Kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh (5/1959 - 5/2019)

Những ngọn đèn trên con đường huyền thoại

Thứ Năm, 02/05/2019, 07:14
"Trường Sơn vượt núi băng rừng/ Xe đi trăm ngả, chiến công bốn mùa/ Trường Sơn Đông nắng Tây mưa/ Ai chưa đến đó như chưa rõ mình" ("Nước non ngàn dặm" - Tố Hữu) - câu thơ nhắc nhớ về biết bao chiến công của quân dân cả nước trên con đường mòn huyền thoại ấy đã được vinh danh suốt 60 năm qua kể từ ngày mở đường.


Và có một điều mà có thể nhiều người chưa biết, là bám theo những cung đường trọng điểm chạy dọc biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia ấy, còn có những ngòn đèn lặng lẽ của biết bao trạm gác Biên phòng, có bóng áo xanh của những chiến sĩ Công an tham gia bảo vệ đường trong mọi tình huống gian nan, nguy hiểm nhất.

Trong cuốn sách "Phan Trọng Tuệ - Vị Tư lệnh đầu tiên của đường Trường Sơn huyền thoại" có một phần hồi kí "Mùa mưa Trường Sơn 1965" do chính ông kể lại, có đoạn: "Đầu năm 1959, tôi được chuyển sang làm Thứ trưởng Bộ Công an kiêm Tư lệnh, Chính ủy Công an nhân dân vũ trang, phụ trách tổ chức, xây dựng lực lượng từ ngày đầu. Một lần nữa, tôi lại được trực tiếp đến với đường Trường Sơn. Nhiệm vụ của chúng tôi là xây dựng mới và củng cố lại những đồn Biên phòng, bảo vệ biên giới đất nước. Theo chỉ thị của trên, chúng tôi chỉ đạo các đồn Biên phòng đóng dọc Trường Sơn, làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới, vừa giúp đỡ cách mạng của nước bạn, vừa lo xây dựng cơ sở quần chúng, giúp đỡ bảo vệ các đoàn cán bộ vào Nam và ra Bắc, theo các tuyến đường dây giao liên…".

Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ (1917-1991) - vị Tư lệnh đầu tiên của đường Trường Sơn huyền thoại.

Ngày 19 tháng 5 năm 1959, Bộ Chính trị và Thường trực Tổng Quân ủy giao nhiệm vụ mở tuyến chiến lược Trường Sơn cho Đoàn công tác quân sự đặc biệt làm nhiệm vụ soi đường vận chuyển hàng quân sự vào Nam, tổ chức đưa đón bộ đội, cán bộ, chuyển công văn, tài liệu từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc. Đoàn được biên chế ban đầu gồm 500 cán bộ, chiến sỹ, do đồng chí Võ Bẩm phụ trách và mang phiên hiệu Đoàn 559.

Vừa bảo vệ biên giới và tham gia bảo vệ đường, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an nhân dân vũ trang thành lập hệ thống đồn đóng trên các trục đường cả Đông và Tây Trường Sơn gồm đồn Oóc Sách (nay là đồn Biên phòng Làng Ho), đồn Cha Lo, đồn Cù Bai rồi tiếp đó là đồn Lao Bảo, A Lưới, Lò Gò, Xa Mát, Kà Tum, Hoa Lư…

Cùng với đó là các đơn vị Công an bảo vệ đường tại khu vực nội địa cũng được tăng cường luôn bám đường, đồng cam cộng khổ cùng các lực lượng bộ binh, công binh, pháo binh, hậu cần và các lực lượng giao liên, thanh niên xung phong, lái xe, văn nghệ sĩ trên đường ra tiền tuyến.

Thời điểm này, các đồn Công an và Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) có nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự địa bàn đường Trường Sơn chạy qua, chống gián điệp biệt kích và cùng đồng bào các dân tộc tiến hành đảm bảo bí mật, an toàn cho tuyến đường. Những đồn trạm với mái lá đơn sơ khi đó cùng với hàng trăm binh trạm Trường Sơn đã trở thành nơi đưa đón cán bộ, chiến sỹ và vận tải hàng từ Bắc vào Nam chi viện cho miền Nam ruột thịt.

Đế quốc Mỹ đã ném xuống con đường này hơn 7,5 triệu quả bom phá, bom sát thương và hàng triệu quả mìn các loại. Trong kí ức của những người lính Trường Sơn năm ấy, hình ảnh những chiến sĩ Công an mang quân hàm xanh đứng trên trạm gác tiền tiêu, bình tĩnh quan sát quân thù đang gầm rú trên bầu trời, hay những lần các anh đứng chắn trước bom nổ chậm, ra hiệu chỉ đường cho xe đi an toàn vẫn là những hình ảnh lẫm liệt và đáng yêu biết mấy.

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn - nguyên Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn cảm động chia sẻ: "Lính Trường Sơn chúng tôi vô cùng nể phục các đồng chí bên Công an. Bởi khi bom đạn mù trời, chúng tôi còn có thể sơ tán vào rừng hoặc hang đá, các binh trạm cũng di dời lán trại để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Còn các chiến sĩ Công an thì chỉ có thể bám đồn, bám trạm để bảo vệ biên giới, bảo vệ đường một tấc không đi, một li không rời. Các anh như cột mốc sống giữa đạn bom, như ngọn hải đăng giữa đêm rừng âm u để mọi người có thể tìm đến bất cứ lúc nào". 

