những trường hợp phải vài năm, thậm chí lên tới 20 năm (từ năm 1993 đến 2013) như trường hợp liệt sĩ Phong, liệt sĩ Lưu. Được biết đồng chí Nguyễn Văn Lưu sinh năm 1926, quê quán ở khu chợ Hôm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Thời kỳ 1948 - 1949, trụ sở Ty Công an Hà Nội đóng tại thôn Văn Ông, xã Tảo Dương Văn, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây. Ngày 2/9/1949, đồng chí Lưu đang làm việc tại cơ quan thì bị máy bay Pháp ném bom trúng nơi cơ quan đóng quân, đồng chí Lưu đã hy sinh cùng 4 đồng chí khác. Còn đồng chí Nguyễn Ngọc Phong (tức Lê Thăng) làm Phó trạm trưởng trạm Diên An (Trạm giao liên hoạt động trong vùng địch chiếm đóng, làm nhiệm vụ giao liên từ ngoại thành vào nội thành và từ ngoại thành đi ra vùng tự do). Sáng ngày 17/7/1948, trên đường đi công tác, đồng chí Phong bị bọn biệt kích đi tuần tra, kiểm soát bắn và hy sinh ở đầu thôn Lộc, xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, Hà Nội.

Thiếu tá Dương Đỗ Ngọc lật cho chúng tôi xem trong tập hồ sơ đề nghị công nhận danh hiệu liệt sĩ cho 2 đồng chí này vẫn còn đính kèm những bài báo đăng trên Báo Công an nhân dân từ năm 1997, 2007 với mục đích tìm thân nhân cho 2 liệt sĩ để hoàn thiện hồ sơ. Thời gian hy sinh đã lâu, lại không tìm được thân nhân nên nhiều năm, hồ sơ vẫn chưa đủ điều kiện. Nhưng với quyết tâm của các cán bộ, chiến sĩ Phòng Người có công và hậu phương CAND, cùng với Công an Hà Nội và sự nhiệt tình của các cựu sĩ quan Công an, các anh đã có được xác nhận của những đồng chí hoạt động cùng thời điểm với hai liệt sĩ này. Giờ đây, tấm bằng Tổ quốc ghi công của hai liệt sĩ đã được đặt trang trọng tại Bảo tàng Công an Hà Nội.

Theo Thượng tá Phạm Quang Tuyển, Trưởng phòng Người có công và hậu phương CAND thì công tác thẩm định, đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền trình Thủ tướng Chính phủ quyết định tặng Bằng Tổ quốc ghi công đối với các liệt sĩ thuộc Công an các địa phương luôn là một trong những nhiệm vụ được các anh chú trọng. Năm 2013, đã có 18 trường hợp và 9 tháng đầu năm 2014 đã có 8 trường hợp liệt sĩ được truy tặng.

Để có được thành tích ấy, các cán bộ, chiến sĩ của phòng luôn căng mình trong hàng chồng hồ sơ, tài liệu. Thượng tá Phạm Quang Tuyển cho biết, với những liệt sĩ hy sinh trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ và thời gian gần đây thì việc hoàn thiện hồ sơ còn đỡ khó khăn. Riêng với các trường hợp hy sinh trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp thực sự là những thử thách không nhỏ đối với những người làm công tác này. Cùng với thời gian, tàng thư giai đoạn này còn giữ lại rất ít. Một điều may mắn là có sự hỗ trợ tích cực, nhiệt tình của các đồng chí trong Ban liên lạc Cựu sĩ quan hưu trí Công an. Tuy nhiên, một lo ngại là đa phần các bác đều đã cao tuổi, trí nhớ cũng suy giảm từng ngày. Có những khi hàng chục bộ hồ sơ được gửi đến nhưng chỉ có 1 trường hợp được giải quyết. "Nên thực sự, với nhiều trường hợp, chúng tôi như chạy đua với thời gian để tranh thủ trí nhớ, sự minh mẫn của các bác lão thành cách mạng" - Thiếu tá Dương Đỗ Ngọc chia sẻ.

Công việc của các anh luôn đòi hỏi sự chính xác, tỉ mỉ, đúng quy trình nhưng cũng rất cần sự sáng ý, linh hoạt, tránh máy móc, mất thời gian. Thiếu tá Dương Đỗ Ngọc tâm sự, có lần, anh nhận được một bộ hồ sơ, trong đó có một chi tiết chứng tỏ liệt sĩ này từng công tác ở một địa danh thuộc các tỉnh Gia Lai, Kon Tum. Công văn được chuyển vào tỉnh Gia Lai nhưng theo hồ sơ lưu trữ thì Gia Lai không có. Thay vì làm công văn gửi lại mất nhiều thời gian, anh đề nghị chuyển công văn ấy ngay sang tỉnh Kon Tum và rất may mắn là tại Kon Tum vẫn còn lưu giữ những thông tin quý giá về liệt sĩ này... Với các anh, thông tin bao giờ cũng là ưu tiên số một, sau đấy mới là các thủ tục khác. Bởi không có thông tin không hoàn thiện được hồ sơ.

Không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ, với công việc thầm lặng và ý nghĩa này, các anh luôn tâm niệm: "Dù chế độ đãi ngộ thế nào với người có công, với người đã hy sinh cũng là chưa đủ. Nên mọi nỗ lực của chúng tôi chỉ là sự bù đắp phần nào với những mất mát to lớn ấy, góp phần giúp những người còn sống an tâm, thanh thản phần nào. Đó vừa là công việc nhưng cũng là cách tri ân, tích đức cho mai sau"

Khánh Thảo
.
.