Nếu ai đã từng xem lại những hình ảnh về các chiến sỹ Công an trong bộ phim tài liệu "Trạm gác chân đèo" sản xuất năm 1969 đang được lưu tại Điện ảnh Công an nhân dân thì sẽ hiểu sâu sắc hơn: Trong hàng ngàn chiến công trên đường mòn huyền thoại, còn in đậm dấu ấn và sự hi sinh của những chiến sĩ Công an trên cung đường của máu và lửa. Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị Công an, CANDVT đóng dọc đường mòn Hồ Chí Minh như Cha Lo, Làng Ho, Cà Xèng, Óc Sách, Cù Bai… tổ chức cho hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu để bảo vệ tuyến đường.

Đã có hàng trăm cán bộ, chiến sĩ bám biên giới, bám bản, bám đường, giúp đỡ nhân dân sơ tán an toàn dưới làn bom như trút nước của kẻ thù, cùng bà con lợp lại mái nhà, dựng lại lán trại, tiếp tục cấy cày, trồng trọt. Những chiến sĩ trinh sát luồn sâu vào địa bàn địch, thu thập thông tin để chống gián điệp, biệt kích và thám báo.

Những chiến sĩ quân y lặn lội dưới tán lá rừng đang héo mòn vì chất độc hóa học để thu thập mẫu vật, khuyến cáo bà con tránh xa chất độc giết người. Những chiến sĩ Phòng cháy lúc nào cũng sẵn sàng chiến đấu với khói lửa, cứu hộ cho những bản làng hay cánh rừng trên dọc dài Trường Sơn.

Đường Hồ Chí Minh hôm nay.

Những chiến công ấy của các anh không chỉ được ghi trong sử xanh, trong những trang văn, thước phim tài liệu mà còn được khái quát trong ca khúc "Đêm Cha Lo" của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Ông đã thức trọn một đêm xuân Cha Lo và viết lên những dòng nhạc đầy tự hào: "Bao đêm xuyên rừng âm u qua bao vách lèn hoang vu, hay giữa chốn bom đạn giặc Mỹ, ta gìn giữ miền biên khu. Khi xuất kích gian nan rừng sâu. Tình yêu thương đồng đội có nhau. Mỗi ngọn núi con sông nơi Trường Sơn. Vẫn ấm áp tình dân…".

Ngày đó, hòng chia cắt, phá hủy con đường chiến lược của cách mạng Việt Nam, Mỹ - ngụy đã giội xuống nơi đây hàng trăm ngàn tấn bom, đạn để ngăn chặn các đoàn xe vận tải chi viện cho chiến trường miền Nam. Vững vàng trên chốt lửa, Đồn CANDVT Cha Lo, Tiểu đoàn 929 CANDVT đã chốt giữ đêm ngày để bảo vệ biên giới và an ninh khu vực, chiến đấu dũng cảm với nhiều đợt tấn công của máy bay kẻ thù và tiêu diệt hàng chục tên thám báo. Đồn Cha Lo vinh dự được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1967.

Đồn CANDVT Oóc Sách cũng là cái tên quen thuộc với những người lính vượt tuyến vào Nam năm nào. Bà con người Rục nơi đây hẳn vẫn chưa quên câu chuyện những chiến sĩ Công an Oóc Sách vượt truông, vượt rú để đưa đồng bào từ cuộc sống trong hang đá về lập làng Ho ngay sát đường Hồ Chí Minh.

Tháng 8-1969, Bộ Tư lệnh Trường Sơn còn xây dựng tuyến đường ống thép dẫn dầu dọc các trục đường 10, 16, 18, 24, 9,  làng Ho trở thành địa điểm cấp phát súng, đạn, quân trang, lương thực, thực phẩm cho bộ đội trước khi vào Nam. Những chiến sĩ CANDVT Oóc Sách đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình tại khu vực trọng điểm này.

Cũng từ con đường, một chiến sĩ Công an ưu tú của dân tộc Khùa trên biên giới Việt Lào là đồng chí Hồ Phòm đã dũng cảm nhận nhiệm vụ đột nhập vào các đồn của địch để nắm tình hình và quân số của địch. Đối mặt với muôn vàn nguy hiểm, thậm chí chấp nhận tự sát nếu bị phát hiện để không bị lộ thân phận và bí mật Quốc gia, đồng chí Hồ Phòm đã thu thập được nhiều tin tức quan trọng, góp phần giúp lực lượng ta đánh tan đồn Lằng Khằng, điểm chốt La Te năm 1961, mở ra tuyến đường cho xe qua lại nước Lào. Năm 1970, ông vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Từ con đường mòn huyền thoại trong chiến tranh, con đường Hồ Chí Minh hôm nay ngày một rộng dài, bề thế và nhộn nhịp người xe qua lại. 60 năm đã qua, chúng ta hẳn không quên rằng, công trình kì vĩ ấy đã được tạo nên bằng sức sáng tạo và lòng quả cảm của những người mở đường, bằng lòng dân chở che, bảo vệ và tiếp thêm nguồn lực, bằng sự ủng hộ, sẻ chia của bạn bè quốc tế. Con đường thể hiện sâu sắc ý Đảng lòng dân, biểu tượng của khối đoàn kết liên minh 3 nước Đông Dương.

Phạm Vân Anh
.
.